Hãy tưởng tượng bạn đang chuẩn bị tham gia một bữa tiệc. Bạn cảm thấy phấn khích, nhưng cũng rất lo lắng, và cảm giác ở trong bụng lúc này như thể có một nhịp tim khác. Có thứ gì đó đang kìm hãm bạn, để bạn không thấy quá hạnh phúc. "Không, mình không thể quá vui vẻ. Tốt hơn là nên cảnh giác, không thì điều tồi tệ có thể xảy ra." Bạn bắt đầu phân vân: "Mình nên nói chuyện với ai khi đến đấy? Nếu không ai nói chuyện với mình thì sao? Nếu họ thấy mình kỳ dị thì sao?" Khi bạn đến bữa tiệc, có người đến và bắt chuyện với bạn, và khi đó tâm trí bạn bắt đầu chạy đua, tim đập liên hồi, bạn bắt đầu toát mồ hôi, và cảm giác giống như là bạn đang tách ra khỏi chính mình, giống như một trải nghiệm ngoài-cơ-thể và bạn đang xem mình nói chuyện. Bạn tự nhủ "Bình tĩnh nào" nhưng vẫn không thể. Và điều đó chỉ càng tồi tệ hơn: sau một vài phút trò chuyện, người bắt chuyện với bạn sẽ bỏ đi, và bạn cảm thấy như bị đánh bại hoàn toàn. Điều này đã xảy ra với bạn trong nhiều tình huống xã hội từ rất lâu rồi. Hoặc hãy tưởng tượng mỗi khi bạn ra ngoài và đến những nơi đông đúc, bạn lại bắt đầu cảm thấy hoang mang. Khi bạn bị vây quanh bởi nhiều người, như là trên xe bus, bạn bắt đầu thấy nóng, buồn nôn, khó chịu, và để tránh cho điều đó xảy ra, bạn bắt đầu tránh những nơi làm bạn cảm thấy cô đơn và bị cô lập. Bạn hoặc người ở trong hai tình huống ấy mắc chứng rối loạn lo âu, và tôi có thể nói với bạn rằng chứng lo âu rất phổ biến, hơn cả những gì mà mọi người nghĩ. Hiện nay trên thế giới, cứ 14 người lại có một người mắc chứng rối loạn lo âu, và phải tốn hơn 42 tỉ đô-la mỗi năm để điều trị vấn đề sức khỏe tâm thần này. Để chứng minh với các bạn ảnh hưởng của chứng lo âu tới cuộc sống, tôi sẽ chỉ đề cập rằng chứng lo âu có thể dẫn đến trầm cảm, bỏ học, tự sát. Việc tập trung và giữ việc làm trở nên khó khăn hơn, và có thể làm đổ vỡ mối quan hệ. Nhưng nhiều người không biết về bệnh này, đó là lý do tại sao họ nhiều lần giấu lo âu dưới một tấm thảm như thể một trạng thái khó chịu phải vượt qua, như là một điểm yếu. Nhưng chứng lo âu còn hơn thế. Lý do rất nhiều người nghĩ rằng nó không quan trọng là họ không biết nó là gì. Là tính cách của tôi, hay một căn bệnh? Cảm giác đó bình thường không? Nó là gì? Đó là lý do tại sao cần phải phân biệt đâu là sự lo lắng bình thường và đâu là chứng rối loạn lo âu. Lo lắng là cảm xúc bình thường mà chúng ta đều trải qua khi chúng ta ở trong những tình huống căng thẳng. Ví dụ như bạn đang ở trong rừng, và đối mặt với một con gấu. Điều này có thể làm bạn cảm thấy lo lắng, và có thể bạn sẽ chạy thục mạng. Cảm xúc lo lắng này là tốt vì nó bảo vệ bạn, cứu bạn và nó khiến bạn nhanh chóng rời khỏi đó, mặc dù khi gặp một con gấu thì chạy không phải là ý hay. Tôi không nghĩ bạn có thể chạy thoát khỏi một con gấu. Sự lo lắng giúp chúng ta hoàn thành công việc đúng hạn và đối phó với những tình huống khẩn cấp trong cuộc sống, tuy nhiên khi cảm xúc lo âu lên quá độ và phát sinh trong những tình huống không gây ra mối đe dọa thực sự, có thể bạn đã mắc chứng rối loạn lo âu. Ví dụ, những người mắc chứng rối loạn lo âu nói chung thường lo lắng quá mức và liên tục về mọi thứ xảy ra trong cuộc sống của họ, và họ rất khó kiểm soát được nỗi lo. Họ cũng có triệu chứng bồn chồn, sợ hãi, khó ngủ vào buổi tối và không thể tập trung vào công việc. Dù bạn có mắc kiểu lo âu nào đi chăng nữa, luôn có cách để bạn làm thuyên giảm nó. Nó hiệu quả và đơn giản hơn bạn nghĩ. Chúng ta thường xuyên dùng thuốc để điều trị các rối loạn tâm thần, nhưng điều đó không hiệu quả trong thời gian dài. Những triệu chứng sẽ quay lại và việc điều trị của bạn sẽ chẳng đi đến đâu. Vậy nên hãy cân nhắc điều này: cách mà bạn đối phó hoặc xử lý mọi chuyện có ảnh hưởng trực tiếp tới mức độ lo lắng bạn đang trải qua, và nếu bạn điều chỉnh cách đối phó, bạn có thể làm giảm sự lo âu. Nghiên cứu của chúng tôi tại Đại học Cambridge, đã chỉ ra rằng phụ nữ sống ở những vùng nghèo có nguy cơ mắc chứng lo âu cao hơn là phụ nữ sống tại những vùng giàu có hơn. Kết quả này không làm chúng tôi bất ngờ, nhưng khi nghiên cứu kỹ hơn chúng tôi thấy rằng phụ nữ sống ở vùng nghèo, nếu họ có bộ phương pháp đối phó cụ thể họ đã không mắc chứng lo âu, trong khi phụ nữ sống ở khu vực nghèo mà không có phương pháp đối phó thì mắc chứng lo âu. Những nghiên cứu khác chỉ ra những người phải đối mặt với các hoàn cảnh cực đoan, đối mặt với nghịch cảnh, từng trải qua chiến tranh và thiên tai, nếu họ có phương pháp đối phó, họ vẫn rất khỏe mạnh và không hề mắc rối loạn tâm thần, còn những người gặp khó khăn tương tự nhưng không có kỹ năng đối phó thì rơi vào bế tắc và phát triển những rối loạn tâm thần. Vậy những phương pháp để đối phó là gì và chúng ta nên sử dụng chúng như thế nào để làm giảm lo âu? Và trước khi đi sâu vào chúng, tôi muốn chỉ ra rằng - và tôi nghĩ điều này rất thú vị - bạn có thể tự mình phát triển các phương pháp hay kĩ năng đối phó qua những việc bạn làm. Bạn có thể chịu trách nhiệm cho nỗi lo lắng và làm giảm nó, điều này thật quyền năng, tôi nghĩ vậy. Hôm nay tôi sẽ nói về ba phương pháp đối phó và phương pháp thứ nhất là cho phép mình cảm thấy có thể điều khiển cuộc sống. Những người cảm thấy họ kiểm soát cuộc sống của mình tốt hơn có sức khỏe tâm thần tốt hơn. Nếu bạn cảm thấy mình đang thiếu kiểm soát trong cuộc sống, thì nghiên cứu cho thấy rằng bạn cần tham gia vào các trải nghiệm mang lại nhiều quyền điều khiển hơn. Tôi sẽ giải thích ý này: có phải đôi lúc bạn phát hiện ra mình bỏ qua việc bắt đầu điều gì đó chỉ vì bạn cảm thấy chưa đủ sẵn sàng? Bạn thấy khó đưa ra các quyết định kiểu mặc gì, ăn gì, hẹn hò với ai, nhận công việc nào? Bạn có xu hướng lãng phí rất nhiều thời gian trong việc quyết định nên làm gì để rồi chẳng làm gì cả? Có một cách để vượt qua sự phân vân và thiếu kiểm soát trong cuộc sống, là làm tới đi. Có một câu của nhà văn, nhà thơ GK Chesterton nói rằng: "Việc gì đáng làm cũng đáng để làm tệ vào lần đầu tiên." Tại sao câu nói này có tác dụng đến thế, là vì nó làm bạn quyết định nhanh hơn và phóng thẳng bạn tới chỗ hành động, bằng không, bạn sẽ dành hàng giờ để nghĩ xem bạn nên làm thế nào hoặc bạn nên làm gì. Việc này có thể làm bạn tê liệt và khiến bạn thậm chí sợ hãi bắt đầu. Rất thường xuyên, chúng ta hướng đến sự hoàn hảo và cuối cùng không làm gì hết vì ta đặt cho bản thân những tiêu chuẩn quá cao đến mức đáng sợ, gây áp lực cho chính mình và khiến ta trì hoãn việc bắt tay vào làm gì đó hoặc chúng ta thậm chí có thể bỏ mặc tất cả mọi thứ. Làm việc tệ lúc ban đầu sẽ giải phóng bạn tới chỗ hành động. Tôi nghĩ các bạn hiểu điều này: chúng ta thường muốn làm điều gì đó một cách hoàn hảo đến độ không thể bắt đầu cho tới khi thời điểm hoàn hảo đến, tới khi ta có tất cả kĩ năng nhưng điều này nghe rất nản và căng thẳng. Vậy thì tại sao không nhảy bổ vào việc và làm tới đi dù gì chăng nữa, không lo sợ nó sẽ tốt hay dở? Cách này sẽ khiến sự bắt đầu trở nên dễ dàng hơn rất nhiều và bởi bạn đã làm rất dở để hoàn thành công việc đó, nên khi nhìn lại, bạn sẽ nhận ra rằng thực sự nó không dở đến thế. Một người bạn thân của tôi mắc chứng lo âu đã sử dụng câu châm ngôn này, và cô ấy nói rằng: "Khi tớ bắt đầu áp dụng nó, cuộc đời của tớ hoàn toàn thay đổi. Tớ nhận ra mình có thể làm xong việc nhanh hơn nhiều so với trước kia. 'Làm tới đi' cho tớ đôi cánh để mạo hiểm, để thử làm gì đó theo cách khác, và để có nhiều niềm vui hơn trong toàn bộ quá trình. Nó đem nỗi lo ra khỏi mọi thứ và thay thế bằng niềm hứng khởi." Vậy nên "làm tới đi", và bạn vẫn có thể cải thiện trong khi bạn làm. Tôi muốn các bạn nghĩ về điều này: nếu bạn bắt đầu dùng châm ngôn này hôm nay cuộc đời bạn sẽ thay đổi như thế nào? Chiến lược đối phó thứ hai là tha thứ cho bản thân, và nếu bạn làm được điều này, nó thực sự có sức mạnh. Những người mắc chứng lo âu thường nghĩ nhiều về việc họ làm sai, những lo ngại của họ, và họ cảm thấy tệ như thế nào. Hãy tưởng tượng bạn có một người bạn không ngừng chỉ ra mọi thứ bạn đang làm sai và mọi thứ sai sót trong đời bạn. Bạn chắc hẳn sẽ muốn thoát khỏi người này ngay lập tức, phải không? Vâng, những người mắc chứng lo âu làm thế với chính họ suốt cả ngày. Họ không tử tế với bản thân. Vậy nên có lẽ đã đến lúc chúng ta bắt đầu tử tế hơn với chính mình, đã đến lúc bắt đầu giúp đỡ chính mình, hãy bắt đầu bằng việc tha thứ cho bản thân về bất cứ lỗi lầm nào bạn nghĩ bạn đã gây ra vài phút trước cho đến những lỗi lầm trong quá khứ. Nếu bạn hoảng loạn và xấu hổ về chúng, hãy tha thứ cho mình; nếu bạn từng muốn nói chuyện với ai đó, nhưng đã không thể gom hết can đảm mà làm vậy, đừng lo lắng về việc đó, cứ để nó qua đi; tha thứ cho bản thân về bất kể điều gì và mọi điều và cách này sẽ mang lại cho bạn nhiều cảm thông hơn cho chính mình. Bạn sẽ chưa hồi phục chừng nào bạn chưa thực hành nó. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, xác định một mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống là một cơ chế đối phó rất quan trọng. Bất kể chúng ta làm gì trong đời, bất kể công việc gì chúng ta tham gia, dù chúng ta kiếm được bao nhiêu tiền, chúng ta cũng không hạnh phúc trọn vẹn cho đến khi ta biết có người cần mình, có người tin tưởng vào thành quả của chúng ta, hoặc vào tình yêu chúng ta chia sẻ. Chúng ta không cần lời hay ý đẹp của người khác để tiếp tục cuộc sống, nhưng nếu chúng ta không làm việc vì ai đó khác trong tâm trí, thì nguy cơ cao là chúng ta sẽ có sức khỏe tâm thần kém hơn. Nhà thần kinh học nổi tiếng Tiến sĩ Victor Frankel nói: "Với những người nghĩ rằng chẳng có gì đáng sống và chẳng có gì để mong đợi ở cuộc đời nữa, vấn đề là làm cho họ nhận ra cuộc sống vẫn mong đợi ở họ." Làm việc vì ai đó khác trong tâm trí giúp bạn vượt qua những lúc khó khăn nhất. Bạn sẽ biết lý do cho sự tồn tại của mình và có khả năng chống đỡ bằng mọi cách; chống đỡ bất kể như thế nào. Thế nên câu hỏi là bạn có làm ít nhất một điều gì vì ai đó khác trong tâm trí? Đó có thể là làm tình nguyện, hoặc là chia sẻ với người khác kiến thức bạn có được hôm nay, đặc biệt với những ai cần nó nhất, có nhiều người không có tiền để trị liệu, và họ thường là những người có khả năng cao nhất mắc các rối loạn lo âu. Chia sẻ kiến thức với họ, vì nó thực sự có thể cải thiện sức khỏe tâm thần của họ. Cho nên tôi muốn kết thúc thế này: một cách khác để bạn làm việc vì ai đó khác trong tâm trí là hoàn thành những việc có ích cho thế hệ mai sau. Ngay cả khi họ sẽ không bao giờ nhận ra bạn đã làm gì cho họ, cũng không quan trọng, vì bạn sẽ biết, và bạn sẽ nhận ra sự độc nhất và quan trọng của đời bạn. Xin cảm ơn. (Vỗ tay)