Bạn sợ mèo đen chứ? Bạn có mở dù khi đang ngồi trong nhà không? Bạn có cảm giác gì về con số 13? Dù tin hay không, chắc hẳn bạn đã khá quen với những niềm tin mê tín trên. Vậy tại sao khắp nơi trên thế giới người ta lại gõ lên gỗ, và tránh đi lên vết kẻ nứt trên vỉa hè? À thì, dù những việc làm này không dựa trên cơ sở khoa học rất nhiều trong số những niềm tin và tập quán mê tín lại có nguồn gốc khá cụ thể và kì quặc. Vì chúng liên quan đến nguồn gốc siêu nhiên, không có gì ngạc nhiên khi có rất nhiều mê tín dựa trên tôn giáo. Chẳng hạn như, con số 13 gắn liền với Bữa tối Cuối cùng trong Kinh Thánh nơi Giê-su ăn tối với 12 tông đồ trước khi bị bắt giữ và hành hình. Và ý nghĩ rằng có 13 người tại bàn là một điềm gở rốt cuộc đã lan rộng sự ám ảnh đến bất cứ mọi nơi về con số này. Hiện nay, nỗi sợ số 13 hay còn gọi là triskaidekaphobia, phổ biến đến nỗi nhiều tòa cao ốc khắp thế giới không có tầng thứ 13, mà tính thẳng từ 12 lên 14. Tất nhiên, nhiều người tin rằng câu chuyện Bữa tối Cuối cùng là có thật nhưng cũng có những mê tín khởi nguồn từ tôn giáo được rất ít người biết hay nhớ đến. Hành động gõ lên gỗ được cho có xuất xứ từ văn học dân gian của người Ấn-Âu cổ đại hoặc có thể là những người thuộc niên đại sớm hơn nữa tin rằng cây là nơi trú ngụ của rất nhiều linh hồn. Chạm vào cây có thể sẽ nhận được che chở hoặc phước lành từ những linh hồn ngụ trong đó. Và chẳng biết làm thế nào mà, truyền thống này tồn tại rất lâu sau khi niềm tin này đã dần phai nhạt. Có rất nhiều quan niệm mê tín phổ biến xuất hiện từ Nga cho đến Ireland ngày nay được cho là tàn dư của ngoại giáo, thứ được thay thế bởi Thiên Chúa Giáo. Nhưng không phải tất cả mọi mê tín đều mang tính tôn giáo. Một số sinh ra từ những sự kiện ngẫu nhiên hay sự kết hợp xui rủi. Chẳng hạn, nhiều người Ý sợ con số 17 vì dạng số La Mã có thể đổi nó lại thành "vixi", nghĩa là "đời tôi tiêu rồi". Tương tự thế, trong tiếng Hoa, con số 4 đọc lên nghe như "tử", tức là "chết". Điều này diễn ra ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc là nơi mượn rất nhiều từ tiếng Hán. Và vì số 1 đọc lên nghe như "phải", số 14 đọc lên sẽ giống như "phải chết". Có rất nhiều con số mà thang máy và các khách sạn tránh dùng. Và dù tin hay không, một vài niềm tin mê tín nghe rất có lí, hay ít nhất là cho đến khi chúng ta quên mất đi nguồn gốc của nó. Chẳng hạn, nhà hát thường dùng các phông nền tô vẽ lớn, được các kĩ thuật viên điều khiển thông qua việc huýt sáo. Nhưng tiếng huýt nhầm nhọt có thể gây ra tai nạn. Và huýt sáo sau cánh gà vẫn là việc cấm kị đến tận ngày nay, rất lâu sau khi các kĩ thuật viên sử dụng tai nghe radio thay thế. Đốt ba điếu thuốc liên tiếp từ cùng một que diêm cũng có thể mang đến tai họa nếu bạn là lính nấp trong hố đào nơi mà giữ một que diêm cháy quá lâu có thể thu hút mũi súng của kẻ địch. Đa số người hút thuốc ngày nay không lo về súng bắn tỉa nữa, nhưng niềm tin trên thì vẫn tiếp tục. Vậy sao người ta lại bám lấy các chuyện tôn giáo bị lãng quên, những sự tình cờ, và những lời khuyên đã lỗi thời? Rõ ràng là chúng phi lí cơ mà? Ừ đúng thế, nhưng đối với nhiều người, niềm tin mê tín dựa trên tập quán văn hóa nhiều hơn là niềm tin có ý thức. Nói cho cùng, chẳng ai vừa sinh ra đã biết tránh đi dưới những chiếc thang hay huýt sáo trong nhà, nhưng sau đó nếu dần dần được gia đình tiêm nhiễm những điều này, khả năng là bạn sẽ thấy khó chịu thật, ngay cả khi bạn hiểu rằng chẳng có gì tồi tệ sẽ xảy ra. Cũng bởi vì những việc như gõ lên gỗ chẳng tốn mất bao nhiêu sức lực, việc tin theo nó rõ là dễ hơn nhiều so với việc suy xét rồi phản đối. Bên cạnh đó, những niềm tin mê tín có vẻ cũng thường xuyên có tác dụng. Bạn nhớ có lần đánh cú ăn điểm trực tiếp khi mang đôi tất may mắn. Nhưng đó thật ra chỉ là kí ức chọn lọc trong não ta. Rất ít khả năng bạn nhớ được tất cả các lần mình đánh trượt khi mang chính đôi tất ấy. Nhưng tin như thế thực sự có thể khiến bạn chơi tốt hơn bằng cách tạo cho bạn một ảo giác rằng mình có khả năng kiểm soát tốt hơn. Vì vậy trong những trường hợp mà sự tự tin có thể làm nên chuyện, như trong thể thao, thì xem ra mê tín đến đâu cũng chẳng điên rồ lắm đâu.