(Thức chuông) (Chuông) (Tiếng Pháp) Con nghĩ ngày nay có nhiều người sợ hoặc không thích sự tĩnh lặng. Cả ngày họ bật nhạc, bật TV. Con băn khoăn liệu điều đó có nghĩa là họ sợ phải đối mặt với chính mình? (Tiếng Anh) Con thấy rằng ngày nay có nhiều người sợ sự im lặng. Họ thích bật nhạc hay TV hay làm điều gì đó giúp lấp khoảng trống. Thiền sinh này muốn biết: Có phải là vì họ sợ phải đối mặt với chính mình? Có thể chúng ta có cảm giác trống trải, cảm giác cô lập, buồn sầu, chộn rộn không yên trong mình. Và khi tĩnh lặng, những cảm giác này... hiện lên rất rõ, sự trống trải, âu lo, cảm giác bơ vơ, thiếu vắng tình thương. Con thấy trống rỗng. Con không thấy an vui. Con thấy thiếu vắng. Và nhiều người trên thế giới cũng trải qua cảm giác này. Bên trong là trống rỗng, không tình yêu, không an lạc. Chúng ta thấy thiếu thốn điều gì đó, Có những nỗi buồn, sự sợ hãi, tức giận trong ta. Và mỗi khi yên lặng, những điều ấy hiện lên rất rõ ràng. Chúng vẫn luôn ở đó! Bởi vậy, rất nhiều người trong chúng ta... cố gắng dùng sự tiêu thụ để quên đi. Ví dụ như khi con thấy lo lắng, cảm giác bơ vơ trống trải. Và... con không đủ khả năng đối mặt ... với cảm giác cô đơn trống trải đó. Thế là con đến mở tủ lạnh và tìm cái gì đó để ăn. Nhưng con biết con không đói, con không thực sự cần ăn. Con ăn vì con muốn khỏa lấp cảm giác cô đơn, bất an trong con. Và con béo lên sau khi ăn quá nhiều. (Cười) Hoặc con nghe nhạc, con bật TV hay con đọc báo. Đó là những gì đa số mọi người khắp thế giới thường làm khi họ thấy trống rỗng. Và đó là căn bệnh chung của loài người trong thời đại văn minh này. Thế nên người ta có bán mọi thứ với đủ loại phương tiện có thể giúp chúng ta cố gắng quên đi những nỗi khổ bên trong, nỗi cô đơn bên trong. Trong những thứ họ bán cho ta để khỏa lấp nỗi đau, có nhiều thứ độc hại. Nếu chúng ta dùng, ta còn thấy cô đơn hơn, còn tức giận hơn... và cả tuyệt vọng. Bởi nhiều thứ ta đọc từ sách hay tạp chí đó, nhiều thứ ta thấy trên TV hay trên mạng đó, khiến ta còn tuyệt vọng hơn, sân hận hơn. Như vậy, mỗi ngày mọi chuyện lại trở nên nghiêm trọng hơn, do những thứ ta hấp thụ vào không có chánh niệm. Đó là lí do tại sao ta cần thực hành giới thứ năm, về sự tiêu thụ có chánh niệm. Chúng ta cần phải học cách tạo niềm vui và an lạc, bằng phép thực tập chánh niệm trong hơi thở và bước chân. Chúng ta cần học cách tự tạo bình an để có được những điều tốt đẹp trong ta. Như thế, những khoảnh khắc yên lặng sẽ giúp chúng ta tận hưởng và trải nghiệm nhiều hơn cảm giác an lạc, hạnh phúc mà ta đã tạo ra trong quá trình thực hành. Nếu ta ngồi đây và chú tâm tới ánh mặt trời ngoài kia, đám cây xanh kia, trảng cỏ và khóm hoa nhỏ xinh đang nhú lên khắp nơi kia, Ta thấy ngoài kia thật đẹp! Ngoài kia là mùa hè rực rỡ. Và hành tinh của chúng ta tươi đẹp quá. Nhiều người trong chúng ta không có khả năng xúc chạm với những điều tuyệt diệu này của cuộc sống xung quanh, bởi ta không biết thực hành chánh niệm để đưa tâm ý về an trú ngay tại đây và ngay lúc này. để tiếp xúc với các yếu tố giúp nuôi dưỡng và trị liệu những yếu tố có thể mang lại cho ta phúc lạc. Ta không có những điều tốt đẹp này trong ta. Ta chỉ có những thứ tiêu cực như hờn giận, cô đơn, v.v... Ta có thể ngồi trên cỏ, thở và cảm thấy hạnh phúc. Khi đó ta có thể nghe thấy tiếng chim hót, tiếng gió nô đùa trên những lùm cây. Những điều này đều có tính chất nuôi dưỡng và trị liệu. Nhưng không có nhiều người biết về điều đó Vì thế thực tập chánh niệm sẽ giúp nuôi dưỡng ta, trị liệu cho ta. Và rồi... Mỗi khi có cảm giác khổ đau trỗi dậy trong ta ta biết thực tập chánh niệm, ta không cần phải ra ngoài, mua sắm và tiêu thụ để quên đi. Thực ra, ta biết làm thể nào để nhận diện được khổ đau. Ta biết nhẹ nhàng ôm lấy nó, thấu hiểu nó. Và thế là ta bắt đầu chuyển hóa nó thành cái gì đó tích cực. Ta có thể biến rác thành hoa. Đó là lý do vì sao ta phải thực tập. Để đương đầu được với những khổ đau chung của xã hội, ta phải học thực tập chánh niệm. Ta chăm sóc thân ta, cảm thọ của ta, những cảm giác của ta. Và thực tập chánh niệm giúp ta làm được điều đó. Thực tập chánh niệm có thể mang lại cho ta niềm vui niềm hạnh phúc Sự thực tập có thể giúp ta xử lý được với cảm giác khổ đau. Ta có thể khơi dậy tình yêu thương, sự thấu hiểu trong ta. Và ta sẽ có cảm giác tròn đầy. Ta trở thanh nguồn phúc lạc cho những người khác, những người thương của ta, vì ta có rất nhiều thứ để trao tặng. Ngồi gần ta họ sẽ cảm thấy an lạc, hạnh phúc, bởi ở ta có cái cảm giác tròn đầy, có tình thương và hạnh phúc trong ta. Và... trong suốt thời gian thực tập ta cần sự tĩnh lặng, vì sự tĩnh lặng giúp ta trở về với chính ta giúp ta tiếp xúc được với hơi thở của ta, với thân ta với những hạnh phúc, khổ đau của ta, để từ đó ta có thể chăm sóc cho chính ta, cả thân và tâm ta. Và khi ta có thể tạo ra cảm giác hạnh phúc, an lạc, ta cũng có thể giúp mọi người làm được điều đó. Ta có thể trao tặng năng lượng của niềm vui, tình thương, của chánh niệm giúp cho anh ấy, hay cô ấy bớt khổ, giúp cho anh ấy, cô ấy... chế tác được cảm giác an lạc trong chính anh ấy, cô ấy. Đó là sự im lặng đầy hiệu quả, nó rất tích cực, rất hùng tráng. Nó không phải là loại im lặng cho ta cảm giác bị đè nén. Nó là sự im lặng quý báu. Trong đạo Bụt ta gọi sự im lặng này là "Im lặng sấm sét". Nó rất hùng tráng. Tràn đầy năng lượng. Như khi ở trong thiền đường, nếu... nếu 900 người biết cách thực tập thở vào, thở ra trong chánh niệm biết cách chế tác năng lượng của chánh niệm và bình an, thì sự im lặng đó rất mạnh, rất có tác dụng nuôi dưỡng, trị liệu. Nó không đè nén ta. Đó gọi là "Im lặng sấm sét". Với sự im lặng đó, trẻ con hạnh phúc, người lớn cũng hạnh phúc. Nếu những người đang giận dữ hay căng thẳng ngồi lại với nhau, họ sẽ tạo ra sự giận dữ tập thể, sự căng thẳng tập thể. Sự im lặng này rất tiêu cực. Ta không thể chịu được nó. Nó sẽ giết chết chúng ta. Nhưng khi ta biết làm thế nào để ngồi lại với nhau, thở cùng nhau cùng chế tác năng lượng của bình an, thư giãn, của niềm vui, thì năng lượng tập thể của sự im lặng đó lại rất nuôi dưỡng, rất trị liệu. Vì vậy ta phải học cách tạo ra sự im lặng đó trong gia đình, trong lớp học, trong Quốc hội, trong tòa thị chính. Nếu là một giáo viên, con phải biết làm thế nào tạo ra sự im lặng đó trong lớp học của mình. Nếu con là người nội trợ, con phải biết làm thế nào mang sự im lặng đó vào gia đình mình để nuôi dưỡng chính con, con của con và những người khác. Nếu con là chủ tịch Quốc hội, con có thể đề nghị thực tập như vậy để tạo ra sự im lặng đó. Khi tôi sang Ấn Độ, tôi có đến thăm chủ tịch Quốc hội nước này. Tôi đã đề nghị ông thực tập nghe chuông, thở và mỉm cười, ngay trong Quốc hội. Mỗi phiên họp bắt đầu bằng hơi thở tỉnh thức và lắng nghe chuông. Và mỗi khi tranh luận đến cao trào, mọi người không thể lắng nghe người khác nói gì nữa, thì hãy mời họ nghe chuông. Cả Quốc hội sẽ ngừng nói, ngừng nghe và thực tập hơi thở chánh niệm để tự bình tĩnh lại. Ông Narayanan, người từng là chủ tịch Quốc hội Ấn Độ đã rất thích thú với đề nghị này. Và ông đã cố đưa thực tập này vào trong Quốc hội. Mười ngày sau, khi tôi đang tiến hành khóa tu tại Chennai, có người mang đến cho tôi tờ báo. Trong đó có bài báo nói rằng, ông Narayanan đã thành lập một ủy ban, phụ trách việc thực tập này trong Quốc Hội Và ông cử cựu thủ tướng làm chủ tịch ủy ban này, lấy tên là : 'Ủy ban về Đạo đức trong Quốc hội'. Ta không biết họ thực tập được đến đâu. Nhưng rất nhanh sau đó, ông đã trở thành tổng thống Ấn Độ. Vì thế ông không thể cùng Quốc hội tiếp tục thực tập. Nếu con là thành viên của Quốc hội một nước nào đó, con có thể thử (cười) thử thuyết phục người phát ngôn của hạ viện, thượng viện làm như vậy. Đó là thực tập. Thực ra nếu con là giáo viên, là giám đốc một công ty, và chủ một doanh nghiệp, nếu con là người chủ gia đình, nếu con là... nếu con là Thị trưởng, con đều có thể tạo ra sự im lặng ấy nơi con làm việc. Nó sẽ giúp nuôi dưỡng con và đồng nghiệp của con. Tóm lại, nó tùy thuộc vào việc sự im lặng mà con tạo ra là loại nào. (Thức chuông) (Chuông)