"Nhìn tôi này!" Cụm từ đó đã biến tôi trở thành một người rất giỏi giao tiếp bằng mắt. Tôi có một người con 15 tuổi, tên Ivan. Ivan mắc chứng tự kỷ, cậu ta không nói, và chỉ giao tiếp thông qua chiếc iPad, nơi mà vốn từ của Ivan được diễn tả bằng hình ảnh. Cậu ta được chẩn đoán mắc tự kỷ khi mới hai tuổi rưỡi. Tôi vẫn còn nhớ đó là một ngày vô cùng đau đớn. Vợ chồng chúng tôi gần như gục ngã, chúng tôi không biết bắt đầu từ đâu. Không có Internet, không thể tìm thông tin trên Google, chúng tôi đã bắt đầu chữa bệnh cho con chỉ bằng trực giác. Ivan không nhìn vào mắt người khác, cậu ấy quên những từ mà mình từng biết, và cậu ấy không phản ứng lại khi nghe tên mình hay trả lời bất cứ ai. như thể từ ngữ chỉ là những tiếng ồn. Điều duy nhất mà tôi có thể biết về chuyện gì đang xảy ra với Ivan, hay cảm giác cậu ta thế nào, là nhìn vào mắt cậu ấy. Nhưng khi ấy sự liên kết đó đã không còn. Làm thế nào tôi có thể dạy Ivan về cuộc sống? Khi tôi làm những điều cậu ta thích, cậu ta nhìn tôi, và chúng tôi được nối kết. Nên tôi đã dành thời gian cùng cậu ấy làm những điều đó, để chúng tôi được giao tiếp bằng mắt nhiều hơn. Tôi và Ivan dành hàng giờ chơi đuổi bắt với chị gái của cậu ấy, Alexia, và khi chúng tôi nói: "Bắt được rồi nhé!" cậu ta sẽ nhìn quanh tìm chúng tôi, và vào giây phút đó, tôi cảm thấy con mình sống trở lại. Chúng tôi dành nhiều thời gian nhất để chơi ở hồ bơi. Ivan có niềm đam mê mãnh liệt với môn bơi lội. Tôi nhớ khi cậu ta hai tuổi rưỡi, vào một ngày đông mưa nhiều, Tôi đã đưa Ivan đến một hồ bơi trong nhà, bởi vì ngay cả lúc trời mưa, chúng tôi cũng sẽ đi bơi. Hôm ấy, tôi đã đi sai hướng trên đường cao tốc. Ivan bỗng bật khóc và không ngừng khóc cho đến khi tôi quay lại. Chỉ sau đó cậu ấy mới bình tĩnh. Làm quái nào mà một cậu bé hai tuổi rưỡi không phản ứng khi nghe tên mình; nhưng ở một nơi mưa to và đầy sương mù, đến chính tôi còn chẳng nhận ra đường, cậu ấy lại nhớ rõ đường đi như vậy? Đó là khi tôi nhận ra trí nhớ thị giác của Ivan rất phi thường. và đó sẽ là nơi tôi bắt đầu mọi thứ. Tôi bắt đầu chụp ảnh của vạn vật xung quanh, và dạy cho Ivan biết cuộc sống là gì, cho cậu ta xem, từng hình một. Ngay cả bây giờ, đó vẫn là cách Ivan giao tiếp về những gì cậu ấy muốn, những gì cậu ấy cần, và cả những cảm xúc của cậu. Nhưng không chỉ mình Ivan có khả năng tốt về thị giác, Nhiều người khác cũng có. Bằng cách nào để tôi làm người khác không chỉ để ý tới chứng tự kỷ của Ivan, mà còn để ý tới con người cậu và những điều cậu cho đi; về khả năng của cậu hay những thứ cậu ta yêu thích hoặc căm ghét, giống như bất kỳ ai trong chúng ta? Để làm được điều đó, tôi phải cố gắng hết sức. Tôi phải có dũng khí để cho cậu ấy tự do, một điều cực kỳ khó khăn. Khi Ivan 11 tuổi, cậu ấy được điều trị ở khu vực ngay gần nhà chúng tôi. Một buổi chiều, khi tôi đang chờ Ivan, tôi vào một cửa hàng bán rau, một cửa hàng rất điển hình, bán mỗi thứ một ít. Khi đang mua đồ, Tôi bắt chuyện với Jose, chủ cửa hàng. Tôi nói với anh ta về Ivan, rằng cậu ta mắc chứng tự kỷ, và tôi muốn cậu ấy học cách tự mình đi bộ xuống phố mà không cần ai nắm tay. Vì vậy, tôi quyết định hỏi Jose liệu vào hai giờ chiều mỗi thứ năm, Ivan có thể đến và giúp anh ta sắp xếp các chai nước trên kệ không, ởi vì cậu ấy thích tổ chức và sắp xếp mọi thứ. Và như một phần thưởng, cậu ấy có thể mua một vài chiếc bánh sô-cô-la không, vì đó là món yêu thích của Ivan. Anh ta nói "được" ngay lập tức. Sau đó là những gì Ivan đã làm trong một năm: đi đến cửa hàng bán rau của Jose, giúp anh ta sắp xếp các chai nước trên kệ với các nhãn tên xếp cạnh nhau một cách hoàn hảo, và cậu ấy sẽ hạnh phúc rời khỏi đó với bánh sô-cô-la của mình. Jose không phải là chuyên gia về chứng tự kỷ. Chúng ta không cần là chuyên gia hay anh hùng để giải cứu ai đó. Chúng ta chỉ cần ở đó! (Vỗ tay) (Vỗ tay kết thúc) Chúng ta không cần làm anh hùng. Chúng ta chỉ cần tạo sự gần gũi và thân thiết. Và nếu chúng ta sợ điều gì, hoặc chúng ta không hiểu điều gì, chúng ta cần phải hỏi. Hãy tò mò, nhưng đừng bao giờ vô tâm. Hãy can đảm nhìn vào mắt nhau! Vì chỉ khi đó, chúng ta mới có thể cho người khác thấy cả thế giới trong ta. (Vỗ tay) (Reo hò)