Hãy tưởng tượng bạn đang ngủ say rồi đột nhiên thức giấc! Không phải do đồng hồ báo thức. Mắt bạn mở và có một con quỷ đang ngồi lên ngực bạn, đè bạn xuống. Bạn cố gắng mở miệng, hét lên, nhưng không âm thanh nào phát ra. Bạn cố gắng đứng dậy và chạy, nhưng nhận ra mình đang hoàn toàn bất động. Con quỷ đang cố gắng bóp nghẹt bạn, nhưng bạn không thể chống cự. Bạn đã bị đánh thức trong giấc mơ của mình, và đó là một cơn ác mộng. Nghe như phim của Stephen King, nhưng đó lại là một tình trạng bệnh lý được gọi là bóng đè, và khoảng một nửa dân số đã trải qua hiện tượng kỳ lạ này ít nhất một lần trong đời. Giai đoạn hoảng loạn cùng cực khi phải đối mặt với các sinh vật từ những cơn ác mộng có thể kéo dài vài giây đến vài phút và có thể bao gồm cả ảo giác thị giác hoặc thính giác về một linh hồn xấu xa hoặc cảm giác lơ lửng thoát xác. Một số thậm chí còn nhầm lẫn bóng đè với gặp ma hay bị người ngoài hành tinh bắt cóc. Năm 1867, bác sĩ Silas Weir Mitchell là chuyên gia y tế đầu tiên nghiên cứu về hiện tượng bóng đè. "Chủ thể tỉnh dậy, ý thức được xung quanh nhưng không thể điều khiển cơ bắp. Chỉ có thể nằm nhìn những thứ đó hiện ra, anh ta cố gắng cử động trong hoảng loạn. Khi anh ta cử động được cũng là lúc lời nguyền biến mất." Dù bác sĩ Mitchell là người đầu tiên quan sát bệnh nhân bị "bóng đè", tình trạng này phổ biến đến mức mỗi nền văn hóa, theo thời gian, hình thành khá nhiều lời giải thích siêu nhiên về nó. Vào thời trung cổ ở Châu Âu, bạn có thể nghĩ rằng Incubus, một con quỷ dâm đãng trong lốt nam nhân, ghé thăm bạn vào ban đêm. Tại Scandinavia, Mare người đàn bà bị nguyền rủa, chịu tránh nhiệm ghé thăm những kẻ say ngủ và ngồi lên lồng ngực họ. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Quỷ Jinn đè bạn xuống và cố gắng siết cổ bạn. Tại Thái Lan, Phi Am gây ra những vết thâm tím khi bạn ngủ. Ở miền Nam Hoa Kỳ, mụ phù thủy già Hag tìm đến. Tại Mexico, bạn đổ lỗi cho người chết ngồi lên mình. Tại Hy Lạp, Mora ngồi lên ngực bạn, cố gắng làm bạn ngạt thở. Tại Nepal, con ma Khyaak nằm dưới cầu thang. Thật dễ dàng để đổ lỗi cho ma quỷ về "bóng đè" vì những gì thực sự xảy ra trong não thì khó để giải thích hơn. Các nhà khoa học hiện đại tin rằng "bóng đè" là do sự chồng chéo bất thường của REM (giai đoạn mắt chuyển động nhanh) và giai đoạn thức của giấc ngủ. Trong một chu kỳ REM bình thường, bạn sẽ gặp một số kích thích giác quan dưới dạng giấc mơ, và bộ não của bạn ở trạng thái vô thức và ngủ hoàn toàn. Khi mơ, chất dẫn truyền thần kinh đặc biệt được tiết ra làm tê liệt gần như mọi cơ bắp, được gọi là REM atonia. Nó giữ cho bạn không chạy khỏi giường khi bị đuổi trong mơ. Khi bị "bóng đè", bạn sẽ trải nghiệm các thành phần bình thường của REM. Bạn mơ và các cơ của bạn bị bất động, chỉ có não tỉnh giấc và trở nên có ý thức. Đó là lí do bạn tưởng tượng mình trạm chán với một mối đe dọa khủng khiếp. Điều này giải thích cho hiện tượng ảo giác, nhưng còn cảm giác sợ hãi, bị bóp cổ, khó thở, nặng lồng ngực mà rất nhiều người miêu tả thì sao? Trong quá trình REM, chức năng giữ bạn không bị mộng du,"REM atonia", cũng đồng thời loại bỏ sự tự kiểm soát hơi thở của bạn. Bạn sẽ thở nông và nhanh hơn. Bạn sẽ nhận nhiều khí cacbonic và gặp phải sự tắc nghẽn nhỏ trong đường hô hấp. Khi bị "bóng đè", sự kết hợp giữa phản ứng sợ hãi của cơ thể trước sự tấn công của một sinh vật xấu xa và việc não bị đánh thức khi cơ thể ở trạng thái REM sẽ kích hoạt một phản ứng đòi hỏi nhiều oxy hơn. Điều đó làm bạn thở gấp để lấy không khí, nhưng không thể vì REM atonia khiến bạn không thể điều khiển hô hấp. Đấu tranh để thở khi cơ thể đang ngủ tạo cảm giác nặng lồng ngực hay bị nghẹt thở. Một vài người bị "bóng đè" thường xuyên có thể bị rối loạn giấc ngủ chẳng hạn như chứng ngủ rũ, nhiều người lại bị "bóng đè" cực kì ít có khi chỉ duy nhất một lần trong đời. Giờ thì bạn có thể thở phào khi biết rằng chẳng có ma quỷ nào cố gắng ám ảnh, quấy rối, bóp cổ hay đè ngạt bạn cả. Hãy để dành chúng cho những bộ phim kinh dị!