Tháng Giêng năm 1953, một đợt thủy triều đã chấn động Bắc Hải. Những đợt sóng lớn làm ngập cả bờ biển Hà Lan, cướp đi sinh mạng của gần 2000 người. 54 năm sau, một cơn bão cũng đe dọa tính mạng người dân nơi đây. Nhưng lần này, người Hà Lan đã chuẩn bị trước. Khi nước biển dâng cao, cảm biến điện tử tối tân liền kích hoạt quy trình khẩn cấp. Trong vòng 30 phút sau, một cặp cánh tay thép dài 240 mét sẽ đóng chặt lại, bảo vệ kênh rạch phía trước nó. Sử dụng các khớp nối cầu nặng 680 tấn, lớp rào chắn này chuyển động nhịp nhàng theo chiều gió và từng đợt sóng. Khi trời sáng, cơn bão vừa qua chỉ gây ngập lụt nhẹ. Lần thử nghiệm thực tế đầu tiên của rào chắn Maeslantkering đã thành công mĩ mãn. Là một trong số các công trình di động lớn nhất thế giới, hàng rào chắn bão này là một kiệt tác của ngành kỹ thuật. Nhưng Maeslantkering chỉ là một phần nhỏ của một hệ thống kiểm soát lũ lụt đồ sộ kết nối mật thiết với nhau mang tên Delta Works - công trình phòng chống lũ phức tạp nhất trên thế giới. Hà Lan đã có một lịch sử lâu dài về việc điều tiết nguồn nước. Đất nước này có vùng châu thổ được ba dòng sông lớn ở Châu Âu đổ vào, và gần một phần tư lãnh thổ quốc gia nằm dưới mực nước biển. Điều kiện địa lý trên khiến nơi đây cực kì dễ bị lũ lụt ảnh hưởng, đến nỗi mà chính các bộ máy nhà nước Hà Lan từ xa xưa cũng phải bắt tay vào công cuộc phòng chống lũ. Nhưng đến cơn bão năm 1953, chính quyền Hà Lan đã phải quyết đoán hơn. Chính phủ đã thành lập Ủy ban Delta, và giao cho họ trọng trách bảo vệ toàn bộ vùng tây nam lãnh thổ. Tập trung vào các thành phố đông dân, mục tiêu của họ là giảm rủi ro ngập lụt xuống thấp hơn một trên 10,000 lần - an toàn gấp khoảng 100 lần các thành phố ven biển khác. Để đạt được mục tiêu khó nhằn này đòi hỏi nhiều cơ sở hạ tầng dọc bờ biển tây nam. Tuyến phòng thủ đầu tiên là xây đập cho các vùng cửa sông dễ bị lũ nhất. Những vùng vịnh hẹp này là nơi nhiều con sông đổ ra Bắc Hải, và đến mùa bão thì chúng là nơi khiến nước lũ dâng tràn vào đất liền. Bằng hệ thống nhiều con đập, Ủy ban Delta đã biến những cửa sông này thành nhiều hồ chứa phục vụ cho các khu bảo tồn và công viên công cộng. Tuy nhiên, giải pháp này không áp dụng được cho kênh Nieuwe Waterweg. Là huyết mạch của ngành hàng hải ở khu vực, con kênh phải được rộng mở vào ngày thường, và phải được che chắn lúc giông bão. Vào năm 1998, rào chắn Maeslantkering được hoàn thành giúp bảo vệ con kênh một cách linh hoạt khi cần. Cùng với các rào chắn khác, như dốc đê mọc cỏ và mương bê tông, các hàng phòng thủ này là phần cốt lõi của hệ thống Delta Works, vì mục đích chính của hệ thống là ngăn chặn bão từ biển. Nhưng ở các thập kỷ kế tiếp, Hà Lan đã lên nhiều kế hoạch mới để củng cố hệ thống Delta Works và phòng chống lũ vào sâu đất liền. Với kế hoạch "Dành đất cho Sông", các nông trại và dốc đê được tái định vị sâu hơn vào đất liền. Việc này đã giúp nước tràn vào các bãi bồi thấp, tạo ra các hồ chứa và nơi sinh sống cho nhiều động vật hoang dã. Kế hoạch rút vào sâu hơn không chỉ giảm nguy cơ lũ lụt, mà còn giúp những vùng định cư mới được thiết lập đông đúc và bền vững hơn. Có lẽ sẽ chẳng có thành phố nào ở Hà Lan điều tiết nguồn nước một cách đa chiều như Rotterdam, thành phố tuy gần như dưới mực nước biển nhưng lại rất phát triển. Khi bão giông đến, các quận lâu đời đông dân cư được các dốc đê cũ bảo vệ. Trong khi đó, các quận mới được bồi đắp xây cao hơn, với nhiều hộ còn xây mái nhà xanh để trữ nước mưa. Nhiều tòa nhà được biến thành các phương tiện tích trữ nước, bao gồm các ga-ra đỗ xe và quảng trường mà thường ngày dùng cho các vở kịch hoặc các giải đấu thể thao. Trong khi đó ở các cảng biển, nhiều sảnh đường nổi lên theo mực nước. Đây là một trong vài công trình vừa trên cạn vừa trên mặt nước đầu tiên, một số còn có hệ thống lọc nước uống và trữ năng lượng mặt trời. Các giải pháp trên chỉ là một trong số nhiều công nghệ và chính sách giúp Hà Lan vượt trội hơn hẳn trong việc điều tiết nguồn nước. Quốc gia này sẽ tiếp tục tìm ra nhiều cách giúp các thành phố kiên cố hơn trước thiên tai. Và khi mực nước biển dâng cao hơn do biến đổi khí hậu đe dọa tính mạng các thành phố thấp trên toàn thế giới, Hà Lan sẽ là một ví dụ điển hình cho việc "xuôi theo dòng đời".