Tôi sẽ không bao giờ quên được cảm giác của mình khi tôi nhìn thấy biển và lần đầu đặt chân lên chiếc thuyền đó. Với đứa trẻ bốn tuổi ấy, đó là cảm giác tự do nhất tôi có thể tưởng tượng ra. Bạn biết đấy, ở tuổi đó, tôi chỉ cảm thấy tôi chắc chắn muốn chèo thuyền quanh thế giới này một ngày, theo một cách nào đó. [Tháng 2/2005, Ellen lập kỷ lục thế giới mới khi một mình vòng quanh thế giới trong thời gian ngắn nhất] Khi bạn khởi hành những chuyến đi đó, bạn biết đấy, bạn sẽ mang theo mọi thứ cần thiết để tồn tại. Bạn chỉ có những gì bạn có. Bạn phải quản lý những thứ mình đang có đến giọt diesel cuối cùng, đến gói đồ ăn cuối cùng. Chắc chắn phải như vậy, nếu không bạn sẽ không thể đi. Rồi tôi chợt nhận ra: "Thế giới của chúng ta có khác gì đâu?" Bạn biết đấy, chúng ta có nguồn tài nguyên hữu hạn, có sẵn cho ta chỉ một lần trong lịch sử nhân loại. Kim loại, nhựa, phân bón. Ta đào chúng lên từ đất rồi dùng hết. Việc này hiệu quả trong dài hạn thế nào được? Chắc chắn ta đã có một cách khác để dùng các nguồn tài nguyên trên toàn cầu. Đó là ta dùng chúng nhưng không dùng hết. Đó là câu hỏi trong đầu tôi, và tôi đã mất một khoảng thời gian dài để nhận ra rằng ta có một cách khác để vận hành nền kinh tế này, ta có một cách khác để sử dụng các công cụ, nguyên liệu. Đó là kinh tế tuần hoàn. Cách thức hoạt động chủ yếu của kinh tế ngày nay là khai thác rất nhiều. Nó đi theo trình tự. Ta lấy ra một thứ gì đó từ lòng đất, ta chế ra một thứ gì đó từ đó. Rồi khi sản phẩm đó hết giá trị sử dụng, ta vứt nó đi. Không cần biết bạn dùng hiệu quả thế nào những nguyên liệu bạn đưa vào hệ thống đó, kể cả khi bạn làm ra sản phẩm đó mà dùng ít năng lượng hơn, ít nguyên liệu hơn chút đỉnh, bạn vẫn sẽ hết thôi. Nếu bạn đảo chiều và nhìn vào một mô hình tuần hoàn mà theo mô hình đó, khi bạn thiết kế một sản phẩm, bạn lấy nguyên liệu lên khỏi lòng đất, hay lý tưởng là bạn dùng đồ tái chế, đưa chúng vào sản phẩm, nhưng bạn sẽ thiết kế sản phẩm đó sao cho có thể thu lại những nguyên liệu này, có mục đích, ngay từ đầu. Bạn tính toán để giảm chất thải và ô nhiễm. Tại sao bạn lại tạo ra thứ này trong một thế giới tài nguyên có hạn? Đều là về thiết kế tóm tắt. Ngày nay, khi mua một chiếc máy giặt, bạn đóng thuế lúc mua máy, bạn sở hữu tất cả nguyên vật liệu làm nên máy, và khi nó hỏng, chuyện đó đương nhiên sẽ xảy ra, bạn lại đóng thuế - thuế chôn lấp. Trong một hệ thống tuần hoàn, tất cả những điều đó đều thay đổi. Bạn không sở hữu chiếc máy của bạn mà bạn trả tiền cho từng lần giặt. Chiếc máy sẽ được nhà sản xuất chăm sóc và họ sẽ đảm bảo rằng một khi chiếc máy hết giá trị sử dụng, họ sẽ thu hồi máy, họ biết có gì bên trong và họ tái sinh những vật liệu từ máy. Và cuối cùng, đúng mục đích, bạn có một hệ thống tuần hoàn. Chúng tôi đã nghiên cứu rất lâu những con số đằng sau đó, bạn biết đấy, gọi là tính kinh tế, và nó rẻ hơn rất nhiều. Chỉ 12 cent Mỹ so với 27 cent cho một lần giặt là bạn có được chiếc máy tuần hoàn đó rồi. Chúng ta sẽ sống trong một hệ thống hiệu quả. Chúng ta sẽ không tạo ra rác thải. Chúng ta sẽ có dịch vụ tốt hơn. Chúng ta sẽ tiếp cận công nghệ tốt hơn. Theo những nghiên cứu chúng tôi đã thực hiện, vì những nhà sản xuất đó không mua hết nguyên liệu, rồi bán hết chúng đi, chúng ta sẽ được hưởng một cái giá tốt hơn vì nhà sản xuất biết chắc rằng dòng chảy nguyên liệu của họ sẽ quay lại hệ thống này. Tôi vô cùng lạc quan vì khi bạn nhìn vào những con số, khi bạn nhìn vào tính kinh tế đằng sau nó, việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là hợp lý. Một nền kinh tế tuần hoàn có nhiều giá trị hơn một nền kinh tế tuyến tính. Đối với một tổ chức lớn, việc chuyển đổi tất nhiên sẽ tốn một khoản nhưng có lẽ bạn cần tự hỏi một câu hỏi khác: Rủi ro trong kinh tế tuyến tính là gì? Vì với tôi, điều đó không phải nghĩ. Kinh tế tuyến tính có một rủi ro lớn. Đơn giản, nó không thể là tương lai, dựa trên kinh tế học thuần tuý. Vậy thực chất bạn đang dành thời gian vào đâu? Bạn đang dành nỗ lực của mình vào đâu? Hãy tìm hiểu tuần hoàn thực sự là như thế nào và cố gắng vẽ ra bức tranh tuần hoàn đó một cách tốt nhất có thể. Dịch: Thu Trang Đỗ, Minh Truong Hiệu đính: Mỹ Linh