Đây là năm 15 Công Nguyên và đế chế La Mã đang trong thời kỳ thịnh vượng. Phần lớn công lao thuộc về nhà vua, nhưng thành công này khó có thể có được nếu không có những người lính trung thành như Servius Felix. Servius nhập ngũ với vai trò lính lê dương tám năm trước, khi lên 18, con trai của một gia đình nông dân nghèo, không có tiền đồ. Khác với phần lớn những người lính khác, anh không đánh bạc, nên đã dành dụm được phần lớn số tiền công. Anh còn giữ cả lộ phí, ba đồng vàng được cấp khi ghi danh nhập ngũ. Nếu sống sót đến khi xuất ngũ, anh sẽ được nhận vài mẫu đất. Anh dự định sẽ cưới người con gái mà anh ngày càng thương nhớ ở quê nhà, Nhưng anh sẽ phải chờ đến khi hoàn thành 25 năm nghĩa vụ. Và cuộc sống của người lính lê dương thì vô cùng nguy hiểm và cực khổ. Hôm nay, quân đoàn của Servius, cùng với ba quân đoàn khác, đang thực hiện một chuyến "đại hành quân", dài 30.000 bước chân, tương đương với khoảng 36 km. Trang bị và vũ khí của Servius, bao gồm kiếm, khiên, và hai mũi lao, nặng tổng cộng hơn 20 ký. Và đó là chưa kể ba lô của anh ấy, hay sacrina, đựng thức ăn và vật dụng cần thiết để dựng trại - xẻng, cưa, cuốc chim, và giỏ. Mặc dù đã kiệt sức, Servius sẽ không được ngủ nhiều tối nay. Anh được phân công ca trực đầu, đồng nghĩa với việc trông coi ngựa chở đồ và cảnh giác phòng khi có phục kích. Xong nhiệm vụ, anh trằn trọc, sợ hãi khi ngày mới bắt đầu, thứ khiến anh nhớ lại cơn ác mộng khủng khiếp nhất của mình. Bình minh, Servius ăn sáng cùng với bảy người bạn cùng lều. Như một gia đình, tất cả đều mang những vết sẹo từ trận chiến họ cùng chiến đấu. Servius đến từ Ý, nhưng những người khác đến từ khắp nơi của vương quốc, trải dài từ Syria đến Tây Ban Nha. Họ đang ở xa quê hương mình phía Bắc nước Đức. Hôm nay, quân đoàn của Servius, cùng ba quân đoàn khác dưới sự chỉ huy của Germanicus, cháu trai của Hoàng đế Tiberius, được đặt tên theo chiến thắng hiển hách của cha ông trước bộ tộc German. Mỗi quân đoàn có gần 5.000 người, được chia thành những tiểu đoàn khoảng 500 người, sau đó, chia tiếp thành những đại đội khoảng 80-100 người. Mỗi đại đội được chỉ huy bởi một sĩ quan. "Aquilifer", hay "người mang đại bàng" hành quân đầu mỗi quân đoàn mang theo cờ hiệu đại bàng. Những sĩ quan hành quân bên cạnh lính lê dương hô to mệnh lệnh, “Dex, sin, dex, sin," "Phải, trái, phải, trái", bắt đầu với chân phải vì chân trái được cho là xui xẻo hay điềm gở. Dù kỷ luật nghiêm khắc, vẫn xuất hiện những căng thẳng. Năm ngoái, một vài quân đoàn trong vùng đã nổi loạn, yêu cầu tăng lương và giảm thời gian nghĩa vụ. Nhờ vào uy tín và tài thương thuyết của tướng quân, cuộc nổi dậy quy mô lớn đã được ngăn chặn. Hôm nay là "cuộc hành quân nhỏ", chỉ khoảng 30 km. Do hệ thống đường của Germania bị bụi cây và rừng che phủ, những người lính phải đắp bờ và xây cầu để tiến quân -- việc mà gần đây họ dành nhiều thời gian để làm hơn là đánh nhau. Cuối cùng, họ đã tới điểm đến, nơi mà Servius biết quá rõ. Nó là một khoảng đất trống ở ngoại vi rừng Teutoburg, nơi mà sáu năm trước, trong triều đại của Hoàng đế Augustus, các bộ tộc German dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh Arminius đã phục kích và tiêu diệt ba quân đoàn La Mã. Khi hành quân qua một con đường hẹp, ba quân đoàn đã bị tấn công từ hai bên dưới trận mưa xối xả với đường thoát thân bị chặn kín. Đó là một trong những trận thua nặng nề nhất của quân La Mã và là nỗi nhục nhã Augustus không thể nuốt trôi. Servius là một trong số ít những người sống sót. Anh vẫn gặp những cơn ác mộng về đồng đội đã ngã xuống. Nhưng giờ đây, quân đội đã trở lại để chôn cất họ theo nghi thức quân đội. Khi giúp thực hiện công việc, anh không khỏi tự hỏi liệu những hài cốt này có thuộc về người mà anh biết. Nhiều lần muốn khóc thành tiếng, nhưng anh vẫn cố hoàn thành nhiệm vụ. Sự vẻ vang của vương quốc có thể tan theo mây gió. Những gì anh ao ước là được về hưu nơi một trang trại nhỏ với vợ sắp cưới, nếu như các thần phù hộ cho anh trong 17 năm tới.