Ngay tại thời điểm này, từng giây từng phút, những thành phố châu thổ lớn khắp thế giới đang bị nhấn chìm, bao gồm cả New York, London, Tokyo, Thượng Hải, New Orleans, và cả Bangkok của tôi nữa. Đây là phiên bản thường thấy của biến đổi khí hậu. Đây là phiên bản của tôi. Không gì cả, chỉ là một con cá sấu trên đường. Đây là tác động nguy cấp do biến đổi khí hậu: thành phố đang bị nhấn chìm. Trên hình, bạn có thể thấy quá trình hiện đại hoá của Bangkok, phát triển theo mọi hướng, thay đổi từ đất xốp, đất nông nghiệp, có thể hít thở và hấp thụ nước... thành một rừng bê tông. Một phần của thành phố sau 30 phút mưa rào, trông thế này đây. Và cứ mỗi lần có mưa, tôi ước gì xe của mình có thể biến thành thuyền Mảnh đất này không còn chỗ cho nước. Nó đã mất khả năng hấp thụ. Thực tế là khu vực đô thị Bangkok là một thành phố với 15 triệu dân sống, làm việc và đi lại trên bề mặt một đồng bằng châu thổ luôn thay đổi. Hàng năm, Bangkok bị lún xuống hơn một cm, nhanh hơn bốn lần so với ước tính mức tăng của mực nước biển. Đến năm 2030, ta có thể bị chìm dưới mực nước biển, trước khi kịp nhận ra. Không phải trùng hợp mà tôi đứng đây trên cương vị một kiến trúc sư cảnh quan. Khi còn nhỏ, tôi lớn lên trong một căn hộ liền kề gần một con đường xe cộ đông đúc. Trước cửa nhà tôi, có một bãi đỗ xe bằng bê tông, và đó là sân chơi của tôi. Cá thể sống duy nhất mà tôi tìm thấy, và chơi cùng, là những cây nhỏ đang cố mọc lên qua kẽ nứt của nền bê tông. Trò mà tôi thích chơi nhất với bạn bè là đào một cái lỗ lớn giữa kẽ nứt đó để cái cây nhỏ len lỏi -- mọc ra nhiều hơn. Và đúng vậy, kiến trúc cảnh quan đã cho tôi cơ hội tiếp tục tham vọng khơi vết nứt của mình (Tiếng cười) để kết nối những bãi bê tông này với thiên nhiên. Trước đây, người Thái chúng tôi thích nghi theo vòng quay của mùa mưa và mùa khô và bạn có thể gọi chúng tôi là "lưỡng cư". (Tiếng cười) Chúng tôi sống cả trên cạn lẫn dưới nước. Chúng tôi thích nghi với cả hai mùa. Và lụt lội là một sự kiện vui vẻ, khi nước làm đất đai phì nhiêu. Nhưng giờ đây, lụt lội có nghĩa là.. thảm hoạ. Năm 2011, Thái Lan gặp một thảm hoạ lũ lụt gây thiệt hại và tốn kém nhất lịch sử. Lũ đã biến miền trung Thái Lan thành một hồ nước lớn. Bạn có thể thấy ảnh hưởng của trận lũ ở giữa bức ảnh, và ảnh hưởng tới Bangkok trong khoảng màu vàng. Nước lũ tràn lên từ phía Bắc rồi lan ra nhiều tỉnh thành. Hàng triệu người Thái, bao gồm cả tôi và gia đình mình, phải di tản và trở thành người vô gia cư. Một số rời bỏ thành phố. Rất nhiều người lo sợ mất nhà và đồ đạc, nên bám víu ngôi nhà ngập trong nước lụt, dù không có điện hay nước sạch. Với tôi, trận lũ này phản ảnh rất rõ rằng cơ sở hạ tầng hiện đại của chúng ta, và đặc biệt là ý tưởng chống lũ lụt bằng bê tông, đã khiến ta trở nên vô cùng mong manh trước khí hậu biến đổi bất thường. Nhưng giữa tâm bão, tôi tìm thấy mục đích sống. Tôi không thể ngồi chờ thành phố của mình tiếp tục chìm xuống. Thành phố cần tôi, và tôi có khả năng giải quyết vấn đề này. Sáu năm trước, tôi bắt đầu dự án của mình. Nhóm của tôi đã thắng giải thiết kế Công viên Thế Kỉ Chulalongkorn. Đây là sứ mệnh lớn và quan trọng của trường đại học đầu tiên ở Thái Lan hưởng ứng kỉ niệm một trăm năm ngày thành lập trường bằng việc tặng thành phố một mảnh đất làm công viên công cộng. Xây một công viên có vẻ là điều bình thường với các thành phố khác, nhưng với Bangkok thì không phải vậy. Đây là nơi có diện tích cây xanh công cộng trên đầu người thấp nhất so với các siêu đô thị ở Châu Á. Dự án của chúng tôi đã trở thành công viên công cộng mới đầu tiên được xây trong gần 30 năm. Công viên này rộng gần 4.5 hecta này một vết nứt xanh cỡ lớn giữa lòng Bangkok -- vừa mở cửa năm ngoái. (Tiếng vỗ tay tán thưởng) Xin cảm ơn. (Tiếng vỗ tay) Suốt bốn năm, chúng tôi đã thúc đẩy không biết bao nhiêu cuộc họp để thuyết phục và không ngừng thuyết phục rằng công viên này không chỉ tạo cảnh quan đẹp hay giải trí mà còn phải giúp thành phố xử lí nước, nó phải giúp thành phố đối mặt với biến đổi khí hậu. Và đây là cách nó hoạt động. Bangkok là một thành phố phẳng, nên chúng tôi thu lực hút trái đất bằng việc làm nghiêng công viên để gom góp tất cả nước mưa. Lực hút trái đất kéo những dòng chảy từ điểm cao nhất xuống điểm thấp nhất. Công viên này có ba phần chính tạo thành một tổng thể. Đầu tiên là - mái vòm xanh. Mái vòm xanh lớn nhất Thái Lan, với bể chứa nước mưa ở trên và bảo tàng bên dưới. Vào mùa khô, nước mưa tích lại được sử dụng để tưới công viên trong vòng một tháng. Dòng nước chảy từ mái vòm xanh xuống vùng đất ướt phía dưới nơi những cây thực địa dưới nước có thể giúp lọc và làm sạch nước. Phía dưới thấp, có một cái hồ giữ tất cả nước lại. Ở trên hồ này, có xe đạp nước. Mọi người có thể vừa đạp nước vừa giúp làm sạch chúng. Hoạt động này trở thành một phần tích cực trong hệ thống nước của công viên. Khi đời cho bạn lũ, bạn chơi đùa với nước. (Tiếng cười) Công viên Thế Kỉ đã cho con người và nước không gian riêng, đó chính là điều chúng tôi và thành phố của mình cần. Đây là một thiết kế "lưỡng cư". Công viên này không phải để xả lũ mà là tạo ra cách sống chung với lũ. Và không có một giọt nước mưa nào bị phí phạm trong công viên. Công viên này có thể tích và giữ hàng triệu lít nước. (Tiếng vỗ tay) Xin cảm ơn. (Tiếng vỗ tay) Với tôi, mỗi dự án là một cơ hội để tạo ra những kẽ nứt xanh xuyên qua rừng bê tông. Bằng việc thiết kế cảnh quan như một cách giải quyết vấn đề, như biến nóc bê tông thành vườn trong phố, nơi có thể hấp thụ nước mưa; giảm sức nóng đô thị và trồng rau ăn giữa lòng thành phố; biến cấu trúc bê tông mà không một ai ngó ngàng thành cây cầu xanh cho người đi bộ; và một công viên chống lụt khác ở trường Đại Học Thammasat, nơi có tấm phủ xanh lớn nhất, gần như toàn bộ mái một khu trường đại học ở Đông Nam Á. Lũ lụt nghiêm trọng là một chuẩn mực mới, đặt khu vực Đông Nam Á -- vùng có nhiều miền duyên hải -- vào rủi ro vô cùng lớn. Tạo ra công viên chỉ là một giải pháp. Nhận thức về biến đổi khí hậu nghĩa là chúng ta, dù làm bất cứ ngành nghề nào, cần tăng cường hiểu biết về rủi ro khí hậu và biến mọi điều đang làm thành một phần của giải pháp. Vì nếu các thành phố của ta tiếp tục phát triển như hiện giờ, thảm hoạ tương tự sẽ lặp lại.. và tiếp tục lặp lại. Tạo giải pháp cho những thành phố đang chìm giống như biến điều không tưởng thành hiện thực. Và vì thế, tôi muốn chia sẻ với các bạn một từ mà tôi luôn tự nhắc nhớ, đó là, "tangjai." "tang" là "đứng vững", và "jai" nghĩa là "trái tim". Vững vàng trái tim nhằm vào mục tiêu của bạn. Trong tiếng Thái, khi cam kết làm một điều gì đó, bạn đặt tangjai lên trước lời nói, để trái tim đồng hành với hành động của bạn. Dù con đường đó có chông gai đến đâu, dù vết nứt đó có lớn đến đâu, bạn vẫn vươn tới mục tiêu của mình vì đó là nơi trái tim bạn thuộc về. Và đúng thế, Thái Lan là nhà. Mảnh đất này là ngôi nhà duy nhất của tôi, và đó là nơi tôi giữ tim mình vững vàng. Bạn giữ vững tim mình ở đâu? Xin cảm ơn. (Tiếng vỗ tay) Xin cảm ơn. Kop kun ka. (Tiếng vỗ tay và hưởng ứng)