Nếu ai đó bảo bạn dùng ba từ để diễn tả uy tín của mình, bạn sẽ nói gì? Người ta mô tả năng lực phán xét, kiến thức, hành vi của bạn trong những tình huống khác nhau như thế nào? Hôm nay tôi muốn khám phá cùng các bạn lí do vì sao đáp án cho câu hỏi này lại trở nên cực kỳ quan trọng trong thời đại mà uy tín trở thành tài sản quý giá nhất. Tôi sẽ bắt đầu bằng việc giới thiệu tới các bạn 1 người có cuộc đời bị ảnh hưởng bởi một môi trường có nền tảng phát triển là uy tín. Sebastian Sandys là chủ một nhà nghỉ trên trang Airbnb từ năm 2008. Gần đây, tôi gặp lại anh ta. Sau vài tách trà, anh nói với tôi anh ta trở nên giàu có nhờ việc đón tiếp du khách trên toàn thế giới. Hơn 50 người đã ở trọ tại căn nhà xây từ thế kỉ 18, nơi mà anh cùng chú mèo Squeak của mình đang sống. Tôi nhắc đến Squeak bởi vì khách trọ đầu tiên của Sebastian vô tình thấy một con chuột cống to chạy qua bếp, và cô ấy hứa sẽ không để lại lời nhận xét xấu với một điều kiện: anh ta phải nuôi mèo. Vậy nên Sebastian mua Squeak để giữ uy tín của mình. Bây giờ, có lẽ các bạn đều biết, Airbnb là mạng lưới ngang hàng, kết nối với những người có chỗ cho thuê và những người đang kiếm một nơi để trọ trên hơn 192 quốc gia. Những địa điểm cho thuê thường thấy là phòng dư cho khách qua đêm, hoặc nhà nghỉ những dịp lễ, nhưng điều kì thú là những nơi độc đáo mà bạn có thể tới: nhà cây, lều vải (của người da đỏ), nhà để máy bay, lều tuyết... Nếu không thích khách sạn, cuối đường có một tòa lâu đài mà bạn có thể thuê giá 5000 đô la một đêm. Đó là một ví dụ tuyệt vời cho thấy công nghệ đang tạo cơ hội để buôn bán những thứ chưa từng xuất hiện trên thị trường. Bây giờ tôi sẽ cho bạn xem bản đồ những địa điểm "nóng" ở Paris để thấy nó tăng trưởng nhanh như thế nào. Bức hình này từ năm 2008. Những dấu chấm màu hồng này đại diện cho những chỗ có chủ cho thuê. Dù mới chỉ 4 năm trước, để cho người lạ ở lại nhà của bạn gần như là một ý tưởng điên rồ. Cùng một góc nhìn năm 2010. Và bây giờ, 2012. Trên mỗi con phố lớn của Paris đều có một chủ trọ thuộc Airbnb. Lúc này, mọi người đang nhận ra sức mạnh của công nghệ để đánh thức những tiềm năng mới, và giá trị của mọi loại tài sản, từ những kĩ năng, đến chỗ ở, tới tài sản vật chất, theo những cách và quy mô mà trước đây chưa từng có. Đó được gọi là nền kinh tế/ văn hoá "Hợp tác tiêu thụ," thông qua đó, những người như Sebastian đang trở thành những nhà khởi nghiệp nhỏ. Họ có thêm khả năng để làm ra tiền và tiết kiệm tiền từ những tài sản sẵn có. Nhưng phép màu thực sự và nguồn lực bí mật phía sau những thị trường hợp tác tiêu thụ như Airbnb, không phải là mặt hàng hay vốn đầu tư, mà là sử dụng sức mạnh công nghệ để xây dựng lòng tin giữa những người xa lạ. Khía cạnh này của Airbnb đã đánh thức Sebastian vào hè năm ngoái khi London có bạo loạn. Anh ta thức dậy tầm 9 giờ, kiểm tra email và nhìn thấy cả đống tin nhắn hỏi anh ta: "Cậu có ổn không?" Các vị khách cũ của anh trên toàn thế giới biết, bạo loạn đang diễn ra ngay trên đường phố, và muốn hỏi xem anh ta có cần giúp gì không? Sebastian nói với tôi rằng, "Mười ba vị khách cũ đã liên lạc với tôi trước cả mẹ tôi!" Lúc này, mẩu chuyện này đã giải thích vì sao tôi lại đam mê với sự tiêu thụ hợp tác. và vì sao, sau khi viết xong sách, tôi đã quyết định tôi sẽ cố gắng truyền bá nó khắp thế giới. Bởi vì cốt lõi của nó là tiếp thêm sức mạnh. Nó tiếp lửa cho con người tạo nên những kết nối ý nghĩa, những sự kết nối cho phép chúng ta tìm lại phần con người mà ta đã đánh mất ở đâu đó trong cuộc sống, bằng cách kết nối những thị trường như Airbnb, Kickstarter, Etsy, những thị trường được xây dựng bởi các mối quan hệ cá nhân, thay vì những cuộc giao dịch vô nghĩa. Bây giờ, điều trớ trêu là những ý tưởng này đang đẩy lùi chúng ta quay về hệ thống giao dịch cũ và cách thức hợp tác cũ, vốn đã cắm sâu vào tiềm thức chúng ta. Chúng được tái tạo lại theo nhiều cách để phù hợp với thời đại bùng nổ Facebook. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta dùng tất cả những thứ xung quanh cho việc chia sẻ, trao đổi, cho thuê, buôn bán. Chúng ta cho thuê ô tô của mình trên WhipCar, mua bán xe đạp trên Spinlister, cho thuê văn phòng trên Loosecubes, vườn nhà trên Landshare. Chúng ta vay và cho vay tiền tới những người xa lạ trên Zopa và Lending Club. Chúng ta trao đổi các bài học từ cách làm sushi, đến cách lập trình trên Skillshare, và thậm chí chia sẻ thú cưng trên DogVacay. Chào mừng bạn đến với thế giới tuyệt vời của Hệ thống tiêu thụ hợp tác, cho phép chúng ta kết nối cung và cầu theo những cách dân chủ hơn. Hiện nay, tiêu thụ hợp tác đang dần tạo ra sự thay đổi về cách ta đánh giá nguồn cung và cầu, nhưng đồng thời nó cũng là một phần của sự thay đổi giá trị lớn, thay vì mọi người mua sắm những thứ đắt tiền theo phong trào, họ bắt đầu mua chúng theo nhu cầu thực sự của bản thân. Nhưng lý do chính để giải thích sự gia tăng nhanh chóng này, là vì mỗi bước tiến mới của công nghệ đều nhằm tăng hiệu suất lao động và tính kết nối xã hội bằng niềm tin để giúp sự chia sẻ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi đã quan sát qua hàng nghìn thị trường như thế này và thấy sự tin cậy và năng suất luôn là những nhân tố quan trọng. Ví dụ như sau. Đây là Chris Mok, 46 tuổi, là người mà tôi cá là ngồi ghế cao nhất ở TaskRabbit - SuperRabbit. Bốn năm trước, Chris bị mất công việc môi giới tranh nghệ thuật của mình ở Macy, điều đó rất không may, và như những người khác, anh ta chật vật đi tìm việc khác trong thời buổi suy thoái. Sau đó, anh ta tìm được một bài viết về... TaskRabbit. Lúc đó, câu chuyện đằng sau TaskRabbit bắt đầu như các câu chuyện tuyệt vời khác, với một chú chó rất dễ thương tên là Kobe. Chuyện xảy ra như thế này, vào tháng 2 năm 2008, Leah và chồng của mình đang đợi taxi để đưa họ ra ngoài ăn tối, thì Kobe chạy nhanh đến với cái mõm đang chảy nước dãi. Lúc đó họ nhận ra rằng họ đã hết đồ ăn cho chó. Kevin phải hủy chuyến xe đó và lê bước trong tuyết để mua thức ăn. Vào tối muộn ngày hôm đó, hai người đã nói chuyện, câu chuyện về việc họ cần một trang giống eBay, để cung cấp những dịch vụ lặt vặt. Sáu tháng sau, Leah bỏ việc, và tạo nên TaskRabbit. Vào thời điểm đó, cô chưa nhận ra rằng cô đã chạm đến một ý tưởng lớn hơn mà sau này cô gọi là mạng lưới dịch vụ. Cơ bản đó là việc sử dụng các mối quan hệ trên mạng để hoàn thành những công việc trong thế giới thực. TaskRabbit hoạt động thế này, mọi người sẽ lên danh sách những việc họ có thể làm, kèm theo giá họ muốn được trả, rồi lên Rabbits dò tìm tự đấu giá để giành việc làm. Đó là cả một quá trình phỏng vấn khắt khe gồm bốn giai đoạn, được thiết kế để tìm ra những trợ lí cá nhân tuyệt vời và loại bỏ đi thành phần lừa đảo. Giờ đây, ở Hoa Kì có hơn 4000 người đang làm việc trên TaskRabbit, và khoảng hơn 5000 người đang cần được thông qua. Những công việc được đăng lên là các công việc thông thường ví dụ: làm giúp những việc lặt vặt trong nhà, hay giúp đi mua đồ trong siêu thị. Hôm kia tôi mới được biết rằng, khoảng 12.500 đống quần áo đã được giặt sạch và gấp ngay ngắn thông qua TaskRabbit. Nhưng điều mà tôi thích là công việc được nhiều người đăng nhất, hơn 100 lần 1 ngày, là thứ mà ai ai trong số chúng ta đều phải nhức đầu khi nhắc đến: đó là lắp ráp nội thất mua từ Ikea. (cười) (vỗ tay) Điều đó rất tuyệt vời. Có vẻ buồn cười, nhưng anh bạn Chris đây đã kiếm được hơn 5000 đô la Mỹ một tháng chỉ nhờ vào việc làm việc vặt. Và 70% của lực lượng lao động mới này là những người đã từng thất nghiệp hoặc bị thiếu việc làm. Tôi nghĩ rằng TaskRabbit và những ví dụ khác về hợp tác tiêu thụ giống như một vụ nổ vậy. Chúng thật là tài tình. Nếu nghĩ kĩ ta sẽ thấy kì diệu làm sao, chỉ trong vòng 20 năm, chúng ta đã tự phát triển từ việc tin tưởng lên tới chia sẻ thông tin với những người lạ trên mạng, đến yên tâm giao lại thông tin thẻ tín dụng của mình. và lúc này đây, chúng ta đang tiến đến làn sóng tin cậy thứ 3: kết nối những người lạ đáng tin để tạo ra mọi loại thị trường mà hàng hoá chính là chúng ta. Tôi đã đọc một nghiên cứu rất thú vị của trung tâm Pew, nó đã tiết lộ rằng những người thường xuyên dùng Facebook tin tưởng mọi người gấp 3 lần so với những người không dùng mạng xã hội. Niềm tin trên mạng sẽ làm thay đổi cách chúng ta tin tưởng lẫn nhau trong thế giới thực. Bây giờ, bên cạnh tất cả niềm lạc quan mà tôi đang có, xuất hiện một sự thận trọng, mà đúng hơn là một nhu cầu cấp bách để đặt ra vài câu hỏi phức tạp cần thiết. Làm sao để biết rằng danh tính trên mạng của ta khớp với danh tính thực của chúng ta? Ta muốn chúng giống nhau hay không? Làm sao để ta xây dựng lòng tin trên mạng giống như với thế giới thực? Làm sao để ngăn chặn những thành phần cư xử không đẹp ở một nơi mà họ có thể hoạt động dưới lớp vỏ khác? Tương tự như cách các công ty hay sử dụng độ tín dụng để quyết định cấp gói cước di động cho bạn. hoặc cấp gói cho vay thế chấp, thị trường phụ thuộc vào giao dịch giữa những người lạ có chung mối quan tâm này cũng cần một thang đánh giá giúp người dùng biết rằng Sebastian và Chris là người tốt, và đó chính là uy tín. Uy tín là thước đo lòng tin của một cộng đồng vào bạn. Nhìn Chris mà xem. Bạn có thể thấy rằng điểm tín nhiệm trung bình của trên 200 người chấm cho anh ta là 4.99 trên 5 sao. Có hơn 20 trang bình luận về cách làm việc của anh ấy, mô tả anh ta "rất thân thiện và nhanh nhẹn," anh ta đạt đến cấp 25, cấp cao nhất, điều đó làm anh trở thành SuperRabbit. (Cười) Tôi thích từ "SuperRabbit" ghê. Và điều thú vị là, Chris đã để ý rằng, uy tín của anh càng đi lên thì cơ hội anh nhận được việc cao hơn, và anh có thể yêu cầu trả công nhiều hơn. Nói cách khác, đối với các SuperRabbit, uy tín trên mạng có giá trị lớn ở thế giới thực. Có lẽ tôi biết các bạn đang nghĩ gì. Chuyện này cũng đâu có mới. Hãy xem những tay buôn giỏi nhất trên Ebay hay Amazon. Điều khác biệt chính là, mỗi khi thiết lập giao dịch, bình luận, liên hệ đối tác, nhận được danh hiệu, ta hình thành "dấu vết uy tín" cho mình, nói rằng ta có đáng tin không. Và không chỉ có tác động trên bề rộng, sức ảnh hưởng của uy tín cũng rất đáng kinh ngạc về bề sâu. Hãy nghĩ xem: đã có 5 triệu lượt đặt phòng qua đêm trong vòng sáu tháng qua, chỉ tính trên trang Airbnb. 30 triệu lượt đưa đón đã được thực hiện qua Carpooling.com. Năm nay, hai tỷ đô la Mỹ đã được lưu thông qua các nền tảng cho vay ngang hàng qua mạng. Điều này làm tăng thêm hàng triệu mảnh dữ liệu uy tín giúp đánh giá chúng ta cư xử đúng hay sai. Dò tìm và kết nối những mảnh dữ liệu uy tín mà chúng ta để lại ở nhiều nơi khác nhau là một thử thách rất lớn, nhưng là việc cần phải làm. Điều mà những người như Sebastian đang thắc mắc theo lẽ thường, đó là, họ có nên làm chủ dữ liệu uy tín của họ không? Danh tiếng mà anh ta đã mất công đầu tư và xây dựng trên Airbnb có nên đi theo anh ta từ cộng đồng này sang cộng đồng khác? Điều tôi muốn nói là, giả sử anh ta bắt đầu bán sách cũ trên Amazon. Tại sao anh ta phải bắt đầu lại từ đầu? Giống như khi tôi chuyển từ New York đến Sydney. Thật buồn cười. Tôi không thể đăng ký thuê bao trả sau cho điện thoại vì lịch sử tín dụng của tôi ở Sydney không tồn tại. Tôi như một bóng ma trong hệ thống mới. Bây giờ, tôi không cho rằng bước tiếp theo của nền kinh tế dựa trên uy tín là về đem cộng hết những đánh giá để cho ra một số điểm vô nghĩa nào đó. Đời sống này vốn đã quá phức tạp rồi, còn ai muốn rối hơn nữa chứ? Tôi muốn nói rõ rằng, đây không phải chắp vá các "tweets" và "likes" lại theo kiểu thời trang giẻ rách. Bọn họ chỉ đang đo xem ai nổi hơn ai, chứ không phải ai cư xử đáng tin cậy hơn ai. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta phải nhớ rằng cái danh tiếng đó phần lớn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, Việc Sebastian là một người chủ trọ tuyệt vời không có nghĩa là anh ta biết ráp nội thất của Ikea. Thử thách lớn nhất là hình dung ra những dữ liệu tốt nào cần được giữ lại, vì tương lai sẽ được quyết định bởi sự kết hợp của uy tín nhiều mặt, chúng không phụ thuộc vào một mặt duy nhất. Tất cả chỉ là vấn đề thời gian trước khi chúng ta có thể tìm kiếm giống như trên Google hay Facebook, và tìm thấy bức tranh toàn cảnh về hành vi của một người ở các ngữ cảnh khác nhau theo thời gian. Tôi hình dung nó giống cách suy nghĩ của một người tin tưởng bạn: lúc nào, ở đâu, và tại sao, độ đáng tin của bạn trên TaskRabbit, độ gọn gàng của bạn khi làm khách ở Airbnb, Độ hiểu biết của bạn khi trao đổi trên Quora, tất cả sẽ được tập hợp cùng với nhau. và sau đó sẽ xuất hiện một loại bảng thống kê nó sẽ vẽ nên một bức tranh về vốn uy tín của bạn. Đó là một khái niệm mà gần đây tôi đang tìm hiểu và viết trong cuốn sách tiếp theo, nó định nghĩa về giá trị uy tín, mục tiêu, năng lực và phẩm chất của bạn ở nhiều cộng đồng và thị trường khác nhau. Đây không phải là một viễn cảnh xa xôi. Đã có những đợt sóng đầu tiên như Connect.Me, Legit, TrustCloud. Họ đang tìm cách để một người có thể tổng hợp, theo dõi và sử dụng uy tín trên internet của mình. Lúc này, tôi nhận ra rằng khái niệm này nghe có vẻ hơi lớn lao đối với vài người, và vâng, có một số vấn đề lớn về tính minh bạch và riêng tư cần được giải quyết, nhưng cuối cùng, nếu như ta có thể tập hợp lại uy tín của mình, thì chúng ta có thể điều khiển được nó, và lấy ra được những giá trị to lớn từ nó. Đồng thời, không chỉ đối với hồ sơ tín dụng của mình, chúng ta cũng có thể định hình uy tín của mình. Hãy nghĩ đến Sabastian, và cách anh ta mua con mèo để làm điều đó. Bây giờ, đẩy sự riêng tư qua một bên, một vấn đề thú vị khác là tôi đang xem cách chúng ta tin tưởng các "con ma trên mạng", những người, vì lý do nào đó, không hoạt động online, nhưng lại là những người đáng tin cậy nhất trên thế giới? Nhưng làm sao ta tận dụng những cống hiến của họ cho công việc, cho cộng đồng và cho gia đình của họ, và biến đổi những giá trị ấy thành vốn uy tín? Và cuối cùng, khi ta thực hiện đúng điều đó, vốn uy tín có thể tạo ra một sự gián đoạn lớn và có lợi cho những người có quyền lực, lòng tin và ảnh hưởng. Một con số gồm ba chữ số, hồ sơ tín dụng và vay nợ của bạn, (chỉ 30% chúng ta thực sự hiểu nó có nghĩa là gì), nó sẽ không còn là yếu tố quyết định trong việc mọi thứ có giá thế nào, ta có thể truy cập vào những gì và, trong nhiều ví dụ, nó giới hạn những gì ta có thể làm. Đúng vậy, uy tín chính là loại tiền tệ mà tôi tin rằng sẽ sẽ trở nên quyền lực, mạnh mẽ hơn mọi loại tín dụng trong thể kỉ 21. Uy tín sẽ là một loại tiền tệ có thể nói lên rằng bạn có thể tin tưởng ở tôi. Và điều thú vị là, uy tín là đòn bẩy kinh tế xã hội giúp cho sự hợp tác tiêu thụ hoạt động và phát triển, nhưng các nguồn mà nó được tạo ra, và những ứng dụng của nó, lớn hơn nhiểu so với sự tưởng tượng của chúng ta. Tôi sẽ đưa ra một ví dụ trong giới tuyển dụng, nơi mà dữ liệu đánh giá uy tín sẽ làm bản hồ sơ xin việc của bạn trở thành "đồ cổ". Bốn năm trước, hai blogger kiêm doanh nhân Joel Spolsky và Jeff Atwood, quyết định bắt đầu một thứ gọi là Stack Overflow. Stack Overflow cơ bản là một nền tảng mà những lập trình viên kinh nghiệm có thể hỏi những lập trình viên giỏi khác những câu hỏi yêu cầu chuyên môn cao, về những thứ kiểu như Google Chrome hoặc những pixels nhỏ xíu. Trang này sau đó nhận được 5500 câu hỏi mỗi ngày, và 80% những câu hỏi này nhận được câu trả lời chính xác. Người dùng có thể lấy uy tín bằng rất nhiều cách, nhưng cơ bản bằng cách thuyết phục những dồng nghiệp rằng họ biết rõ câu trả lời. Sau khi trang này hoạt động được vài tháng, người sáng lập biết được một điều rất thú vị, và nó không làm họ bất ngờ. Họ nghe được rằng người dùng đang thêm số điểm về uy tín của mình trên trang web đó lên đầu hồ sơ xin việc và nhà tuyển dụng đang theo dõi những trang web như vậy để tìm những người với tài năng đặc biệt. Bây giờ, hàng ngàn lập trình viên đang tìm một công việc tốt hơn bằng cách này, vì Stack Overflow và cơ sở dữ liệu uy tín của nó cung cấp những thông tin vô giá về hành vi thực sự của một người, và suy nghĩ của đồng nghiệp về họ. Nhưng điều lớn lao đằng sau hoạt động của Stack Overflow, tôi nghĩ nó vô cùng thú vị. Mọi người bắt đầu nhận ra rằng uy tín họ xây dựng không chỉ bó hẹp ở một nơi, nó có giá trị vượt xa khỏi nơi mà họ đang cố xây dựng uy tín đó. Bạn biết đó, nó rất thú vị. Khi bạn trao đổi với các thành viên ưu tú, cho dù trên SuperRabbits hay trên Stack Overflow, hay Uberhosts, họ đều nói về việc có uy tín cao mở khóa cho khả năng của họ. Trên Stack Overflow, nó tạo ra một sân chơi bình đẳng, cho phép mọi người với tài năng thật sự vươn lên top đầu. Trên Airbnb, con người trở nên quan trọng hơn chỗ thuê trọ. Trên TaskRabbit, nó giúp họ kiểm soát được hoạt động kinh tế của mình. Vào cuối buổi trao đổi giữa chúng tôi, Sebastian đã nói bằng cách nào, trong một ngày mưa tệ hại, lúc mà anh ấy không có đến một khách hàng, trong tiệm sách của mình, anh ấy nghĩ về mọi người xung quanh, những người đã nói điều tốt đẹp về anh, và những gì họ nói về con người anh ấy. Anh ta năm nay 50 tuổi, và luôn tin rằng, nhờ uy tín mà anh đã dày công xây dựng trên Airbnb, anh ấy có thể làm một điều gì đó đặc biệt trong suốt quãng đời còn lại của mình. Bạn biết đấy, chỉ có một số khoảnh khắc hiếm hoi trong lịch sử xuất hiện cơ hội để thay đổi một phần bộ máy hoạt động của nền kinh tế xã hội. Chúng ta đang sống trong khoảnh khắc ấy. Tôi tin rằng chúng ta đang ở ngưỡng cửa một cuộc cách mạng hợp tác, mà vai trò của nó cũng sẽ quan trọng như cuộc cách mạng công nghiệp. Trong thế kỉ 20, các phát minh về hệ thống tín dụng truyền thống đã chuyển đổi hệ thống tiêu dùng, và theo nhiều cách, đã kiểm soát được ai có quyền truy cập vào cái gì. Trong thế kỉ 21, mạng lưới niềm tin mới, và vốn uy tín mà chúng tạo ra, sẽ thay đổi cách chúng ta suy nghĩ về sự giàu có, thị trường, quyền lực, và bản sắc cá nhân, theo mà chúng ta còn chưa thể hình dung nổi. Cảm ơn rất nhiều! (Vỗ Tay)