Những loài vật này có điểm gì chung? Nhiều hơn những gì bạn nghĩ đấy. Cùng với hơn 5000 loài sinh vật khác, chúng là động vật có vú, hay nói cách khác, chúng thuộc lớp Thú. Toàn bộ các loài thú đều là động vật có xương sống, nhưng khác với những loài có xương sống khác, các loài thú có những điểm chung đặc thù: có máu nóng, có lông mao phủ khắp cơ thể, hô hấp bằng phổi, và nuôi con non bằng sữa. Bất chấp những điểm chung này, giữa các loài thú vẫn có những khác biệt sinh học; phương thức sinh sản là một trong số những khác biệt dễ thấy nhất. Hãy bắt đầu với phương thức quen thuộc nhất: mang thai, vốn xuất hiện ở loài người, mèo, chó, hươu cao cổ, và cả cá voi xanh - loài động vật lớn nhất địa cầu. Nhau thai là một mô tế bào có dạng đĩa cứng được máu nuôi dưỡng, gắn liền với thành tử cung để giúp phôi phát triển, và là phương tiện duy trì sự sống của con non trong thai kì. Kết nối trực tiếp với nguồn máu từ cá thể mẹ, nhau thai dẫn chất dinh dưỡng và khí oxy thẳng đến con non thông qua dây rốn, đồng thời giúp đào thải cặn bã. Với cách sinh sản này, con non có khoảng phát triển trong tử cung dài hơn. Ví dụ, thời gian phát triển trong tử cung của cá voi xanh con là 1 năm. Nhau thai giúp duy trì sự sống của con non cho đến lúc chào đời, khi dây rốn đứt, đồng thời hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, cũng như hệ bài tiết của con non bắt đầu hoạt động. Có chiều dài khoảng 7 met, con non mới sinh đã có thể bơi được. Trong 6 tháng liền sau khi chào đời, cá voi xanh con ngốn đến 225 lit sữa đặc và béo từ mẹ nó mỗi ngày. Trong khi đó, loài thú với cách sinh sản thứ hai lại sống ở Úc, và đó là cách thức sinh sản thông qua túi. Những con non còn quá nhỏ và yếu khi mới sinh ra đến mức chúng phải tiếp tục lớn lên trong túi của cá thể mẹ. Như loài cầy túi - một trong số những loài thú túi nhỏ nhất thế giới; lúc sinh ra, con non chỉ nặng 18 miligam, tương đương với khối lượng của 30 hạt đường. Hay loài chuột túi, một loài thú túi khác, mỗi lứa chỉ đẻ duy nhất một con non nhỏ cỡ hạt đậu. Con non sẽ bò xuống dọc theo phần âm đạo giữa của con mẹ, sau đó sẽ bò ngược lên để vào túi và bú sữa mẹ ở đó trong 6 đến 11 tháng tiếp theo. Ngay cả khi chuột túi con đủ lớn và ra khỏi cái túi ấm áp, nó vẫn trở lại bú sữa trong túi. Cũng có khi nó chỉ là một trong ba con non mà mẹ nó phải chăm sóc. Một con chuột túi cái có thể nuôi đồng thời một con non trong tử cung và một con non khác trong túi. Khi điều kiện sống không thuận lợi, chuột túi cái có thể tạm ngưng thai kì của con non trong tử cung. Khi điều đó xảy ra, con cái có khả năng tiết ra hai loại sữa khác nhau, một cho con non trong túi, và loại còn lại dành cho con non đã ra khỏi túi. Thuật ngữ "mammalia" mang nghĩa "thuộc vú" dường như không chuẩn xác, vì dù rằng chuột túi có tiết ra sữa từ núm vú trong túi, chúng thực sự không có vú. Có chung đặc điểm trên là các loài Đơn huyệt với lối sinh sản có vẻ lạ nhất. Trước đây có lúc có đến hàng trăm loài động vật đơn huyệt, nhưng giờ chỉ còn lại năm loài: bốn loài thú lông nhím và một loài thú mỏ vịt. Cái tên "đơn huyệt" có nghĩa là "một lỗ", ám chỉ lỗ huyệt duy nhất cho nhiều mục đích như sinh sản, bài tiết, và đẻ trứng. Giống như chim, bò sát, cá, khủng long, và các loài khác, động vật đơn huyệt đẻ trứng thay vì sinh con. Trứng của chúng có vỏ mềm và khi trứng nở thì con non sẽ bú sữa từ tuyến sữa của mẹ cho đến khi chúng đủ lớn để tự kiếm ăn. Dù động vật đơn huyệt đẻ trứng và có những đặc điểm không của lớp Thú, như với loài thú mỏ vịt là chân màng, mỏ vịt, và cựa có nọc độc trên chân thú mỏ vịt đực, chúng thực sự thuộc lớp Thú. Lí do là vì chúng có những đặc điểm riêng của lớp Thú và chúng cũng có mối quan hệ tiến hóa với các loài khác trong lớp này. Dù là nhau thai, túi, hoặc lỗ huyệt, từng loài vật, cũng như cách thức sinh sản độc đáo của chúng, dù lạ đến đâu, cũng đã góp phần tạo nên sự sống mới và sự đa dạng trong nhiều thiên niên kỉ cho thế giới các loài thú.