Tôi là một bác sĩ nhi khoa ung thư và đang nghiên cứu tế bào gốc ở Đại Học Stanford, chuyên ngành của tôi là ghép tủy xương. Bây giờ, lấy cảm hứng từ chị Jill Bolte Taylor năm ngoái, tôi không mang tới cho các bạn một bộ não người, nhưng tôi mang một lít tủy xương ở đây. Tủy xương là cái mà ta dùng để cứu sống hàng chục bệnh nhân, họ hầu hết đều mang trọng bệnh ở giai đoạn cuối như máu trắng hay ung thư tế bào lym-phô và các bệnh khác. Một vài năm trước, tôi đang trợ giúp ghép tủy ở đại học Stanford. Tôi ở trong phòng mổ. Anh bạn Bob của chúng ta, là người hiến tủy tình nguyện. Chúng tôi sẽ gửi tủy của anh đi tới đầu kia của đất nước để cứu sống một em nhỏ bị bệnh máu trắng. Vậy thế chúng tôi đã lấy tủy như thế nào? Vâng, chúng tôi có nguyên một binh đoàn bác sĩ phòng mổ, y tá gây mê, và một anh bác sĩ đứng đối diện với tôi. Bob đang nằm trên bàn mổ, và chúng tôi lấy cái kim 'nhỏ' này, các bạn biết đó, không quá to. Và để lấy tủy cơ bản là chúng tôi đặt cái kim này vào phần mô mềm và đại khái là đẩy nó vào phần xương cứng, vào trong tuchus (xương chậu) -- thuật ngữ y khoa gọi như thế -- và rút chừng 10 ml tủy xương ra ngoài, mỗi lần dùng một cái xilanh. Rồi đưa cho cô y tá. Cô ấy trút tủy ra một cái hộp. Rồi đưa lại tôi cái kim tiêm. Và chúng tôi cứ lặp đi lặp lại qui trình đó. Thường là khoảng 200 lần. Và khi xong rồi thì cánh tay tôi vô cùng đau nhức, bàn tay tôi lên vết chai sần. Chứ chưa nói gì tới Bob, hạ bộ của anh bạn trông giống như thế này, như pho mát Thụy Sỹ vậy. Thế nên tôi nghĩ là, bạn biết đấy, qui trình này đã 40 năm không thay đổi rồi. Chắc là phải có cách làm tốt hơn chứ. Thế nên tôi nghĩ ra một phương pháp giảm thiểu tối đa xâm hại đến người hiến tủy. Và một dụng cụ chúng tôi gọi là Marrow Miner. Nó đây. Và đây là thiết bị Marrow Miner, bạn có thế thấy nguyên tắc hoạt động của nó ở đây. Và đây, 'bệnh nhân' trong suốt kiểu mẫu của chúng ta. Thay vì việc phải đâm xuyên vào xương hàng tá lần, chúng tôi chỉ phải đâm một lần, vào phía trước hay phía sau của hông. Chúng tôi có một cái ống mềm dẻo, chạy bằng điện ở đầu nó có một cái móc đặc biệt bằng dây, cái móc sẽ ở trong phần xốp của mô xương và đi theo đường viền của xương hông. Thiết bị này cho phép bạn hút rất nhanh tủy xương, thật nhanh chóng, chỉ qua một lỗ thôi. Ta có thể đâm qua cũng lỗ đó nhiều lần. Chẳng cần tới rô-bốt. Và thế là, thật nhanh chóng, anh bạn Bob chỉ cần tiêm một mũi gây tê cục bộ, và không cần ở lại bệnh viện qua đêm. Và tôi thử một vài nguyên mẫu, tôi nhận được một chút trợ cấp từ Stanford. Và táy máy với mấy mô hình này một chút. Đội của chúng tôi phát triển kĩ thuật này. Và cuối cùng chúng tôi được thử trên động vật lớn, heo. Và chúng tôi cũng ngạc nhiên khi chúng tôi không chỉ lấy được tủy xương mà cả tế bào gốc với chỉ số hoạt động mạnh hơn 10 lần khi dùng Marrow Miner, so với khi dùng dụng cụ thông thường. Thiết bị này mới được FDA (Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ) thông qua vào năm ngoái. Đây là một bệnh nhân sống. Bạn có thể thấy cái ống đi men theo các đường cong. Sẽ có 2 lối ra vào, trên cùng bệnh nhân, từ cùng một lỗ. Tất cả được làm khi gây tê cục bộ, người hiến không phải ở qua đêm. Và, một lần nữa, ta lại có từ lượng tế bào gốc nhiều hơn 3 tới 6 lần so với phương pháp thông thường áp dụng trên cùng người cho. Vậy việc này liên quan tới các bạn như thế nào? Tủy xương là nguồn tế bào gốc từ người trưởng thành dồi dào. Các bạn đều biết về tế bào gốc từ phôi đó. Chúng có tiềm năng rất lớn, nhưng chưa được đưa vào thử nghiệm y khoa. Tế bào gốc trưởng thành có khắp trong cơ thể chúng ta, kể cả các tế bào gốc tạo máu trong tủy xương. Các tế bào gốc tủy xương này đã được sử dụng trong liệu pháp tế bào gốc được ngoài 40 năm rồi. Thập kỉ vừa qua chứng kiến cơn bùng nổ của việc sử dụng tế bào gốc tủy xương để chữa trị các bệnh khác như là các bệnh tim mạch, chỉnh hình, cấy ghép mô, kể cả trong thần kinh học để chữa bệnh Parkinson và tiểu đường. Chúng tôi vừa sản xuất ra và sẽ mang ra thị trường, trong năm nay, thế hệ 2.0 của Marrow Miner. Chúng tôi hi vọng là nó sẽ giúp lấy được nhiều tế bào gốc hơn. Tức là sẽ đạt được kết quả tốt hơn. Có thể việc này sẽ động viên nhiều người hảo tâm đăng kí để hiến tủy cứu người. Có thể nó sẽ giúp chính các bạn dự trữ tế bào gốc của chính mình khi còn trẻ khỏe để dùng trong tương lai phòng khi cần tới. Và cuối cùng, đây là một bức ảnh của những người được ghép tủy thành công, hàng năm họ vẫn họp mặt tại Stanford. Hi vọng công nghệ này sẽ giúp chúng ta có nhiều những người sống sót thế này hơn nữa trong tương lai. Xin cám ơn các ban. (Tiếng vỗ tay)