Chào mừng các bạn đến với diễn đàn thảo luận của chúng tôi về "Gốc rễ của định kiến". Chúng tôi sẽ nói chúng tôi có những định kiến gì, định kiến ấy đến từ đâu, được dung dưỡng thế nào, và có thể cả là làm cách nào để xóa bỏ chúng. Tôi xin giới thiệu những học sinh tham gia buổi thảo luận ngày hôm nay. Ratnati Iskandar Dinata, học sinh cấp 3, 17 tuổi, đồng thời là một vũ công tài năng đến từ Indonesia. Đến từ Nhật Bản là Yoriko Konishi, cô gái có chất giọng dễ thương mà các bạn vừa được nghe. Thi thoảng, chúng tôi cũng muốn các bạn biết chúng tôi làm gì ngoài những lúc trao đổi nghiêm túc. Chúng tôi thường nói Yoriki nhảy hoặc hát cho chúng tôi nghe, bạn ấy làm được cả hai đấy. Đến từ Anh là Judith Reader, 18 tuổi. Judith bị cảm lạnh một chút hôm nay, không phải do bơi ngoài Đại Tây Dương đâu, dù bạn ấy quả quyết với chúng tôi rằng hồi ở Anh, bạn có bơi ngoài Đại Tây Dương vào mùa đông. Đến từ Philippines, Raul Contreras. Raul sẽ tròn 16 tuổi vào ngày, nghe yêu nước lắm luôn, 4 tháng 7. Cậu ấy có thể thừa nhận mình có định kiến, song định kiến cậu ấy chắc chắn không có là định kiến chống lại phụ nữ. Nếu không, cậu ấy đã không sẵn sàng có mặt tối nay cùng với 3 cô bạn, và là nam sinh duy nhất trong chương trình này. Về vấn đề định kiến, có lẽ chúng ta phải bắt đầu bằng cách cố gắng định nghĩa định kiến theo cách bạn nghĩ. Ratnati, theo bạn, định kiến là gì? Em nghĩ định kiến là cảm giác ghét người, với tư cách là một nhóm người hoặc cá nhân, đối với người khác. Bạn nói là cảm giác ghét... Bạn nghĩ định kiến có gay gắt như ghét không? Dạ có. Khi một ai đó có định kiến, câu trả lời sẽ là: "Tôi ghét đám này và đám này." Tôi cho rằng điều này đúng... Yoriko, bạn nghĩ định kiến là gì? Em thấy khi một ai đó phân biệt hai người da trắng với nhau, đó không phải là định kiến. Nhưng khi một ai đó phân biệt một người da trắng và một người da màu, đó là định kiến. Em sẽ định nghĩa định kiến là một quan điểm cứng nhắc, được hình thành về một vấn đề nhất định trước cả khi các sự việc được kiểm chứng một cách công bằng. Khi một người quên mất chân giá trị của con người và bắt đầu đánh giá người khác không dựa trên cơ sở họ là con người đang tồn tại mà dựa vào chủng tộc, tín ngưỡng, địa vị kinh tế, thì đó là định kiến. Tôi hỏi bạn câu này được không? Bạn có bất kỳ định kiến nào không? Em nghĩ là có đó cô Waller. Thẳng thắn mà nói, em có định kiến không tốt về người Nhật Bản. Không đến mức em ghét họ đâu. Không, không phải vậy. Nhưng em có định kiến này là do Thế chiến II. Bởi vì, em nghĩ em quá nhỏ, không hiểu được những gì đã xảy ra hồi đó, nhưng em nghĩ những gì họ hàng em, bạn bè em, và những ai chứng kiến sự kiện định mệnh đó... ...là quá đủ để lý giải điều này. Và em nghĩ việc em cũng cảm thấy như vậy không hề vô lý vì em biết người dân nước em đã phải chịu thống khổ dưới ách cai trị đó. Bạn có còn định kiến với người Nhật nhiều như trước không? 5 năm trước, định kiến đó trong em đã phai mờ đi một chút rồi, nhưng khi Nhật Bản kiên quyết không chịu bồi thường cho nước em, định kiến đó lại 'đậm' lên. Nhưng sau khi nói chuyện với Yoriko & những người Nhật khác, em biết được là... ...Nhật Bản chưa sẵn sàng bồi thường. Vì, như Yoriko nói, hầu hết người Nhật ngồi trong lớp học còn rét run, vì họ không thể mua máy sưởi cho trường học. Yoriko, bạn có bất kỳ định kiến nào không? Em không có định kiến gì về Philippines... nhưng nhiều người Nhật ghét Hàn Quốc, vì Tổng thống Hàn Quốc đơn phương công bố đường biên giới của mình trên biển chung giữa Hàn Quốc và Nhật Bản [Đường Syngman Rhee]. Nếu ngư dân Nhật Bản đi qua ranh giới này, họ sẽ bị người Hàn Quốc bắt giữ nên không thể về nhà một thời gian. Và nước chúng em vẫn đang cố gắng là bạn với Hàn Quốc. Đã bắt đầu thì ta nên đi hết lượt. Judith, bạn có thừa nhận mình có bất kỳ định kiến nào không? Vâng em nghĩ là em nên thừa nhận, dù em là người Anh. Em có một vài định kiến ngu ngốc, mọi người sẽ cười lăn mất. Ví dụ: chỉ cần nhìn thấy người có mái tóc đỏ, em sẽ đề phòng vì em có một định kiến ngu ngốc là ai tóc đỏ cũng cáu bẳn khủng khiếp, mọi người biết đấy, họ mãnh liệt như màu tóc của họ vậy. Em còn có một định kiến ngu ngốc nữa. Chẳng hạn, lần đầu gặp thí sinh người Úc, Elizabeth Woodgate, bạn ấy chưa lên TV, em đã sốc khi nghe giọng của bạn ấy, vì với em, giọng bạn ấy nghe y như giọng Cockney ở Anh vậy. Em hy vọng em không phải đang tự phụ hay gì, nhưng giọng Cockney ở Anh... mọi người biết đấy, hầu hết người Anh sẽ hơi giật mình khi nghe nó. Nhưng bạn ấy cũng nói rất thẳng với em là bạn ấy cũng rùng mình khi nghe giọng của em! Em cũng bị trả đũa rồi. Tại sao bạn ấy lại nói vậy? À em nghĩ bạn ấy tưởng tượng là... Bạn ấy nói bạn ấy thật sự phải quên giọng em đi thì mới có thể thấy thích em, vì giọng em nghe trang trọng quá. Em hiểu là hầu hết người Mỹ cũng nghĩ như vậy về giọng Anh. Ratnati, đến lượt bạn. Thi thoảng, em có định kiến với người Hà Lan hồi em học môn lịch sử trong trường và biết người Hà Lan đã đối xử với người Indonesia như thế nào. Em cũng có những định kiến khác của riêng mình. Em ghét mấy người tự cao, những người nghĩ mình là thầy kẻ khác, và những người nghĩ họ hiểu biết mọi thứ nhiều hơn người khác. Quay lại với bạn một chút nhé, Raul. Ở Philippines, có bất kỳ định kiến nào giữa các nhóm người với nhau không? Có ạ. Có tồn tại định kiến giữa các nhóm người. Thực tế là, hầu hết chúng em vẫn có thành kiến với nhóm con lai, nhóm mà máu Tây Ban Nha chảy trong người còn nhiều hơn cả dòng máu Philippines, Chúng em gọi nhóm đó là Mestizos. Những sự cố này thường xảy ra ở trường. Mọi người biết đó, em học trường do các tu sĩ người Tây Ban Nha điều hành. Trường em có nhiều đứa nhóm đó lắm. Nhóm đó thường được ưu ái hơn. Nhưng chúng em nghĩ là chúng em đúng khi nói rằng nhóm đó kiểu như quý tộc vậy: tự phụ, kiêu căng, khó tính, tất cả các loại tính từ luôn. Họ còn có ý nghĩ ngu ngốc này: là họ có dòng máu hoàng gia, hay hoàng tộc chảy trong người. Raul, làm thế nào để bạn hòa đồng với những cậu bé đó ở trong trường? Có bất kỳ vấn đề gì không? Thật lòng mà nói, em không hòa đồng với đám đó lắm. Thực tế là chúng em còn thường gây lộn với nhau cơ. Yoriko? Sau chiến tranh, Nhật Bản có nhiều lính Mỹ hoặc châu Âu. Hầu hết những người này kết hôn với phụ nữ Nhật Bản, không đám cưới trang trọng [ý nói những đứa trẻ sinh ngoài giá thú] rồi họ sinh con. Những đứa trẻ ấy bị gọi là 'con lai'. Và... ...em nghĩ là chẳng có lý do gì để phạt các bạn con lai cả nhưng một số người lớn không đối xử tốt với các bạn ấy như cách họ đối xử với trẻ em Nhật Bản. Người lớn cũng quen đối xử tệ với mẹ của những đứa trẻ này. Người Nhật nghĩ rằng mẹ của những đứa con lai không tốt, rằng họ thật tệ hại, vì họ đã cưới người nước ngoài, trai nước ngoài. Nhiều người Nhật không thích lấy người nước ngoài bởi họ sống theo tập quán khác, và cách nghĩ của họ về mọi thứ cũng khác. Bạn vẫn có một - tôi có thể gọi là - định kiến nặng nề ở Nhật Bản về việc kết hôn với người nước ngoài, phải không? Ôi... vâng. Vâng. Yoriko, cậu có thể cho chúng tớ biết gì đó về vị thế của người phụ nữ ở Nhật Bản không? Chúng tớ từng được nghe những điều kỳ lạ nhất. Cậu cũng đang kể về những điều kỳ lạ nhất... Cậu có thể kể thêm không? Trước chiến tranh ấy hả? Đúng. Cả bây giờ nữa nhé. Chà, cách đây khoảng 60 năm, người Nhật cho rằng người da trắng là kinh khủng vì hầu như ai cũng tóc đỏ, và mọi thứ đều quá to, về cơ thể của họ ấy. Vẫn có người nghĩ vậy đấy. Ở Nhật Bản, chúng tớ cho rằng một thứ gì đó phải nhỏ bé và tinh tế thì mới được coi là xinh đẹp. Vậy chắc bạn không thể dùng từ 'tinh tế' để tả những người lính cao lớn chúng tôi gửi đến Nhật Bản, phải không? Tôi không biết là các bạn coi thường chúng tôi vì chúng tôi cao lớn đấy... Nghe hay ghê! Chúng tớ thì lúc nào cũng tự hào. Nếu người phương Tây cao và đẹp, chúng tớ coi việc đó là tốt. - Ồ thật sao? - Thật! Chúng tớ lại tự hào vì mình nhỏ bé và tinh tế. Yoriko, về những gì bạn nói về màu da, tôi từng nghe nói: người Trung Quốc gọi chúng tôi là người da hồng, chứ không phải người da trắng. Mình là người da hồng - nghe khó tự hào hơn rất nhiều, phải không? Ồ vâng, cô là một người da hồng. Chúng ta phải chấp nhận thôi, Judith! Em thấy mình da đỏ rồi này! Ratnati, giờ chúng ta hãy... Judith này, vì Anh có rất nhiều thuộc địa trên khắp thế giới cậu nghĩ thế nào về người dân ở những nước thuộc địa đó? Cậu có định kiến gì không? Không, cá nhân tớ không có định kiến gì, ít nhất tớ mong là như vậy, nhưng tớ biết nhiều người châu Âu nghĩ, lấy ví dụ người châu Á đi, là những người... hơi lười. Tớ không có ý thô lỗ nhưng đó từng là ấn tượng của chúng tớ hồi... cậu biết đấy, hồi chúng tớ bắt đầu thuộc địa hóa. Hồi đó chúng tớ nghĩ là chúng tớ đang mang lại những điều tốt đẹp cho các cậu. Tớ biết là cậu không thích, lấy ví dụ ở Indonesia, các cậu không thích người Hà Lan ở đây, nhưng có khi họ nghĩ họ đang giúp đỡ các cậu. Họ không giúp chúng tớ đâu. Nghe này, cậu nói là chúng tớ lười nhác, không phải là chúng tớ lười nhác đâu, mà là họ không cho chúng tớ một cơ hội nào, cậu thấy đấy, và chúng tớ không được thử xây dựng đất nước mình. Judith à, tớ không nghĩ người châu Á ai cũng lười đâu! Không, đừng hiểu nhầm tớ! Tớ nói đó là một quan điểm chung... Có thể không phải là bây giờ, tớ hy vọng thế. Quan điểm chung? Nghe hơi sai khi nói họ lười nhác đấy. Chúng ta hãy nói là họ có bàn chân phẳng đến nỗi không thể nhấc lên được thôi, vì cậu phải tính đến... khí hậu ở hầu khắp khu vực châu Á chẳng hạn. Đó là tự nhiên thôi. Cậu không thể cứ thế làm việc dưới cái nóng được. Đương nhiên, cậu sẽ luôn muốn được quạt mát, hoặc vào trong một cái rạp có điều hòa, hay một chỗ nào đó mát lạnh. Có vẻ như không chỉ mỗi khác biệt về khí hậu dẫn đến khác biệt về tốc độ làm việc mà còn có khác biệt về triết lý nữa, mà có lẽ chúng tôi ở phương Tây chưa nhận thức đúng, phải không? Theo em được biết, và em nghĩ là cô đã đề cập trong chương trình này, người Ấn Độ cho rằng không bao giờ được để tay dính bẩn. Còn ở Philippines, em phải thừa nhận là, chúng em có xu hướng kiếm việc làm văn phòng, ngồi ghế xoay. Hầu hết chúng em đều như vậy, nhất là những người vừa tốt nghiệp đại học. Chúng em không muốn làm việc chân tay. Chúng em muốn ngồi văn phòng lớn, có thư ký xinh đẹp xung quanh. Đó là xu thế chung rồi. Cậu có thể chứng minh chúng tớ lười nhác không? Ôi trời, cậu dồn tớ vào chân tường rồi! Tớ đang cố gắng lấy cho cậu một ví dụ. Um, cậu chỉ trích các nước... Cậu chỉ trích người Hà Lan, tớ lấy ví dụ vậy. Nhưng tớ biết là người Anh, khi họ bắt đầu thuộc địa hóa các nước, họ đã cố gắng giúp những nước họ đặt chân đến. Nhưng cậu lại nghĩ là chúng tớ xâm lược và lấy đi cơ hội của các cậu. Ừ, tớ nghĩ vậy đấy. Tớ sẽ cho cậu một ví dụ về người Hà Lan... Chúng tớ không có cơ hội được đi học chẳng hạn. - Hồi người Hà Lan còn ở đó ấy hả? - Ừ. Cậu có nghĩ nếu nhân dân các nước thuộc địa có cơ hội tự do, cậu sẽ trao cho họ cơ hội đó không? Ôi giờ chúng ta lạc đề rồi! Nghe tớ này, bạn tớ ở Malaya rất vui vì năm sau, Malaya sẽ giành được độc lập. Cậu ấy rất tự hào. Cậu ấy kể với mọi người năm sau, Malaya sẽ độc lập. Cậu có nghĩ là nếu cậu làm như vậy ở những nước khác [trả độc lập cho họ], cậu sẽ làm hài lòng họ không? Chúng tớ mong là việc đó sẽ làm họ hài lòng... Mọi quốc gia đều muốn độc lập, đó là lẽ tự nhiên. Nhưng sẽ đến một lúc nào đó, một người nào đó phải quyết định liệu họ đã sẵn sàng nhận lại độc lập của mình hay chưa. Chúng ta sẽ lạc sang một cuộc tranh luận dài khác về chủ đề này mất. Raul, bạn nói đi. À em định hỏi các bạn ấy là theo các bạn, đâu là những nguyên nhân cơ bản, chung nhất của những định kiến chúng ta có? Chủ yếu là do màu da phải không? Có thể đấy... Có phải ý cậu là, ví dụ nhé, nói về vấn đề người Mỹ ở miền Bắc đi. Tớ đoán là về phía người Mỹ, chỉ là người da trắng không muốn hòa đồng với người da màu. Vậy người da màu thì sao? Chắc gì họ đã muốn hòa đồng với người da trắng? Vì bạn vừa đưa ra vấn đề chủng tộc của người Mỹ, cho tôi hỏi: Tình hình có tệ như bạn nghĩ trước khi bạn tới đây không? Tệ hơn hay khá hơn? Em nghĩ là từ những gì em thấy ở đây, từ những gì em nghe nói khi em đang ở đây, và từ những gì em đọc trên báo, tình hình tệ hơn em dự đoán. - Judith, bạn đồng ý chứ? - Không, em không đồng ý. Ở Anh, chúng em không được nghe về vấn đề Mỹ quá nhiều, tất nhiên, trừ một số trường hợp cụ thể được kể đến. Về phán quyết của tòa án tối cao, hồi đó, chúng em có nghe nói nhiều nhưng không quá nhiều. Khi em tới đây, em tưởng tượng từ vụ của [Emmet] Till rằng mọi chuyện thực sự tồi tệ ở miền Nam rồi em thấy có một cảm giác lạc quan thật sự ở đây. Em ở cùng với một gia đình người da đen, và em có thể thấy quan điểm... một cái nhìn thật sự bao quát về vấn đề này luôn, mọi người có thể nói vậy. Điều đầu tiên làm em ấn tượng là chính những người da đen ấy... không hề vui vẻ với tình cảnh này, nhưng họ hài lòng, họ cảm thấy biết ơn trước những tiến bộ đã đạt được và họ dám chắc tình hình sẽ tiếp tục được cải thiện. Có phải 2 tuần bạn ở New Jersey là bạn ở cùng một gia đình người da đen không? Vâng đúng, em ở cùng với một gia đình người da đen. Em biết đó là khu vực phía bắc và điều kiện ở đấy tốt hơn. Em rất ấn tượng với điều đó. Họ nói rằng đó là một quá trình chậm chạp, nhưng rồi mọi việc sẽ từ từ tốt đẹp hơn. Chỉ là phá vỡ truyền thống thôi, và em rất vui khi biết được điều này. Tôi muốn nghe một số trải nghiệm khác của các bạn. Mời Yoriko? Em chưa bao giờ thấy bất kỳ... - ... bằng chứng ạ? - Bằng chứng ...bằng chứng cho thấy định kiến chủng tộc ở Mỹ nhưng em nhận thấy hầu hết người da đen đều là dân lao động, họ không giữ vị trí cao trong các doanh nghiệp. Nhưng em rất vui khi thấy nữ sinh da đen ở Trường cấp 3 Southridge-Columbia [?] Bạn ấy là phó chủ tịch hội học sinh. Tôi vui khi thấy bạn vui. Mời Ratnati. Ở đây, New York và New Jersey, em không thấy bất kỳ sự phân biệt chủng tộc nào hay thứ gì đó đại loại vậy. Nhưng khi chúng em dừng chân ở Williamsburg và đến một ngôi trường của người da đen, em thấy ở đó rất hà khắc. Ý em là, người da đen thì đến trường học dành riêng cho người da đen. Em có nói chuyện với một vài bạn nữ trong trường. Em hỏi các bạn ấy cảm thấy thế nào khi bị phân biệt. Các bạn ấy nói các bạn ấy không phiền lòng vì điều này và thứ các bạn ấy muốn là quyền bình đẳng. Có một số nơi các bạn ấy không thể đến, như nhà hàng hay một số câu lạc bộ. Em nghĩ là vì tất cả người Mỹ đều tuyên bố và nhấn mạnh rằng Mỹ là đất nước dân chủ nhất thế giới, nhưng chỉ cần tình trạng phân biệt đó còn tồn tại, em không nghĩ đó là dân chủ đâu, không phải dân chủ triệt để. Em xin bổ sung cho bạn: không phải là trong lời tuyên thệ trung thành trước lá cờ Mỹ, các cô nói thế này sao? "Tôi xin thề trung thành với lá cờ của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, và với nền Cộng hòa mà lá cờ đại diện. Một quốc gia dưới Thượng đế, không bị chia cắt, với tự do và công lý cho mọi người." Câu cuối không hợp với mọi thứ chút nào. Ý em là với vấn đề phân biệt này ở đây & tình trạng phân biệt chủng tộc với người da màu thì có "tự do và công lý cho mọi người" kiểu gì? Và trong một lần em được tiếp đón, em không ngờ là đến trẻ con cũng phân biệt như vậy. Một lần, em có đặc quyền, phải nói là như vậy, tham dự một buổi khiêu vũ do một nhóm dân sự tài trợ. Em chợt nhận thấy là, sàn nhảy thì rộng mà trẻ em da trắng đứng hết về phía bên trái còn hầu hết phần "không chiến lược" của phòng khiêu vũ, chắc ta phải nói vậy, là chỗ đứng của toàn bộ trẻ em da đen. Em chưa bao giờ thấy bạn nam da trắng nào mời bạn nữ da màu nhảy, cũng chưa từng thấy bạn nam da màu nào mời bạn nữ da trắng nhảy. Em cũng có một trải nghiệm tồi tệ. Hồi mới đến đây, em tình cờ kể với một nhóm bạn trẻ là em sẽ ở cùng một gia đình người da đen. Một bạn nam trong số đó đứng dậy, bỏ ra ngoài. Em cảm thấy tệ. Em nghĩ "Ồ chúng ta đang ở miền Bắc chứ đâu phải miền Nam." Rồi khi chúng em đến miền Nam, em đã gặp khó khi thực sự trải nghiệm điều này. Chúng em đi vào một cửa hàng lớn. Lúc đó, em đang rửa tay trong phòng vệ sinh nữ. Em đi cùng nhóm các thí sinh các nước phía Đông, các bạn có làn da tối màu hơn em, như da bạn Ratnati. Em đứng cách các bạn ấy hơi xa một chút. Rồi một người phụ nữ tiến về phía em, kéo em ra một bên. Chắc chắn cô ấy nghĩ em là người Mỹ. Cô ấy nói: "Đám người da đen đó đang làm gì ở đây vậy?" Em bối rối vô cùng. Em nói với cô ấy một cách bình tĩnh nhất có thể là em đi cùng họ, chúng em là ai. Tất nhiên cô ấy thay đổi thái độ ngay lập tức song trực tiếp trải nghiệm việc này quả đã mang lại một cú sốc kinh khủng. Mọi người đọc về nó trên báo, nghe kể về nó, nhưng phải đến khi trực tiếp trải nghiệm, mọi người mới thực sự thấy mức độ nghiêm trọng của nó. Em nghĩ định kiến xuất phát chủ yếu từ màu da, và em nghĩ là... Em không biết tại sao, nhưng em nghĩ là... người da trắng nghĩ người da màu có làn da bẩn thỉu và không có nền văn hóa tiên tiến, nên người da trắng là những người vĩ đại nhất, tuyệt vời nhất thế giới, họ nghĩ vậy. Về vấn đề màu da, nếu ở đây mùa hè, các bạn sẽ thấy nhiều người Mỹ nằm phơi khắp các bãi biển để có làn da nâu. Vâng, rõ ràng là vậy. Tôi tự hỏi việc đó thực sự có ý gì? Em nghĩ phụ nữ da trắng chúng ta có mặc cảm tự ti. Phụ nữ phương Đông và phụ nữ da đen nổi tiếng xinh đẹp, đến nỗi chúng ta có chút ghen tị với họ. Tớ đoán cậu ghen với đám da màu chúng tớ phải không? Ừ tớ nghĩ vậy đó. Có cái gì tương tự như vậy ở...? Em nghĩ là có đó, cô Waller, vì ở Phillipines, thật buồn cười là có một xu thế chung giữa những người phụ nữ, những người có nước da ngăm đen, em xin nói như vậy, hoặc chỉ rám nắng thôi, hoặc chỉ là da nâu thôi, đặc biệt là các mệnh phụ. Dù mặt đã có nếp nhăn, họ vẫn muốn tẩy trắng da! Hãy tưởng tưởng ngay lúc này cô gặp một người. Cô chào họ: "Chào buổi sáng!" Cô thấy làn da người đó chỉ rám nắng và nâu thôi. Ba tháng sau, cô gặp lại người đó... Người này đã có những hoạt động xã hội hữu ích, cố gắng trở nên thật tôn quý, có học thức, vân vân. Cô chợt để ý thấy da mặt người này sáng hơn trước đây. Cô nhìn xuống bàn tay người đó và mọi thứ từ cánh tay trở xuống. Cô sẽ không kìm được mà phải thốt lên "Ôi trời ơi!" Bởi vì cô sẽ thấy khác biệt thực sự rất lớn. Da người đó rất trắng ở phần này, nhưng khi cô nhìn xuống cánh tay, vân vân, phần cơ thể phía dưới... Ây! Khác biệt vô cùng to lớn! Da vùng này thì tối, nhưng vùng này thì rất sáng. Họ tẩy da thật à? Thật đó cô Waller! Thế Nhật Bản thì sao? Phụ nữ Nhật không muốn thay đổi theo bất kỳ cách nào, phải không? Một vài phụ nữ Nhật, umm, thế này gọi là gì ạ? - Nhuộm tóc - Vâng, là nhuộm tóc. Nhuộm tóc đỏ. - Thật sao? - Thật ạ. Họ thích tóc đỏ. Nhưng em thì không. Ở Indonesia thì sao? Nếu như người phương Tây cố làm da đen đi, thì chúng em cố làm da trắng hơn. Chúng em che chắn khi ra ngoài trời. Tại sao? Tôi không hiểu. Màu da bạn hiện giờ đẹp mà. Khi ra ngoài, chúng em mặc áo khoác dài tay để chống nắng, không là da đen sì đấy ạ. Nói tôi nghe, chính phủ nước các bạn có hành động gì đối với vấn đề định kiến không? Từng bạn đã nói về những định kiến ở nước mình. Chính phủ nước các bạn đang làm gì trong nỗ lực xóa bỏ những định kiến ấy? Bạn đã nói về định kiến về con lai, bạn cũng nói về con lai. Các bạn chưa nói cho chúng tôi nghe nhiều lắm về vị thế của phụ nữ. Nhân đây, tôi muốn hỏi phụ nữ ở Nhật Bản hiện có tự do hơn so với hồi trước chiến tranh không? Trước chiến tranh, không có dân chủ. Phụ nữ thuộc sở hữu của đàn ông. Đàn ông kiểm soát phụ nữ, vân vân, và... Thế còn bây giờ? Đàn ông có cơ hội làm trước tất cả mọi thứ, thậm chí cả việc đi qua cửa. Phụ nữ phải mở cửa trước để đàn ông đi qua trước. Trên xe buýt hay trong rạp, đàn ông ngồi xuống trước. Nếu không còn ghế thì phụ nữ phải đứng. Uây, tớ cũng muốn sống ở Nhật! Tình hình có đang thay đổi chút nào không? Dạ có, cũng hơi có thay đổi. Bây giờ, phụ nữ có thể bầu cử, và có cơ hội bình đẳng trong mọi việc. Judith, ban nãy bạn có nói về định kiến của mình với giọng Cockney. Định kiến đó có còn rất mạnh ở Anh không? Định kiến của giới gọi là quý tộc đối với người Cockney ấy? Không, em nghĩ bây giờ đó không còn là vấn đề nghiêm trọng nữa đâu, nhất là kể từ hồi chiến tranh. Cô biết đấy, suy nghĩ người Anh chỉ nói hoặc giọng Cockney, hoặc giọng rất quý tộc không còn đúng nữa. Chúng em chắc chắn không còn khinh thường người khác đâu nếu họ có giọng nói như vậy. Bây giờ, nếu mọi người vào trong Nhà Quốc hội, mọi người sẽ thường xuyên nghe thấy giọng Bắc, giọng Wales, thậm chí cả giọng Cockney. Chúng em tự hào về những người đó, vì họ là những người đã đưa chúng em vượt qua cuộc chiến vừa rồi. Sẽ không có ai dám nói gì chống lại họ đâu. Thực tế là, chính giọng quý tộc giờ mới là giọng bị kỳ thị. Em còn đang sợ mọi người bây giờ đang cười giọng ấy đây này. Thực tế là, mọi người có thể nghĩ giọng của em nghe hơi có học thức một chút, nhưng em đảm bảo là về Anh, em không hẳn là nói giọng Cockney nhưng vẫn là nói giọng địa phương. Bạn định nói là cô giáo ở trường sẽ không chấp nhận bạn? Ôi không, em sẽ bị chỉnh đấy ạ. Tôi ghét phải nghĩ về những gì sẽ xảy ra khi bạn về nước sau 3 tháng ở đây quá! - Em cũng vậy. - Bạn phải viết thư kể tôi nghe đấy nhé! Tôi muốn có thời gian để hỏi các bạn: theo các bạn, các cá nhân có thể làm gì để xóa bỏ định kiến, nhưng chúng ta sắp hết giờ rồi. Bạn nào có thể trả lời nhanh nào? Theo em, chúng ta nên cẩn thận xem xét một người trước khi đưa ra bất kỳ đánh giá nào về người đó. Và nếu có đánh giá, chúng ta cũng nên công bằng. Một ý kết thúc thật hay. Cảm ơn Ratnati, Yoriko, Judith, và Raul. Tuần tới, chúng ta sẽ tiếp tục chủ đề định kiến này, với 4 thí sinh đến từ châu Phi: 1 bạn da trắng và 3 bạn da màu. Đó là các thí sinh đến từ Liên đoàn Nam Phi, Bờ Biển Vàng, Ethiopia, và Nigeria.