Trong nửa thế kỷ nỗ lực gìn giữ hòa bình, tôi luôn đau đáu một câu hỏi: Làm cách nào để giải quyết bạo lực mà không cần dùng tới bạo lực? Khi chúng ta đối mặt với sự tàn bạo, hay khi một đứa trẻ bị bắt nạt tại sân chơi hay chứng kiến bạo lực gia đình -- hay, bắt gặp xe tăng và súng ống, như những gì đang xảy ra trên đường phố Syria gần đây, thì giải pháp hiệu quả nhất là gì? Chống trả ? Đầu hàng ? Hay sử dụng bạo lực gay gắt hơn ? Câu hỏi: "Làm thế nào để chống lại một kẻ ức hiếp mà không trở thành kẻ bạo hành ?" đã ám ảnh tôi từ khi còn nhỏ. Tôi nhớ khi 13 tuổi, tôi đã dán mắt vào chiếc TV đen trắng trong phòng khách xem xe tăng của quân Liên Xô tiến vào Budapest, và những đứa trẻ cũng trạc tuổi tôi đang xông thẳng vào xe tăng và bị xe chèn qua. Tôi đã chạy lên lầu, xếp quần áo vào vali. Mẹ tôi lại gần và hỏi: "Con đang làm cái quái gì thế?" Và tôi nói: "Con sẽ đi Budapest." Mẹ lại hỏi: "Để làm gì mới được chứ?" Tôi trả lời: "Trẻ em ở đó đang bị giết hại. Ắt hẳn có chuyện gì tệ hại đang xảy ra." Và mẹ nói: "Đồ ngốc." Tôi bật khóc. Mẹ hiểu ra và nói rằng: "Được rồi, xem ra chuyện có vẻ nghiêm trong. Nhưng con còn quá bé, chưa thể giúp họ được. Con cần được dạy dỗ bài bản trước đã. Mẹ sẽ giúp con. Nhưng cứ dỡ đồ ra đã." Và tôi bắt đầu học rồi đến làm việc ở Châu Phi trong suốt những năm của độ tuổi 20. Nhưng tôi nhận ra rằng những gì tôi thực sự muốn biết lại không thể học được qua trường lớp. Tôi chỉ muốn hiểu bạo lực, và sự bóc lột, diễn ra như thế nào. Và tôi phát hiện ra rằng: Bọn áp bức sử dụng bạo lực theo ba cách: Dùng bạo lực chính trị để uy hiếp, dùng vũ lực để chiếm đóng lãnh thổ, và dùng bạo lực tinh thần để làm nhụt chí. Và trong rất ít trường hợp bạo lực có thể trị được bạo lực. Nelson Mandela vào tù vì tin vào sức mạnh của bạo lực, 27 năm sau, ông và cộng sự của mình, đã dần dần mài giũa được kỹ năng cần có, đáng kinh ngạc, để biến một trong những chính phủ tàn ác nhất trên thế giới thành chính quyền dân chủ. Và họ đã làm điều đó mà hoàn toàn không dùng tới bạo lực. Họ nhận ra rằng dùng bạo lực chống lại bạo lực không hề hiệu quả. Thế điều gì mới có hiệu quả? Qua nhiều năm, tôi đã thu thập được 6 cách hiệu quả -- tất nhiên còn rất nhiều cách khác -- cũng đem lại hiệu quả cao. Cách đầu tiên là thay đổi phải bắt đầu từ phải bắt đầu từ đây, từ bên trong. Đó là phản ứng, thái độ trước sự đàn áp tôi đã kiềm chế được, và tôi có thể thay đổi nó. Tôi cần rèn giũa nhận thức của mình. Điều đó có nghĩa là tôi cần biết cách mình suy nghĩ, khi nào mình gục ngã, khi nào tôi sợ, điểm yếu của mình ở đâu. Khi nào mình đầu hàng? Mình chiến đấu vì điều gì? Tự xem xét lại bản thân là một trong nhiều cách đó không phải là cách duy nhất mà là một trong số nhiều cách để có được sức mạnh nội tâm này. Và người anh hùng của tôi -- hay của Satish -- là Aung San Suu Kyi ở Burma. Bà ấy đã dẫn đầu một nhóm học sinh biểu tình trên đường phố ở Rangoon. Họ đứng ở góc phố, đối mặt với một hàng súng máy. Và Aung San Suu Kyi đã nhanh chóng nhận ra rằng ngón tay đặt trên cò súng của những người lính đang run rẩy họ đang sợ hãi hơn cả những sinh viên biểu tình sau lưng bà. Nhưng bà đã bảo đám sinh viên ngồi xuống. Và với vẻ bình tĩnh và dứt khoát, bà tiến về phía trước hoàn toàn không sợ hãi bà tiến thẳng tới trước khẩu súng đầu tiên, đặt tay lên khẩu súng và hạ thấp nó xuống. Và đã không có đổ máu. Đó là những gì mà một người làm chủ nỗi sợ có thể làm được không chỉ là việc đối mặt với ống súng, mà còn có thể là một cuộc chiến dao găm trên đường phố. Chúng ta phải rèn luyện kỹ năng này. Vậy còn nỗi sợ hãi của chúng ta thì sao? Tôi có một cách hay dùng. Nỗi sợ của tôi lớn dần nhờ năng lượng mà tôi dành cho nó. Và nếu nó trở nên quá lớn thì tôi sẽ dùng tới nó. Chắc tất cả mọi người đều biết hội chứng 3 giờ sáng nghĩa là khi ta có chuyện lo lắng, nó sẽ khiến bạn tỉnh giấc tôi đã thấy nhiều người mắc hội chứng này trong vòng một tiếng quay ngang quay ngửa hội chứng sẽ trở nên tệ hơn và tới lúc 4 giờ bạn sẽ vùi mình vào gối như thế này. Điều duy nhất có thể làm là thức dậy, uống một tách trà và ngồi xuống cùng với nỗi sợ mà bạn coi là một đứa trẻ con. Bạn là người lớn. Và nỗi sợ chỉ là một đứa bé. Bạn sẽ nói chuyện với nó và hỏi rằng nó muốn gì, hay cần gì. Làm thế nào để nó thấy thoải mái hơn? Để đứa bé trở nên mạnh mẽ hơn? Rồi bạn hãy lên kế hoạch. Hãy nói rằng, "Được rồi, giờ chúng ta sẽ đi ngủ tiếp. Và chúng ta sẽ thức dậy lúc 7h30." Tôi đã trải nghiệm hội chứng này hôm Chủ nhật khi thấy sợ hãi việc tới nói chuyện với mọi người hôm nay. (tiếng cười) Và tôi đã làm điều đó. Tôi tỉnh dậy, uống một tách trà, ngồi nói chuyện với nỗi sợ hãi và giờ thì tôi đang ở đây, tuy có phần sợ hãi, nhưng vẫn đứng đây. (tiếng vỗ tay) Đó là sự sợ hãi. Còn sự tức giận thì sao? Nơi nào không có sự công bằng ắt sẽ có sự tức giận. Nhưng sự tức giận giống như xăng dầu vậy, nếu bạn xịt nó quanh mình và ai đó đánh một que diêm, thì cả người bạn sẽ bị bốc cháy. Nhưng sự tức giận cũng là một loại động cơ - một động cơ rất khỏe Nếu ta có thể biến thứ xăng đó thành động cơ nó có thể giúp ta tiến xa về phía trước, nó có thể giúp ta vượt qua những khoảnh khắc khủng khiếp và trao cho ta nguồn sức mạnh nội tại. Đó là điều tôi đã học được từ một công trình của mình, hợp tác với các nhà lập sách năng lượng nguyên tử. Bởi ban đầu tôi đã quá bất bình với những mối nguy hiểm mà họ khiến chúng tôi gặp phải, bất bình tới nỗi tôi chỉ muốn tranh cãi, đổ lỗi, và chứng minh rằng họ đã sai. Nhưng cách đó hoàn toàn công cốc. Để phát triển một cuộc đối thoại đòi hỏi sự thay đổi đạt được hiệu quả chúng ta cần kiểm soát sự tức giận của bản thân. Hoàn toàn bình thường khi tức giận với những thứ như vũ khí nguyên tử trong trường hợp của tôi, nhưng tức giận với người khác là vô nghĩa. Họ cũng chỉ là con người như chúng ta. Và làm những gì mà họ cho là tốt nhất. Đó là nền tảng để ta trò chuyện với họ. Sự tức giận chính là cách thứ ba. Nó trao cho tôi chìa khóa về vấn đề gì đang xảy ra, hay giúp tôi nhận thức được chuyện đang xảy ra trên thế giới ngày hôm nay, đó là điều cần thiết ở thế kỷ này. Con người từng phải làm theo những gì mà chính phủ ra lệnh. Còn ở thế kỷ này, mọi việc đã khác. Người dân có sức mạnh gây ảnh hưởng với chính phủ. Giống như việc nấm mọc lên từ bê tông. Giống như Bundy đã nói, người dân giờ đây từ ngàn dặm cách xa nhau đã hội tụ lại và tạo nên những thay đổi. Tổ chức Peace Direct đã sớm chỉ ra rằng những người sống ở vùng hay có xung đột thường biết họ phải làm gì. Họ biết những điều gì là tốt nhất. Vì thế Peace Direct chỉ đứng phía sau để giúp đỡ họ. Và những gì mà họ đang làm là giúp binh lính giải ngũ, tái xây dựng các nền kinh tế, và giúp những người di tản tái định cư, hay thậm chí giải phóng những binh lính vẫn còn là trẻ con. Họ phải cược cả mạng sống của mình mỗi ngày để làm vậy. Và họ nhận ra rằng sử dụng bạo lực trong những trường hợp trên không chỉ là phi nhân đạo, mà còn không hiệu quả bằng những phương pháp kết nối con người lại với nhau. Và tôi nghĩ rằng quân đội Hoa Kỳ cuối cùng cũng bắt đầu hiểu được điều này. Cho tới ngày nay, chính sách chống khủng bố của Hoa Kỳ đã dùng mọi cách để giết chết những kẻ gây rối, và nếu người dân nhìn nhận chính sách đó theo hướng này, thì việc này sẽ được coi là "sự thiệt hại bên lề". Và sự thiệt hại này khiến người dân Afghanistan cảm thấy nhục nhã và tức giận, giúp tổ chức khủng bố Al-Qaeda gia tăng lực lượng, ví dụ như khi người dân cảm thấy ghê tởm với tục thiêu chết của đạo Hồi. Thế nên phải thay đổi việc huấn luyện quân đội. Thiết nghĩ đã có những dấu hiệu cho thấy sự việc đang bắt đầu thay đổi. Về mặt này, quân đội Anh luôn làm tốt hơn cả. Nhưng có một ví dụ điển hình khiến họ làm vậy, đó là một đại tá xuất sắc người Mỹ có tên là Chris Hughes. Ông ấy đã dẫn đội quân của mình xuống những con phố ở Najaf, tại Irắc. Và đột nhiên người dân từ trong các ngôi nhà đổ ra hai bên đường. Họ la hét với vẻ tức giận tột độ, bao vây những người lính trẻ, những con người đang vô cùng hoảng sợ. không biết chuyện gì đang diễn ra, bởi họ không biết nói tiếng Ả rập. Và Chris Hughels đã bước vào giữa đám đông với vũ khí giơ cao trên đầu, mũi súng hướng xuống đất, và ông nói, "Tất cả quỳ xuống." Cả đội quân hùng hậu đeo ba lô và vũ khí đầy mình lần lượt quỳ gối xuống mặt đất. Một sự tĩnh lặng hoàn toàn. Hai phút sau, người dân bỏ đi và trở về nhà. Với tôi, đó là một hành động khôn ngoan. Cái cách mà ông ấy làm tại thời khắc đó. Và nó đang diễn ra ở mọi nơi. Các bạn không tin lời tôi nói ư ? Vậy bạn đã bao giờ tự hỏi mình tại sao và làm như thế nào các chế độ độc tài lại sụp đổ trong hơn 30 năm qua chưa ? Tại Czechoslovakia, Đông Đức, Estonia, Latvia, Lithuania, Mali, Madagascar, Phần Lan, Philipin, Serbia, Slovenia, nhiều nơi khác nữa, và hiện tại là Tunisia và Ai Cập. Sự việc không xảy ra ngẫu nhiên. Tại rất nhiều nơi đều bắt đầu từ một cuốn sách được viết bởi một người đàn ông 80 tuổi sống tại Boston có tên là Gene Sharp. Cuốn sách có tên là "Từ độc tài tới nền dân chủ" với 82 phương pháp phản kháng phi bạo lực. Cuốn sách đã được dịch ra 26 thứ tiếng trên toàn thế giới. Và nhiều người trẻ cũng như già ở khắp mọi nơi đều đang đọc nó, bởi vì những phương pháp được đưa ra đều rất hiệu quả. Chính điều này đã khiến tôi hy vọng không chỉ là hy vọng, mà còn cảm thấy lạc quan hơn. Bởi vì cuối cùng, nhân loại cũng đang dần hiểu ra điều đó. Và chúng ta đang tiến tới sử dụng những phương pháp hòa bình hiệu quả để trả lời cho câu hỏi : Làm thế nào để giải quyết bạo lực mà không trở thành kẻ bạo lực? Đó chính là sử dụng các kỹ năng mà tôi đã nhắc tới: sức mạnh nội tại sự phát triển của sức mạnh đó qua việc nhận thức được bản thân, nhìn nhận và chấp nhận nỗi sợ hãi của bản thân, sử dụng sự tức giận làm nhiên liệu, kết nối với mọi người, tập hợp mọi người lại với nhau, sự dũng cảm, và trên hết, sự cam kết với phi bạo lực. Lúc này đây, tôi không chỉ tin vào phi bạo lực. Tôi không phải tin vào nó. Mà còn thấy những bằng chứng chứng minh nó hiệu quả ở khắp mọi nơi. Tôi thấy chúng ta, những người bình thường, đều có thể làm những gì mà Aung San Suu Kyi, Ghandi, và Mandela đã làm. Chúng ta có thể chấm dứt thế kỉ đẫm máu nhất mà nhân loại từng biết tới. Và chúng ta có thể vượt qua sự đàn áp bằng việc mở rộng trái tim mình cũng như lan truyền cách giải quyết đáng kinh ngạc này. Mở rộng trái tim chính là những gì mà tôi đã trải nghiệm trong cả tổ chức tại đây từ lúc có mặt tại đây từ hôm qua. Cám ơn vì đã lắng nghe. (tiếng vỗ tay)