Tôi đã đăng bài báo này trên tờ New York Times mục Modern Love vào tháng Một năm nay. "Để Phải Lòng Ai Đó, Hãy Làm Như Thế Này" Và bài báo này là một nghiên cứu tâm lý được thiết kế để tạo ra tình yêu lãng mạn trong phòng thí nghiệm, Và kinh nghiệm bản thân của tôi khi tự mình thử nghiên cứu này vào một đêm hè năm ngoái. Quy trình này khá là đơn giản: Hai người lạ mặt lần lượt hỏi nhau 36 câu hỏi với mức độ riêng tư tăng dần và sau đó họ nhìn vào mắt nhau không nói lời nào trong vòng 4 phút. Đây là một số câu hỏi ví dụ. Số 12: Nếu bạn thức giấc vào ngày mai và phát hiện mình có được một phẩm chất hoặc khả năng nào đó, nó sẽ là gì? Số 28: Lần cuối cùng bạn khóc trước mặt người khác là khi nào? hay bạn khóc một mình? Các bạn có thể thấy, chúng thực sự càng lúc càng trở nên riêng tư hơn. Số 30, tôi thực sự thích câu này: Hãy nói với người bên cạnh điều bạn thích ở họ; lần này thực sự thành thật vào nhé, hãy nói những điều mà bạn có thể không nói với người bạn chỉ vừa mới gặp. Vậy là khi tôi bắt đầu nghiên cứu này một vài năm trước đây, có một vướng mắc nhỏ đã xảy ra, và đó là một tin đồn rằng 2 trong số những người tham gia đã kết hôn 6 tháng sau đó, và họ đã mời tất cả những thành viên trong nhóm nghiên cứu đến dự lễ. Tôi đương nhiên đã rất hoài nghi về quá trình tạo ra tình cảm lãng mạn này, những tất nhiên tôi cũng tò mò. Và khi tôi có cơ hội được tự trải nghiệm nghiên cứu này, với một người tôi chỉ biết chứ không thân thiết lắm, tôi không hy vọng rằng mình sẽ rơi vào lưới tình. Nhưng chúng tôi đã phải lòng nhau, và... (Cười lớn) Và tôi nghĩ rằng đó là một câu chuyện hay, vậy nên tôi gửi nó đến mục Modern Love vài tháng sau đó. Bây giờ, bài này được đăng vào tháng Một, và hiện tại đã là tháng Tám, vậy tôi đoán rằng vài bạn có lẽ đang thắc mắc, liệu chúng tôi có còn bên nhau? Và lí do tôi cho rằng đây là điều các bạn đang tự hỏi là bởi vì tôi đã được hỏi câu này rất nhiều lần trong 7 tháng qua. Và câu hỏi này là điều tôi rất muốn nói trong ngày hôm nay. Nhưng chúng ta bàn về nó sau nhé. (Cười lớn) Một tuần trước khi bài báo được đăng, tôi đã rất lo lắng. Tôi đã viết một cuốn sách về những câu chuyện tình trong vòng vài năm trước, vậy là tôi quen viết về chính những trải nghiệm của bản thân với tình yêu lãng mạn trên nhật ký của mình. Nhưng một bài blog của tôi chỉ có cùng lắm vài trăm lượt xem, và thường là của bạn bè tôi trên Facebook, và tôi phát hiện ra bài báo của mình trên tờ New York Time có thể có hàng ngàn lượt xem. Và có vẻ như đây là một sự quan tâm lớn cho một mối quan hệ còn tương đối mới mẻ. Nhưng hóa ra, tôi đã không biết điều đó. Vậy là bài báo được đăng trên mạng vào tối thứ Sáu, và sang đến thứ Bảy, đây là số lượng truy cập vào blog của tôi. Và đến Chủ nhật, cả tờ Today Show và Good Morning America đã gọi điện. Trong vòng một tháng, bài báo đã nhận được 8 triệu lượt xem, và tôi, nói không quá, là đã không chuẩn bị cho sự chú ý này. Việc tự tin để viết về trải nghiệm tình yêu của bạn một cách chân thật là một chuyện, nhưng phát hiện ra tình yêu của bạn đã trở thành tin tức quốc tế -- (Cười lớn) và nhận ra rằng mọi người trên thế giới đều đang chân thành tìm hiểu về tình trạng yêu đương của bạn thì là chuyện khác. (Cười lớn) Và mỗi ngày trong nhiều tuần liền, khi mọi người gọi điện hay viết thư, điều đầu tiên họ đều hỏi một câu giống hệt nhau: Các bạn vẫn ở bên nhau chứ? Thực ra, khi tôi chuẩn bị cho buổi nói chuyện này, tôi đã tìm nhanh trong hộp thư của mình cụm từ "Các bạn vẫn ở bên nhau chứ?" và rất nhiều tin nhắn hiện ra ngay lập tức. Chúng đến từ những sinh viên và nhà báo và cả những người lạ dễ mến như người này đây. Tôi tham gia một cuộc phỏng vấn trên radio và họ cũng hỏi. Tôi đã tổ chức một buổi nói chuyện và một chị đã hét lên sân khấu, "Này Mandy, bạn trai của cô đâu rồi?" Và tôi đỏ mặt ngay tắp lự. Tôi hiểu rằng đây là một phần của vấn đề. Khi bạn viết về mối quan hệ của mình trên một tờ báo quốc tế, bạn nên biết rằng mọi người sẽ thoải mái hỏi về chuyện đó. Nhưng tôi chỉ chưa sẵn sàng cho mức độ phản hồi như thế này. 36 câu hỏi này có vẻ như đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Thực ra, tờ New York Time đã đăng một bài báo nữa vào ngày Lễ Tình Nhân, miêu tả trải nghiệm của độc giả khi tự mình thực hiện nghiên cứu này, với rất nhiều mức độ thành công. Vậy nên phản ứng dữ dội đầu tiên của tôi khi đối mặt với tất cả sự chú ý này là trở nên vô cùng đề phòng đối với mối quan hệ của chính mình. Tôi nói không với tất cả những yêu cầu cho hai chúng tôi xuất hiện trên truyền thông cùng nhau. Tôi từ chối những buổi phỏng vấn TV, và tôi nói không với tất cả những yêu cầu chụp ảnh hai chúng tôi. Tôi nghĩ tôi đã lo lắng rằng chúng tôi sẽ trở thành những biểu tượng sai sót của quá trình phải lòng, một vị trí mà tôi hoàn toàn không cảm thấy mình có thể đảm đương được. Và tôi hiểu ra: mọi người không chỉ muốn biết liệu nghiên cứu này thành công, họ muốn biết liệu nó có thực sự thành công hay không. đó là, liệu nó có khả năng tạo ra một tình yêu sẽ tồn tại lâu dài, không chỉ là cảm xúc thoáng qua mà là tình yêu đích thực, tình yêu bền vững. Nhưng đây là câu hỏi mà tôi không cảm thấy mình có thể trả lời Mối quan hệ của tôi mới chỉ có vài tháng thôi, và tôi cảm thấy mọi người đã hỏi sai câu hỏi ngay từ đầu rồi. Biết được chúng tôi có còn bên nhau hay không nói lên điều gì với họ? Nếu câu trả lời là không, liệu nó có làm việc thử nghiệm 36 câu hỏi này trở nên ít xứng đáng hơn một chút nào? Tiến sĩ Arthur Aron đầu tiên đã viết về những câu hỏi này trong bài nghiên cứu này vào năm 1997, và ở đây, mục tiêu của nhà nghiên cứu không phải là để tạo ra ra tình yêu. Thay vào đó, họ muốn thúc đẩy sự gần gũi giữa con người, giữa những sinh viên đại học với nhau, bằng cái mà Aron gọi là "Sự tự bộc bạch nhân cách, tương hỗ, tăng dần, liên tục" Nghe thật lãng mạn phải không? Nhưng mà nghiên cứu đã thành công. Những người tham gia đã cảm thấy gần gũi hơn sau khi thực hiện, và rất nhiều nghiên cứu sau này cũng sử dụng giao thức kết bạn nhanh của Aron như một cách để nhanh chóng tạo ra sự tin tưởng và thân mật giữa hai người lạ. Họ đã dùng nó giữa những cảnh sát viên và thành viên của cộng đồng, và họ dùng nó giữa những người có tư tưởng chính trị đối lập. Phiên bản gốc của câu chuyện, cái mà tôi đã thử mùa hè năm ngoái, một cặp những câu hỏi cá nhân với 4 phút giao tiếp bằng mắt, đã được dẫn chứng trong bài báo này, nhưng thật không may là nó đã không bao giờ được đăng. Thế là vài tháng trước tôi đang tổ chức một buổi nói chuyện ở một trường đại học nghệ thuật tự do nhỏ, và một sinh viên đã đến gặp tôi sau đó và cậu ta nói, khá là ngại ngùng, "Vậy là, em đã thử nghiên cứu của cô, và nó đã không thành công." Cậu ấy có vẻ bối rối vì việc này. "Ý em là em không phải lòng người em thử nghiệm cùng à?" Tôi hỏi. "Vâng..." Cậu ấy ngập ngừng. "Em nghĩ cô ấy chỉ muốn làm bạn." "Nhưng mà hai em có trở thành bạn tốt hơn không?" Tôi hỏi. "Em có cảm thấy hai em thực sự hiểu nhau sau khi làm thí nghiệm này không?" Cậu ấy gật đầu. "Vậy thì, nó đã thành công rồi", tôi nói. Tôi không nghĩ rằng đây là câu trả lời mà cậu ấy đang tìm kiếm. Thực ra, tôi không nghĩ đây là câu trả lời mà bất cứ ai trong chúng ta đang tìm kiếm khi nói đến chuyện tình yêu. Tôi bắt đầu nghiên cứu này khi tôi 29 tuổi và tôi đang trải qua một cuộc chia ly cực kì khó khăn. Tôi đã ở trong mối quan hệ này từ khi tôi mới 20 tuổi, cơ bản là cả quãng đời trưởng thành của tôi, và anh là tình yêu đích thực đầu tiên của tôi, và tôi không biết làm sao hoặc liệu tôi có thể sống mà thiếu anh ấy. Vậy nên tôi chuyển sang khoa học. Tôi nghiên cứu tất cả những gì tôi có thể tìm thấy về môn khoa học của tình yêu, tôi đã hy vọng rằng nó có thể bằng cách nào đó chữa lành nỗi đau của tôi. Tôi không biết mình có nhận ra điều này vào thời điểm đó hay không -- Tôi nghĩ rằng tôi chỉ đang nghiên cứu cho cuốn sách tôi đang viết thôi -- nhưng giờ nghĩ lại thì tôi thấy mọi thứ khá là rõ ràng. Tôi hy vọng rằng nếu tôi trang bị cho mình kiến thức về tình yêu, tôi có thể sẽ không bao giờ phải cảm thấy tồi tệ và cô đơn như lúc ấy. Và tất cả những kiến thức này đã trở nên hữu ích theo cách nào đó. Tôi trở nên kiên nhẫn hơn khi yêu. Tôi thư thái hơn. Tôi tự tin hơn khi yêu cầu những điều tôi muốn. Nhưng tôi cũng hiểu bản thân mình rõ hơn, và tôi biết rằng đôi khi những điều tôi muốn vượt quá mức hợp lý để có thể yêu cầu. Điều tôi cần từ tình yêu là một sự bảo đảm, không chỉ là hôm nay tôi được yêu và ngày mai tôi sẽ được yêu, mà là tôi sẽ tiếp tục được yêu bởi người tôi yêu vĩnh viễn. Có lẽ tính khả thi của sự bảo đảm này mới thực sự là thứ mọi người muốn biết khi mọi người hỏi liệu chúng tôi có còn bên nhau. Vậy nên câu chuyện mà truyền thông đã nói về 36 câu hỏi thực ra là có thể có một đường tắt dẫn đến tình yêu. Có thể có một một cách mà bằng cách nào đó giảm bớt một số nguy cơ liên quan, và đây là một câu chuyện rất hấp dẫn, bởi vì phải lòng là cảm giác rất tuyệt vời, nhưng cũng thật đáng sợ. Từ giây phút bạn thừa nhận mình yêu ai đó, bạn phải chấp nhận mất đi nhiều thứ, và những câu hỏi này thực sự mang đến một cơ chế để nhanh chóng hiểu một ai đó, cũng là cơ chế để bạn được thấu hiểu, và tôi nghĩ đây là điều mà hầu hết chúng ta đều muốn từ tình yêu: được biết, được nhìn nhận, được thấu hiểu. Nhưng tôi nghĩ khi nói đến chuyện tình yêu, chúng ta sẵn sàng chấp nhận phiên bản rút ngắn của câu chuyện. Phiên bản "Liệu các bạn có còn bên nhau?" với nội dung là câu trả lời có hoặc không. Vậy nên thay vì câu hỏi đó, tôi đề nghị chúng ta hỏi những câu hỏi phức tạp hơn một chút, những câu hỏi như là: Làm sao quyết định được ai xứng đáng với tình yêu của bạn và ai thì không? Làm thể nào để vẫn yêu nhau khi mọi việc trở nên khó khăn? và làm sao bạn biết được khi nào thì nên dứt áo ra đi? Làm thế nào để sống với nỗi hoài nghi nỗi sợ về sự thiếu chắc chắn mà mọi mối quan hệ đều có, Hoặc thậm chí khó hơn, Làm sao để sống với nỗi hoài nghi của người bạn yêu? Tôi không nhất thiết phải biết câu trả lời cho những câu hỏi này, nhưng tôi nghĩ chúng là khởi đầu quan trọng cho một cuộc trò chuyện sâu sắc về việc yêu một ai đó nghĩa là thế nào. Vậy nên, nếu bạn muốn, thì đây là phiên bản rút ngắn về chuyện tình của tôi: một năm trước, một người quen và tôi cùng thực hiện một nghiên cứu được thiết kế để tạo ra tình yêu, và chúng tôi đã yêu nhau, và chúng tôi vẫn bên nhau, và tôi rất hạnh phúc. Nhưng phải lòng nhau không giống như việc yêu nhau. Phải lòng chỉ là phần đơn giản thôi. Vì vậy ở cuối bài báo, tôi đã viết, "Tình yêu không ngẫu nhiên mà đến. Chúng ta yêu nhau vì mỗi chúng ta đều là sự lựa chọn của nhau." Và bây giờ khi tôi đọc lại nó tôi cảm thấy hơi sợ, không phải vì nó sai, mà vì lúc đó tôi chưa thực sự nhận thức được mọi điều ẩn chứa trong sự lựa chọn đó. Tôi đã không nhận ra bao nhiêu lần mỗi chúng ta phải lựa chọn, và bao nhiêu lần tôi tiếp tục phải lựa chọn mà không biết rằng liệu anh ấy có mãi lựa chọn tôi hay không. Tôi muốn chỉ cần hỏi và trả lời 36 câu hỏi thôi là đủ, và chọn được một người vừa phóng khoáng vừa dễ mến, vừa vui vẻ để yêu và tuyên truyền cái sự lựa chọn đó trên tờ báo lớn nhất nước Mỹ. Nhưng việc mà tôi đã làm lại là biến mối quan hệ của mình trở thành một kiểu thần thoại mà chính tôi cũng không tin tưởng lắm. Và điều tôi muốn, có lẽ cả đời này tôi mong muốn, là thần thoại đó sẽ trở thành sự thật. Tôi muốn có đoạn kết có hậu được nhắc đến trong tiêu đề bài báo của chính tôi, điều mà, tình cờ rằng, là phần duy nhất của bài báo mà thực ra không phải do tôi viết. (Cười lớn) Nhưng cái mà tôi có thay vì thế lại là một cơ hội để lựa chọn yêu ai đó, và một hy vọng rằng anh ấy sẽ lựa chọn để yêu lại tôi, và điều đó thật đáng sợ, nhưng mà tình yêu là phải thế. Cảm ơn các bạn.