Hai mươi năm về trước, khi tôi còn là luật sư tranh tụng và luật sư về nhân quyền hành nghề toàn thời gian tại Luân Đôn, và Tòa Thượng thẩm ở đó được triệu tập lại, vài người cho đó là do một sự cố trong lịch sử, ngay tại tòa nhà này, Tôi gặp một chàng trai trẻ đã xin thôi việc ở Bộ Ngoại giao Anh. Khi tôi hỏi anh ta, "Tại sao cậu nghỉ việc?" Anh đã kể câu chuyện này. Một buổi sáng, anh ấy tới chỗ sếp mình và nói, "Hãy làm điều gì đó để chống lại sự vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc." Và sếp của anh ta trả lời, "Ta không thể làm gì trước sự vi phạm đó cả, vì chúng ta có mối quan hệ thương mại với Trung Quốc." Và anh bạn đó bỏ đi với cảm giác bẽ mặt, và sáu tháng sau, anh quay lại chỗ sếp của mình, lần này anh ta nói, "Hãy làm gì đó để chống lại sự vi phạm nhân quyền ở Burma," đó là tên trước kia. Ông sếp của anh ta một lần nữa ngắt lời và nói, "Oh, nhưng chúng ta không thể làm gì cho nhân quyền ở Burma vì chúng ta không có bất kỳ quan hệ thương mại nào với Burma." (Cười) Đó là lúc anh ấy hiểu anh ấy cần phải ra đi. Không chỉ là sự đạo đức giả khiến anh suy ngẫm. Đó là sự trốn tránh của chính phủ khi không muốn xảy ra xung đột với các chính phủ khác, trong các cuộc đàm phán căng thẳng, khi tất cả những người vô tội đều bị ảnh hưởng. Chúng ta luôn được bảo rằng xung đột là xấu, thỏa hiệp mới là tốt; xung đột là xấu, nhưng đồng thuận mới là tốt; xung đột là xấu, hợp tác mới là tốt. Nhưng theo quan điểm của tôi, cách nhìn như vậy về thế giới thực sự quá giản đơn. Chúng ta không thể biết xung đột đó có xấu hay không trừ khi ta biết ai đang chiến đấu, tại sao họ chiến đấu, và chiến đấu ra sao. Và việc thỏa hiệp sẽ rất tệ hại khi điều đó làm hại những người không ngồi ở bàn đàm phán, những người bị dễ tổn thương, bị tước quyền, những người mà chúng ta có nghĩa vụ phải bảo vệ. Bạn có thể phần nào hoài nghi về một luật sư tranh cãi về lợi ích của xung đột và cản trở việc thỏa hiệp, nhưng là một hoà giải viên, gần đây, tôi dành thời gian diễn thuyết về đạo đức hoàn toàn miễn phí. Vì vậy, như thủ quỹ của tôi nhắc nhở, tôi đã nghèo túng hơn. (Cười) Nhưng nếu các bạn đồng ý với lập luận của tôi, nó không những sẽ thay đổi cách bạn định hướng cuộc sống của mình, tôi sẽ tạm gác điều này lại một bên, mà còn thay đổi cách ta nghĩ về các vấn đề thời sự liên quan đến sức khỏe cộng đồng và môi trường. Cho phép tôi giải thích. Mọi học sinh trung học ở Mỹ, kể cả con gái 12 tuổi của tôi, được học rằng có ba nhánh cơ quan nhà nước: cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. James Madison viết, "Nếu như có bất kỳ nguyên tắc nào thiêng liêng hơn Hiến pháp của chúng ta và thực sự trong bất kỳ bản hiến pháp tự do nào khác hơn bất kể cái gì khác, thì điều đó sẽ tách biệt hoàn toàn các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp." Bây giờ, các nhà làm luật không chỉ quan tâm về sự tập trung và thực thi quyền lực. Họ cũng hiểu những mối nguy về ảnh hưởng của nó. Thẩm phán không thể quyết định tính hợp Hiến của các bộ luật, nếu họ tham gia vào việc soạn thảo những bộ luật đó; hoặc họ không thể truy tố trách nhiệm các cơ quan khác của chính phủ nếu họ hợp tác với các cơ quan đó, hay có quan hệ mật thiết với họ. Hiến pháp là, như một học giả nổi tiếng từng nói, "một lời mời gọi đối trọng." Và người dân chúng ta được phụng sự khi những cơ quan này thực sự đối trọng với nhau. Giờ, chúng ta nhận ra điều quan trọng của đấu tranh không chỉ ở khu vực công giữa các cơ quan nhà nước. Chúng ta còn biết rằng nó cũng có ở khu vực tư nhân, trong mối quan hệ giữa các công ty. Thử tưởng tượng rằng hai công ty hàng không Mỹ bắt tay nhau và thoả thuận sẽ cùng không giảm giá cho vé hạng thường xuống dưới 250 đô-la một vé. Đó là sự hợp tác, một số nói đó là sự thông đồng, không phải sự cạnh tranh, và những người dân chúng ta phải chịu thiệt thòi vì phải trả giá cao hơn để mua vé. Hãy nghĩ tương tự khi hai hãng máy bay nói, "Chúng tôi, hãng A, sẽ kiểm soát chặng từ LA tới Chicago," và hãng B nói, "Chúng tôi sẽ kiểm soát chiều từ Chicago tới DC, ta sẽ không cạnh tranh." Một lần nữa, đó là việc hợp tác hoặc thông đồng, thay vì cạnh tranh, và người dân chúng ta chịu thiệt hại. Vậy nên chúng ta hiểu tầm quan trọng của việc đối trọng khi nói đến mối quan hệ giữa các cơ quan chính phủ trong khu vực công. Chúng ta cũng hiểu tầm quan trọng của xung đột trong các mối quan hệ giữa các công ty thuộc khu vực tư nhân. Nhưng chúng ta đã quên điều đó trong mối quan hệ giữa khu vực công và tư. Và các chính phủ trên thế giới đang hợp tác với nền công nghiệp để giải quyết các vấn đề về sức khỏe cộng đồng và môi trường, họ thường cộng tác với chính các công ty đã tạo ra hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề họ đang cố gắng giải quyết. Chúng ta vẫn được nghe rằng các mối quan hệ này là đôi bên đều có lợi. Nhưng nếu có ai đó thua thì sao? Tôi lấy ví dụ. Cơ quan Liên hiệp Quốc quyết định giải quyết một vấn đề nghiêm trọng: vệ sinh kém ở các trường học vùng nông thôn Ấn Độ. Họ không chỉ hợp tác với chính quyền trung ương và địa phương mà còn với công ty truyền hình và với một tập đoàn nước sôđa giải khát đa quốc gia. Để đổi lấy khoản tài trợ ít hơn một triệu đô-la, tập đoàn đó được lợi một chiến dịch quảng cáo kéo dài một tháng gồm các chương trình từ thiện truyền hình kéo dài 12 giờ, tất cả đều sử dụng logo và bảng màu của công ty. Đó là sự sắp xếp hoàn toàn dễ hiểu khi nhìn từ góc độ công ty. Nó nâng cao danh tiếng của công ty và tạo sự trung thành với sản phẩm của công ty. Nhưng theo quan điểm của tôi, đây là một vấn đề không hề nhỏ đối với cơ quan liên chính phủ, cơ quan có sứ mệnh thúc đẩy cuộc sống bền vững. Bằng cách tăng sự tiêu thụ nước giải khát có đường được làm từ nguồn cung nước rất khan hiếm của địa phương và uống bằng chai nhựa ở một đất nước đang chống lại bệnh béo phì, điều này không bền vững đối với sức khỏe cộng đồng cũng như đối với môi trường. Và để giải quyết một vấn đề sức khỏe cộng đồng, chính quyền lại gieo mầm cho một vấn đề khác. Đây chỉ là một trong hàng tá ví dụ tôi phát hiện ra khi nghiên cứu sách về quan hệ giữa chính phủ và nền công nghiệp. Tôi cũng đã nói với các bạn về các sáng kiến trong công viên ở Luân Đôn và trên toàn nước Anh, liên quan đến chính công ty đó, khuyến khích thể dục, hay thực sự là chính phủ Anh tạo ra các cam kết tình nguyện trong việc hợp tác với nền công nghiệp, thay vì quản lý công nghiệp. Việc cộng tác hay hợp tác đã trở thành một kiểu mẫu trong y tế cộng đồng, và một lần nữa, điều họ làm là có lý khi nhìn từ quan điểm của nền công nghiệp. Nó cho phép họ định hướng vấn đề về sức khỏe cộng đồng và giải pháp theo những cách ít đe dọa nhất, và phù hợp nhất với các lợi ích thương mại của họ. Như vậy, béo phì trở thành vấn đề của việc đưa ra quyết định cá nhân, của hành vi cá nhân, trách nhiệm cá nhân và sự thiếu hoạt động thể chất. Điều này sẽ không phải vấn đề của hệ thống thực phẩm đa quốc gia liên quan tới các tập đoàn lớn, khi định hướng theo cách này. Xin nhắc lại, tôi không đổ lỗi cho nền công nghiệp. Bản chất nền công nghiệp là tham gia các chiến lược có tầm ảnh hưởng để khuyến khích các lợi ích thương mại. Nhưng chính phủ phải có trách nhiệm phát triển các chiến lược đối trọng chúng để bảo vệ chúng ta và các lợi ích chung. Sai lầm mà chính phủ phạm phải khi họ hợp tác theo cách đó với nền công nghiệp, là việc họ đánh đồng lợi ích chung với quan điểm chung. Khi bạn hợp tác với nền công nghiệp, bạn cần miễn bàn luận về những điều tốt cho lợi ích chung mà nền công nghiệp không đồng ý. Công nghiệp sẽ không đồng ý việc tăng các quy định trừ khi họ cho rằng điều đó sẽ ngăn chặn nhiều quy định hơn, hay có thể loại bỏ vài đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường. Và họ cũng không đồng ý làm vài điều nhất định, ví dụ tăng giá các sản phẩm không tốt cho sức khỏe của họ, vì nó có thể vi phạm luật cạnh tranh, mà chúng ta đã nói đến. Vì vậy chính phủ không nên nhầm lẫn giữa lợi ích chung và quan điểm chung, đặc biệt nhất là khi quan điểm chung nghĩa là thỏa thuận với nền công nghiệp. Tôi muốn đưa ra cho bạn ví dụ khác, chuyển từ hợp tác ở cấp cao đến các thoả thuận đi đêm, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng: tôi đang nói về việc khai thác khí tự nhiên. Tưởng tượng bạn đang mua một miếng đất mà không biết quyền khai khoáng của nó đã bị bán. Đó là trước khi họ tới khai thác. Bạn xây ngôi nhà mơ ước trên lô đất đó, và chẳng bao lâu, bạn nhận ra công ty khai thác khí cũng xây dựng giếng khai thác trên đó. Đó là tình cảnh của gia đình Hallowich. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, họ bắt đầu than đau đầu, đau họng, nhức mắt, thêm vào đó là ảnh hưởng của tiếng ồn, độ rung và ánh sáng chói lòa khi khí ga tự nhiên cháy. Họ cực lực phản đối điều đó, nhưng rồi họ cũng im lặng. Nhờ tờ báo Pittsburgh Post-Gazette, nơi tấm ảnh này được đăng, và một tờ báo khác, chúng tôi hiểu vì sao họ im lặng. Các báo đã ra tòa hỏi: "Chuyện gì xảy ra với nhà Hallowich?" Hóa ra gia đình Hallowich đã có thỏa thuận bí mật với các nhà khai thác khí, theo kiểu "lấy tiền, hoặc không gì cả." Công ty ấy nói, anh có thể có hàng trăm ngàn đô-la để bắt đầu lại cuộc sống ở nơi nào đó; nhưng đổi lại, anh phải hứa sẽ không nói gì về câu chuyện của chúng ta, không được nói về hậu quả khai thác với gia đình anh, không được tiết lộ về các ảnh hưởng đối với sức khỏe có thể bị phát hiện khi khám y tế. Giờ, tôi không trách gia đình Hallowich khi đã chấp nhận khoản thương lượng đó và bắt đầu làm lại cuộc sống ở nơi khác. Người ta có thể hiểu lý do công ty muốn bịt miệng các trường hợp phiền phức như thế. Những gì tôi muốn chỉ ra là hệ thống pháp lý và các quy định, một hệ thống trong đó có mạng lưới các thỏa thuận giống như trường hợp này, cho phép họ bịt miệng mọi người và bưng bít dữ liệu khỏi các chuyên gia y tế và các nhà dịch tễ học; một hệ thống mà các nhà hành pháp thậm chí sẽ hạn chế xử lý các vụ vi phạm khi ô nhiễm xảy ra nếu người sở hữu đất và công ty khai thác khí đồng ý thỏa thuận riêng. Hệ thống này không chỉ có hại cho y tế cộng đồng, nó còn gây nguy hiểm cho các gia đình tại địa phương, những người vẫn còn trong bóng tối. Tôi chỉ ra hai ví dụ trên không chỉ vì chúng là các ví dụ riêng lẻ. Đó là những ví dụ về một hệ thống có nhiều vấn đề. Tôi có thể chia sẻ một số ví dụ ngược lại, giả sử khi một nhân viên chính phủ kiện công ty dược phẩm vì đã che giấu sự thật rằng thuốc chống trầm cảm làm tăng ý định tự sát của trẻ thành niên. Tôi có thể nói về một nhà hành pháp đang theo kiện một công ty thực phẩm vì đã cố tình phóng đại lợi ích sức khỏe của sữa chua. Tôi cũng có thể nói về một nhà lập pháp, những người mặc dù bị vận động hành lang từ cả hai đảng, nhưng vẫn thúc đẩy những hoạt động bảo vệ môi trường. Đây là những ví dụ riêng lẻ, nhưng chúng là những ngọn hải đăng trong đêm tối có thể chỉ đường cho chúng ta. Tôi bắt đầu gợi ý rằng đôi khi ta cần phải tham gia vào xung đột. Các chính phủ cần phải can thiệp, đấu tranh, có lúc phải tham gia xung đột trực tiếp với các công ty. Điều này không phải vì các chính phủ luôn luôn tốt, hay các tập đoàn luôn luôn xấu. Mỗi người đều có khả năng tốt hoặc xấu. Thật dễ hiểu khi công ty hành động để thúc đẩy lợi ích thương mại của họ, khi làm vậy, đôi khi họ phá hoại hoặc phát triển lợi ích chung. Nhưng trách nhiệm của các chính phủ là phải bảo vệ và phát triển lợi ích chung. Còn chúng ta cần khẳng định rằng họ phải đấu tranh làm như vậy. Đó là do các chính phủ là những người giám hộ sức khỏe cộng đồng; là người giám hộ của môi trường tự nhiên; và cũng chính chính phủ là người giám hộ những phần rất quan trọng trong lợi ích chung của chúng ta. Cảm ơn. (Vỗ tay)