Điều tôi muốn nói với các bạn hôm nay là vài vấn đề mà quân đội thế giới phương Tây -- Úc, Mỹ, Anh, vân vân -- đang đối mặt khi họ triển khai tác chiến trên mặt trận trong thế giới hiện đại ngày nay. Nếu bạn nghĩ về những nơi mà quân đội Úc đã được điều đến trong những năm gần đây, rõ ràng có các nơi như Iraq và Afghanistan, nhưng cũng có các nơi như Đông Timor và Quần đảo Solomon, vân vân. Và có rất nhiều chiến trường mà hiện nay ta đưa binh sỹ đến đều không có chiến tranh đúng nghĩa Thật ra, nhiều công việc ta yêu cầu quân đội làm trong các trường hợp đó thì ở đất nước của họ -- Úc, Mỹ, vân vân -- lại do cảnh sát thực hiện. Vì vậy có rất nhiều vấn đề nảy sinh với binh sỹ trong các trường hợp này, vì họ làm những việc mình không được huấn luyện để làm. Và họ làm những việc mà những người làm việc đó ở đất nước họ được huấn luyện rất khác và được trang bị rất khác với họ. Giờ đây, có rất nhiều lý do ta điều binh sỹ, thay vì cảnh sát, làm những việc này. Nếu ngày mai nước Úc phải điều động 1.000 người ví dụ, đến Tây Papua, ta không có đủ 1.000 cảnh sát sẵn sàng để đi vào ngày mai, nhưng lại có 1.000 binh sỹ có thể đi được. Nên nếu phải điều động ai đó, ta sẽ điều quân đội -- họ ở đó, họ thường trực và trời ạ, họ đã quen lên đường và làm những việc này và tự lo liệu và không cần hỗ trợ gì thêm. Nên họ có thể hoàn thành nhiệm vụ, ở góc độ nào đó. Nhưng họ không được huấn luyện cùng cách thức như cảnh sát, và chắc chắn không được trang bị như cảnh sát, do đó điều này đã gây ra nhiều rắc rối cho họ khi thi hành nhiệm vụ. Đặc biệt có một chuyện nảy sinh mà tôi hết sức quan tâm, là câu hỏi liệu rằng, khi điều binh sỹ để thực hiện mấy công việc kiểu này, ta có phải trang bị cho họ khác đi không? Và cụ thể là, liệu rằng ta có nên cho họ tiếp cận các loại vũ khí phi sát thương mà cảnh sát có. Vì họ cũng làm vài việc giống nhau, có lẽ họ nên có vài loại vũ khí như vậy. Và có rất nhiều nơi bạn sẽ nghĩ những vũ khí đó rất hữu ích. Chẳng hạn, khi có các chốt quân sự. Nếu có ai tiến đến các chốt này và binh sỹ không chắc đó có phải kẻ thù không, cứ cho là người này đến gần và họ tự hỏi: “Đó có phải khủng bố không? Họ có giấu gì dưới quần áo không? Chuyện gì sẽ xảy ra?” Họ không biết người này có phải kẻ thù không. Nếu người này không nghe lệnh, họ có thể bắn người đó, và sau đó phát hiện hoặc đúng, họ bắn đúng người, hoặc không, đây chỉ là một người vô tội không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nên nếu có vũ khí phi sát thương, các binh sỹ sẽ nói: “Nó sẽ hữu dụng trong trường hợp như vậy. Nếu bắn nhầm người không phải kẻ thù, ít ra ta cũng không giết họ.” Trường hợp khác: bức ảnh này là từ một trong các nhiệm vụ ở Balkan cuối những năm 1990. Trường hợp hơi khác một chút, khi họ biết đó có thể là kẻ thù. Có người nổ súng vào họ hay làm điều gì khác mà rõ ràng có ý gây hấn, ném đá, bất kỳ thứ gì. Nhưng nếu họ bắn trả, có nhiều người vô tội khác ở xung quanh cũng có thể bị thương. Thiệt hại ngoài ý muốn điều mà quân đội thường không muốn nhắc đến. Họ sẽ lại nói: “Khi được tiếp cận vũ khí phi sát thương, nếu biết chắc ai là kẻ thù, ta có thể đối phó họ, và dù tấn công nhầm ai khác, ít ra ta cũng không giết họ.” Một đề xuất khác. Ta đang đưa rất nhiều rô-bốt ra chiến trường, ta có thể thấy đến lúc họ thật sự đưa rô-bốt hoạt động độc lập ra chiến trường. Chúng sẽ tự quyết định bắn ai và không bắn ai, không có con người can dự. Nên tôi đề xuất là, nếu đưa rô-bốt đi và cho chúng làm điều này, có lẽ sẽ là ý hay nếu trang bị chúng vũ khí phi sát thương, để nếu rô-bốt quyết định sai và bắn nhầm người, một lần nữa, chúng không giết họ. Giờ thì, có nhiều loại vũ khí phi sát thương, vài loại đã xuất hiện, vài loại đang được phát triển. Có các loại truyền thống như bình xịt hơi cay, hay bình xịt OC trên kia, hay súng điện bên kia. Loại trên cùng bên phải thật ra là tia laze gây chói, chỉ để tạm thời làm ai đó mù và mất phương hướng. Bạn có súng shotgun phi sát thương với đạn bằng cao su thay vì kim loại như truyền thống. Và thứ ở giữa, chiếc xe tải lớn, được gọi là Hệ thống khống chế Hành động, hiện được quân đội Mỹ chế tạo. Về bản chất nó là bộ phát vi sóng cỡ đại. Kiểu như là ý tưởng cổ điển về tia nhiệt của bạn. Nó có thể phát ra khoảng cách rất xa, so với bất kỳ loại nào khác. Bất kỳ ai bị chiếu trúng sẽ đột ngột thấy rất nóng, và chỉ muốn ra khỏi đó. Nó phức tạp hơn nhiều so với lò vi sóng, nhưng về bản chất nó làm sôi các phân tử nước ngay trên bề mặt da bạn. Do đó bạn thấy nóng kinh khủng, và nghĩ: "Mình phải ra khỏi đó thôi.” Và họ nghĩ loại này sẽ rất hữu dụng ở những nơi cần giải tán đám đông, khi bọn họ chống đối. Nếu muốn ai tránh xa nơi nào đó, ta có thể làm được nhờ mấy vũ khí này. Do đó có rất nhiều loại vũ khí phi sát thương ta có thể cung cấp cho binh sỹ, và có nhiều tình huống họ sẽ nhìn chúng và nói: “Mấy vũ khí này sẽ rất hữu ích đây.” Nhưng như đã nói, quân đội và cảnh sát rất khác nhau. (Cười) Vâng, bạn không cần nhìn quá kỹ mới nhận ra họ có thể rất khác nhau. Cụ thể là, thái độ với việc dùng vũ lực và cách họ được huấn luyện dùng vũ lực thật sự khác biệt. Cảnh sát -- và tôi biết vì thực tế tôi từng hỗ trợ huấn luyện cảnh sát -- cảnh sát, đặc biệt là ở các nước phương Tây, được huấn luyện để tiết giảm vũ lực, cố gắng tránh dùng vũ lực ở bất kỳ đâu, và chỉ dùng vũ lực gây thương vong khi đó là lựa chọn cuối cùng. Binh sỹ được huấn luyện để chiến đấu. Do đó họ được hướng dẫn rằng, ngay khi có chuyển biến xấu, phản ứng đầu tiên là vũ lực gây thương vong. Khi đó thì chuyện chợt trở nên nghiêm trọng rồi -- (Cười) Họ sẽ nổ súng ngay từ đầu. Do đó thái độ của họ khi dùng vũ lực gây thương vong rất khác biệt, và tôi nghĩ khá rõ ràng là thái độ của họ với vũ khí phi sát thương cũng sẽ rất khác so với cảnh sát. Và vì đã có đủ chuyện rắc rối khi cảnh sát dùng vũ khí phi sát thương, tôi nghĩ ta nên nhìn nhận mấy vấn đề đó và thử liên hệ với bối cảnh quân sự. Tôi rất ngạc nhiên khi bắt đầu tìm hiểu và thấy được, thật ra ngay cả người ủng hộ quân đội dùng vũ khí phi sát thương cũng chưa thật sự làm điều đó. Có vẻ họ thường nghĩ: “Vì sao lại quan tâm chuyện gì xảy ra với cảnh sát? Ta đang nhìn vào sự việc khác mà.” Và có vẻ họ không nhận ra mình đang nhìn nhận những sự việc giống nhau. Do đó tôi bắt đầu đào sâu mấy vấn đề này, và tìm hiểu cách mà cảnh sát dùng vũ khí phi sát thương khi chúng được giới thiệu, và vài vấn đề có thể nảy sinh từ đó khi chúng giới thiệu trên thực tế. Và dĩ nhiên, là người Úc, tôi bắt đầu nhìn nhận vấn đề đó ở Úc, dựa vào kinh nghiệm của tôi trong các dịp vũ khí phi sát thương được giới thiệu ở Úc. Một trong những điều tôi đặc biệt tìm hiểu là việc sử dụng bình xịt OC -- bình xịt hơi cay -- của cảnh sát Úc, và xem điều gì đã xảy ra khi nó được giới thiệu, và các vấn đề liên quan. Và một nghiên cứu hết sức thú vị tôi tìm được là ở Queensland, vì họ có cho thời gian dùng thử bình xịt hơi cay trước khi thật sự giới thiệu chúng rộng rãi hơn. Và tôi đã tìm hiểu vài số liệu ở đây. Lúc ấy, khi giới thiệu bình xịt hơi cay ở Queensland, họ rất dứt khoát. Bộ trưởng cảnh sát và rất nhiều phát ngôn được đưa ra. Họ nói: “Điều này rõ ràng là để cho cảnh sát quyền lựa chọn giữa la hét và nổ súng. Đây là thứ họ có thể dùng thay súng ống trong các tình huống mà trước kia họ đã phải nổ súng.” Do đó tôi xem xét mọi số liệu về vụ nổ súng của cảnh sát. Và thật ra bạn không thể tìm chúng dễ dàng cho từng bang ở Úc. Tôi chỉ tìm được số liệu này. Nó nằm trong một báo cáo của Viện Tội phạm học Úc . Bạn có thể thấy, ở phần chữ nhỏ trên cùng: “Số vụ tử vong do súng công vụ” nghĩa là không chỉ bị cảnh sát bắn, mà có người còn tự bắn mình trước sự hiện diện của cảnh sát. Nhưng đây là các số liệu trên khắp cả nước, và mũi tên đỏ đại diện cho điều mà Queensland nói: “Vâng, đây là năm ta sẽ cho mọi cảnh sát trên toàn bang tiếp cận bình xịt hơi cay.” Cho nên bạn có thể thấy có sáu cái chết trước thời gian đó, mỗi năm đều thế, trong nhiều năm. Có sự gia tăng đáng kể vài năm trước, nhưng không phải ở Queensland. Có ai biết là ở đâu không? Không phải Cảng Port. Victoria? Vâng, đúng rồi. Đỉnh cao nhất là ở Victoria. (Cười) Như vậy không chỉ Queensland mới có rắc rối cụ thể với các cái chết do cảnh sát gây ra khi nổ súng, vân vân. Vậy là sáu vụ nổ súng trên khắp cả nước, diễn ra khá đều vào các năm trước đó. Hai năm kế tiếp là các năm họ tiến hành nghiên cứu -- 2001, 2002. Có ai muốn đoán số lần, căn cứ vào cách họ giới thiệu thứ này, số lần cảnh sát Queensland dùng bình xịt hơi cay trong giai đoạn đó? Mấy trăm? Một? Ba? Hơn cả một nghìn cơ. Được giới thiệu dứt khoát là giải pháp cho việc dùng vũ lực gây thương vong -- một sự lựa chọn giữa la hét và nổ súng. Tôi sẽ đưa ra quan điểm trái chiều khi cho rằng nếu cảnh sát Queensland không có bình xịt hơi cay, họ đã không bắn 2.226 người trong hai năm đó. (Cười) Thật ra, nếu nhìn vào các nghiên cứu mà họ thực hiện, tài liệu mà họ đang thu thập và xem xét, bạn có thể thấy nghi phạm chỉ có vũ trang trong khoảng 15% trường hợp khi bình xịt hơi cay được dùng. Nó thường được sử dụng trong giai đoạn này, và, dĩ nhiên, vẫn thường được sử dụng vì dù gì cũng không có ai than phiền, trong bối cảnh của nghiên cứu này. Nó thường được sử dụng để đối phó với những ai quá khích, có khuynh hướng bạo lực, và cũng thường được sử dụng để để đối phó với những ai chỉ đơn thuần bất tuân thụ động. Kiểu người này không làm gì quá khích, nhưng họ chỉ không làm điều ta yêu cầu. Họ không nghe theo lệnh của ta, nên ta tấn công bằng bình xịt hơi cay nó khiến họ rời đi nhanh hơn. Mọi chuyện sẽ ổn hơn nếu làm thế. Đây là thứ được giới thiệu một cách dứt khoát là sự thay thế cho súng ống, nhưng thường được sử dụng để giải quyết nhiều loại vấn đề khác nữa. Bây giờ một trong các vấn đề cụ thể nảy sinh khi quân đội dùng vũ khí phi sát thương -- và thực tế cũng có người nói: "Có thể có vấn đề đấy.” -- Có vài vấn đề cần ta tập trung vào. Một trong các vấn đề là: vũ khí phi sát thương có thể bị dùng bừa bãi. Một trong các nguyên tắc cơ bản của việc dùng vũ lực trong quân đội là bạn phải có sự suy xét: phải cân nhắc về người bạn sẽ nhắm vào. Do đó một trong các vấn đề do vũ khí phi sát thương gây ra là chúng có thể bị sử dụng bừa bãi -- khi bạn dùng chúng chống lại nhiều người, vì bạn không cần phải lo lắng quá nhiều nữa. Và trên thực tế, một ví dụ cụ thể mà tôi nghĩ minh họa được điều đó là vụ bao vây Nhà hát Dubrovka năm 2002, mà có lẽ nhiều người trong các bạn, đủ già để nhớ được. khác với sinh viên của tôi ở ADFA, Chuyện là người Chechen đã xông vào và chiếm nhà hát. Họ nắm giữ khoảng 700 con tin. Họ đã thả nhiều người, nhưng vẫn còn giữ khoảng 700 con tin. Và biệt đội quân cảnh Nga, “Spetsnaz,” đã đến và xông vào nhà hát. Cách họ làm là bơm khí mê vào toàn bộ nhà hát. Và rốt cuộc rất nhiều con tin đã chết vì hít phải khí đó. Nó bị sử dụng bừa bãi. Họ đã bơm khí vào toàn bộ nhà hát. Và chẳng ngạc nhiên khi nhiều người chết, vì bạn không biết lượng khí mỗi người sẽ hít vào, vị trí họ sẽ ngã khi bất tỉnh, vân vân. Thật ra, chỉ có vài người bị bắn trong sự kiện này. Nên về sau khi họ xem xét lại, rõ ràng chỉ có vài người bị bắn chết, bởi bọn bắt giữ con tin hay lực lượng cảnh sát khi cố giải quyết tình hình. Hầu như những ai thiệt mạng đều là do hít phải khí mê. Số con tin tử vong cuối cùng không rõ là bao nhiêu, nhưng chắc chắn nhiều hơn thế, vì có người cũng tử vong trong vài ngày sau. Do đó đây là vấn đề thứ nhất họ nhắc đến, rằng nó có thể bị sử dụng bừa bãi. Vấn đề thứ hai đôi khi mọi người nhắc đến về việc quân đội dùng vũ khí phi sát thương -- và đó thật sự là lý do trong Hiệp định Vũ khí Hóa học, quy định rõ là không được dùng tác nhân chống bạo loạn làm vũ khí trong chiến tranh -- vì người ta nhận thấy đôi khi vũ khí phi sát thương có thể được dùng không chỉ để thay thế vũ lực sát thương, mà để tăng cường vũ lực gây thương vong: tức là dùng vũ khí phi sát thương trước, để vũ khí gây sát thương thật sự hiệu quả hơn. Những người bạn nhắm vào sẽ không thoát được. Họ không ý thức được chuyện đang xảy ra, nên bạn dễ giết họ hơn. Và đó chính xác là điều đã xảy ra ở đây. Bọn bắt giữ con tin bất tỉnh vì khí mê đã không bị bắt giữ. Đơn giản là họ bị bắn vào đầu. Do đó vũ khí phi sát thương được dùng trong trường hợp này để tăng cường vũ lực gây thương vong, trong tình huống cụ thể này là để việc bắn hạ hiệu quả hơn. Một vấn đề nữa tôi muốn đề cập nhanh là có rất nhiều vấn đề với cách mọi người thật sự được hướng dẫn dùng vũ khí phi sát thương, huấn luyện và kiểm tra, vân vân. Vì họ được kiểm tra trong môi trường dễ chịu, an toàn, và được dạy sử dụng trong môi trường dễ chịu, an toàn -- như thế này, mà bạn có thể thấy rõ chuyện gì đang xảy ra. Người đang phun bình xịt hơi cay đang mang găng tay cao su để đảm bảo mình không bị nhiễm độc, vân vân. Nhưng chúng không hề được dùng như thế. Chúng được dùng trong thế giới thực, như ở Texas, thế này đây: [”Cảnh sát chích điện bà cụ sau khi dừng phương tiện"] Thú thật, riêng trường hợp này đã khơi gợi sự tò mò của tôi. Nó xảy ra khi tôi đang là nghiên cứu viên tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ. Các bản tin bắt đầu nhắc đến sự việc này, khi người phụ nữ này tranh cãi với viên cảnh sát. Bà ấy không quá khích. Trên thực tế, có lẽ ông ấy cao hơn tôi sáu inch, và bà ấy cao tầm này. Và cuối cùng bà cụ nói: “Tôi sẽ quay vào xe.” Và ông ấy nói: “Nếu quay vào xe, tôi sẽ chích điện bà.” Và bà ấy nói: “Ồ, cứ việc. Cứ chích tôi đi.” Và ông ấy làm thật. Và cảnh đó được ghi lại trong máy quay lắp trước xe cảnh sát. Bà ấy 72 tuổi. Và cách đó được xem là phù hợp nhất khi ứng xử với bà cụ. Và có các ví dụ khác về các sự việc tương tự, mà bạn sẽ nghĩ: “Có phải đây là cách phù hợp để sử dụng vũ khí phi sát thương?” “Cảnh sát trưởng bắn súng điện vào đầu cô bé 14 tuổi.” “Cô bé đang bỏ chạy. Tôi phải làm gì khác đây?” (Cười) Hay ở Florida: "Cảnh sát bắn súng điện bé trai 6 tuổi ở trường tiểu học.” Và hẳn họ học được nhiều từ điều đó, vì ở cùng quận: “Cảnh sát xem xét chính sách sau vụ trẻ em bị sốc điện: Đứa trẻ thứ 2 bị sốc điện bằng súng chỉ trong vài tuần.” Cảnh sát cùng quận đó. Một trẻ khác vài tuần sau khi cậu bé sáu tuổi bị bắn súng điện. Trong trường hợp bạn nghĩ điều này chỉ xảy ra ở Mỹ, nó cũng xảy ra ở Canada nữa đấy: [”CS chích điện bé 11 tuổi”] Và đồng nghiệp gửi cho tôi cái này từ London: [”Cụ ông 82 tuổi bị bắt và bị bắn súng điện”] Nhưng phải thú thật, sự việc mà tôi thích hơn cả là ở Mỹ: "Cảnh sát bắn súng điện vào phụ nữ khuyết tật 86 tuổi trên giường.” (Cười) Tôi đã kiểm tra báo cáo về vụ việc này. Tôi nhìn vào nó. Tôi vô cùng ngạc nhiên. Rõ ràng là bà ấy có tư thế đe dọa hơn trên giường. (Cười) Không đùa đâu, chính xác nó viết thế này: “Bà ấy có có tư thế đe doạ hơn trên giường.” Được rồi. Nhưng tôi phải nhắc bạn -- nói về quân đội vũ khí phi sát thương, sao vụ này có liên quan? Vì thật ra cảnh sát kiềm chế hơn khi dùng vũ lực so với quân đội. Họ được huấn luyện để kiềm chế hơn khi dùng vũ lực so với quân đội. Họ được huấn luyện để suy xét hơn, cố gắng tiết chế. Nên nếu những vấn đề xảy ra với cảnh sát khi dùng vũ khí phi sát thương, điều gì khiến bạn nghĩ tình hình sẽ khá hơn với các binh sỹ? Điều cuối cùng tôi muốn nói: Khi nói chuyện với cảnh sát về việc vũ khí phi sát thương hoàn hảo trông thế nào, chắc chắn đa số bọn họ đều nói như nhau. Họ nói: “Đó phải là thứ gì đủ ghê gớm để mọi người không muốn bị nó tấn công. Cho nên khi bạn dọa dùng nó, mọi người sẽ nghe theo. Nhưng nó cũng phải là thứ gì đó không để lại ảnh hưởng lâu dài.” Nói cách khác, vũ khí phi sát thương hoàn hảo là thứ lạm dụng được một cách hoàn hảo. Những người này đã có thể làm gì nếu tiếp cận được với súng điện, hay phiên bản điều khiển được, di động của Hệ thống khống chế Hành động -- một tia nhiệt nhỏ bạn có thể chiếu vào người khác mà không phải lo gì. Nên tôi nghĩ là vâng, vũ khí phi sát thương có thể rất hữu ích trong các tình huống này, nhưng cũng có rất nhiều vấn đề cần được xem xét. Xin chân thành cảm ơn. (Vỗ tay)