Ở video này, ta sẽ cùng tìm hiểu những kiến thức cơ bản về jQuery và cách sử dụng công cụ này trên trang web. Để sử dụng công cụ này, đầu tiên, ta cần thêm thư viện jQuery bằng việc sử dụng thẻ ''script" Trước đây, ta tạo các mã lập trình JavaScript trong thẻ ''script" nhưng lần này ta sẽ thêm thuộc tính "src" nhận một đường dẫn URL. Vậy URL này nên là gì? Nếu bạn lập trình ở trình soạn thảo riêng trên máy tính, bạn có thể tải jQuery xuống rồi nhập lệnh để kết nối với tệp jquery đó bằng cách điền "jquery.js" vào thuộc tính "src". Nhưng ta không làm được cách này trên Khan Academy. Ở đây, ta cần điền một URL của jQuery trên một máy chủ trực tuyến. Ta có thể tìm được một danh sách các URL như vậy trên trang web jquery.com. Sau khi tìm được URL, ta dán vào thuộc tính "src". Được rồi. Bây giờ, ta cần lưu ý một số điều sau khi dùng URL jquery. Thứ nhất, đường dẫn này cần bắt đầu bằng "https", nghĩa là URL này an toàn. Khan Academy chỉ cho phép dùng các nguồn an toàn khi bạn đang thực hành lập trình trang web. Đó cũng là điều bạn cần lưu ý khi lập trình nói chung. Tiếp theo, điều thứ hai ta cần chú ý là URL này đang được đặt trên một máy chủ của Google là googleapis.com. Máy chủ này được gọi là CDN, viết tắt của từ "content delivery network" (mạng phân phối nội dung). Máy chủ này đã được tối ưu hóa để chứa các tệp tin tĩnh như thư viện JavaScript và cung cấp tệp tin nhanh chóng. Máy chủ Google là một máy chủ đáng tin. Nhìn chung, bạn nên tìm hiểu các máy chủ mà bạn lấy nguồn tệp tin để tránh những nguy cơ xấu ảnh hưởng tới trang web của bạn. Thứ ba, trên URL này có số hiệu thể hiện phiên bản là "2.1.4". Ta hiểu rằng thư viện jQuery đang trong quá trình phát triển và họ thường phát hành các phiên bản mới. Trong số hiệu phiên bản, sự tăng lên của các chữ số ngoài cùng bên trái thể hiện cho những thay đổi lớn và quan trọng. Còn sự tăng lên của các chữ số ngoài cùng bên phải đại diện cho các thay đổi nhỏ. Vậy với số 2.1.4, ta đang sử dụng jQuery phiên bản 2 tương thích với các trình duyệt hiện đại nhưng không hoạt động được trên Internet Explorer 8. Với trang web của bạn, bạn có thể chọn phiên bản để dùng tùy theo nhu cầu. Được rồi. Vậy là chúng ta đã thêm jQuery. Ta sẽ thực hiện bước tiếp theo để sử dụng jQuery. Mọi thư viện JavaScript đều có sẵn các hàm và đặt tên cho các hàm đó. Ta phải xem trong tài liệu tham khảo để tìm ra tên của mỗi hàm và chức năng tương ứng. Thư viện jQuery có một hàm chính với một cái tên rất ngắn. Đó chỉ là ký hiệu đô la ($). Vậy để dùng thư viện jQuery ta nhập hàm bằng ký tự là "$" theo sau là cặp dấu ngoặc đơn và cuối cùng là dấu chấm phẩy. Ta thấy rằng tên hàm ngắn như vậy rất tiện khi ta sẽ cần gọi hàm đó nhiều lần. Có rất nhiều thứ ta có thể truyền vào hàm này, nhưng trong video giới thiệu này, ta sẽ thử truyền vào chuỗi ký tự là "h1". Như vậy, với câu lệnh này, ta đang yêu cầu jQuery tham chiếu đến tất cả các phần tử "h1" trên trang web và trả lại kết quả là một đối tượng tập hợp jQuery. Sau đó, ta có thể gọi các phương thức lên đối tượng jQuery để thực hiện thao tác với tất cả phần tử "h1" được tham chiếu. Ví dụ như ta cần thay đổi văn bản bên trong của phần tử, ta có thể dùng hàm "text" và truyền vào nội dung ta cần thay đổi. Bạn có thể quan sát thấy sự thay đổi trên khung kết quả. Và đó là một số kiến thức cơ bản về jQuery. Vậy vừa rồi, ta đã đưa thư viện jQuery vào thẻ ''script", yêu cầu jQuery tham chiếu đến các phần tử "h1" trên trang web và thay đổi nội dung văn bản trong "h1". Trong các video tiếp theo, ta sẽ tìm hiểu nhiều kiến thức chi tiết hơn về cách chọn và thao tác với các phần tử bằng jQuery để phản hồi hoạt động của người dùng trên trang hoặc tạo các hiệu ứng hoạt hình thú vị.