Thật tuyệt khi được có mặt ở đây. Bạn có năng lực thay đổi thế giới. Tôi không nói một cách sáo rỗng, bạn thực sự có năng lực thay đổi thế giới. Ẩn sâu trong bạn, từng người trong các bạn có một công cụ quyền năng nhất mà con người biết tới. Và đó là ý tưởng. Một ý tưởng, từ tâm trí con người, nó có thể khơi dậy một làn sóng, có thể là ngọn lửa nhen nhóm một phong trào, và nó có thể kiến tạo lại tương lai của chúng ta. Nhưng một ý tưởng sẽ không có sức mạnh nếu nó chỉ nằm im trong bạn. Nếu bạn không bao giờ bộc lộ ý tưởng đó ra cho người khác tranh luận, nó sẽ chết cùng bạn. Có lẽ vài người trong các bạn từng cố gắng diễn đạt ý tưởng của mình và nó không được chấp nhận, bị từ chối, và một ý tưởng tầm thường hoặc trung bình nào đó lại được chấp nhận. Và sự khác biệt duy nhất giữa hai ý tưởng là cách chúng được truyền tải. Vì nếu cách bạn truyền tải ý tưởng có sức cộng hưởng, sự thay đổi sẽ xuất hiện, và bạn có thể thay đổi thế giới. Trong gia đình, chúng tôi sưu tầm các poster cổ điển châu Âu. Mỗi khi tới Maui, chúng tôi gặp thương nhân ở đây, và ông đưa ra các poster lớn này. Tôi thích chúng. Chúng đều có một ý tưởng và một hình ảnh rõ ràng truyền tải ý tưởng. Chúng có kích thước khoảng một tấm nệm. Chúng thực sự lớn. Chúng không dày như tấm nệm, nhưng rất to. Người thương nhân sẽ lật từng trang và kể chuyện. Một lần, hai đứa con đứng bên cạnh tôi và ông ấy lật trang, tấm poster ở bên dưới, ngay khi tôi nghiêng người về phía trước và nói, "Chúa ơi, tôi thích poster này," hai đứa con tôi nhảy về sau và kiểu như, "Chúa ơi, là mẹ à." Và đây là tấm poster đó. (Tiếng cười) Trông như thể "Chiến đi!" Điều tôi thích ở tấm poster này là sự châm biếm. Cô gái này đầy phấn khích, lao vào trận chiến -- như một thủ lĩnh -- và cô ấy đang cầm hộp gia vị nướng bánh Suavitos, như một thứ gì đó rất bình thường, dù cô sẵn sàng liều mạng để quảng bá nó. Vì thế nếu bạn định đổi hộp gia vị Suavitos đó bằng một bài thuyết trình -- Thì tôi sẽ trông như vậy đó. Tôi phấn khích với thuyết trình từ thời mà việc phấn khích với thuyết trình không tuyệt lắm. Tôi nghĩ thuyết trình có năng lực thay đổi thế giới khi bạn truyền đạt một cách hiệu quả bằng nó. Và thay đổi thế giới thì khó. Nó sẽ không xảy ra chỉ với một người và một ý tưởng đơn độc. Ý tưởng đó phải được lan rộng, nếu không nó sẽ vô hiệu. Vì vậy bạn phải bộc lộ ý tưởng và cởi mở để mọi người thấy được nó. Và cách truyền đạt ý tưởng hiệu quả nhất chính là kể chuyện. Bạn biết đó, ngàn năm nay, những thế hệ không được học hành sẽ truyền các giá trị và văn hóa của họ từ thế hệ này đến thế hệ khác, và họ sẽ vẫn vẹn nguyên không đổi. Có một điều kì diệu về cấu trúc câu chuyện mà khi tập hợp lại, nó sẽ được tiếp thu và nhớ đến bởi người nghe. Về cơ bản khi nghe kể chuyện, bạn sẽ có phản ứng thể chất; tim bạn có thể đập nhanh, mắt bạn có thể mở to, bạn có thể nói, "Ôi, tôi thấy lạnh sống lưng" hoặc, "Tôi có thể cảm nhận nó trong thâm tâm." Chúng ta thường có phản ứng thể chất khi được nghe kể chuyện. Nên dù cùng sân khấu ấy, một câu chuyện có thể được kể, nhưng một khi bài thuyết trình được kể, ta chẳng có cảm xúc gì. Và tôi muốn tìm hiểu lí do. Tại sao chúng ta lại ngồi chăm chú nghe một câu chuyện, nhưng vô cảm với bài thuyết trình. Tôi muốn tìm hiểu cách để đưa câu chuyện vào bài thuyết trình. Chúng tôi có hàng ngàn bài thuyết trình ở nơi làm việc -- thực ra là hàng trăm ngàn bài thuyết trình, nên tôi biết nội dung của một bài thuyết trình dở tệ. Tôi đã quyết định học điện ảnh và văn học, thực sự đào sâu và tìm hiểu điều gì đang diễn ra và tại sao nó có vấn đề. Tôi muốn cho các bạn xem một vài phát hiện đã giúp tôi khám phá ra hình thức của một bài thuyết trình. Hiển nhiên là bắt đầu với Aristotle, ông có cấu trúc cốt truyện ba hồi, hồi một, hai và ba. Tôi đã học thơ và hùng biện, và rất nhiều bài thuyết trình không có cấu trúc ấy trong dạng đơn giản nhất. Và rồi khi tôi chuyển sang học về hình mẫu anh hùng, tôi nghĩ, "OK, người thuyết trình là anh hùng, họ đứng trên sân khấu và là ngôi sao của buổi diễn." Khi thuyết trình, bạn dễ cảm thấy mình là ngôi sao của buổi diễn. Tôi nhận ra ngay rằng điều đó thật sự có vấn đề. Vì khi tôi có một ý tưởng, tôi có thể bộc lộ nó ra, nhưng nếu các bạn không nắm bắt và coi trọng nó, ý tưởng sẽ chẳng đi tới đâu và thế giới không bao giờ thay đổi. Thực tế, người thuyết trình không phải anh hùng mà khán giả mới là anh hùng trong ý tưởng của chúng ta. Nếu bạn xem hành trình anh hùng của Joseph Campbell ngay phần trước, có một sự cách nhìn thú vị ở đây. Có một vị anh hùng đáng mến trong thế giới bình thường, và tiếng gọi phiêu lưu xuất hiện. Khi đó thế giới như mất đi sự cân bằng. Và ban đầu họ kháng cự. Họ nghĩ, "Tôi không biết mình có muốn tham gia không," và rồi người cố vấn xuất hiện và giúp họ đi từ thế giới bình thường tới thế giới đặc biệt. Đó là vai trò của người thuyết trình. Người thuyết trình là cố vấn. Bạn không phải Luke Skywalker mà là Yoda. Bạn chính là người giúp khán giả đi từ điều bình thường tới ý tưởng mới đặc biệt của bạn, đó là sức mạnh của một câu chuyện. Kết cấu đơn giản nhất của một câu chuyện là cấu trúc cốt truyện ba hồi. Bạn có một vị anh hùng đáng mến đầy khát khao, họ gặp phải rào cản, và cuối cùng họ trỗi dậy, biến đổi, và đó là cấu trúc cơ bản. Nó không còn như vậy cho tới khi tôi biết đến kim tự tháp Gustav Freytag -- ông vẽ mô hình này năm 1863. Ông là nhà soạn kịch người Đức... nhà viết kịch người Đức và ông tin rằng tồn tại cấu trúc cốt truyện năm hồi, bao gồm Dẫn truyện, Cao trào, Đỉnh điểm, Thoái trào và Kết thúc, tức là giải pháp hoặc cách gỡ rối cho câu chuyện. Tôi thích mô hình này. Ta bàn về các mô hình. Mỗi câu chuyện có 1 kết cấu -- kết cấu là mô hình. Chúng ta nói về âm nhạc cổ điển có sự cân đối. Vì vậy tôi nghĩ, nếu bài thuyết trình có mô hình thì nó sẽ là gì? Và người giao tiếp giỏi nhất sử dụng mô hình đó thế nào hay họ có dùng mô hình không? Tôi sẽ không bao giờ quên, đó là 1 sáng thứ bảy. Sau khi học -- khoảng vài năm -- tôi vẽ một mô hình. Và tôi nghĩ, "Ôi Chúa ơi, nếu mô hình này là thật, tôi có thể kết hợp hai bài thuyết trình hoàn toàn khác nhau và nó sẽ thành sự thật." Tôi chọn một bài diễn văn rõ ràng, "Tôi có một ước mơ" của Martin Luther King, và bài giới thiệu iPhone năm 2007 của Steve Job, tôi kết hợp hai bài với nhau, và nó có hiệu quả. Tôi ngồi trong văn phòng và sửng sốt. Tôi thật sự đã khóc một chút, vì tôi nghĩ, "Tôi đã được ban cho món quà này," và đây rồi, đây là mô hình của một bài thuyết trình thành công. Nó không tuyệt sao? (Tiếng cười) Tôi khóc đấy. Tôi muốn chỉ cho các bạn, nó thật sự đáng kinh ngạc. Có phần đầu, giữa và kết thúc, và tôi muốn dẫn dắt bạn qua từng bước. Vì người giao tiếp giỏi nhất -- tôi đã xem các bài diễn văn -- tôi có thể kết hợp mô hình. Thậm chí Gettysburg Address tuân theo mô hình này. Ở phần đầu của bài thuyết trình bất kì, bạn cần xây dựng vấn đề. Bạn biết đó, đây là hiện trạng, đây là điều đang diễn ra. Và rồi bạn cần so sánh nó với điều có thể xảy ra. Bạn cần làm khoảng cách giữa chúng lớn nhất có thể, vì hiện trạng thì bình thường, và bạn cần tạo sự đối lập với tầm cao từ ý tưởng của bạn. Nó giống như đây là quá khứ và kia là hiện tại, nhưng hãy nhìn vào tương lai chúng ta. Đây là vấn đề, nhưng hãy xem vấn đề được loại bỏ. Đây là rào cản, hãy tiêu diệt nó. Bạn cần khuếch đại khoảng cách đó. Giống như khuấy động biến cố trong một bộ phim. Đó là khi đột nhiên khán giả phải đấu tranh với điều bạn vừa nêu ra: "Ồ, liệu tôi có muốn đồng tình và ủng hộ nó hay không?" Và phần còn lại của bài thuyết trình nên hỗ trợ điều đó. Đoạn giữa sẽ tiến và lui, nó di chuyển qua lại giữa hiện trạng và khả năng có thể xảy ra. Vì điều bạn đang cố gắng làm là khiến hiện trạng và những thứ tầm thường trở nên kém hấp dẫn, và bạn muốn kéo chúng tới khả năng có thể xảy ra ở tương lai khi ý tưởng của bạn được chấp nhận. Trên con đường thay đổi thế giới của bạn, mọi người sẽ kháng cự. Họ sẽ không hứng khởi, có thể họ yêu thế giới này. Nên bạn sẽ gặp phải sự kháng cự. Đó là lí do bạn phải tiến và lui. Tương tự như lái tàu. Khi bạn lái tàu ngược gió và cơn gió kháng cự, bạn phải di chuyển con tàu tiến và lui liên tục. Làm cách đó bạn mới có thể đón gió. Bạn phải thực sự nắm bắt được sự kháng cự xuất hiện khi bạn đang lái tàu. Thật thú vị là, nếu bạn đón gió đúng cách và lái tàu đúng cách, tàu của bạn sẽ đi nhanh hơn cả cơn gió. Đó là một hiện tượng vật lý. Bằng cách tập trung vào cách họ kháng cự giữa hiện trạng và khả năng có thể xảy ra, bạn sẽ lôi kéo họ tới ý tưởng của mình nhanh hơn khi bạn không làm vậy. Sau khi tiến và lui giữa hiện trạng và khả năng có thể xảy ra, bước ngoặt cuối cùng là kêu gọi hành động, điều mà mọi bài thuyết trình đều nên có, nhưng phải ở cuối cùng. Bạn cần miêu tả thế giới như niềm hạnh phúc mới. "Với ý tưởng của tôi, đây sẽ là thiên đường." "Đây là cách mà thế giới sẽ trở thành, khi chúng ta đoàn kết và giải quyết vấn đề lớn này." Bạn cần sử dụng nó làm phần kết, theo cách nên thơ và kịch tính. Thật thú vị là, khi tôi hoàn thành, tôi nghĩ, "Bạn biết không? Tôi có thể dùng nó như công cụ phân tích." Tôi ghi lại các bài diễn văn, và vẽ biểu đồ, xem chúng liên hệ thế nào với công cụ này. Hôm nay tôi muốn cho bạn thấy vài biểu đồ, và tôi muốn bắt đầu với chính hai người mà tôi đã nêu đầu tiên. Đây là ngài Jobs, người đã thay đổi hoàn toàn thế giới. Thay đổi thế giới điện toán cá nhân và ngành công nghiệp âm nhạc và giờ ông đang trên đường thay đổi ngành công nghiệp di động. Ông rõ ràng là đã thay đổi thế giới. Và đây là mô hình của bài giới thiệu iPhone năm 2007, khi ông ra mắt chiếc iPhone của mình. Bài truyết trình 90', có thể thấy ông bắt đầu với hiện trạng, di chuyển tiến và lui rồi kết thúc với điều có thể xảy ra. Tôi muốn làm rõ điều này: đường kẻ trắng là khi ông ấy đang nói. Đường kẻ màu bên cạnh ngay ở trên đây, đó là khi ông chuyển sang chiếu video. Ông thêm tính đa dạng và minh họa. Vậy là không chỉ có ông nói đến hết bài. Những đường kẻ này là hình ảnh đại diện. Đến cuối, bạn thấy đường kẻ xanh, chính là một diễn giả khách mời. Đây là lúc thú vị: mỗi một dấu tích ở đây là khi ông tạo tiếng cười. Và mỗi dấu tích ở kia là khi ông khiến họ vỗ tay. Họ tham gia rất nhiệt tình về thể chất, họ phản ứng thể chất với điều ông đang nói, nó thật tuyệt vời, vì đó là khi bạn biết rằng bạn đã nắm khán giả trong tay. Ông nói tới khả năng có thể xảy ra, "Tôi đã mong chờ ngày này hai năm rưỡi rồi." Ông đang ra mắt một sản phẩm mà ông đã biết trong vài năm. Vậy nên đó không phải là sản phẩm mới với ông. Nhưng nhìn này, ông làm một điều khác: ông ngạc nhiên. Ông ngạc nhiên với chính sản phẩm của mình. Ông ngạc nhiên với chính mình hơn là vì tiếng cười và tràng vỗ tay. Ông nói, "Nó thật tuyệt vời làm sao? Thật đẹp làm sao?" Ông hình tượng cho khán giả thấy điều ông muốn họ cảm nhận. Ông đang thuyết phục họ cảm nhận theo một hướng nhất định. Ông nói tới khả năng tương lai, "Đôi khi, một sản phẩm có tính cách mạng xuất hiện và thay đổi mọi thứ." Ông bắt đầu nói về sản phẩm mới của mình. Ở phần mở đầu, ông thực sự tắt điện thoại đi. Bạn thấy đường kẻ trắng kéo dài cho tới điểm này, ông chuyển sang so sánh, "Đây là chiếc điện thoại mới, và đây là bên đối thủ tệ hại. "Đây là chiếc điện thoại mới, và đây là bên đối thủ tệ hại. Và rồi, ngay lúc đó, ông có khoảnh khắc ngôi sao -- và đó là điều chúng ta sẽ luôn nhớ tới. Ông bật điện thoại lên. Lần đầu khán giả thấy chức năng cuộn trang, bạn có thể nghe thấy không khí bị hút khỏi phòng. Họ há hốc miệng. Bạn có thể nghe thấy. Ông tạo nên một khoảnh khắc khiến họ luôn nhớ mãi. Di chuyển tiếp dọc theo mô hình này, bạn có thể thấy đường kẻ xanh, khi diễn giả ở ngoài đang nói, và tới góc dưới bên phải, đường kẻ đứt đoạn. Đó là vì điều khiển của ông bị hỏng. Ông muốn giữ mức độ hưng phấn tăng cao. Ông kể một câu chuyện riêng, ngay đó, khi công nghệ không hoạt động. Ông là bậc thầy giao tiếp, và chuyển sang kể chuyện để gây sự chú ý. Ở góc phải biểu đồ, ông kết thúc với niềm vui mới. Ông hứa hẹn rằng Apple sẽ tiếp tục tạo nên những sản phẩm mới mang tính cách mạng. Và ông nói, "Tôi rất thích câu của Wayne Gretzky (vận động viên khúc côn cầu): 'Tôi trượt đến nơi bóng sẽ lăn đến, không phải chỗ nó đang nằm.' Ở Apple chúng tôi đã luôn cố gắng làm vậy từ thuở ban đầu và sẽ luôn như vậy." Ông kết thúc bằng một niềm vui mới. Hãy xem bài diễn văn của ngài King. Ông là vị mục sư có tầm nhìn tuyệt vời người đã dành cả cuộc đời hoạt động hết mình vì sự bình đẳng. Và đây là mô hình thuyết trình "Tôi có một ước mơ". Bạn có thể thấy ông bắt đầu với hiện trạng, tiến và lui giữa hiện trạng và khả năng, rồi kết thúc với một niềm vui mới nên thơ, đoạn nổi tiếng mà ta đều biết. Tôi sẽ dàn nó ra một chút, trải dài ra cho bạn xem, điều tôi đang làm là đặt bản ghi âm vào đây cùng phần chữ. Tôi biết bạn không thể đọc nó. Nhưng cuối mỗi phần đứt đoạn, tôi chia đường kẻ ra, vì ông ấy đã lấy hơi và ngưng lại. Ông là mục sư của Baptist Nam phương, hầu hết chưa ai từng nghe tới, vì vậy ông có phong cách riêng rất mới mẻ với mọi người. Tôi muốn đặt một cột lên phần chữ vì tôi muốn dùng cột này như một công cụ thông tin ở đây. Hãy theo dõi cách ông thực sự nói chuyện với mọi người. Cột xanh ở đây là lúc ông sử dụng biện pháp lặp trong hùng biện. Ông đang nhắc lại chính mình, ông sử dụng từ và cụm từ giống nhau để mọi người có thể ghi nhớ và hồi tưởng lại. Nhưng ông cũng dùng rất nhiều phép ẩn dụ và từ tượng hình. Đây là cách khiến những ý tưởng cực kì phức tạp trở nên dễ nhớ và đầy tri thức, để mọi người có thể hiểu được. Ông thực sự đã tạo nên khung cảnh bằng từ ngữ nên mọi người có thể hình dung điều ông đang nói tới. Và ông cũng sử dụng nhiều bài hát và kinh thánh tương tự nhau. Thứ bạn đang nhìn thấy mới chỉ là phần đầu của nó. Ông cũng viện dẫn nhiều lời hứa chính trị mà mọi người nhận được. Nếu bạn nhìn vào điểm đầu của hiện trạng, đó là lần đầu tiên mọi người vỗ tay và la lớn lên. Điểm kết của hiện trạng là khi ông ấy nói, "Nước Mỹ đã trao cho người dân Negro (Mỹ gốc Phi) một tờ séc khống, một tờ séc không có giá trị thanh toán." Mọi người đều biết sẽ thế nào nếu không có tiền trong tài khoản. Vì vậy ông dùng phép ẩn dụ mà mọi người đều quen thuộc. Nhưng khi họ thực sự hứng thú, điều đầu tiên họ hét lên là: "Vậy chúng ta cần phải đổi tấm séc ra tiền, một tấm séc sẽ đáp ứng nhu cầu của ta về sự giàu có của tự do và sự an toàn của công lý." Đó là lúc họ thực sự đã vỗ tay. Là khi ông ấy so sánh hiện trạng với điều có thể xảy ra. Vì vậy khi chúng ta nhìn xa hơn theo mô hình này, bạn sẽ thấy nó tiến và lui với tốc độ điên cuồng. Và đó là khi ông ấy tiến, lui, tiến, lui liên tục. Lúc này khán giả đang rất sôi nổi. Họ đều rất hào hứng, và bạn có thể làm điều đó để giữ họ ở mức hưng phấn cao độ. Ông ấy nói, "Tôi có một ước mơ rằng một ngày đất nước này sẽ vươn lên và sống với niềm tin. "Chúng ta coi sự thật này là hiển nhiên, rằng mọi người đều sinh ra là bình đẳng." Ông ấy sử dụng dòng chữ nhỏ màu cam để gợi nhắc họ tới lời hứa mà các chính trị gia hay đất nước từng đưa ra. Rồi ông tiến, lui qua lại giữa các câu "Tôi có một ước mơ rằng một ngày, Tôi có một ước mơ rằng một ngày," và cuối cùng, nó trở nên thật thú vị. Vì ông ấy sử dụng -- hãy nhìn vào bốn sắc thái màu xanh, có nhiều màu xanh lam ở đó, tức là có rất nhiều sự lặp lại -- ông rất nhạy bén với kĩ thuật lặp. Và màu xanh lục là khi vận dụng triệt để âm nhạc và kinh thánh. Phổ màu xanh lục đầu tiên là kinh thánh trích từ Sách Isaia. Phổ màu xanh lục thứ hai là "Đất nước tôi, đây là bài hát về bạn." Đó là một bài hát quen thuộc đặc biệt rất quan trọng đối với người da đen vào thời điểm đó, vì họ đã chọn sửa đổi bài hát này như một cách phản đối dữ dội vì lời hứa đã không được thực hiện. Phổ màu xanh lục thứ ba là một khổ thơ trích từ bài hát trên. Và phổ màu xanh lục thứ tư là bài ca tôn giáo Negro. "Cuối cùng đã được tự do! Tự do rồi! Cảm tạ Đấng toàn năng, tôi đã tự do!" Điều ông ấy làm là chạm tới trái tim khán giả. Ông trích dẫn kinh thánh, điều đó rất quan trọng. Ông trích dẫn bài hát mà họ cùng nhau hát như tiếng kêu than phẫn nộ, và ông sử dụng chúng làm công cụ kết nối và cộng hưởng với khán giả. Kết thúc -- vẽ nên bức tranh về một niềm hạnh phúc mới, sử dụng những điều thiêng liêng trong sâu thẳm con người. Ông là người vĩ đại. Ông có một ước mơ rất lớn. Có nhiều người ở đây, các bạn cũng có những ước mơ rất lớn. Bạn có những ý tưởng lớn bên trong bạn cần phải được bộc lộ ra. Nhưng bạn biết không? Chúng ta gặp khó khăn. Không dễ để thay đổi thế giới; đó là một việc lớn. Bạn biết ông ấy đã -- nhà của ông bị đánh bom, ông bị đâm bằng dao rọc giấy, cuối cùng, ông qua đời, bạn biết đó, vì điều mà ông quan tâm tới. Nhưng nhiều người trong chúng ta -- sẽ không ai đòi hỏi ta phải hi sinh. Vấn đề là về cơ bản nó hơi giống cấu trúc câu chuyện một chút. Cuộc sống có thể giống như vậy. Bạn biết đấy, các bạn là những người dễ mến, bạn có khát khao, bạn gặp trở ngại, và chúng ta dừng tại đó. Chúng ta nghĩ, "Tôi có ý tưởng này, nhưng tôi sẽ không nói ra. Nó bị từ chối thôi." Chúng ta tự hủy hoại ý tưởng của chính mình, chúng ta cứ bám lấy khó khăn trở ngại thay vì chọn cách để cho sự đấu tranh thay đổi chúng ta và chọn bước tiếp, ước mơ và biến nó thành sự thật. Bạn biết không, nếu tôi có thể làm vậy, ai cũng có thể làm được. Tôi lớn lên trong một môi trường thiếu thốn cả về kinh tế lẫn tình cảm. Lần đầu tôi đi cắm trại với chị mình, tôi đã bị ngược đãi. Không phải lần đầu tôi bị ngược đãi mà đó là lần hung hãn nhất. Ba mẹ tôi -- họ đã kết hôn với nhau ba lần, (Tiếng xì xào) Phải, thật là rối ren, và lúc họ không cãi nhau, họ sẽ giúp những người nghiện rượu sống cùng chúng tôi vì họ đều là người nghiện rượu tỉnh táo. Mẹ đã bỏ chúng tôi khi tôi 16 tuổi. Và tôi đảm đương trách nhiệm chăm sóc gia đình và chị em mình. Rồi tôi kết hôn. Tôi đã gặp và yêu một người. Tôi dành một năm học đại học. Tôi làm điều mà bất kì cô gái độc thân, trẻ trung nào cũng nên làm -- tôi kết hôn khi tôi 18 tuổi. Và bạn biết không? Tôi biết, tôi biết rằng lẽ sống của tôi còn hơn thế. Và đến lúc trong câu chuyện cuộc đời mình tôi có sự lựa chọn. Tôi có thể để cho những thứ này hạ gục và làm chết những ý tưởng trong tôi. Tôi có thể chỉ cần nói, "Cuộc đời quá khó khăn để thay đổi thế giới. Quá khó." Nhưng tôi đã chọn một câu chuyện cuộc đời khác cho mình. (Tiếng cười) Bạn biết chứ? Và tôi cảm thấy có những người trong căn phòng này -- bạn có hộp gia vị Suavitos và nghĩ, "Bạn biết đấy, đó không phải chuyện gì to tát." "Không phải là tôi có thể thay đổi cả thế giới." Nhưng bạn có thể thay đổi thế giới của bạn. Bạn có thể thay đổi cuộc đời mình. Bạn có thể thay đổi thế giới mà bạn điều khiển, bạn có thể thay đổi tầm vóc của mình. Tôi muốn khuyến khích bạn làm vậy. Vì sao ư? Tương lai không phải nơi chúng ta sẽ tới. Đó là nơi bạn phải tạo dựng. Xin cảm ơn. Chúa phù hộ các bạn. (Tiếng vỗ tay)