Nếu ai đó hỏi bạn: "Ai là người giàu nhất trong lịch sử?", bạn sẽ nghĩ đến ai? Tỉ phú ngân hàng hay đại gia tập đoàn, Bill Gates hay John D. Rockefeller chẳng hạn? Thế còn vị vua châu Phi Musa Keita I thì sao? Cai trị đế chế Mali vào thế kỉ 14, Mansa Musa, hay Vua của các vị Vua, đã tích lũy khối tài sản đủ để trở thành một trong những người giàu có nhất trong lịch sử. Nhưng sự giàu có chỉ là một phần trong di sản vĩ đại của ông. Khi Mansa Musa lên ngôi năm 1312, phần lớn châu Âu bị nạn đói và nội chiến hoành hành, trong khi nhiều quốc gia châu Phi và Hồi giáo lại vô cùng thịnh vượng. Và Mansa Musa đóng vai trò quan trọng trong việc đem về cho vương quốc của mình những thành tựu ấy. Bằng cách khôn khéo sáp nhập thành phố Timbuktu, và giành lại quyền hành tại thành phố Gao, ông đã kiểm soát được các tuyến đường thương mại quan trọng giữa Địa Trung Hải và bờ biển Tây Phi, tiếp tục thời kì đỉnh cao của bành trướng lãnh thổ. Lãnh thổ của đế chế Mali giàu về tài nguyên thiên nhiên, như vàng và muối. Thế giới đã chứng kiến sự giàu có của Mansa Musa lần đầu, năm 1324, khi ông bắt đầu cuộc hành hương đến Meca. Không phải là người du hành tiết kiệm, ông mang theo một đoàn tùy tùng kéo dài tận chân trời. Chi tiết của chuyến hành trình, đa phần, được truyền miệng và được ghi chép không đồng nhất trong các tài liệu, vậy nên, rất khó kiểm chứng tính chính xác. Nhưng hầu hết đều đồng ý về sự hoành tráng của chuyến đi. Các sử gia miêu tả đoàn người gồm 10 ngàn binh sĩ, dân thường, và nô lệ, 500 người mang đồ đạc bằng vàng, mặc lụa đẹp, cùng vô số lạc đà và ngựa để thồ vàng. Dừng chân ở các thành phố như Cairo, Mansa Musa được cho là đã tiêu một lượng vàng rất lớn, phát cho người nghèo, mua đồ lưu niệm, thậm chí, còn cho xây các nhà thờ dọc đường. Việc chi tiêu của ông đã làm nền kinh tế nơi đây trở nên bất ổn, gây ra lạm phát. Cuộc hành trình kéo dài hơn một năm, và khi trở về, câu chuyện về sự giàu có của ông lan đến các bến cảng Địa Trung Hải. Mali và vị vua của mình đã đi vào huyền thoại, và được nêu tên trên bản đồ Catalan Atlas 1375, một trong những bản đồ quan trọng nhất châu Âu thời Trung Cổ. Trên đó vẽ hình vị vua tay cầm cây trượng tay cầm thỏi vàng lấp lánh. Mansa Musa thực sự đã ghi danh đế chế Mali trên bản đồ. Nhưng giàu có vật chất không phải là mối bận tâm duy nhất của ông. Là một người sùng đạo Hồi, ông đặc biệt yêu thích Timbutku, nơi từng là trung tâm tôn giáo và giáo dục trước khi bị sát nhập. Vừa trở về sau chuyến hành hương, ông đã cho xây nhà thờ Djinguereber tại đây với sự giúp đỡ của các kiến trúc sư người Andalusia. Ông còn thành lập các trường đại học lớn, nâng cao vị thế của thành phố, thu hút học giả và sinh viên từ khắp thế giới Hồi giáo đổ về. Dưới thời Mansa Musa, đế chế được đô thị hóa, với trường học và nhà thờ được xây dựng ở hàng trăm thị trấn đông dân. Gia sản của vị vua kéo dài hàng thế kỉ, những lăng tẩm, thư viện, nhà thờ do ông xây dựng còn tồn tại đến ngày nay, như minh chứng cho thời hoàng kim của lịch sử Mali.