Khi tôi còn nhỏ,
tôi từng nghĩ rằng thịt lát và chặt karate là giống nhau.
Tôi nghĩ chúng đều là thịt lát.
Vì bà tôi nghĩ điều đó dễ thương,
và vì tôi thích, nên bà tôi cứ để mặc.
Chuyện chẳng quan trọng lắm.
Một hôm, trước khi tôi nhận ra người béo không nên leo cây,
thì tôi đã rơi xuống và thâm tím hết nửa người bên phải.
Tôi không muốn kể với bà
vì tôi sợ sẽ không được chơi ở những nơi đó nữa.
Vài ngày sau, giáo viên thể dục phát hiện,
và tôi được đưa đến phòng hiệu trưởng.
Rồi lại được đưa sang một phòng nhỏ
có một cô rất xinh hỏi tôi
đủ thứ chuyện về cuộc sống gia đình.
Tôi chẳng cần nói dối.
Đối với tôi, cuộc sống là khá tốt.
Tôi bảo cô ấy khi tôi buồn,
bà sẽ cho tôi ăn cú chặt karate.
Nó dẫn tới một cuộc điều tra quy mô lớn,
và tôi bị cách ly khỏi nhà trong 3 ngày,
tới khi, cuối cùng họ cũng hỏi tại sao tôi bị thâm tím.
Tin tức về câu chuyện ngu ngốc này lan ra khắp trường,
và tôi được đặt biệt danh đầu tiên:
Thịt Lát.
Cho tới hôm nay,
tôi vẫn ghét thịt lát.
Tôi không phải đứa trẻ duy nhất lớn lên như thế,
vây quanh toàn những người từng ngâm nga
giai điệu "gậy và đá",
như thể xương gãy sẽ đau hơn
những lời lẽ ác ý chúng tôi nhận được.
Và chúng tôi lớn lên với niềm tin
rằng sẽ không được yêu thương,
rằng sẽ cô đơn mãi mãi,
rằng sẽ không gặp được một người
khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp như mặt trời.
Trái tim tan nát rỉ rả nỗi buồn,
chúng tôi cố trút đi để rồi vô cảm.
Đừng bảo tôi rằng nó ít đau hơn xương gãy,
rằng nhức nhối bên trong có thể cắt bỏ,
rằng nó sẽ không thể di căn. Ngược lại!
Cô ấy mới 8 tuổi,
ngày đầu tiên vào lớp 3, cô ấy bị gọi là xấu xí.
Chúng tôi đều xuống ngồi cuối lớp
để tránh những trận ném đá.
Nhưng sân trường là chiến trường.
Chúng tôi bị bóp nghẹt ngày qua ngày.
Chúng tôi thường trốn trong lớp, vì bên ngoài còn tệ hơn.
Bên ngoài, chúng tôi phải chạy trốn,
hoặc đứng im như tượng
để không ai biết chúng tôi ở đó.
Lớp 5,
chúng dán một mảnh giấy trước bàn cô ấy:
"Coi chừng chó."
Cho đến hôm nay,
dù chồng yêu thương,
cô vẫn không tin là mình đẹp,
vì một cái bớt đã chiếm gần một nửa khuôn mặt.
Bọn nhóc nói:
"Nó trông như đáp án sai
mà người ta cố xóa đi nhưng chưa xóa được."
Nhưng họ không bao giờ hiểu cô ấy đang nuôi 2 đứa con
biết định nghĩa cái đẹp bắt đầu bằng từ "Mẹ",
vì chúng thấy trái tim cô trước khi thấy da cô,
vì cô đã luôn tuyệt vời như thế.
Cậu ta là một cành gãy ghép vào một cây khác,
đứa con nuôi,
không phải vì bố mẹ cậu chọn một vận mệnh khác.
3 tuổi là lúc cậu nếm sự pha trộn của
một phần cô đơn và hai phần thảm kịch,
bắt đầu trị liệu tâm lý lúc 8 tuổi,
tính cách hình thành từ chấn đoán và thuốc thang,
sống theo kiểu lúc thì lên trời, lúc thì xuống vực,
4 trong 5 muốn tự tử, ngập chìm trong thuốc an thần,
và là một đứa trẻ bị gọi "Thiếu thuốc",
1 phần vì thuốc thang.
99 phần vì ác ý,
Cậu ta đã cố tự tự năm lớp 10,
trong khi vẫn có thể về nhà,
để bố mẹ đủ vô tâm để nói rằng:
"Tự vượt qua đi"
như thể sự đau buồn là thứ có thể chữa
lành bởi mấy thứ trong tủ thuốc gia đình.
Cho tới hôm nay, cậu ta là một thanh TNT cháy cả 2 đầu,
có thể mô tả chi tiết với bạn bầu trời
oằn cong thế nào khi nó sắp sập xuống,
và mặc cho cả một đám bạn
đều xem cậu ta là nguồn cảm hứng,
cậu ta vẫn kẹt lại với những người không thể hiểu,
đôi khi không dùng thuốc, không liên quan
tới nghiện ngập và hoàn toàn sáng suốt.
Không chỉ mỗi chúng tôi mới lớn lên như thế.
Đến hôm nay, bọn trẻ vẫn bị đặt biệt danh.
Kiểu kinh điển như "Ê thằng ngu", "Ê thằng liệt"
Có vẻ như mọi trường học đều có cả
kho biệt danh tích lũy theo từng năm,
và nếu một đứa trẻ vào trường và không có ai
thèm lắng nghe, liệu chúng có lên tiếng không?
Có phải đó chỉ là thứ tiếng ồn
mà mọi người thường lặp lại rằng:
"Bọn trẻ có thể rất nhẫn tâm."
Mỗi trường học đều là một rạp xiếc lớn,
với đủ thể loại từ nhào lộn tới luyện thú, từ hề tới xiếc,
tất cả đều không phải con người thật của chúng tôi.
Chúng tôi là lũ lập dị
-- những thằng càng tôm và lũ con gái có râu,
chơi trò tung hứng với nỗi buồn và sự cô đơn,
chơi bài, quay chai,
cố hôn lên vết thương hy vọng nó sẽ lành lại.
Nhưng ban đêm, khi người khác say ngủ,
chúng tôi vẫn phải đi trên dây.
Đó là chuyện thật, và một số đã ngã xuống.
Nhưng tôi muốn nói tất cả những điều này
chỉ là những mảnh vụn khi chúng tôi quyết định
nghiền nát mọi thứ thuộc về con người cũ trước đây.
Và nếu bạn không thể thấy điều gì tốt đẹp ở bản thân,
hãy tìm một cái gương khác,
hãy nhìn gần hơn,
hãy soi lâu hơn,
vì luôn có thứ gì đó bên trong giúp bạn
cố gắng dù mọi người bảo bạn bỏ cuộc.
Bạn xây dựng lại trên trái tim tan vỡ và ký tên mình.
Bạn viết: "Họ đã sai."
Vì có thể bạn không thuộc một nhóm nào cả.
Có thể họ sẽ vớt bạn vào đội bóng hoặc tương tự.
Có thể bạn từng bị bầm dập
hoặc gãy răng nhưng không nói ra,
vì làm sao bạn đứng vững
khi mọi người muốn chôn bạn ở đó?
Bạn phải tin rằng họ đã sai!
Nhất định họ đã sai!
Không thì tại sao chúng tôi vẫn tồn tại?
Chúng tôi lớn lên học cách an ủi người
yếu thế vì nhận ra bản thân bên trong họ.
Chúng tôi lớn lên từ niềm tin rằng
chúng tôi không phải thứ mà người ta gọi.
Chúng tôi không phải cái xe
bị bỏ lại trống trơn trên xa lộ,
và dù như thế thì cũng đừng lo.
Ta có thể đi bộ và mua xăng.
Chúng tôi tốt nghiệp lớp học
tên là "Chúng tôi đã làm được",
chứ không phải từ tiếng vọng
thở than "Từ ngữ sẽ không làm tôi đau."
Tất nhiên là đau.
Nhưng cuộc sống sẽ luôn được
tiếp diễn với những hành động
không phải hướng tới nỗi đau
mà là hướng đến cái đẹp.