Bài giảng tối nay là một vài lá thư tôi phải trả lời tuần qua, và vì tôi là ông sư lười nên thay vì viết ra những câu trả lời giống nhau cho những lá thư giống nhau, tôi đưa những câu hỏi đó vào các buổi giảng tối Thứ Sáu và cho những câu trả lời. Như vậy lần tới ai hỏi tôi những câu hỏi này tôi sẽ nói làm ơn nghe bài giảng, thay vì phải viết ra hết những lá thư dài đó. Có người hỏi rằng, là Phật tử mà cầu xin Thượng Đế, hay Phật A Di Đà, hay Phật Bà Quan Âm những khi gặp nạn, có phải là điều thích đáng nên làm hay không? Và tôi cũng giảng cho các sư vào tối Thứ Tư về cách làm sao có thể hành thiền dễ dàng và thanh thản, bởi vì đôi khi ngay cả các sư cũng thỉnh thoảng nói họ thiền không được. Tôi nghĩ, đôi khi người ta nghĩ “A! Hành thiền là một việc thật khó làm” Luôn luôn là vì chúng ta thiền không đúng cách thôi. Sự liên hệ giữa hai câu hỏi, làm thế nào để thiền dễ dàng và đơn giản và Phật tử có nên cầu xin đấng thần linh, tất cả đều liên kết với nhau trong giáo lý nền tảng của Phật giáo gọi là định luật về nghiệp. Vì vậy có rất rất nhiều thứ chúng ta có thể bàn đến khi nói về nghiệp. Tuy nhiên, tối nay tôi chỉ tập trung nói về một vài hành động và vài khía cạnh, và làm thế nào để hiểu sâu hơn, không phải chỉ mặc nhiên chấp nhận định luật về nghiệp, mà cần phải hiểu ý nghĩa sâu hơn của nó, bằng cách nào nó có thể giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống của chúng ta, trả lời những câu hỏi này và cũng làm cho thiền thực sự dễ dàng. Bây giờ, câu hỏi đầu tiên ở đây là việc cầu nguyện các đấng thần linh. Thời trẻ ngay cả tôi cũng đã nhìn thấu điều này. Ý tôi là,Thượng Đế ngày nay có thể có những “tổng đài thuê ngoài” ở nơi nào đó trong thành phố Bangalore [cười], khi có quá nhiều nhu cầu cầu nguyện hàng ngày. Nhưng bạn thấy đó, tôi đâu bị sét đánh vì nói đùa về Thượng Đế. Chẳng có gì cấm người ta đùa cợt trong đạo Phật và vì vậy tôi thích đạo Phật. Bạn có thể đùa cợt về Ajahn Brahm, bạn có thể đùa cợt về bất cứ điều gì, thật là tuyệt. Vì vậy, thay vì cầu xin ân huệ, định luật về nghiệp luôn dạy chúng ta, nhắc nhở chúng ta là đừng chỉ nhờ ai đó giúp đỡ hay cầu nguyện mà hãy làm một cái gì đó, hãy chủ động. Nhiều khi việc thường xảy ra là người ta bận rộn cầu nguyện hay van xin mà quên đi họ có thể thực sự làm một điều gì đó. Thay vì cầu nguyện cho hòa bình thế giới chúng ta thực sự có thể tạo nên hòa bình thế giới. Thay vì tham dự hay tổ chức buổi cầu nguyện cho người dân Miến Điện hay tỉnh Sichuan Trung Quốc, chúng ta có thể thực sự làm một điều gì đó cho họ. Các bạn biết là người ta đang quyên góp hay gửi thực phẩm hay làm gì đó. Và nhiều khi tôi có cảm tưởng tất cả những lời cầu nguyện và van xin này đã bỏ quên một điểm quan trọng, đó là không có Đấng tối cao nào điều khiển vận mệnh bạn hay vận mệnh thế giới, mà chính chúng ta điều khiển vận mệnh đó. Bạn điều khiển vận mệnh của bạn và thật tuyệt vời khi nhận ra điều đó. Trong một nghĩa nào đó đây là điều khó khăn khi nhận ra rằng vận mạng của mình nằm trong tay mình và mình không phải là nạn nhân của ai đó trên trời hay bất cứ một người nào khác, sự lợi lạc, hạnh phúc và bình an trong tương lai của bạn nằm trong tay bạn, có nghĩa là bạn nhận trách nhiệm. Đó là một đòi hỏi khó khăn đối với con người, đảm nhận loại trách nhiệm đó, trách nhiệm cá nhân, nhưng thực sự đó là cách duy nhất để tiến lên. Ngay cả với một việc như thay đổi khí hậu, đó không phải là trách nhiệm của các cơ quan chính phủ, mà là trách nhiệm của bạn, của mỗi người trong chúng ta. Tương tự như vậy với mọi thứ khác, chúng ta nhận lấy trách nhiệm. Khi chúng ta tự nhận ngay lấy trách nhiệm thay vì trách móc người khác hay van xin người khác, chúng ta làm một cái gì đó. Tôi còn nhớ khi trận sóng thần xảy ra, Tôi nhớ rất rõ vì hôm đó tôi đang ở ngay tại Phuket, xin lỗi, không phải Phuket, tôi ở Penang, xin lỗi, hôm trận sóng thần xảy ra và dĩ nhiên cơn sóng thần cũng đã giết một số người ở đảo Penang. Lý do tôi nhớ là vì vị sư phó lúc bấy giờ, Ajahn Cattamalo, đã rất, rất quan tâm, sư ấy gọi điện để thử xem Ajahn Brahm như thế nào. Bởi vì tôi ở trong vùng chịu tác động của sóng thần. Sau đó tôi biết được sư ấy không quá quan tâm đến tôi nhưng rất lo lắng vì nếu tôi chết sư ấy sẽ phải làm trụ trì [cười]. Đó là nỗi lo lớn. Tôi nhớ ngay khi tôi trở về báo chí đã hỏi tất cả các vị lãnh đạo tôn giáo - tại sao chuyện đó lại xảy ra? Đó có phải là sự trừng phạt của Allah hay Thượng Đế, hay đó là nghiệp của con người, họ đã làm điều gì đó sai trái và tất cả phải chết trong cơn sóng thần? Và tôi thẳng thắn trả lời, vì tôi theo đạo Phật đã lâu năm, “Đó không phải là vấn đề, các bạn đã hiểu sai; vấn đề không phải là tại sao nó xảy ra, mà bây giờ chúng ta phải làm gì, bởi vì trong khi mọi người đặt câu hỏi thì có bao nhiêu người mất nhà cửa, những người bị thương, những người đang tìm người thân, họ đang buồn khổ, đang đương đầu với bao nỗi khó khăn; thay vì mất thời giờ hỏi "tại sao", câu hỏi chúng ta nên đặt ra là chúng ta sẽ làm gì đây? Và, theo tôi, đó luôn luôn là một phần quan trọng của định luật về nghiệp. Dù là một thảm cảnh lớn hay một bi kịch cá nhân, thay vì nghĩ, "ồ, tại sao điều này lại xảy ra, và tại sao nó luôn xảy với tôi". Đó là điều thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ tới vào tối Thứ Sáu, "tại sao tôi luôn phải giảng pháp tối Thứ Sáu?" Chúng ta không bao giờ nên nghĩ như vậy! Bạn có thể thấy điều gì xảy ra khi bạn bắt đầu cảm thấy mình là nạn nhân hay cảm thấy bị áp đặt và hỏi "Tại sao? Tại sao lại là tôi? Tại sao điều này luôn xảy đến cho tôi? Đó không phải là vấn đề. Bạn sẽ làm gì về nó? Hoặc khi người ta bị những chứng bệnh ngặt nghèo như ung thư, hay làm ăn thất bại, hay vợ bỏ theo người bạn thân nhất của mình, hay bất cứ điều gì, bạn hỏi "tại sao chuyện đó xảy ra?" Điều quan trọng nhất cần hỏi là chúng ta sẽ làm gì về nó, vì đó khía cạnh nghiệp của mọi việc. Và khía cạnh tuyệt vời nhất của định luật về nghiệp là bạn luôn luôn có thể làm một điều gì đó bất kể những gì cuộc đời mang đến cho bạn, bạn luôn có thể làm một điều gì đó tích cực. Và tôi đã nói điều này, cách đây vài phút, cho người có người thân tự tử. Đây chính là một thí dụ, "tại sao họ lại tự tử? có phải là do nghiệp nào đó trong quá khứ? là ý muốn của Thượng Đế? vì tôi đã nói hay đã không làm điều gì?" dĩ nhiên bạn có thể thấy đó là một phản ứng tự nhiên của nhiều người khi một thảm cảnh như tự tử xảy ra trong gia đình. Nhưng điều tôi luôn muốn nhấn mạnh với mọi người là không phải tại sao mà là bây giờ chúng ta làm gì về điều này ngay bây giờ. Quá khứ đã qua bạn không thể thay đổi, nhưng chắc chắn chúng ta có thể làm gì đó ngay bây giờ để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho mình và cho người khác, để cho nạn tự tử bớt xảy ra, và để chúng ta có thể học hỏi và trưởng thành từ đó và không có gì chúng ta không thể dùng. Ẩn dụ mà tôi đưa ra rất thường, tôi chắc các bạn đã nghe, có thể chỉ mới hai hay ba tuần trước nhưng tôi sẽ lặp lại ở đây cho lần thu băng này: Ví như bạn đi về nhà và trên đường về nhà bạn dẫm phải phân chó, khi dẫm phải phân chó nếu bạn là một Phật tử đúng nghĩa, hiểu biết về luật nhân quả, bạn sẽ không bao giờ cạo nó ra khỏi giày mà trước tiên bạn mang nó về nhà. Rồi khi về tới nhà bạn luôn cạo nó ra dưới gốc cây xoài trong vườn của bạn và chôn nó xuống, bởi vì một năm sau những trái xoài của bạn sẽ ngọt ngào hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, phần quan trọng nhất là hãy nhớ khi ăn trái xoài mọng nước đó, bạn đang thực sự ăn gì, [cười] thực ra là phân chó nhưng đã được chuyển hóa thành trái xoài ngon ngọt mọng nước. Lý do tôi dùng chữ phân ở đây, đôi khi có người than phiền, là vì các bạn sẽ nhớ ẩn dụ này, nó chỉ là phương tiện giảng dạy cho người lớn. Và dĩ nhiên các bạn hiểu được tầm quan trọng của điều này và tôi đã nhắc đến ẩn dụ này cho người nói về người thân của họ tự tử. Thật đau đớn, khó ngửi, khó chịu đựng, nhưng đó cũng chính là phân bón vô cùng diệu dụng và tuyệt vời cho lòng trắc ẩn, trí huệ và sự hiểu biết của chúng ta về đời sống, đời thực. Chính vì thế, bất cứ khi nào bi kịch xảy ra cho chúng ta, cho đất nước hay cho toàn cầu thì đây chính là phân bón mà thỉnh thoảng cuộc đời cho ta và chúng ta có sự lựa chọn dùng phân bón đó để làm gì. Trong quyển sách của tôi “Mở rộng cửa tâm mình”, được đổi thành tựa khác cho ấn bản phát hành ở Mỹ, và ấn bản đó, vài bạn đã thấy rồi, có tựa là “Ai đã đặt mua xe phân này?” bởi vì nó có liên hệ đến một câu chuyện cụ thể là nếu có chuyện tồi tệ xảy ra trong đời thì bạn có thể chôn nó xuống và bạn có thể làm nên những điều tốt đẹp từ những thứ khó ưa nhất trong cuộc sống của bạn. Luôn có một điều gì đó bạn có thể làm. Và tôi lấy nó làm ví dụ đặc biệt để cho thấy khi những điều này xảy ra cho bạn, cho một quốc gia, luật nghiệp báo có nghĩa là chớ nên nghĩ tại sao nó xảy ra mà nên làm gì đó về nó. Chôn nó xuống, phải, là điều khó làm, nhưng chọn lựa khác, như trong câu chuyện “Ai đã đặt mua xe phân này?”, là mọi người mang phân trong túi đi khắp nơi. Và bạn thấy rằng nếu mang phân hôi thối trong túi hay trong ví xách bạn sẽ mất đi nhiều bạn bè, và bạn hiểu tôi muốn nói gì về điều này. Khi người ta thực sự chán nản, giận và bực về những gì xảy ra cho họ trong đời thì chẳng ai thích ở gần họ. Đó không phải là cách giải quyết những khó khăn, cũng chẳng phải cầu nguyện “ Xin Thượng Đế lấy phân đi giúp con!” Bạn bị kẹt với nó, nó là của bạn. Nó đến như thế nào bạn không thực sự biết, chúng ta không thể nói “Ô, chắc vì tôi đã làm điều gì xấu trong quá khứ” Định luật về nghiệp không có nghĩa như vậy. Ngay cả Đức Phật cũng nói rằng đôi khi những điều này xảy ra vì đó là cuộc đời, không phải vì bạn đã làm một điều gì đó mà chỉ vì bạn ở sai nơi vào sai thời điểm, bạn chỉ là con người thôi. Để hiểu được điều này tôi sẽ kể câu chuyện ngoài lề về một người lính. Đây là câu chuyện rất hay xảy ra lúc tôi là một vị sư trẻ ở Thái Lan nơi tôi biết được nhiều câu chuyện và có được sự thông hiểu từ chúng. Một thanh niên nhập ngũ vào quân đội Thái Lan, anh bị thương trong một trận chiến ở biên giới. Mặc dù đáng lẽ không có trận chiến nào xảy ra, nhưng vẫn có những cuộc đụng độ ở vùng biên giới giữa nước Miến Điện, Lào, và Căm-bốt tuy không được tường trình vì những lý do ngoại giao nhưng vẫn có những trận bắn nhau. Anh ta bị thương và vì vậy phải giải ngũ và anh ta đến gặp thầy mình là Ajahn Chah, với cánh tay băng bó, anh nói:” Ô, con đã tạo nghiệp rất rất xấu, bởi vì con đã bị thương ở chiến trường, tại sao điều này lại xảy ra cho con?”. Ajahn Chah nhìn anh ta và nói, “ông muốn nói gì khi hỏi như vậy? ông là một người lính thì đó là những gì xảy ra cho người lính, ông bắn đạn vào người khác thì đương nhiên họ bắn ngược lại ông và một số những viên đạn có thể trúng”. Ngài nói đó là nghiệp làm lính, lính thì có khả năng bị thương. Tương tự như thế, mỗi người trong các bạn đã được sinh ra làm người, nếu bạn đọc bản hợp đồng, nhất là phần in chữ nhỏ, hẳn bạn đã thấy rằng bạn có thể chết bất cứ lúc nào vì nhiều nguyên nhân, đó là một phần của bản hợp đồng làm một con người. Hiểu được điều này chúng ta có thể chấp nhận rằng đôi khi chết và bệnh hoạn xảy ra, không phải vì chúng ta đã làm điều gì sai trái mà đơn giản chỉ vì đó là một phần của kiếp nhân sinh, nó xảy ra không phải lỗi của ai mà chỉ vì ta đã sinh ra. Khi chúng ta ngừng trách móc hay cầu xin người khác giải quyết vấn đề, chúng ta tự nhận trách nhiệm, và quyết định "nó đã xảy ra, ta hãy làm điều gì đó về nó”. Và “làm điều gì đó về nó” chính là ý nghĩa đích thực của nghiệp. Kamma là tiếng Phạn/ Pali, có nghĩa là hành động, làm một việc gì, đó là ý nghĩa của nó. Vì vậy, bất cứ điều gì xảy ra cho chúng ta chúng ta luôn có thể làm một cái gì đó. Hiện giờ chúng tôi đang xây cất trung tâm tu thiền lớn đối diện với tu viện của tôi ở Serpentine, một trung tâm tu thiền, và bất kỳ khi nào bạn xây một tòa nhà lớn, đây là một công trình xây cất lớn với hơn bốn triệu đô la. Và có thể bạn đã xây nhà bạn, đôi khi có sự cố không hay xảy ra, công việc không tiến hành như dự tính. Nhưng tôi đã xây dựng nhiều thứ trong đời, khi có trục trặc không có gì mà một thợ xây cất giỏi không thể giải quyết. Nói cách khác, chấp nhận sai lầm, và tìm cách giải quyết nó, bạn thực sự có thể tận dụng nó và cải thiện nó. Như tôi đã nói ở đoạn kết của câu chuyện hai viên gạch xấu trên tường, một người thợ xây cất nói với tôi rằng khi họ làm sai họ luôn nói với khách hàng hay thân chủ, đó là một nét đặc trưng, chỉ có một ngôi nhà duy nhất ở Perth là có nét đặc biệt này, và họ tính thêm vài ngàn đô la cho điểm khác biệt này, họ đã biến sai lầm thành lợi thế cho họ và cho người khác. Và ý nghĩa của câu chuyện đó là khi gặp phải một vấn đề gì, một lỗi lầm gì, chúng ta luôn luôn có thể làm một cái gì đó để giải quyết, để thực hiện, làm nên một điều tuyệt vời nào đó cho chúng ta. Vậy nên nghiệp đem lại cho ta trách nhiệm và cũng cho ta cơ hội, biết rằng cho dẫu tình trạng có xấu đến đâu, đau đớn đến đâu, cuộc đời có ê chề đến đâu, mình vẫn luôn có thể tạo ra cái gì đó từ điều này. Mình có thể làm xoài ngọt từ phân. Mình có thể xoay trở tình hình với nỗ lực, với trí tuệ, với lòng từ ái của mình. Vậy, thay vì cầu xin một người nào khác, chúng ta nhận trách nhiệm và chúng ta tích cực, chủ động, chúng ta làm thay vì than vãn. Hãy thắp lên một ngọn nến thay vì than phiền về bóng tối, câu nói xưa của người Tàu. Thay vì đau khổ với những vấn đề trong hôn nhân, trong quan hệ tình cảm, vấn đề sức khỏe, "phải, bây giờ bạn sẽ làm gì với nó?" Luôn luôn có thể làm một điều gì đó với những gì bạn có. Như câu chuyện này, một chuyện rất hay do một chuyên gia tư vấn hôn nhân ở Singapore kể cho tôi nghe. Bà có một thân chủ, thân chủ của bà thực sự đã hết yêu người chồng của mình, ông này thường đi làm về trễ, bà vợ nghi ông ta có tình nhân nhưng ông ta không thừa nhận gì cả, quan hệ giữa hai người đang gặp trục trặc, nó gần như chìm xuống đáy biển nhanh như con tàu Titanic. Nhưng bà ta đi gặp vị cố vấn hôn nhân, nói rằng “tôi muốn ly dị”. Và vị cố vấn hôn nhân khéo léo hỏi “ông ta có yêu bà không?” “Không! dĩ nhiên ông ta đâu có yêu tôi”. Vị cố vấn nói: “Thế thì nếu bà ly hôn bây giờ ông ta sẽ rất hài lòng, đó có phải là điều bà muốn không?” “Không!” [cười] “Vậy đây là kế hoạch, liệu xem bà có thể làm cho ông ta yêu bà trở lại không. Bà biết mà, hãy chưng diện vào, hãy dễ thương, đem hết tài khéo léo của người đàn bà để chinh phục lại ông ta, và khi ông yêu bà trở lại thì lúc đó hãy ly dị ông ta!” [cười lớn]. Bà nói “đúng, đúng! đó là cách để trị đàn ông” Và kế hoạch là như vậy. Bà ta làm những gì đã được gợi ý. Bà mua vài bộ quần áo mới, trang điểm xinh đẹp khác hẳn, hết sức dễ thương ngay cả khi ông về nhà trễ, bà cũng rất duyên dáng. Và mỗi tuần bà đều gọi điện hay đi gặp vị cố vấn. “Tình hình ra sao?” Bà nói thực sự bắt đầu có kết quả, ông chồng về nhà sớm hơn, và ông ta bây giờ tử tế với bà hơn. “Tốt lắm, cứ tiếp tục như vậy, kế hoạch đang có hiệu quả”. Và nhiều tuần trôi qua, ông ta về nhà sớm, thân thiện với bà hơn, bắt đầu nâng niu, hôn hít bà và mọi thứ khác, và rồi bà ta chẳng bao giờ gọi lại vị cố vấn nữa. Thế rồi, một tháng sau, vị cố vấn gọi bà thân chủ và hỏi “chuyện gì xảy ra? ông đã yêu bà chưa?” “Dạ rồi”. Vị cố vấn nói: “Tuyệt! đây là lúc để ly dị ông ta” “Ồ không, ông ta bây giờ dễ thương lắm”. [cười] Sứ mạng đã hoàn thành. Mọi sự đã diễn ra như dự tính. Vì vậy tôi thích câu chuyện đó, vì đôi khi luôn có điều gì đó bạn có thể làm ngay cả khi quan hệ gặp khó khăn. Hãy thử cố gắng làm một điều gì đó để giải quyết, thực sự dồn nhiều nỗ lực vào việc chấn chỉnh lại tình hình. Chỉ có điều, dĩ nhiên, các bạn biết là tôi chưa từng kết hôn, tôi chẳng hiểu tại sao các bạn ngồi nghe tôi nói về hôn nhân. Tuy nhiên tôi luôn hiểu rằng mọi quan hệ đều có thể điều chỉnh nếu bạn nỗ lực, bỏ thời gian và công sức, bởi vì tôi tin vào luật nhân quả, vì tôi thấy nó xảy ra rất thường xuyên. Bạn có thể xoay chuyển hoàn cảnh vô vọng bằng trí tuệ, lòng nhân ái và quyết tâm, thực sự quyết tâm dành thời gian để xoay chuyển tình thế. Có nghĩa là bạn không bao giờ bỏ cuộc mà cứ tiếp tục và tiếp tục và tiếp tục. Đó là với những vấn đề quan hệ tình cảm, với những vấn đề làm ăn cũng vậy. Tôi không biết có bao nhiêu câu chuyện các bạn có thể đọc trên những tạp chí nói về những người bền chí và cuối cùng họ đã vượt qua và trở thành những người lãnh đạo truyền cảm hứng cho thế giới ngày nay. Đó là những gì chúng ta có thể làm trong những hoàn cảnh khó khăn như vậy và đó thực sự là những gì người Phật tử cần phải làm, hãy thực sự chủ động, và xem bằng cách nào chúng ta có thể dùng trí tuệ và tất cả các nguồn lực của mình để giải quyết và vượt qua mọi thứ, chúng ta tạo nghiệp thiện. Đừng chờ người khác làm mà chính chúng ta phải làm. Không những thế, mà bởi vì tự mình làm chủ chính mình chúng ta thực sự thành công hơn, đơn giản là vì chúng ta năng động hơn. Bạn không trồng nên một khu vườn chỉ bằng cách ngồi ở trước hay ở sau hiên nhà và bắt đầu cầu nguyện, ”ô, xin cho cà rốt mọc lên” “Ô, xin cho khoai tây mọc lên”. “Ô, xin cho hoa trổ bông”. Trước tiên bạn phải gieo hạt giống và bỏ phân bón, và bất cứ những gì cần làm khác. Bạn sẽ thành công hơn trong cuộc sống khi bạn biết bỏ công sức ra. Dĩ nhiên các bạn đã thấy những gì mình gặt hái được trong suốt những năm qua, với Hội Phật Giáo và những tu viện của mình, chúng ta đã bỏ công sức làm việc . Khi gặp trở ngại, thay vì đổ lỗi hay vỡ mộng, bạn cứ tiếp tục, bởi vì nghiệp luôn là hành động đang diễn ra (work-in-action), đang tiến hành, đang tiến triển. Không có gì bạn không thể làm. Thử nghĩ nếu tôi giảng bài pháp này cho đội bóng West Coast Eagles của Fremantle Dockers, những người đang liên tục thua mỗi tuần: “Cố lên các bạn, không sao cả, đừng nhìn về quá khứ, hãy để quá khứ qua đi. Hãy làm vài thiện nghiệp, hãy cùng nhau hành động, ít nhất hãy đến học thiền, học để biết cách bay lên để bắt được quả banh cao hơn đối thủ”.[cười] Luôn có một thứ gì đó bạn có thể làm. Một ví dụ điển hình, thay vì để người khác làm thay bạn, hãy tự mình kiểm soát tình hình. Đây là câu chuyện về người nuôi gà. Một câu chuyện khác về người nuôi gà, dĩ nhiên đây là một chuyện cười, nó là chuyện vui cho hôm nay. Một người nuôi gà gặp rắc rối với đám gà con của mình cứ đi lạc ra đường mà trên đường này người ta lái xe quá nhanh nên họ cán chết hết cả đám gà, nhất là gà con, vậy nên ông ta xin chính quyền sở tại, những người hết sức hỗ trợ giới kinh doanh địa phương, cho dựng một bảng giới hạn tốc độ để người ta lái xe chậm hơn để họ có thể thấy gà mà tránh. Hội đồng sở tại nói, được, chúng tôi có thể làm vậy cho ông, thế rồi họ dựng tấm bảng ghi 50km/giờ. Nhưng vì là vùng nông thôn nên chẳng có cảnh sát nào hiện diện ở đó, chẳng ai chú ý đến bảng hiệu, họ cứ tiếp tục phóng nhanh qua trang trại của người nông dân khốn khổ và đám gà chạy bộ cứ tiếp tục bị giết. Ba ngày trôi qua, ông ta lại gọi điện cho họ, “Tấm bảng không có hiệu quả, quý vị có thể thử cách nào khác không?” Thế rồi họ thay tấm bảng khác, ghi “trẻ em băng qua đường- bạn biết đấy, gà con, chúng còn nhỏ- Hãy chậm lại”. Sau ba ngày ông ta lại phải gọi điện cho hội đồng, nói “các ông xem, họ chẳng để ý, họ vẫn chạy nhanh và gà của tôi đang chết dần” Rồi ông nói, “tôi có thể dựng bảng không?” Bạn biết đấy, nghiệp của mình, thay vì chờ người khác làm, chờ hội đồng làm, các bạn biết điều gì xảy ra. Thế rồi ông ta được phép và dựng lên tấm bảng của mình. Sau vài tuần lễ, hội đồng gọi lại ông, “thế nào, tấm bảng của ông ra sao?”. Trả lời “Quá hoàn hảo, tôi chưa mất con gà nào từ ngày dựng tấm bảng này lên” “Vậy ông dựng bảng gì?”. Ông nói tôi viết “Khu trại khỏa thân - hãy chậm lại - gà non trần truồng (chicks: gà con/tiếng lóng cô gái trẻ) ” Mọi người đều chậm lại. [Cười] Thấy chưa, nó có hiệu quả, phải không? Bạn sẽ có chạy chậm lại không dù bạn là Phật tử? Chà, có thể bạn sẽ chậm lại. [cười] Đó là lý do tại sao, những ai chưa thấy trên mạng, hình ảnh về trung tâm thiền, bây giờ chúng ta có một tấm bảng trước trung tâm, bởi vì nó đang được xây cất, các bạn có biết bao nhiêu người đi lang thang vào các khu vực đang xây cất và ăn cắp đồ, nhất là có một nhà tù ở gần đó, bạn biết đó có nhiều...kiểu như... bạn bè của các tù nhân trên đường đi thăm bạn cũng ghé vào kiếm ăn chút đỉnh. [cười] Vì vậy, để người ta không đi vào các khu xây cất, bạn biết không, chúng tôi có hình này trên mạng, chúng tôi dựng một tấm bảng lớn “Trung Tâm Tu Thiền Jhana Grove- người nào vượt qua sẽ bị cải đạo” [cười] Nói kẻ xâm phạm sẽ bị truy tố không hiệu quả nhưng người vượt qua sẽ bị cải đạo thì đúng, chẳng ai muốn bị cải đạo. Thực ra tôi đã đặt bảng đó trước tu viện của chúng tôi trong năm đầu tiên nhưng nó bị lấy mất [cười]. Vậy nên xin đừng lấy nó cho dù nó có độc đáo! Tóm lại, đây thực sự là nghiệp - có trí tuệ. Có đủ mọi cách để giải quyết vấn đề nếu bạn có óc sáng tạo, nhưng đừng chờ đợi người khác làm dùm mà chính bạn phải tự làm. Định luật nghiệp - nhận lấy trách nhiệm cá nhân.Thật đáng kinh ngạc khi bạn có thể giải quyết thành công bao nhiêu vấn đề trong cuộc sống khi bạn thực sự bắt đầu sử dụng sáng kiến của riêng mình. Những người khác có thể cổ võ bạn, họ như đám đông khán giả trên khán đài khi bạn đang chơi cuộc thi đấu. Họ có thể reo hò, họ có thể khích lệ bạn nhưng bạn mới chính là người chơi trong trận đấu. Và trận đấu đó là đời bạn. Nhưng sâu xa hơn thế nữa, với luật nghiệp quả tuyệt vời này, bạn có rất nhiều niềm vui với việc tạo nghiệp thiện. Ở tu viện chúng tôi, là một nhà sư chúng tôi chỉ thích tạo nghiệp tốt, đến nỗi nếu có một việc cần phải làm ở tu viện, ngay cả khi không đến lượt mình tôi cũng sẽ làm. Cho dù lẽ ra tôi không nên làm vì tôi là sư trụ trì, tôi cũng vẫn đem bình bát của mấy sư đệ xuống hay làm việc gì đó. Bạn chỉ thích làm những việc cho người khác, tạo thiện nghiệp. Khi bạn hiểu thế nào là thiện nghiệp và nó có nhiều niềm vui như thế nào thì không quan trọng đến lượt ai phải pha trà vào buổi sáng, không quan trọng đến lượt ai rửa bát, khi bạn nhận ra rằng làm việc này là một nghiệp thiện tuyệt vời, bạn sẽ dành lấy cơ hội để rửa bát, “không, tôi muốn làm việc này, không, không, tôi muốn làm, lần trước bạn đã làm rồi" "không, giờ đến phiên tôi, tôi muốn làm”. Bạn có những vụ giành nhau thú vị này trong tu viện để làm các việc rõ ràng là hoàn toàn thiện lành. “Tôi có thể mang rác ra hôm nay không?”, bởi vì bạn nhận ra đó là một hành động phục vụ, một điều tuyệt vời để làm. Khi bạn biết thiện nghiệp là gì, nó tạo ra rất nhiều hạnh phúc và bình an. Như tôi đã nói hôm trước, bạn cảm thấy hứng khởi để làm những việc như tha thứ. Tại sao? Vì đó là một nghiệp tốt, nói lời xin lỗi, cho dù có thể không phải lỗi bạn, mà lỗi của người khác nhưng dù sao bạn vẫn nói lời xin lỗi. Thật đáng kinh ngạc những gì xảy ra khi bạn tự truyền cảm hứng, vì lợi ích tâm linh khi làm bất cứ hành động tử tế, thiện nghiệp hay bất cứ gì. Thật tuyệt khi có khả năng làm điều đó. Nhưng còn một khía cạnh nữa của nghiệp, tôi muốn nêu lên trong buổi giảng này, rất hiếm khi được nói tới, đó chính là nghiệp của thiền. Các bạn biết mọi người đều đến đây để hành thiền trong nửa tiếng. Và tôi rất hãnh diện thấy mọi người ngồi yên lặng trong nửa tiếng đó cho dù đôi khi có nhiều tiếng ồn xung quanh và tôi thật thất vọng khi vài người đến và nói “Ồ, tôi không thể hành thiền”. Và lý do họ nói họ không thể thiền là vì họ đã có thái độ sai lầm về thiền. Tất cả thiền chỉ là tạo thiện nghiệp cho tâm. Nghiệp về tâm ý. Vì thế, không phải chỉ tạo nghiệp qua những gì bạn làm hay nói, mà còn qua cách bạn hướng tâm. Và ý tôi muốn nói gì khi nói “tạo thiện nghiệp cho tâm?” Đó là học cách "làm hòa" với mọi thứ (make peace), tử tế với mọi thứ, đón nhận mọi thứ, chấp nhận mọi thứ, không tìm kiếm lỗi lầm hay tiêu cực, hay tranh luận - với chính mình, là làm cho dịu xuống, không phải những gì bạn làm cho người khác mà cho chính bạn. Và khi tôi chỉ ra điều này, có bao nhiêu người trong các bạn quá hung hãn với bản thân, hay tranh cãi và về cơ bản là có quá nhiều ác ý với chính mình? Học về thiện nghiệp khi hành thiền là khi bạn nhắm mắt hay bất cứ lúc nào trong thời gian hành thiền, những gì bạn đang trải nghiệm hãy từ ái với chúng, thanh thản, nhẹ nhàng và để nó tự nhiên. Đây là thiện nghiệp tuyệt vời của tâm cho giây phút hiện tại, ngược lại với những gì nhiều người làm khi họ thiền, bất cứ điều gì đang xảy ra, tỷ như có thể họ suy nghĩ nhiều quá, “A, tôi không nên suy nghĩ, lẽ ra tôi phải quan sát hơi thở mình”. Họ không từ ái với bản thân, đôi khi họ thô bạo, “Này này, hãy chấn chỉnh lại! Hãy quan sát hơi thở! hành thiền bao lâu rồi mình có thể làm tốt hơn thế này chứ”. Đó là thiện nghiệp khi hành thiền hay đó là ác ngữ đối với chính bạn? Khi tôi chỉ ra, định luật về nghiệp vận hành như thế nào trong thế giới bên ngoài thì nó cũng vận hành như vậy về mặt tâm lý trong tâm bạn. Nhiều người bây giờ hiểu được thiền nghĩa là gì. Không quan trọng nếu bạn buồn ngủ, nếu bạn suy nghĩ, không quan trọng đối tượng của tâm là gì, quan trọng nhất là bạn làm gì về nó. Như tôi đã nói trước đây, tại sao trận sóng thần xảy ra, nó đã xảy ra thì câu hỏi quan trọng nhất, định luật về nghiệp, là bây giờ bạn làm gì với nó. Vì vậy, ví dụ bạn buồn ngủ trong khi thiền, bạn sẽ làm gì với nó? Bạn có từ ái với nó không? Bạn có mở cửa tâm bạn cho cơn buồn ngủ này ngay bây giờ và bạn chấp nhận nó hay gây chiến với nó? Bạn phản ứng ra sao đối với tâm trạng của bạn ngay lúc này? Thông thường bạn hay tạo nghiệp xấu trong tâm, nói cách khác, bạn chống lại tâm, bạn cố gắng kiểm soát tâm mình, bạn tiêu cực khi nó không đáp ứng được mong đợi của bạn, chẳng trách nó dẫn tới nhiều cảm giác thất vọng và suy nghĩ “tôi không thể thiền, tôi không có được sự an tịnh tôi không thể đạt tới những trạng thái tuyệt vời như mô tả trong sách vở." Lý do là vì, bạn tạo bất thiện nghiệp khi hành thiền, bất thiện nghiệp trong tâm ý. Vì vậy, hãy cố gắng tạo thiện nghiệp trong tâm, thiện nghiệp khi thiền. Vậy thì, lần tới khi bạn thiền, hãy từ ái, hiền hòa, nhẹ nhàng, buông bỏ, để mặc mọi thứ, để chúng yên. Và, nếu thực hành như thế bạn sẽ thấy rằng nghiệp lành dẫn tới quả lành. Sau khi bạn chấp nhận, tử tế, nhẹ nhàng với từng khoảnh khắc, bạn sẽ thấy tâm mình trở nên rất bình yên, trong sáng, tràn đầy năng lượng và rất tự do. Tại sao điều này xảy ra? Đó là vì bạn đã tạo nghiệp tốt. Vấn đề chỉ là nhân và quả, thế thôi. Tôi còn nhớ hồi tôi còn là một vị sư trẻ ở Thái Lan, chúng tôi thường ngủ dậy lúc 3 giờ sáng, ở đây chúng tôi dậy 4 giờ sáng, như vậy là bê trễ. 3g sáng thường thức dậy ở Thái Lan và phải lên thiền khoảng 3 giờ mười lăm chúng tôi phải có mặt ở chánh điện - nếu không, tôi chẳng bao giờ biết “nếu không” là sẽ bị gì, tôi luôn ở đó đúng giờ. Bạn ngồi đó và tôi thực sự luôn buồn ngủ vào buổi sáng khi hành thiền và gắng gượng chống lại cơn buồn ngủ đó. Bạn không thể chống nổi, bạn càng buồn ngủ hơn, hay đôi khi bạn vượt qua được, trở nên tỉnh táo, nhưng rồi bạn lại suy nghĩ nhiều quá. Luôn luôn giữa suy nghĩ, buồn ngủ và hôn trầm. Và rất khó tìm được trung đạo nơi bạn vừa tĩnh lặng, vừa tỉnh giác, bạn biết mà thiền là phải như thế nào. Khi sang Úc và nghĩ lại, tôi nói chắc chắn rồi, Xem này! tôi dậy thật sớm vào buổi sáng, chúng tôi chỉ được phép ngủ 4 tiếng ban đêm. Tôi cho phép tôi ngủ 4 tiếng rưỡi. Nhưng ngủ bốn tiếng rưỡi ban đêm cho một thanh niên - tôi bị thiếu ngủ. Tôi đã từng kể về loại thực phẩm chúng tôi ăn trong các tu viện ở đó 34 năm trước, đúng là bất cứ thứ gì biết bò, côn trùng, bọ, ốc sên, đó là những gì chúng tôi ăn. Vậy nên tôi cũng bị thiếu dinh dưỡng, và trời nóng- tôi không quen với khí hậu đó. Vậy là thiếu ngủ, thiếu dinh dưỡng, nóng bức, vậy các bạn mong chờ gì? Ai cũng có thể buồn ngủ. Tôi chắc chắn nếu Đức Phật là một người Anh Ngài cũng sẽ buồn ngủ trong thời tiết đó, nhân và quả, vấn đề chỉ có thế thôi. Vì nhận ra rằng gây chiến với cơn buồn ngủ sẽ chẳng có kết quả, tôi thực sự thay đổi thái độ, rõ ràng đó chỉ là nhân và quả thôi, cho phép cơn buồn ngủ đến, tử tế với nó, nhẹ nhàng với nó, hãy thanh thản. Giữ hòa bình, không gây chiến. Đó là những gì dân hippies thường nói, với 2 ngón tay “giữ hòa bình, không gây chiến”, Là một nhà sư tôi vẫn nói điều đó “giữ hòa bình, không gây chiến” - với tâm của bạn. Nói cách khác, hãy tạo nghiệp tốt với tâm bạn. Nếu bạn tạo nghiệp tốt với tâm bạn thì rồi sẽ có hiệu quả. Bạn làm hòa với từng khoảnh khắc, nếu tâm bạn điên rồ - cứ cho phép nó điên rồ, chấp nhận nó, tử tế với nó, mở rộng cửa trái tim để tiếp nhận cái tâm đó dù nó có thế nào đi nữa. Tâm từ ái là như thế. Là mở cửa trái tim bạn bất kể bạn làm gì, bất kể bạn đi đâu, bất kể việc gì xảy ra. Chúng ta không làm được điều đó với bản thân hay cho tâm mình trong giây phút này sao? Nếu làm được thì bạn đang làm hòa, đang tử tế, đang nhẹ nhàng. Đó là cách để hành thiền, bất cứ ai cũng có thể làm được. Không quan trọng bạn bắt đầu từ đâu, không quan trọng những gì diễn ra trong đầu, không quan trọng nếu bạn đang bị bệnh và đau đớn, bạn luôn có thể làm hòa, luôn có thể tử tế, luôn có thể nhẹ nhàng. Bạn chẳng bao giờ có thể thay đổi những gì bạn đang trải nghiệm theo ý muốn của bạn, nhưng chắc chắn bạn luôn có thể thay đổi thái độ của bạn đối với nó, để tạo thiện nghiệp. Đây gọi là thay đổi thái độ đối với những gì bạn phải trải nghiệm, nhất là trong thiền định thâm sâu. Khi bạn làm hòa với mọi thứ bạn sẽ được bình an. Cũng giống như xem những người thợ nề xây dựng trung tâm thiền của chúng ta. Người thợ nề, họ đặt từng viên gạch lên tường, bạn chỉ thấy thêm một viên khác, một viên khác, một viên khác, sau vài tháng bạn đã có được một khu nhà khổng lồ, được xây từ từng viên gạch một. Ngôi nhà bạn ở, gạch cũng được lát từng viên một. Tương tự như thế, ngôi nhà bình an được xây dựng bằng cách tạo ra từng khoảnh khắc bình an, rồi khoảnh khắc bình an kế tiếp, và khoảnh khắc bình an kế tiếp, và khoảnh khắc bình an kế tiếp. Đến khi bạn tích lũy được thật nhiều giây phút bình an, bạn sẽ có ngôi nhà bình an, những tầng thiền sâu lắng êm ả tuyệt vời. Vậy thì lần tới khi hành thiền hãy nhớ quy luật nhân quả này. Bạn thiền như thế nào? Bạn làm gì với những gì đang trải nghiệm? Bạn có tạo thiện nghiệp bằng sự dịu dàng không? Những ai thường nói, những bài giảng của Ajahn Brahm, bài nào cũng hay nhưng liệu chúng có ăn khớp với những gì Đức Phật dạy không? Những gì tôi vừa trình bày là chi thứ hai của Bát Chánh Đạo, "Chánh Tư Duy" hay tác ý đúng đắn mà Đức Phật luôn mô tả: ba chánh tác ý. Tác ý buông xả từ ái và ôn hòa. Nghiệp là tác ý, Đức Phật đã dạy như vậy. Thiện nghiệp là luôn luôn buông bỏ, để yên mọi chuyện, đừng chống chọi lại chúng, giữ hòa bình với chúng, tử tế và nhẹ nhàng. Thật tuyệt vời những gì bạn có thể làm với những thái độ như thế. Bạn không nhận được kết quả tức thì khi bạn làm thiện nghiệp, cũng như bạn không nhận được kết quả tức thì khi bạn đi làm việc. Tôi không biết bao nhiêu bạn lãnh lương hôm nay nhưng tôi nhớ có một anh đi làm việc sáng Thứ Hai, anh ta chăm chỉ làm việc suốt ngày và cuối ngày - không được trả lương. Anh ta đi làm ngày Thứ Ba, làm suốt ngày, làm thực chăm, anh ta nói chẳng được gì cho công lao của mình. Ngày Thứ Tư, anh suy nghĩ “đi làm để làm gì?” nhưng người vợ bắt anh phải đi nên anh ta đi. Ngày Thứ Tư anh ta làm chăm chỉ vẫn chẳng được gì. Thứ Năm chẳng có gì để làm nên anh ta cũng đi làm Thứ năm và Thứ Sáu, anh suy nghĩ “Đi làm để làm gì?” nhưng cuối tuần chẳng có gì hay hơn để làm nên anh ta lại đi làm, và ngày Thứ Sáu ông chủ đưa cho anh tấm ngân phiếu, anh suy nghĩ, ồ, kể từ bây giờ mình sẽ chỉ đi làm vào những ngày Thứ Sáu thôi. [cười] Bạn không biết rằng tấm ngân phiếu ngày Thứ Sáu là thành quả của tất cả những gì bạn đã làm trước đó, tất cả thiện nghiệp bạn đã làm trước đó. Đó chính là cách vận hành của nghiệp. Bạn không nhận được kết quả tức thì, bạn phải chờ, tích lũy năng lượng, tăng trưởng thiện tâm, xây dựng bình an. Vì vậy bạn giữ tâm bình an với từng khoảnh khắc khi hành thiền. Bạn tử tế với mỗi phút giây. Cho nên, nếu ai đó bước vào và đóng mạnh cửa trong khi bạn đang thiền, đó là lúc bạn có thể hoặc là giận và bực bội hoặc đó là giây phút bạn có thể xả bỏ, từ ái và nhẹ nhàng. Bạn sẽ chọn cách nào? Con đường của thiện nghiệp hay con đường của bất thiện nghiệp? Con chó sủa, bạn sẽ làm gì? Hoặc bạn ợ hơi, hoặc bạn khởi lên một ý nghĩ ngu ngốc trong tâm, Bạn sẽ làm gì? Bạn có sự chọn lựa, tạo nghiệp tốt hay tạo nghiệp xấu với tâm của bạn. Nếu bạn để yên, nếu bạn tử tế, nếu bạn nhẹ nhàng, bạn đã tạo ra một khoảnh khắc thiện nghiệp khác, thiền của bạn tạo dựng điều này hết giây phút này đến giây phút khác và các bạn ai cũng có thể làm được điều đó. Và bạn sẽ thấy việc hành thiền tiến triển. Bạn biết bình an là gì, sự bình an sâu lắng, tĩnh lặng sâu lắng, từ tâm sâu lắng, tất cả những giai đoạn này đến một cách tự nhiên, chúng chỉ là những dấu mốc trong cuộc hành trình, tất cả đều đến từ việc tạo sự bình an - rồi bạn sẽ có bình an. Tôi biết rất nhiều người nói rằng điều họ mong muốn nhất trong cuộc sống là sự bình an trong tâm. Bạn biết, ngay cả những người giàu có, hình như ai đó đã cho tôi xem buổi nói chuyện của ông Avo Pabo(?) dành cho giới thương gia cách đây vài tuần lễ. Một trong những ông trùm ngành khai mỏ kiếm bạc triệu, đã cho bài diễn thuyết và tất cả các doanh nhân kinh doanh của ông ta đều nghĩ người này sẽ thuyết trình về cách làm thế nào để kiếm nhiều tiền hơn từ sự phát triển mạnh về ngành khai mỏ. Thay vào đó, ông ta thuyết trình về đề tài tâm linh, về tầm quan trọng của sự bình an trong tâm và sống cuộc đời có ý nghĩa, và bằng cách nào người điều hành có thể làm việc hữu hiệu nếu họ chỉ quan sát hơi thở trong vòng năm phút. Điều này làm người ta sững sờ. Sự kiện này đăng ở nhật báo Tây Úc, mục kinh doanh. Có thể nhiều bạn hụt xem báo đó, nhưng Phật pháp căn bản hiện hữu trong tờ báo Tây Úc, ở mục kinh doanh từ một ông trùm ngành khai mỏ, đơn giản chỉ vì sự bình an trong tâm rất quan trọng đối với chúng ta. Một khi chúng ta có bình an trong tâm, một khi chúng ta biết cách rèn luyện tâm, một khi chúng ta hiểu về nghiệp của tâm ý, chúng ta có thể thiền sâu, có thể nghỉ ngơi, có thể hết căng thẳng, chúng ta cũng có thể rất hữu hiệu trong công việc, trong đời sống, trong những quan hệ tình cảm. Bời vì nó từ trong tâm, nơi chúng ta biết cách rèn luyện tâm, và biết cách làm sao để tạo sự bình an, tử tế và nhẹ nhàng trong tâm mình. Thật khó tin nó có sức mạnh đến mức nào trong đời sống chúng ta. Bởi vì, bạn thấy, khi các bạn có thái độ tiêu cực, dĩ nhiên bạn có thể biện minh cho thái độ tiêu cực đó và hét vào mặt người này hay người kia, nhưng điều đó thực sự có tác dụng gì cho thế giới này không? Đôi khi người la to nhất, hét to nhất thắng cuộc, và đôi khi chẳng phải bạn, chẳng phải người đó đã đúng. Bởi vậy, thay vì đi theo con đường đó, bạn có thể đi theo những con đường khác. Thật kỳ diệu khi thấy uy lực của sự bình an, của tâm từ ái, của sự ôn hòa lớn lao đến như thế nào. Đừng bao giờ coi thường sức mạnh của sự ôn hòa. Đôi khi ai đó hét vào mặt bạn, tạm dừng. khi họ hét xong, hãy dừng lại vài giây, đừng hét lại ngay lập tức. Họ giận bạn, la mắng bạn, ngay khi họ vừa la xong, hãy im lặng, chỉ năm giây thôi, bởi vì năm giây im lặng đó sẽ cho người kia một cơ hội lắng nghe những gì họ vừa nói. họ đang suy ngẫm họ đã mắng bạn như thế nào. Thật kỳ diệu năm giây im lặng đó có sức mạnh như thế nào. Thông thường khi bị ai la mắng, ngay sau khi họ ngừng, bạn mắng lại họ ngay hoặc bạn phân trần và bạn không cho họ một cơ hội để lắng nghe những gì họ vừa nói. Năm giây tạm dừng, một khoảnh khắc yên lặng, vô cùng hiệu quả. Họ sẽ nhận ra họ đã làm một điều bậy bạ - điều này thường xảy ra. Có khả năng tự kiềm chế và giữ im lặng như thế là điều tuyệt vời. Tôi nhớ một sự kiện quan trọng khác đã xảy ra. Thật tuyệt khoa tâm lý của thầy chúng tôi trước đây, Ajahn Jagaro, thầy đã cởi áo tu 15 năm trước. Hồi còn là một vị sư cao hạ bên Thái Lan, trong khi chúng tôi đang ăn bữa ăn duy nhất trong ngày, vào buổi sáng. Vào giữa bữa ăn, một phụ nữ xông vào, một bà người Thái, thật không thể làm như vậy được, hoàn toàn thiếu phép tắc xã giao, nhưng chúng tôi hiểu lý do tại sao bà chạy vào. Vì người bạn thân nhất của bà vừa tự bắn mình và bà đã tìm thấy xác khoảng một hay nửa tiếng sau đó, bà gọi cảnh sát và việc đầu tiên bà làm sau đó là đến tu viện. Bà như bị quẫn trí “bà ta tự bắn, bà ta tự tử, bà ta tự bắn, bà ta tự tử”. Vị sư trưởng nhìn bà và sau đó chỉ nhìn xuống và tiếp tục ăn, hoàn toàn không ngó ngàng đến bà. Chứng kiến cảnh này thật tuyệt, tôi nghĩ “Sư này làm gì vậy? sư không thể làm như thế, người phụ nữ này cần sư, bà ta đang căng thẳng, bà ta vừa phát hiện người bạn thân nhất với viên đạn trong đầu, chắc chắn sư nên làm một việc gì đó” Nhưng không, sư vẫn tiếp tục ăn. Người đàn bà lúc nãy chạy vào la hét, vung tay lên xuống, đã bình tĩnh lại, bởi vì không ai bồi thêm vào sự lo lắng, căng thẳng, đau đớn của bà. Bà bình tĩnh lại và khi bà bình tĩnh rồi vị sư này mới đặt muỗng xuống bình bát của mình, ngừng ăn, “Chuyện gì xảy ra?” Thật là một hành động tuyệt vời của trí tuệ cảm xúc, bởi vì nếu sư cũng xúc động “Cái gì? Bà ta tự tử à, chuyện xảy ra thế nào, điều gì xảy ra?” thì sư cũng sẽ chỉ là một phần của sự hỗn loạn, vô bổ, đầy kích động của màn bi kịch, Bằng cách tự trấn tĩnh, sư đã giúp bà ta bình tĩnh lại. Và tôi đã làm như thế rất nhiều lần người ta gặp những thảm kịch như tự tử, chết bất ngờ và người ta tìm đến gặp tôi. Có khi, để làm họ bình tĩnh lại, tôi bắt đầu nói rất chậm, vì làm thế giúp họ dịu xuống. Có nhiều cách giúp người ta bình tĩnh lại, nhưng phải làm cho họ dịu xuống trước đã rồi mới có thể có cuộc đối thoại hữu ích. Nhưng bạn chỉ có thể làm điều này nếu bạn biết cách tạo sự bình an. Ngay cả trong tai ương. Tôi nhớ có anh chàng, hồi đó chúng tôi còn ở tu viện cũ ở phía bắc thành phố Perth. Khi tôi mới tới đây anh ta bị ngã từ mái nhà xuống, đầu bị thương và bây giờ anh ta thật điên khùng vì não bị chấn thương. Lúc đầu anh ta dễ thương lắm, nhưng rồi anh ta bắt đầu ăn mặc giống Elvis Presley và đóng vai Elvis Presley. Anh ta mất trí rồi, và anh đến gặp tôi, hung dữ, trong tay cầm cây gậy chống và thỉnh thoảng anh ta tìm cách đánh tôi với cây gậy nhưng cứ hụt. Anh ta không có tài nhắm, may phước cho tôi, và điều duy nhất tôi có thể nhớ để làm, tôi không được đào tạo về cách khuyên nhủ những người điên như vậy. Điều duy nhất tôi có thể nghĩ tới là cứ thanh thản, từ ái, nhẹ nhàng, thanh thản, từ ái, nhẹ nhàng, mặc dù tôi chẳng biết tôi đang làm gì và tôi đang trong nguy hiểm...có thể tánh mạng không bị đe dọa nhưng chắc chắn có thể bị thương rất dễ dàng nếu tôi nói một câu gì đó không đúng làm anh ta giận, anh ta có thể phang tôi với chiếc gậy chống. Từ ái, hòa nhã,nhẹ nhàng. Bạn sẽ làm người kia bình tĩnh lại. Thật tuyệt diệu nếu làm được những điều như vậy. Khi bạn biết cách tạo thiện nghiệp trong tâm ý, bạn sẽ gặt được quả thiện lành. Nếu bạn hung bạo, dùng sức mạnh, đôi khi có hiệu quả tạm thời nhưng nhiều khi người kia mạnh hơn thì bạn sẽ thua. Thiện nghiệp trong tâm để giữ cho tâm được an bình, tĩnh lặng, để nhẹ nhàng, để từ ái. Đừng bao giờ xem nhẹ sức mạnh này. Câu chuyện cuối cùng, xin nhắc lại, những chuyện này có thể một số bạn đã nghe rồi. Một câu chuyện tuyệt vời xảy đến cho một đệ tử của tôi ở Sydney, cô Julie. Tôi mới gặp cô ấy cách đây vài tuần lễ, cô ấy đang làm ăn phát đạt. Cô ở trong ngành kinh doanh quần áo, một số sản phẩm do cô thiết kế hay nhập khẩu được bán ở Myers và David Jones, thế nên cô thực sự đang làm ăn phát đạt. Một hôm, cô được tin giờ chót phải lên đường đi ngay từ Sydney thẳng sang Luân Đôn để hoàn tất việc ký hợp đồng với một công ty lớn ở Anh, hoàn toàn chẳng hề được báo trước. Cô ấy đáp chuyến bay đầu tiên đến phi trường Heathrow. Quá mệt mỏi và bị trái múi giờ, cô chỉ kịp đăng ký khách sạn rồi phải đi ngay, tôi không nghĩ cô ấy có thì giờ để tắm, phải đến phòng họp gặp giám đốc điều hành để ký hợp đồng. Khi cô ấy đến phòng họp, mấy vị giám đốc bảo cô “bà đã phí chuyến đi, ông sếp đang cáu kỉnh, chắc chắn ông ta sẽ không ký bản hợp đồng nào hết. Chúng tôi gặp ông ta sáng nay, ông ta rất giận dữ, tốt hơn là bà nên về lại khách sạn và trở lại Sydney ngay”. Dĩ nhiên cô ấy trả lời “Mấy ông xem, tôi đi đường xa đến đây ít ra tôi cũng phải gặp ông ta”. “Tùy bà, chỉ phí thì giờ thôi”, họ nói. Thế rồi, trong khi chờ đợi, cô ấy ngồi vào một góc và thiền. Cô ấy thiền tâm từ. Năm phút sau, cánh cửa bật mở “Bà ấy là ai ? Bà ấy đang làm gì?” Tôi đang thử đóng vai ông sếp giận dữ [cười] cũng là để đánh thức vài bạn dậy, tôi nghĩ nó có hiệu quả. “Bà ta muốn gì?” Và rồi cô ấy ra khỏi thiền và cô kể lại với tôi cô chẳng biết nó từ đâu tới, nhưng cô đứng dậy, nhìn vào mắt ông giám đốc điều hành và buột miệng nói “ông có đôi mắt xanh đẹp quá giống hệt bé Holly của tôi ở Sydney”. Cô không làm thế để tỏ ra mình ngon lành, cô làm điều đó hoàn toàn do lòng từ ái vì nãy giờ cô hành thiền tâm từ. Câu nói của cô có sức mạnh không ngờ, ông giám đốc điều hành này trở nên mềm mỏng và ướt át, ông nói: “Ồ! Vậy à? Có thật không? Là vậy sao?” Năm phút sau, bản hợp đồng đã được ký! Khi ông giám đốc điều hành đi rồi, cô ấy định trở về khách sạn nhưng không thể, vì những thành viên khác trong ban quản trị vây quanh cô ta “Chỉ cho chúng tôi bà đã làm như thế nào” [cười] Thế là sau đó cô ấy phải mất nửa tiếng hay một tiếng hướng dẫn thiền căn bản cho những vị giám đốc này, những người xem chuyện vừa xảy ra như một phép lạ. Làm thế nào tâm từ ái khiến bản hợp đồng nhiều tiền được ký kết và thực sự thay đổi trong tích tắc một ông giám đốc điều hành giận dữ thành người cộng tác với mình. Vì vậy đừng bao giờ xem nhẹ sức mạnh của sự tử tế và dịu dàng như thế, khi nó xuất phát từ trái tim thì đó là thiện nghiệp. Và tôi tin vào sức mạnh kỳ diệu đó nhiều hơn là bất cứ Thượng Đế hay Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm hay bất cứ gì khác, bởi vì tôi thấy nó có hiệu quả. Và nó không phải là điều bạn yêu cầu người khác làm mà bạn tự làm, bạn lấy trách nhiệm để rèn luyện tâm, tu sửa lời nói, hành động, để tạo thiện nghiệp và nó có kết quả. Đó là lý do tại sao một trong những định luật căn bản của thế gian, của Cơ Đốc giáo, Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, hay gì đi nữa, Nghiệp là một định luật căn bản mà bạn có thể thấy xảy ra. Các bạn biết đó, những hành động tử tế, nhẹ nhàng, hòa nhã. Bạn chăm chỉ làm việc, bạn làm gì đó cho những vấn đề của cuộc sống và của thế giới và bạn cũng làm gì đó cho những vấn đề trong tâm bạn - làm cho nó yên tĩnh, học cách sống tử tế và nhẹ nhàng. Không những bạn sẽ có những buổi thiền tốt đẹp, mà bạn còn có thể thiền bất kể bạn cảm thấy thế nào đi nữa. Đừng tìm cách thay đổi những gì bạn trải nghiệm, hãy chấp nhận, từ ái, nhẹ nhàng với nó, rồi thì mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp, tuyệt vời và thành công. Bất kể điều gì gặp phải trong đời, nhất là những năm sau này khi bạn già, bệnh hoạn và chết, bạn sẽ chết trong an bình, nhẹ nhàng, với tình thương yêu bởi vì bạn biết cách làm sao để chấp nhận, nhẹ nhàng và từ ái với mọi thứ. Thật là một lối sống tuyệt vời. Thật là một cách chết thanh nhã cổ điển. Đây là bài giảng về nghiệp trong cuộc đời và trong tâm thức. Cám ơn quý vị đã lắng nghe. (cử tọa: Lành thay! Lành thay! Lành thay!) Có ai có câu hỏi hay bình luận về bài giảng tối nay không? Xin lỗi các bạn về câu chuyện tếu về tấm bảng khu người lõa thể. [Ajahn cười] Thực ra có người, trong ban trị sự, đã lấy từ trên mạng ba câu chuyện tếu và những chuyện tếu đó là từ trên mạng. Nhưng tôi biết chắc có một chuyện do chính tôi sáng tác, tôi không lấy từ ở đâu cả, vậy nên các bạn là những người đầu tiên được nghe khi các bạn đến đây. [cười] Tôi luôn muốn biết những chuyện cười xuất xứ từ đâu, vậy là có vài chuyện xuất xứ từ chỗ này. Dù gì, có ai có câu hỏi gì trước khi chúng ta giải tán? OK.