Một con thỏ cố chơi đàn dương cầm, trong khi một kỵ sĩ chiếu đấu với con sên khổng lồ và một người đàn ông khỏa thân đang thổi kèn bằng mông. Được vẽ bằng cọ đuôi lông sóc trên giấy da thuộc hay giấy giả da bởi các linh mục, nữ tu và thợ thủ công, những hình minh họa kỳ lạ này thường được tìm thấy bên lề các cuốn sách thời Trung Cổ. Chúng tự thân cũng đã kể một câu chuyện thú vị. Một vài hình ảnh xuất hiện trên nhiều bản chép khác nhau, thường để củng cố nội dung tôn giáo của quyển sách mà chúng minh họa. Ví dụ như, một con nhím nhặt trái cây bằng những gai nhọn có thể minh họa cho việc ác quỷ lấy trộm kết quả của đức tin-- hay Chúa lấy đi phần tội lỗi của loài người. Truyền thuyết Trung Cổ nói rằng thợ săn chỉ có thể bắt được kỳ lân khi nó đặt sừng lên đùi của thiếu nữ đồng trinh, nên kỳ lân có thể là hình tượng của đam mê nhục dục hay cũng có thể là Chúa bị kẻ thù bắt đi. Trong khi đó, thỏ có thể biểu trưng cho dục vọng của loài người— và có thể tự chuộc tội bằng việc cố tạo ra âm nhạc thiêng liêng. Những hình tượng ấy vốn rất phổ biến thời Trung Cổ Châu Âu, trong nhiều loại hình nghệ thuật đến truyền miệng dân gian, một vài trong số đó phát triển bí ẩn qua nhiều thế kỷ. Ngày nay, không ai có thể biết chắc ý nghĩa của trận chiến giữa kỵ sĩ và con sên— hay lý do vì sao ngài hầu như luôn thua cuộc. Con sên có thể là biểu tượng của cái chết không thể tránh khỏi, thứ có thể đánh bại ngay cả kỵ sĩ mạnh nhất. Cũng có thể, nó đại diện cho lòng khiêm tốn, và kỵ sĩ phải vượt qua lòng tự tôn. Trong nhiều bản chép từ sách tôn giáo hay văn học cổ, thợ làm sách bộc lộ suy nghĩ, quan điểm qua những hình minh họa. Kèn tuba mông, là một ví dụ, một cách bày tỏ sự phản đối-- hay tạo thêm sự mỉa mai cho hành động trong văn bản. Minh họa cũng có thể được dùng để tạo ra bình luận chống đối chính trị. Quyển "Smithfield Decretals" ghi chép bộ luật và hình phạt của Nhà thờ dành cho kẻ phạm luật. Nhưng minh họa bên lề lại là hình ảnh một con cáo bị ngỗng treo cổ, ám chỉ thường dân có thể lật đổ quyền lực của kẻ thống trị. Trong quyển "Chronica Majora," Matthew Paris đã tóm tắt một vụ bê bối đương thời: Hoàng tử Griffin xứ Wales gieo mình từ tháp London. Một số tin rằng Hoàng tử bị ngã, Paris viết, trong khi số còn lại nghĩ rằng Ngài bị đẩy xuống. Ông đã vẽ vào lề sách, miêu tả Hoàng tử lao xuống tháp khi đang cố trốn thoát bằng sợi dây bện từ ga trải giường. Một số hình vẽ bên lề kể câu chuyện mang tính cá nhân hơn. "The Luttrell Psalter" là cuốn sách về thánh thi và cầu nguyện được Sir Geoffrey Luttrell đặt chép, miêu tả một thiếu nữ đang chải tóc, trong khi một thanh niên đang cố bắt chim bằng vợt lưới. Tóc trên phần đầu cạo trọc của chàng đang mọc dài ra, cho thấy chàng là một tu sĩ đang xao nhãng việc tu hành, ám chỉ vụ bê bối trong gia đình mà tu sĩ trẻ tuổi đã chạy trốn cùng con gái Elizabeth của Sir Geoffrey. Cố vấn tâm linh của gia đình đã vẽ điều đó vào cuốn sách như nhắc nhở khách hàng về tội lỗi và động viên tinh thần họ. Một số họa sĩ, thậm chí, còn vẽ chính mình vào bản chép. Hình ảnh mở đầu trong sách của Christine de Pisan miêu tả ông giới thiệu bản chép của mình đến Nữ hoàng nước Pháp. Quá ấn tượng với những tác phẩm trước của de Pisan, Nữ hoàng đã đặt chép một bản cho riêng mình. Sự đỡ đầu của Hoàng gia cho phép bà thành lập một nhà xuất bản riêng tại Paris. Truyền thống chép tay này kéo dài cả ngàn năm. Những bản chép bởi cá nhân hay nhóm được sử dụng rộng rãi như sách cầu nguyện cá nhân, sách phụng sự nhà thờ, sách giáo khoa, và bùa hộ mạng mang theo vào chiến trận. Xuyên suốt tất cả những biến tấu này, những hình vẽ nhỏ, phức tạp bên lề chính là cánh cửa độc đáo đi vào tâm trí các họa sĩ thời Trung Cổ.