Trong thần thoại Hi Lạp, khi sải cánh bay trên đảo Crete bằng đôi cánh làm từ sáp và lông vũ, Icarus, con trai Daedalus, đã thách thức quy luật của tự nhiên và con người. Phớt lờ căn dặn của cha, chàng dần bay lên cao và cao nữa. Từ mặt đất, chàng trông như một vị thần, và khi từ trên cao nhìn xuống, chàng cũng cảm thấy mình như thế. Nhưng, trong thần thoại cổ Hi Lạp, ranh giới phân chia thần linh và con người rất rõ ràng, kẻ phàm trần nào dám vượt qua ranh giới đó sẽ nhận hình phạt thảm khốc. Đó chính là trường hợp của Icarus và Daedalus. Nhiều năm trước khi Icarus sinh ra, Daedalus cha chàng được xem là nhà phát minh, thợ thủ công, và nhà điêu khắc thiên tài của xứ sở Athen. Ông phát minh ra nghề mộc và tất cả các dụng cụ liên quan đến nó. Ông thiết kế nên nhà tắm và sàn nhảy đầu tiên trong lịch sử. Ông tạc tượng giống thật đến nỗi Hercules còn tưởng nhầm đó là người thật. Dù tài năng và nổi tiếng, Daedalus vẫn luôn tự kiêu và đố kị. Lo sợ cháu trai là thợ điêu luyện hơn mình, Daedalus ra tay giết người cháu. Kết quả, Daedalus bị trục xuất khỏi Athen và bị đày đến Crete. Nhờ tiếng tăm của mình, Daedalus được vua Minos của Crete chào đón nồng hậu. Ở đây, với tư cách là cố vấn kĩ thuật cho cung điện, Daedalus tiếp tục vượt qua mọi giới hạn. Ông tạo đồ chơi sống động cho các hoàng tử và công chúa. Ông phát minh ra buồm và cột giúp con người điều khiển được cơn gió. Với sức sáng tạo tràn trề, Daedalus thách thức mọi giới hạn lâu nay vẫn ngăn cách con người với thần linh cho đến khi ông thực sự phá vỡ chúng. Vợ của vua Minos, Pasiphaë, bị thần Poseidon nguyền rằng sẽ phải yêu con bò mà thần đã tặng cho nhà vua. Mắc bùa mê, hoàng hậu yêu cầu Daedalus giúp mình quyến rũ con bò đực. Với tính táo bạo cố hữu, ông đồng ý. Daedalus tạc một con bò gỗ rỗng thực đến nỗi đã qua mặt được con bò đực. Trốn trong con bò gỗ của Daedalus, Pasiphaë thụ thai và sinh ra quái vật nửa người nửa bò. Chuyện vỡ lở khiến nhà vua nổi trận lôi đình và kết Daedalus tội tiếp tay gây nên việc nghiệp chướng. Thế là, Daedalus bị buộc xây dựng một mê cung không lối ra nằm ngay dưới cung điện để giam giữ quái nhân của hoàng hậu. Mê cung hoàn thành, Minos tống giam Daedalus và Icarus, con trai duy nhất của ông trên đỉnh tòa tháp cao nhất của hòn đảo nơi họ sẽ phải sống hết quãng đời còn lại. Nhưng Daedalus vẫn luôn là nhà phát minh lỗi lạc. Khi quan sát những con chim lượn quanh nơi giam cầm, ông đã nghĩ ra cách vượt ngục. Ông sẽ cùng Icarus thoát khỏi nhà tù này bằng cách bay trên cao như những con chim và các vị thần. Dùng lông vũ treo trên tòa tháp và sáp lấy từ nến, Daedalus làm nên hai đôi cánh khổng lồ. Khi gắn cánh cho con trai Icarus, ông dặn cậu rằng: bay quá gần đại dương sẽ làm ướt cánh và khiến chúng nặng trĩu. Bay quá gần mặt trời sẽ khiến chất sáp tan chảy và đôi cánh sẽ tan rã. Trong cả hai trường hợp, họ chắc chắn sẽ chết. Vì thế, điều sống còn là phải giữ cân bằng khoảng cách. Kết thúc việc dặn dò, cả hai bay khỏi tòa tháp, trở thành những con người đầu tiên biết bay. Nhưng khi Daedalus cẩn thận bay lưng chừng ở giữa, Icarus lại quá ngất ngây với cảm giác được bay và bay lên cao nữa với cảm giác được ban tặng sức mạnh thần thánh. Daedalus chỉ có thể kinh hãi nhìn Icarus mỗi lúc một bay lên cao, bất lực trước số phận thảm khốc của con trai mình. Khi sức nóng mặt trời làm tan đôi cánh sáp, Icarus rơi xuống biển. Hệt như Daedalus từng rất nhiều lần coi thường hệ quả của việc thách thức những quy luật tự nhiên của con người để thỏa mãn cái tôi bản thân, Icarus đã để sự ngạo mạn lấy đi tính mạng của chính mình. Cuối cùng, cả hai đều phải trả giá khi vượt ra khỏi lãnh địa của tiết độ, với Icarus là mạng sống còn Daedalus là nỗi hối hận khôn nguôi.