"Tôi cảm thấy có một đám tang đang diễn ra trong đầu, người ta than khóc, đi đi lại lại cho tới khi tôi thấy cảm xúc ấy bị phá vỡ. Khi tất cả đã yên vị, một nghi thức, như tiếng trống, cứ đánh liên tục, liên tục, cho tới khi đầu tôi trở nên đờ đẫn. Rồi tôi nghe thấy họ nâng một cái hộp tạo tiếng cót két trong tâm trí tôi tiếng giày đinh lại vang lên nặng trịch, và không gian bắt đầu rung lên, như thể thiên đường là một cái chuông và con người là một cái tai, và tôi, với sự tĩnh lặng, giống nòi xa lạ bị sụp đổ, cô độc, ở đây. Và rồi, tấm ván trong suy nghĩ gãy đôi, tôi ngã xuống vực sâu đâm sầm xuống, và không còn biết gì nữa." Chúng ta biết về trầm cảm qua các ẩn dụ. Emily Dickinson đã mô tả nó bằng ngôn ngữ, Goya thì mô tả qua tranh. Một nửa mục đích của nghệ thuật là mô tả những trạng thái như vậy. Đối với tôi, tôi từng luôn nghĩ mình là người cứng rắn, là một trong những người sẽ sống sót nếu bị gửi tới một trại tập trung. Năm 1991, tôi phải gánh chịu một loạt các mất mát. Mẹ tôi mất, tan vỡ tình yêu, tôi trở lại Mỹ sau nhiều năm sống ở nước ngoài, và tôi dễ dàng trải qua tất cả những biến cố đó. Nhưng năm 1994, 3 năm sau, Tôi thấy mình đang mất dần sự hứng thú với mọi thứ. Tôi không muốn làm những điều trước đây mình từng thích thú, mà không biết lý do tại sao. Đối lập với trầm cảm không phải là hạnh phúc, mà là sinh lực, và chính là sinh lực là thứ tôi đang mất dần vào thời điểm đó. Tất cả những thứ phải làm dường như quá sức. Tôi về nhà, và thấy nút đỏ nhấp nháy trên máy trả lời tự động thay vì hồi hộp muốn nghe tin từ bạn bè, tôi nghĩ, "Sao có nhiều người mình phải gọi lại đến vậy." Hoặc tôi sẽ quyết định mình nên ăn trưa, và rồi tôi nghĩ, ôi, lại phải lấy thức ăn ra, còn cho vào đĩa nữa chứ rồi còn cắt, nhai, và nuốt, và tôi thấy chuyện đó như cực hình với mình. Và một trong những điều thường được đề cập trong các cuộc thảo luận về trầm cảm đó là, bạn biết điều đó thật ngớ ngẩn. Bạn biết điều mình đang trải qua thật ngớ ngẩn vô cùng. Bạn biết hầu hết mọi người đều xoay xở được vừa nghe tin nhắn vừa ăn trưa, tự sắp xếp để tắm táp, và mở cửa đi ra ngoài, đó là việc chả có gì quá sức, thế nhưng bạn lại cảm thấy nặng nề khổ sở và không sao tìm cách thoát ra được. Và rồi tôi bắt đầu thấy mình hoạt động ít dần suy nghĩ ít dần cảm nhận ít dần. Giống như người vô dụng. Và rồi, nỗi lo âu xâm chiếm. Nếu bạn nói tôi sẽ bị trầm cảm vào tháng tới, tôi sẽ nói: "Miễn là biết sẽ hết vào tháng 11, tôi chịu được." Nhưng nếu bạn bảo tôi, "Bạn sẽ cực kỳ lo lắng trong tháng tới", tôi thà cắt đứt cổ tay còn hơn là chịu đựng nó. Tôi luôn cảm thấy thế, thấy như thể đang đi rồi bị trượt hoặc vấp ngã và mặt đất đâm sầm vào người, thường thì nó chỉ kéo dài một giây, nhưng đây, không, nó lại kéo dài 6 tháng. Đó là cảm giác lúc nào cũng sợ hãi nhưng lại không biết mình sợ cái gì. Và đó là lúc, tôi bắt đầu nghĩ, sao sống lại khổ sở đau đớn thế, và lý do duy nhất để không tự giết chính mình là vì không muốn làm đau người khác. Và cuối cùng, một ngày nọ, tôi thức dậy và tôi nghĩ, hình như, mình đột quỵ rồi, vì tôi nằm trên giường, hoàn toàn không cử động được, nhìn cái điện thoại, nghĩ, "Không ổn rồi, phải cầu cứu thôi." nhưng tôi không thể nào với tay nhấc điện thoại lên và bấm số. Cuối cùng, sau 4 giờ nằm nhìn trân trân vào điện thoại, điện thoại reo, bằng cách nào đó, tôi nhấc được điện thoại lên, đó là cha tôi. Tôi nói: "Con đang nguy kịch. Cần làm cái gì ba ạ." Ngày hôm sau, tôi bắt đầu uống thuốc và trị liệu. Tôi cũng bắt đầu nghĩ tới câu hỏi đáng sợ này: Nếu tôi không phải là một người gan góc người có thể sống sót ở trại tập trung, thì tôi là ai? Và nếu tôi phải uống thuốc, liệu thuốc đó có làm cho tôi trở thành chính mình hay nó sẽ biến tôi thành một người nào khác? Và tôi sẽ cảm thấy thế nào nếu nó biến tôi thành người khác? Tôi có hai lợi thế khi bước vào cuộc chiến. Thứ nhất tôi biết rằng, nói một cách khách quan, tôi có một cuộc đời tốt đẹp và nếu chỉ cần khỏe lên được thôi, sẽ có điều gì đó chờ tôi ở cuối con đường, điều gì đó đáng để sống. Và lợi thế thứ hai đó là tôi được chữa trị tốt Nhưng tôi lại cứ trồi lên rồi lại tụt xuống, và lại cứ trồi lên, rồi lại tụt xuống, lên xuống thất thường, và cuối cùng hiểu ra rằng tôi sẽ phải sống dựa vào thuốc và trị liệu mãi mãi. Tôi băn khoăn: "Đây là vấn đề về hóa học, hay là vấn đề tâm lý? Bệnh này cần hóa trị hay là chữa trị tâm lý? Và tôi không thể nào tìm ra câu trả lời. Và rồi tôi hiểu ra rằng, thật ra, ta chẳng đủ tiến bộ trong cả hai lĩnh vực để giải thích tường tận mọi vấn đề. Chữa trị bằng hóa chất và chữa trị tâm lý, cả hai đều đóng vai trò nhất định, và tôi cũng nhận ra rằng trầm cảm là thứ gì đó được bện rất chặt rất sâu trong chúng ta, không thể nào tách rời nó khỏi tính cách và nhân cách của chúng ta. Tôi muốn nói rằng: phương pháp chữa trị cho bệnh trầm cảm hiện rất kinh khủng. Chúng không hiệu quả cho lắm. Lại cực kỳ mắc tiền. Đi kèm với vô số tác dụng phụ. Chúng là một thảm họa. Nhưng tôi cũng biết ơn vì tôi sống ở thời này, chứ không phải 50 năm trước, khi người ta gần như chẳng làm được gì. Tôi hy vọng rằng 50 năm sau, khi nghe về cách chữa trị cho tôi, họ sẽ kinh sợ khi biết có người phải chịu thứ khoa học nguyên thủy như vậy. Trầm cảm là một khiếm khuyết trong tình yêu. Nếu bạn kết hôn với ai đó và nghĩ, "Nếu vợ mình mà chết, mình sẽ cưới người khác" thì đó chẳng phải là tình yêu mà hằng thân thuộc với ta. Chẳng có cái gọi là tình yêu nếu không có cảm nhận về mất mát, và cái bóng ma tuyệt vọng có thể là động cơ khiến càng thêm khắng khít gắn bó. Có 3 điều con người ta hay bị nhầm lẫn: trầm cảm, đau thương và buồn bã. Đau thương là phản ứng hiển lộ. Nếu qua một mất mát nào đó, bạn cảm thấy cực kỳ buồn bã, và rồi 6 tháng sau, bạn vẫn buồn vô cùng, nhưng dần hoạt động lại bình thường, đó chắc chắn là đau buồn, và chắc nó sẽ tự hết thôi theo chừng mực nào đó. Nếu bạn phải chịu một mất mát vô cùng lớn, và cảm thấy kinh khủng, 6 tháng sau hầu như chẳng thể quay trở lại bình thường, đó chắc chắn là trầm cảm xuất phát từ những tình huống thảm khốc. Quỹ đạo này cho chúng ta thấy nhiều điều. Người ta cứ nghĩ trầm cảm là buồn. Thực ra, nó là rất rất rất buồn, quá nhiều đau thương, dù nguyên nhân có khi lại vô cùng nhỏ nhặt. Khi tôi bắt đầu hiểu trầm cảm, và phỏng vấn những người đã từng mắc bệnh, Tôi nhận thấy, có những người nhìn bề ngoài có vẻ như là bị trầm cảm tương đối nhẹ, tuy nhiên họ lại hoàn toàn bị bất lực do trầm cảm. Và có những người, qua lời lẽ mà họ mô tả, nghe như chịu trầm cảm nặng nhưng lại là những người có lúc đã có cuộc sống tốt đẹp giữa các giai đoạn trầm cảm. Và tôi bắt đầu tìm hiểu điều đã làm cho một số người kiên cường hơn người khác. Cơ chế nào cho phép họ sống sót? Tôi đã phỏng vấn không biết bao nhiêu người từng bị trầm cảm. Một trong những người đầu được phỏng vấn đã mô tả trầm cảm là cảm giác chết từ từ, may mà, tôi nghe điều này từ sớm bởi vì nó nhắc tôi rằng chết từ từ có thể dẫn tới cái chết thiệt, và đây là một vấn đề nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân lớn gây khuyết tật trên thế giới, người ta chết vì nó mỗi ngày. Một trong những người tôi trò chuyện khi tôi cố tìm hiểu về điều này, là một người bạn dễ thương tôi đã biết lâu rồi, chị ấy đã có giai đoạn bị loạn thần trong năm đầu đại học, và rồi diễn biến thành trầm cảm rất tồi tệ. Chị ấy bị rối loạn lưỡng cực, hay khi ấy còn gọi là hưng-trầm cảm. Nhưng rồi chị ấy đã khá lên, nhờ dùng lithium và rồi cuối cùng, không còn uống lithium nữa, để xem không có thuốc sẽ thế nào, nhưng chị ấy đã bị loạn thần lại rồi sa sút tinh thần thành cơn trầm cảm nặng nhất tôi từng thấy. Khi ấy chị ngồi trong căn hộ của bố mẹ, trương căng lực, không động tĩnh, hết ngày này sang ngày khác. Vài năm sau, khi tôi phỏng vấn chị, chị đã là một nhà thơ và nhà tâm lí trị liệu tên là Maggie Robbins. Khi tôi phỏng vấn, chị nói: "Tôi đã hát bài "Hoa bay hết đi đâu" ('Where Have All The Flowers Gone') hát đi hát lại để chiếm lấy tâm trí mình. Tôi đã hát để xóa đi điều tâm trí mình đang nói: "Mày chả là gì cả Mày chả là ai, Mày thậm chí không đáng sống nữa." khi tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện tự sát." Khi trầm cảm, người ta không nghĩ rằng mình đã mang lên một tấm mạng đen và nhìn thế giới qua lớp sương mù của những cảm xúc tiêu cực. Người ta nghĩ rằng, một tấm mạng đã bị cất đi, tấm mạng ấy là niềm hạnh phúc, và giờ đây, người ta phải nhìn mọi thứ trần trụi. Giúp đỡ người tâm thần phân liệt thì dễ hơn, vì họ biết có gì đó rất lạ ở trong mình, cần phải được xua đuổi đi, nhưng với người trầm cảm thì rất khó vì chúng ta tin là mình đang nhìn thấy sự thật. Nhưng sự thật nói dối. Tôi bị ám ảnh bởi câu nói: "Nhưng sự thật nói dối." Khi nói chuyện với người trầm cảm, tôi phát hiện ra họ có rất nhiều cảm nhận, tri giác ảo. Họ nói: "Không ai yêu tôi." Bạn nói: "Tôi yêu anh, vợ anh yêu anh mẹ anh yêu anh." Bạn có thể trả lời ngay như vậy, với hầu hết mọi người. Nhưng những người trầm cảm cũng nói: "Bất luận chúng ta làm gì, rồi cuối cùng cũng chết cả thôi." Hoặc nói: "Chả còn sự gắn kết thực sự giữa hai con người nữa đâu. Mỗi chúng ta bế tắc trong cơ thể của chính mình." Khi đó bạn cần trả lời: "Đúng thế, nhưng tôi nghĩ giờ ta nên tập trung về chuyện sáng nay ta sẽ ăn gì đây." (Cười) Nhiều lần, điều họ biểu lộ không phải là bệnh lý mà là quan điểm và nghĩ rằng, điều thực sự nổi bật là đa số ai cũng biết những câu hỏi về sự tồn tại và họ sẽ không khiến chúng ta bối rối. Tôi thích một nghiên cứu trong đó có một nhóm người bị trầm cảm, và một nhóm người không bị, cả hai phải chơi video game trong 1 tiếng và cuối giờ chơi, họ được hỏi họ đã giết được bao nhiêu quái vật. Nhóm bị trầm cảm nói khá chính xác, xê dịch trong 10% nhưng nhóm không bị trầm cảm đưa con số gấp khoảng 15 đến 20 lần so với số quái vật --- (Cười) --- họ thực sự đã giết. Khi tôi chọn viết về trầm cảm, nhiều người hỏi chắc rất là khó để lộ mình ra cho người khác thấy. Họ hỏi: "Mỗi người kể với anh một khác không?" Tôi nói: "Vâng, họ kể khác nhau. Họ kể mỗi khác khi họ bắt đầu kể về kinh nghiệm của họ, về kinh nghiệm của chị em họ, hoặc bạn bè họ. Mọi thứ khác biệt bởi giờ tôi biết trầm cảm, đó là bí mật gia đình mà mỗi người có. Vài năm trước tôi có dự một hội thảo. Vào ngày Thứ Sáu trong hội thảo dài 3 ngày ấy, một trong những người tham dự gọi tôi ra và nói: "Tôi bị trầm cảm và xấu hổ về nó nhưng tôi đang uống thuốc và muốn hỏi xin ý kiến của anh" Và tôi đưa ra lời khuyên mà tôi cho là tốt nhất. Rồi chị ấy nói: "Anh ạ, chồng tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu được điều này. Anh ấy là kiểu người không hiểu được chuyện này, cho nên chuyện này chỉ anh và tôi biết thôi nhé." Tôi nói: "Được mà." Vào ngày Chủ Nhật vẫn trong hội thảo đó, chồng cô ấy kéo tôi ra, ông ấy nói: "Vợ tôi sẽ nghĩ tôi không phải là đàn ông nếu cô ấy biết điều này nhưng tôi đang bị trầm cảm và tôi phải uống thuốc không biết anh nghĩ sao về chuyện này?" Họ đều đang giấu cùng chữa trị ở hai nơi khác nhau trong cùng một căn phòng. Tôi trả lời tôi nghĩ rằng giờ mà họ nói chuyện với nhau thì chắc sẽ nổ ra một vài vấn đề đấy. (Cười) Nhưng tôi đã sốc bởi cái gánh nặng của những sự giấu giếm ấy. Trầm cảm khiến ta kiệt quệ. Nó gặm nhấm hết thời giờ và sức lực của ta, và im không nói gì về nó có thể khiến nó tệ hơn. Sau đó, tôi bắt đầu nghĩ về các cách giúp người ta cảm thấy khá hơn. Ban đầu tôi rất bảo thủ trong việc dùng thuốc. Tôi tin có những liệu pháp sẽ có tác dụng, rõ ràng chúng có tác dụng-- có thuốc, có các phương pháp trị liệu, cũng có thể có phương pháp sốc điện, còn lại là nhảm nhí hết. Nhưng rồi tôi nhận ra nếu bị ung thư não, và bạn nói rằng trồng cây chuối 20 phút vào mỗi buổi sáng khiến bạn khá hơn, thì chắc nó khiến khá hơn thật, nhưng vẫn bị ung thư não, vẫn có thể chết vì bệnh này. Nhưng nếu bạn nói bạn bị trầm cảm và mỗi sáng trồng cây chuối 20 phút khiến bạn thấy khá hơn, thì đúng là nó có tác dụng, bởi trầm cảm là bệnh trong cảm giác của bạn, và nếu bạn cảm thấy tốt hơn, thì kết quả là, bạn sẽ không còn trầm cảm nữa. Bởi vậy tôi trở nên cởi mở hơn với những phương pháp chữa trị khác với Tây y. Tôi nhận được thư, hàng trăm lá, họ viết để kể tôi nghe những điều đã giúp cho họ. Ở hậu trường, hôm nay một người hỏi tôi về thiền. Một lá thư mà tôi rất quý là của một chị này viết rằng chị đã thử nghiệm các liệu pháp chị ấy thử thuốc cái gì cũng đã thử, và rồi tìm ra một giải pháp và mong chia sẻ với mọi người, đó là ngồi tết vòng. (Cười) Chị ấy cũng gửi cho tôi một số sợi vòng chị ấy đã làm (Cười) Nhưng hôm nay tôi lại không đeo. Tôi gợi ý chị ấy thử tra cứu chứng rối loại ám ảnh cưỡng chế trên DSM. Nhưng khi tôi xem xét phương pháp chữa trị phi chính thống, tôi cũng học được cách nhìn các phương pháp chữa trị khác. Tôi đã thử phép trừ tà của một bộ lạc ở Senegal nghi lễ dùng nhiều huyết chiên, giờ tôi sẽ không mô tả chi tiết nhưng vài năm sau tôi có dịp đến Rwanda làm việc trong một dự án. tôi đã kể về kinh nghiệm ấy của mình với một người nọ, anh ấy nói: "Anh biết không, đấy là Tây Phi còn Đông Phi chúng tôi, các nghi lễ hơi khác một chút, nhưng cũng có những nghi lễ giống như anh mô tả." - Thế ư? - Đúng vậy! "Chúng tôi có nhiều rắc rối với bác sĩ tâm thần phương Tây, đặc biệt những người xuất hiện sau nạn diệt chủng." Tôi hỏi: "Những phiền phức kiểu gì?" Anh ấy nói: "Họ làm những điều kì cục là không cho người ta ra nắng trong khi ra nắng thì mới khỏe lên. Họ cũng không cho nghe trống để khiến mạch máu lưu thông. Họ cũng chẳng cho giao tiếp xã hội. Họ không cho rằng trầm cảm là bị một thần nhập vào. Ngược lại, họ đưa người ta lần lượt từng người vào một căn phòng nhỏ tối tăm cho họ nói suốt một tiếng về những chuyện tồi tệ từng xảy đến với họ." (Cười) (Vỗ tay) Anh ấy nói tiếp: Chúng tôi phải trục xuất họ. (Cười) Khép lại trình bày về cách chữa phi chính thống, tôi muốn kể về Frank Russakoff. Anh ấy đã bị trầm cảm rất nặng có lẽ là trường hợp nặng nhất tôi từng gặp ở nam giới. Anh ấy thường xuyên bị trầm cảm. Khi gặp tôi , anh ấy đang trong tình trạng mỗi tháng đều phải sốc điện. Sau đó một tuần, anh ấy thấy mất phương hướng, rồi một tuần lại thấy ổn, rồi tuần sau, tinh thần lại xuống tuần sau nữa, lại đi sốc điện. Khi gặp, anh ấy bảo tôi: "Sống từng ngày thế này thật không sao chịu nổi Tôi không thể tiếp tục thế này tôi vừa tìm ra cách để kết thúc mọi chuyện nếu tôi không cảm thấy khá hơn. nhưng," - anh ấy nói- "tôi nghe nói về một dự thảo ở Bệnh viện Massachuset về một quy trình gọi là cingulotomy, tức là phẫu thuật não tôi nghĩ tôi sẽ thử." Lúc đó, tôi đã rất kinh ngạc khi thấy rằng một người chắc chắn đã có vô vàn trải nghiệm tồi tệ với các phương pháp chữa trị vẫn còn đâu đó trong mình đủ niềm lạc quan để thử thêm một cách nữa. Anh ấy đã phẫu thuật não kết quả thành công đến kinh ngạc. Giờ anh ấy là bạn của tôi, có một người vợ dễ thương hai đứa con xinh đẹp. Sau cuộc phẫu thuật, anh ấy viết thư cho tôi vào Giáng Sinh anh nói: "Năm nay cha tôi gửi tặng hai món quà, Một là cái giá CD lưu động cái này, tôi không cần lắm, nhưng tôi biết ông tặng để tôi ăn mừng việc giờ tôi đang sống tự lập và có một công việc mình yêu thích. Món quà kia, là bức ảnh của bà tôi, bà đã chết vì tự sát. Khi tôi mở nó ra, tôi bật khóc, mẹ tôi đến và hỏi: "Con khóc vì có một người thân mà con chưa từng được gặp mặt ư?" Tôi trả lời: "Bà cũng mang căn bệnh của con, mẹ ạ." Giờ khi đang viết cho anh, tôi cũng khóc. Không phải vì tôi buồn mà vì đang xúc động mạnh, tôi mới nghĩ, tôi đã có nguy cơ tự sát, nhưng ba mẹ đã giúp tôi tiếp tục, cả các bác sĩ cũng thế. rồi tôi được phẫu thuật. Giờ tôi còn sống và đầy biết ơn. Chúng ta đang sống đúng thời mặc dù nhiều khi ta không hề thấy thế." Tôi đã sốc bởi vì đa số coi trầm cảm là một thứ thuộc tầng lớp trung lưu, hiện đại, du nhập từ phương Tây, và tôi đã xem xét sự chi phối của bệnh này trong nhiều bối cảnh khác nhau. Một trong những điều tôi lưu tâm nhất là căn bệnh trầm cảm ở những người nghèo. Thế là, tôi đã ra đi, để xem người ta làm gì được cho người nghèo trầm cảm. Tôi phát hiện ra là phần lớn người nghèo không được điều trị trầm cảm. Trầm cảm là hệ quả của sự mềm yếu được di truyền được cho là có thể có trong bất kì ai; và là do hoàn cảnh kích động, yếu tố này, dường như hệ trọng hơn đối với những người nghèo khổ. Thế nhưng, nó lại thế này: nếu bạn có cuộc sống tươi đẹp nhưng lại thấy sầu thảm, bạn tự hỏi: "Tại sao tôi cảm thấy thế? Tôi ắt hẳn bị trầm cảm." Và bạn đi chữa trị. Nhưng nếu bạn thực sự sống một đời thảm hại và cảm thấy luôn sầu thảm, cảm giác này hoàn toàn tương xứng với đời sống của bạn, bạn sẽ không nghĩ rằng "Bệnh này chữa được." Và thế là đất nước này, có một thứ dịch bệnh: trầm cảm ở người nghèo. Bệnh này, không ai để mắt tới, không ai chữa, không ai giải quyết, bệnh này là một thảm họa trên diện lớn. Tôi tìm được một cô học giả nọ, bấy giờ đang làm nghiên cứu ở khu ổ chuột rìa D.C., Ở đó, cô ấy gặp những phụ nữ thực ra đến khám những bệnh khác, nhưng lại được chẩn đoán trầm cảm. Cô trình dự thảo thí nghiệm sáu tháng. Lolly, một phụ nữ đã đồng ý tham gia. Hôm vào làm thí nghiệm, chị ta đã nói như vầy. Chị ấy là một phụ nữ, có 7 con. Chị nói: "Trước tôi có đi làm, nhưng giờ thì không bởi tôi không bước nổi ra khỏi nhà. Tôi không nói nổi câu nào với các con. Sáng ra, tôi chỉ đợi chúng nó ra khỏi nhà, rồi lên giường, trùm chăn kín mít. Đến 3 giờ, bọn trẻ về. Thời gian trôi nhanh quá là nhanh." Chị còn nói: "Tôi uống nhiều thuốc ngủ Tylenol tôi uống đủ thứ, miễn sao ngủ thêm được. Chồng tôi luôn nói là tôi ngu và xấu xí. Tôi ước chi mình có thể chấm dứt cơn đau". Lolly được đưa vào chương trình thí nghiệm nói trên. Sáu tháng sau, tôi có dịp phỏng vấn chị. Lúc ấy, chị đã đi trông trẻ cho hải quân Mỹ. Chị đã bỏ người chồng bạo hành kia. Chị nói với tôi: "Các con tôi giờ vui hơn nhiều. Trong nhà có một phòng cho bọn con trai, một phòng cho bọn con gái. Nhưng cứ đến tối, bảy đứa trèo lên giường mẹ. 8 mẹ con làm bài tập và những thứ khác cùng nhau. Một đứa muốn mai sau đi giảng đạo, một đứa muốn làm lính cứu hỏa. Một đứa con gái lại muốn sau làm luật sư. Giờ bọn nó không còn hay khóc như trước, không hay đánh nhau như trước. Tôi giờ chỉ cần các con. Mọi thứ, cách tôi ăn mặc và hành xử, cũng như cảm giác của tôi - không ngừng thay đổi. Giờ tôi ra ngoài mà chẳng sợ gì nữa. Tôi nghĩ những cảm giác buồn sẽ không quay lại. Nếu không có bác sĩ Miranda, giờ đây chắc tôi vẫn ở nhà trùm chăn kín mít, nếu còn sống. Tôi xin Chúa ban cho tôi một thiên sứ, và Ngài đã lắng nghe lời tôi." Tôi hết sức cảm động vì những điều này và quyết định dựa trên đó mà viết, không chỉ cuốn sách dang dở, mà còn viết một bài báo. Thế là tôi được tạp chí New York Times đặt hàng viết về chứng trầm cảm ở người nghèo. Viết xong tôi gửi đi, biên tập viên gọi tôi, nói: "Chúng tôi không thể đăng bài này." Tôi hỏi: "Tại sao vậy?" Chị ta trả lời: "Chuyện nghe như bịa. Những người ở đáy xã hội ấy, sau vài tháng chữa trị, lại có thể sẵn sàng quản lí Morgan Stanley ư? Thế thì hão huyền quá." Chị ấy nói chưa bao giờ nghe chuyện như vậy. Tôi nói: "Việc chị chưa bao giờ nghe chuyện như vậy có nghĩa là, đây đúng là tin nóng đấy!" (Cười) (Vỗ tay) "Mà quý tòa soạn đây lại là cơ quan đưa tin". Sau một hồi thương lượng, họ đồng ý đăng bài. Tôi nghĩ, nhiều điều họ nói lại liên quan một cách kỳ lạ đến cái ghẻ lạnh của người đời đối với việc chữa trị trầm cảm. Đó là ý niệm cho rằng nếu đi chữa bệnh cho nhiều người ở những cộng đồng nghèo khó, thì chúng ta như đang bóc lột, đơn giản chỉ vì ta sẽ thay đổi họ. Có sự áp đặt đạo đức sai lầm dường như đang lởn vởn quanh ta. Đó là ý kiến cho rằng điều trị trầm cảm, thuốc men, và những thứ đại loại thế, chỉ là thứ nhân tạo, không tự nhiên. Tôi nghĩ đó là, một ý nghĩ sai lạc. Răng cỏ, nếu cứ để tự nhiên, sẽ rụng, thế nhưng, chẳng có ai phản đối thuốc đánh răng, ít nhất là, trong vòng những người tôi biết. Thế rồi, người ta lại nói: "Trầm cảm phải chăng là một phần của những thứ ai cũng phải đi qua? Tiến hóa lên thì đi qua trầm cảm mà? Đó chẳng phải là một phần của nhân cách ư?" Tôi xin trả lời: tâm trạng có thể thích nghi. Biết chịu đựng nỗi sợ, nỗi buồn hay biết vui hưởng khoái lạc và xử lí tất cả các loại tâm trạng khác, là một điều quý giá. Trầm cảm diễn ra khi hệ thống bị hư hỏng, và không còn khả năng thích nghi. Người ta đến nói với tôi rằng: "Tôi nghĩ nếu mình chịu đựng thêm một năm nữa, tôi có thể vượt qua khó khăn này". Tôi sẽ luôn trả lời: "Anh có thể sẽ vượt qua, nhưng anh không bao giờ trở lại tuổi 37. Đời thì ngắn, mà đó lại là một năm giời. Anh đang định bỏ phí một năm đấy. Nghĩ cho kỹ đi". Có một sự nghèo nàn trong Tiếng Anh, cũng như nhiều ngôn ngữ khác: chúng ta dùng cùng một chữ "trầm cảm" để mô tả tâm trạng của một đứa bé thấy trời mưa đúng hôm sinh nhật, và để tả tâm trạng của một người trước khi anh ta tự sát. Người ta hỏi: "Trầm cảm diễn tiến theo nỗi buồn thông thường không?" Tôi trả lời rằng, về một mặt nào đó thì có. Có một độ tiếp diễn nhất định, cũng như có sự tiếp diễn giữa việc có một hàng rào sắt quanh nhà, hơi han gỉ, khiến bạn phải đánh giấy ráp và sơn lại, với việc bạn có một cái nhà trăm năm tuổi, với hàng rào sắt đã han gỉ hết, thành một đống bụi sắt. Và chính cái vết gỉ sét ấy, chính cái vấn đề han gỉ kia, là cái chúng ta đang bắt đầu xử lý. Giờ có người hỏi: "Anh uống thuốc trợ thần, vậy anh thấy vui lên không?". Tôi không. Nhưng mặt khác, tôi không thấy buồn vì phải ăn trưa, tôi không buồn vì trả lời điện thoại, và không còn buồn khi nghĩ đến đi tắm. Tôi cảm thấy, mà thực ra, là tôi nghĩ, vì tôi cảm nhận được nỗi buồn khi không trống rỗng. Tôi có thể buồn vì thất vọng trong công việc, những mối quan hệ tan vỡ, trái đất nóng lên. Đó là những điều giờ đây khiến tôi buồn. Tôi tự hỏi, đâu là kết luận. Làm sao những người đã từng bị trầm cảm nặng có thể vượt lên, và có cuộc sống tốt đẹp hơn? Đâu là cơ chế giúp người ta dẻo dai về mặt tinh thần? Điều tôi nhận ra qua năm tháng là, những người chối bỏ kinh nghiệm của mình, những người nói rằng: "Tôi bị trầm cảm lâu rồi và không bao giờ muốn nghĩ về nó nữa, sẽ không bao giờ nhìn vào nó và chỉ tiếp tục sống đời mình thôi." trớ trêu thay, chính là những người bị làm nô lệ cho thứ bệnh họ mang. Chối bỏ bệnh trầm cảm chỉ làm cho nó nặng thêm. Người ta càng lẩn tránh, nó càng phát triển. Còn những người khá lên là những người có thể chấp nhận rằng họ có bệnh. Người nào thừa nhận bị trầm cảm, người nấy trở nên dẻo dai về mặt tinh thần. Frank Russakoff nói với tôi: "Nếu được làm lại, ắt tôi không chọn những thứ này thế nhưng, điều kỳ lạ là, tôi biết ơn những gì mình đã trải nghiệm. Mừng vì đã nhập viện 40 lần. Kinh nghiệm ấy đã dạy tôi rất nhiều về tình thương. Mối quan hệ giữa tôi và bố mẹ cũng như các bác sĩ, đã và mãi quý giá." Maggie Robbins nói: "Tôi từng tình nguyện ở phòng khám AIDS, tới đó, chỉ nói, nói và nói. Những người tôi phải tham vấn lại đáp ứng kém, và tôi nghĩ 'Họ chẳng thân thiện hay hợp tác gì mấy.' Và rồi tôi hiểu ra, rằng họ sẽ chẳng làm gì hơn là lí nhí vài câu trong những phút đầu. Lý do đơn giản, là tôi không bị AIDS, không chờ chết nhưng tôi có thể chấp nhận rằng họ bị AIDS và đang chờ chết. Nhu cầu là tài sản lớn nhất của ta. Hóa ra, tôi đã học được cách cho đi tất cả những gì tôi cần." Tôn trọng sự trầm cảm của người khác không ngăn được nó tái phát, nhưng có thể khiến nguy cơ của căn bệnh và bản thân căn bệnh, trở nên dễ chịu đựng hơn. Vấn đề ở đây không phải là tìm ra ý nghĩa và cho rằng trầm cảm có ý nghĩa lớn với cuộc đời mình. Vấn đề là tìm ra ý nghĩa của nó và khi nó trở lại, thì nghĩ rằng: "Quả này là địa ngục đây, nhưng ta sẽ học điều gì đó từ nó." Tôi đã học từ nỗi trầm cảm của chính mình rằng một cảm xúc có thể lớn đến chừng nào, rằng nó có thể thật hơn cả sự thật. Và tôi thấy rằng, kinh nghiệm ấy đã giúp tôi trải nghiệm những cảm xúc tích cực một cách sâu sắc hơn. Đối lập với trầm cảm không phải là niềm vui, mà là sức sống, Ngày nay, tôi phải sống, kể cả vào những ngày tôi buồn. Tôi đã cảm nhận sự tang chế trong tinh thần, tôi ngồi cạnh tên khổng lồ bên lề trái đất, và tôi đã nhận ra rằng một điều gì đó trong tôi, cái mà tôi gọi là linh hồn cái tôi chỉ mới thấy rõ 20 năm trước, khi địa ngục bất ngờ viếng thăm tôi. Tôi nghĩ, dù mình ghét sự trầm cảm, và biết mình sẽ lại trầm cảm, tôi đã tìm được cách yêu nỗi trầm cảm. Tôi yêu nó, vì nó đã bắt tôi phải tìm và bám lấy niềm vui. Tôi yêu nó, vì mỗi ngày, mình quyết định, đôi khi, một cách hơi mạo hiểm, và đôi khi, một cách ngược đời, rằng mình phải bám vào những lẽ sống. Và tôi nghĩ, trầm cảm là hạnh phúc tôi vinh hạnh có. Xin cảm ơn. (Vỗ tay)