"Đốt là một cái thú. Được thấy thứ này thứ nọ bị ngốn ngấu dần, được thấy chúng đen đi và biến dạng." 451 độ F mở đầu bằng một ngọn lửa cuộn trào và sớm thôi, ta sẽ biết được thứ gì lớn dần lên theo ngọn lửa. Tiểu thuyết của Ray Bradbury mở ra một thế giới nơi sách bị cấm trong mọi mặt của cuộc sống - từ sở hữu đến đọc sách. Montag, nhân vật chính, là lính phóng hỏa chịu trách nhiệm tìm và đốt sách. Niềm vui của anh dần bị thay thế bởi sự nghi ngờ, câu chuyện đặt ra câu hỏi làm thế nào giữ được sự tỉnh táo trong một xã hội mà tự do biểu đạt và trí tò mò đều bị thiêu rụi dưới ngọn lửa. Trong thế giới của Montag, truyền thông độc quyền thông tin, chặn đường mọi suy nghĩ tự do. Trên tàu điện ngầm, tiếng quảng cáo rộn rã vượt qua những vách ngăn. Ở nhà, Mildred, vợ của Montag dành toàn bộ thời gian để nghe đài, ba bức tường trong phòng khách của họ gắn đầy những màn hình. Ở chỗ làm, mùi dầu hỏa bám đầy trên người đồng đội của anh, những kẻ chỉ hút thuốc và theo dấu chuột máy cho qua ngày. Khi có chuông báo, họ tràn lên chiếc xe có hình thù như một con rồng lửa, đôi khi, đốt các thư viện cháy thành tro. Việc đốt các chồng sách ngày này qua tháng nọ như những con "bướm đêm," đôi lúc làm Montag nhớ đến những quyển sách mà anh lén giấu ở nhà. Dần dần, anh bắt đầu tự vấn về công việc của chính mình. Anh nhận ra bản thân luôn cảm thấy bất ổn - nhưng lại thiếu ngôn từ để biểu đạt trong một xã hội mà nói đến "ngày xửa ngày xưa" cũng là một tội chết. 451 độ F mô tả một thế giới được cai trị bởi sự giám sát, máy móc và thực tế ảo - một viễn cảnh đã được dự đoán, đồng thời, khắc họa nỗi lo của thời đại. Cuốn tiểu thuyết được xuất bản năm 1953 đỉnh điểm của Chiến tranh lạnh. Thời kì của những hoang tưởng và lo sợ phủ khắp nước Mỹ được củng cố bởi sự ngăn chặn thông tin và sự tàn bạo của giới cầm quyền. Tựu chung, quá trình săn đuổi này nhắm đến các văn, nghệ sĩ đi ngược với tư tưởng Cộng sản. Bradbury cảnh báo về sự đàn áp văn hóa nghiêm trọng này. Ông tin rằng nó tạo tiền đề nguy hại cho những kiểm soát trong tương lai, nhắc nhớ về sự tàn lụi của Thư viện Alexandria và hành động đốt sách của chế độ Phát xít. Ông đã khai thác mối liên hệ rợn người này trong 451 độ F, cũng là nhiệt độ để giấy cháy. Rất nhiều tranh cãi đã nổ ra xung quanh tính đúng đắn của con số, nhưng vị thế của tiểu thuyết vẫn không hề lung lay, nó được xem là cuốn tiểu thuyết phản địa đàng kinh điển. Tiểu thuyết phản địa đàng phóng đại những thói xấu trong xã hội và hậu quả khi các thói xấu đó bị đẩy đến đỉnh điểm. Trong những câu chuyện phản địa đàng, các nhà cầm quyền thường ban những lệnh cấm vô lý. Nhưng trong 451 độ F, Montag nhận ra chính sự thờ ơ của đám đông mới là nguyên nhân dẫn đến chế độ hiện hành. Chính phủ viện vào khả năng tập trung ngắn hạn và nỗi khao khát những hình thức giải trí tầm thường, khiến guồng quay của lý tưởng cháy rụi thành tro. Văn hóa không còn, trí tưởng tượng và biểu đạt cá nhân cũng dần biến mất. Thậm chí, cả cách người ta nói năng cũng bị rút ngắn như khi Beatty, cấp trên của Montag mô tả sự trỗi dậy của văn hóa đại chúng: "Tua nhanh, Montag. Nhấn? Ảnh? Nhìn, Mắt, Giờ, Tách, Đây, Kia, Chuyển, Tốc Độ, Lên, Xuống, Trong, Ngoài, Tại Sao, Ai, Gì, Đâu, Ờ, Ừm! Bang! Bùm Bụp, Bing, Bong, Boom! Tiếp thu-tiếp thu, tiếp thu-tiếp-tiếp thu. Chính trị? Một cột, hai câu, một tiêu đề! Trong khoảng không, mọi thứ tan biến!" Trong thế giới vô cảm này, Montag nhận ra thật khó để chống đối khi không còn lại gì để bám víu. Cùng với tất cả, 451 độ F phác họa bức tranh mà ở đó, tư tưởng cá nhân trên bờ vực tàn lụi - và ngụ ngôn về một xã hội đồng lõa với sự lụi tàn của chính nó.