Hầu hết các cánh rừng đều nằm dưới những bóng cây đại thụ. Những cây cổ thụ này có trăm ngàn con cháu. Chúng giao tiếp với những cây xung quanh, chia sẻ nước, ánh sáng, dưỡng chất, và trí tuệ tích lũy qua nhiều năm. Không thể nói, tiếp cận hoặc di chuyển, tất cả đều bắt nguồn từ chung một cội. Bí mật nằm dưới nền rừng, nơi hệ rễ đồ sộ chống đỡ những cái thân cao chót vót. Cùng với nó là nấm rễ cộng sinh mycorrhizae, có vô số sợi nhỏ phủ đầy lông tơ tạo thành sợi nấm. Phạm vi phân tán của sợi nấm lớn hơn nhiều so với hệ rễ, chúng, đồng thời, cũng liên kết các rễ cây với nhau. Những liên kết này tạo thành mạng lưới nấm rễ cộng sinh. Qua đó, cây có thể trao đổi chất và tín hiệu với nhau. Những cây cổ thụ có mạng lưới nấm rễ cộng sinh lớn hơn cả liên kết với nhiều cây khác, nhưng những liên kết này cực kỳ phức tạp và khó truy nguyên. Đó là vì có khoảng một trăm loài nấm rễ cộng sinh, mỗi cây có thể có hàng chục loài nấm khác nhau đến cộng sinh, mỗi loài lại có một kiểu liên kết khác nhau, khiến mỗi cây có một mạng lưới nấm rễ cộng sinh riêng biệt. Để hiểu cách các chất luân chuyển trong mạng lưới này, hãy quan sát đường đi từ cây trưởng thành đến các cây con lân cận. Hành trình này bắt đầu từ trên cao, tại những chiếc lá trên đỉnh cây. Lá cây dùng ánh sáng mặt trời dồi dào quang hợp tạo ra đường. Đường sau đó được vận chuyển xuống hệ rễ dưới dạng nhựa cây đặc quánh. Từ đây, nó được vận chuyển đến các bó rễ. Nấm rễ cộng sinh khi gặp đỉnh sinh trưởng sẽ bám quanh đầu rễ hoặc xâm nhập vào bên trong, tùy thuộc vào từng loại nấm. Nấm không thể tự mình tạo ra đường dù cần nó để duy trì sự sống, nhưng chúng lại có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn cây, và chuyển chúng qua rễ cho cây. Thông thường, các chất di chuyển từ nơi có nồng độ cao sang nơi có nồng độ thấp, hay từ nguồn đến đích. Nghĩa là đường di chuyển từ rễ cây vào sợi nấm. Trong sợi nấm, đường di chuyển qua các lỗ nhỏ trên vách tế bào hoặc qua các sợi liên bào. Nấm hấp thụ một ít đường, phần còn lại sẽ được vận chuyển đến rễ của những cây xung quanh, những cây mọc trong bóng râm, không có nhiều điều kiện quang hợp để tạo ra đường. Nhưng tại sao nấm lại vận chuyển chất dinh dưỡng từ cây này sang cây khác? Đó là điều bí ẩn của mạng lưới nấm rễ cộng sinh. Khá dễ hiểu khi nấm trao đổi chất dinh dưỡng và đường với cây vì cả hai cùng có lợi. Lợi ích của nấm khi tham gia vào mạng lưới trao đổi chất giữa các cây lại khá mơ hồ. Chính xác thế nào, ta vẫn chưa biết được. Có thể nấm hưởng lợi khi liên kết với nhiều cây, và việc vận chuyển chất giữa các cây giúp tối ưu hóa các liên kết đó. Hoặc có thể cây truyền ít chất dinh dưỡng cho nấm hơn nếu nó không giúp cây trao đổi chất. Dù vì lý do gì, nấm rễ cộng sinh đã giúp truyền một lượng thông tin khổng lồ giữa các cây. Qua mạng lưới này, cây có thể biết được chất dinh dưỡng và tín hiệu truyền đến có phải của cùng loài hay không. Thậm chí, biết đâu là thông tin được truyền từ cây có quan hệ mật thiết như cùng giống hoặc cùng cây mẹ. Cây cũng chia sẻ thông tin về môi trường xung quanh như hạn hán hoặc côn trùng tấn công. giúp những cây lân cận sản xuất nhiều enzyme bảo vệ hơn khi mối nguy đến gần. Sự tốt tươi của rừng phụ thuộc vào hoạt động giao tiếp và trao đổi phức tạp này. Khi mọi thứ được liên kết chặt chẽ với nhau, tác động lên một loài sẽ gây ra ảnh hưởng đến nhiều loài khác.