Một vầng trán rộng bị tóc đen xoăn rối che phủ, một làn da xanh xao bệnh hoạn, một cái nhìn của trí tuệ sâu sắc và vẻ kiệt sức còn sâu sắc hơn trong đôi mắt tối tăm, hõm sâu của ông. Hình tượng Edgar Allan Poe không những dễ nhận ra mà còn hoàn toàn phù hợp với tiếng tăm của ông. Từ một tù nhân bị trói dưới lưỡi dao lắc đang dần hạ xuống, tới một con quạ không chịu rời phòng của người dẫn chuyện, những câu chuyện sáng tạo đầy rùng rợn mang phong cách Gô-tích của Poe đã để lại dấu ấn khó phai trong lịch sử văn chương. Nhưng điều gì đã đưa Edgar Allan Poe trở thành một trong những nhà văn Mỹ vĩ đại nhất? Ở thời ông, thể loại kinh dị khá phổ biến với nhiều tác giả, nhưng Poe vẫn nổi bật nhờ sự tỉ mỉ trong thể loại và phong cách. Trong vai trò nhà phê bình văn học, ông đã xác định hai quy tắc cốt yếu cho thể loại truyện ngắn: một, truyện phải đủ ngắn để có thể đọc hết trong một lượt, và hai, mỗi từ mỗi chữ đều phải có mục đích. Áp dụng thuần thục hai quy tắc này, Poe thu hút sự chú ý của độc giả, và đem lại cho họ trải nghiệm căng thẳng và rất riêng - mà ông gọi là sự kết hợp các hiệu ứng - vượt cả nỗi sợ đơn thuần. Truyện ngắn của Poe gồm yếu tố bạo lực, rùng rợn để khám phá nghịch lý và bí ẩn của tình yêu, nỗi đau, và tội lỗi, với các thông điệp đạo đức được diễn giải mập mờ và phức tạp. Dù các tác phẩm của Poe thường hàm ẩn yếu tố siêu nhiên, mảng tối thực sự mà chúng hướng tới chính là tâm trí con người và khuynh hướng tự diệt của nó. Trong truyện ngắn "The Tell-Tale Heart", một vụ giết người tàn nhẫn được đặt tương phản cạnh sự cảm thông của kẻ thủ ác với nạn nhân - mối liên kết sẽ quay về ám ảnh hắn. Nhân vật Ligeia trong truyện ngắn cùng tên từ cõi chết trở về qua xác chết người vợ thứ của chồng cô, hoặc ít nhất là người kể chuyện nghiện ngập nghĩ vậy. Và khi nhân vật chính của "William Wilson" dằn mặt kẻ mà anh ta cho là đã bám đuôi mình, có lẽ chỉ đang đối mặt với hình ảnh của chính mình trong gương. Tiên phong trong việc sử dụng những người dẫn chuyện không đáng tin, Poe buộc độc giả phải tham gia chủ động và tự mình quyết định xem người kể chuyện có đang hiểu sai hay thậm chí là nói dối về những chuyện họ kể. Tuy được biết đến nhiều nhất nhờ các truyện ngắn kinh dị, Poe thực ra lại là một trong những tác giả đa tài và chịu khó thử nghiệm nhất thế kỷ XIX. Ông sáng tạo ra thể loại truyện trinh thám ta đọc ngày nay, với "Án mạng phố Rue Morgue," tiếp đó là "Bí ẩn Marie Roget" và "Lá thư bị đánh cắp." Cả ba truyện ngắn này đều xuất hiện nhân vật thám tử ghế bành C. Auguste Dupin, dùng năng lực quan sát, suy luận thiên tài và khác người để phá các vụ án làm đau đầu giới cảnh sát. Poe cũng viết tác phẩm châm biếm xã hội và các trào lưu văn học, cũng như một số tin vịt giúp định hướng khoa học viễn tưởng sau này. Các tin vịt gồm chuyến bay khinh khí cầu tới mặt trăng và báo cáo về một bệnh nhân hấp hối bị đưa vào trạng thái thôi miên để có thể nói chuyện từ thế giới bên kia. Poe thậm chí còn viết tiểu thuyết phiêu lưu về chuyến đi đến Nam Cực và viết luận về vật lý thiên văn, khi đang làm biên tập, và xuất bản hàng trăm trang phê bình sách và lý thuyết văn học. Sẽ thật thiếu sót nếu đánh giá sự nghiệp văn chương của ông mà không có những áng thơ đầy mê hoặc và ám ảnh. Nổi tiếng nhất là những khúc ca về nỗi đau, hay như Poe viết, "nỗi nhớ thống khổ và khôn nguôi". Bài "Con quạ", với người kể chuyện trút nỗi đau vào con chim - con vật chỉ lặp đi lặp lại một âm thanh duy nhất, đã giúp Poe nổi danh. Dù thành công trong sự nghiệp văn chương, Poe sống trong nghèo khổ suốt những năm làm việc, và có một cuộc sống tăm tối như chính các tác phẩm của mình. Cái chết ở tuổi 24 của cả mẹ và vợ do bệnh lao đã ám ảnh Poe cả đời. Ông đánh vật với chứng nghiện rượu và thường đối đầu với các nhà văn nổi tiếng khác. Phần nhiều danh tiếng của ông tới từ các tác phẩm chuyển thể rất khác với nguyên gốc sau khi ông qua đời. Nếu có thể biết được các tác phẩm của mình đã đem lại bao niềm vui và cảm hứng cho nhiều thế hệ độc giả và tác giả, có lẽ nụ cười đã nở trên khuôn mặt ưu sầu nổi tiếng ấy.