Hãy nhìn vào bức ảnh này. Liệu nó có thể là gì? Một con quái vật đáng sợ? Hai chú gấu thân thiện? Hay thứ gì đó hoàn toàn khác? Trong gần một thế kỷ, mười vết mực như thế này đã được sử dụng như những bài kiểm tra tính cách thần bí. Luôn được các nhà tâm lý học giữ kín trước bệnh nhân, những hình ảnh bí ẩn này được cho là sẽ thể hiện cách bộ não hoạt động. Nhưng những vết mực này có thể cho ta biết những gì, và bài kiểm tra này hoạt động như thế nào? Được phát minh vào đầu thế kỷ 20 bởi bác sĩ tâm lý người Thụy Sĩ Hermann Rorschach, bài kiểm tra Rorschach không mấy liên quan đến những điều cụ thể ta thấy, thay vào đó, là cách ta nhận thức về nó. Là một nghệ sĩ nghiệp dư, Hermann bị mê hoặc bởi sự đa dạng trong nhận thức thị giác của con người. Ông mang theo niềm say mê này vào trường y, nơi ông học được rằng các giác quan có liên hệ mật thiết với nhau. Ông nghiên cứu làm thế nào quá trình nhận thức không chỉ ghi nhận các cảm giác đầu vào, mà còn biến đổi chúng. Và khi bắt đầu làm việc tại bệnh viện tâm thần ở Đông Thụy Sĩ, ông bắt đầu thiết kế một loạt các hình ảnh khó hiểu để hiểu rõ hơn về quá trình bí ẩn này. Sử dụng các bức vẽ này, Rorschach bắt đầu hỏi hàng trăm người bình thường và bệnh nhân tâm thần cùng một câu hỏi: "Liệu đây có thể là gì?" Nhưng với Rorschach điều quan trọng nhất không phải là đối tượng thấy gì, mà là cách họ tiếp cận nó. Họ tập trung và bỏ qua phần nào của hình ảnh ? Liệu họ có thấy chúng chuyển động? Liệu màu sắc trên một số vết mực có giúp họ đưa ra câu trả lời tốt hơn, hay làm họ phân tâm và choáng ngợp? Ông tạo ra hệ thống mã hóa các phản ứng của con người, thu hẹp phạm vi phân tích. Thế là ông đã có các biện pháp thực nghiệm để đánh giá mọi đối tượng: người sáng tạo và giàu trí tưởng tượng, người tỉ mỉ, người nhìn xa trông rộng, và người linh hoạt, dễ dàng thích nghi. Một số người sẽ bị mắc kẹt, đưa ra cùng một câu trả lời cho nhiều vết mực. Một số khác đưa ra những đáp án mới lạ cùng những mô tả thú vị. Các phản hồi cũng đa dạng như các vết mực, cho thấy sự khác nhau trong nhận thức vấn đề, tính cách của một số người sẽ dễ phân tích hơn số khác. Nhưng phân tích tổng thể cách tiếp cận giúp đào sâu vào tâm lý của họ. Và khi Rorschach thử nghiệm trên nhiều người hơn, các mẫu chung bắt đầu xuất hiện. Những người bình thường có cùng tính cách thường có những cách tiếp cận khá giống nhau. Các bệnh nhân mắc cùng một bệnh tâm thần cũng có những cách tiếp cận như nhau, bài kiểm tra, từ đó, trở thành công cụ chẩn đoán đáng tin cậy. Nó thậm chí có thể chẩn đoán một số bệnh khó thể xác định bằng các phương pháp sẵn có khác. Năm 1921, Rorschach công bố hệ mã cùng với mười vết mực mà ông nhận thấy có thể đưa ra bức tranh tổng quát nhất về cách tri giác hoạt động. Trong nhiều thập kỷ tiếp theo, bài kiểm tra trở nên vô cùng phổ biến trên thế giới. Đến những năm 1960, chỉ tính riêng ở Mỹ, nó đã được thực hiện hàng triệu lần. Thật không may, chưa đầy một năm sau xuất bản, Hermann Rorschach đột ngột qua đời. Không còn nhà phát minh để giữ nó đi đúng hướng, bài kiểm tra mà ông đã dày công nghiên cứu bắt đầu bị sử dung một cách thiếu khoa học. Các nhà nghiên cứu đưa nó cho tội phạm chiến tranh của Đức quốc xã, hy vọng hiểu được nguyên nhân của các cuộc thảm sát. Các nhà nhân chủng học đưa cho các cộng đồng xa xôi như một bài kiểm tra tính cách phổ quát. Các nhà tuyển dụng đưa ra quyết định thiên lệch dựa trên các biểu đồ giải mã rút gọn. Khi bài kiểm tra rời bệnh viện và đi vào đại chúng danh tiếng của nó tuột dốc trong giới y học, và không còn được sử dụng với mục đích lâm sàng nữa. Ngày nay, bài kiểm tra này vẫn còn gây nhiều tranh cãi, và nhiều người cho rằng nó đã bị bác bỏ. Nhưng một bản đánh giá lớn năm 2013 về các nghiên cứu còn tồn tại của Rorschach cho thấy được thực hiện đúng cách các thử nghiệm sẽ cho các kết quả giá trị, có thể giúp chẩn đoán bệnh tâm thần hay bổ khuyết hồ sơ tâm lý bệnh nhân. Đứng riêng, nó khó thể là chìa khóa cho trí não con người, không một bài kiểm tra nào có thể. Nhưng cách tiếp cận trực quan và việc không có câu trả lời cố định sẽ tiếp tục giúp các nhà tâm lý học vẽ ra bức tranh nhiều sắc thái về cách con người nhìn nhận thế giới. Đưa ta đến gần hơn để hiểu các mẫu chung đằng sau nhận thức của ta.