Cứ mỗi hai giây, sẽ có một người ở đâu đó trên thế giới bị đột quỵ. Và cứ sáu người sẽ có một người bị đột quỵ vào thời điểm nào đó trong đời. Đột quỵ gây thiếu oxy đến các tế bào não là một trong những nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất và là nguyên nhân chính gây tàn tật có thể ngăn ngừa. Khi ai đó trải qua cơn đột quỵ, trợ giúp y tế kịp thời là rất quan trọng, và thường giúp tránh được tổn thương não vĩnh viễn. Nhưng điều gì gây ra đột quỵ? Và bác sĩ sẽ làm gì để xử lý? Bộ não chỉ chiếm 2% khối lượng cơ thể nhưng tiêu thụ hơn 20% oxy trong máu. Oxy được đưa lên não thông qua một hệ động mạch. Động mạch cảnh cung cấp oxy cho phần trước não, động mạch đốt sống cung cấp cho phần não sau. Chúng được kết nối với nhau, và được chia thành các mạch nhỏ và nhỏ hơn nữa, giúp hàng tỉ neuron thần kinh nhận được lượng oxy cần thiết. Nếu dòng máu bị gián đoạn, cung cấp oxy dừng lại và các tế bào não sẽ chết. Điều này có thể xảy ra theo hai cách. Đột quỵ xuất huyết xảy ra khi mạch máu bị thủng gây mất máu. Nhưng loại phổ biến hơn là đột quỵ do thiếu máu cục bộ, khi một cục máu đông chặn mạch máu và làm máu ngừng lưu thông. Vậy những cục máu đông này từ đâu mà ra? Trong vài dịp hiếm gặp, một thay đổi đột ngột trong nhịp tim ngăn cản buồng trên của tim co bóp bình thường. Điều này làm chậm sự lưu thông máu, làm tiểu cầu, các nhân tố gây đông máu, và các sợi huyết dính lại với nhau. Cục máu đông sẽ được đưa tới động mạch và các mạch máu cung cấp cho não cho tới khi nó không thể di chuyển được nữa. Đây được gọi là sự tắc nghẽn mạch, nó cắt giảm lượng oxy cung cấp đến toàn bộ các tế bào ở hạ lưu. Bộ não không có cơ quan cảm nhận cơn đau, nên bạn không thể cảm thấy sự tắc nghẽn. Nhưng sự thiếu hụt oxy làm chậm chức năng não có thể gây ra những tác động bất ngờ và dễ nhận biết. Ví dụ, nếu khu vực bị ảnh hưởng chịu trách nhiệm về ngôn ngữ, từ ngữ nói ra có thể bị lắp. Nếu đột quỵ ảnh hưởng đến phần não điều khiển vận động cơ bắp, nó có thể gây ra tình trạng yếu ớt, thường chỉ ở một bên cơ thể. Khi điều này xảy ra, cơ thể sẽ cố gắng bù đắp ngay lập tức bằng cách chuyển hướng dòng máu đến khu vực bị ảnh hưởng, nhưng đây không phải là giải pháp chu toàn. Cuối cùng, những tế bào thiếu oxy bắt đầu chết, dẫn đến tổn thương não nghiêm trọng, có thể là vĩnh viễn. Đó là lý do tại sao cần trợ giúp y tế càng nhanh càng tốt. Việc điều trị đầu tiên là truyền một loại thuốc tiêm tĩnh mạch gọi là chất hoạt hóa Plasminogen mô, phá vỡ cục máu đông và cho phép máu lưu thông lại trong động mạch bị tổn thương. Nếu được truyền trong vòng vài giờ, loại thuốc này làm tăng đáng kể cơ hội sống sót và ngăn ngừa các hậu quả lâu dài. Nếu không thể truyền chất hoạt hóa Plasminogen mô vì bệnh nhân đang dùng những thuốc khác, hay có tiền sử chảy máu nặng, hay cục máu đông quá lớn, các bác sĩ sẽ thực hiện một quy trình gọi là can thiệp nội mạch. Dùng thuốc nhuộm huỳnh quang rọi sáng các mạch máu dưới tia X cực mạnh, bác sĩ sẽ chèn một ống dẻo, dài và nhỏ gọi là ống thông vào một động mạch ở chân và điều khiển nó đến chỗ tắc nghẽn. Một thiết bị loại bỏ được dẫn vào ống thông này. Nó sẽ nở rộng và neo vào cục máu ngay khi đi qua. Sau đó, ống thông sẽ kéo cục máu ra khi nó được tháo bỏ. Các phương pháp điều trị này phải được thực hiện càng sớm càng tốt để bảo toàn chức năng não, có nghĩa là phải nhanh chóng nhận ra nếu ai đó sắp bị đột quỵ. Vậy làm sao để biết? Đây là ba cách thử nhanh chóng: 1. Yêu cầu họ mỉm cười. Miệng bị méo hay gương mặt chảy xệ có thể biểu thị sự yếu cơ. 2. Đề nghị người đó giơ hai tay lên. Nếu một tay đổ xuống, cánh tay bị yếu đó cũng là dấu hiệu của đột quỵ. 3. Yêu cầu họ lặp lại một từ hay cụm từ đơn giản. Nếu họ nói líu lưỡi hay phát âm kỳ lạ, có thể khu vực ngôn ngữ trong não bị thiếu oxy. Đây đôi khi được gọi là thử nghiệm FAST, T là viết tắt của Time. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Mạng sống có thể phụ thuộc vào đó.