Hơn một thế kỷ trước, Emily Dickinson đã nói: "Không thuyền nào hơn sách đưa ta cập bến mọi miền..." Và đó là sự thật. Khi đọc sách, xem ti vi hay phim ảnh, ta xuôi theo mạch truyện vào một thế giới của sự tưởng tượng. Khi cập bến, một nơi vừa lạ vừa quen, vài điều kỳ lạ sẽ xảy ra. Bước lên bờ, ta thay đổi. Không theo dấu của tác giả hay nhân vật, thay vào đó, ta đi hàng dặm trong "đôi giày" của họ. Những nhà nghiên cứu tâm lý, thần kinh, phát triển trẻ em và sinh học bắt đầu có những bằng chứng khoa học đáng kể, chứng minh điều mà nhà văn và đọc giả vốn đã biết: câu chuyện có khả năng lạ kì làm thay đổi quan điểm của người đọc. Những học giả tìm thấy bằng chứng về việc chúng tạo ra văn hóa, rằng niềm tin của ta về cuộc sống không đến từ thực tế, mà là từ hư cấu - quan điểm của ta về giai cấp, hôn nhân, và cả giới tính đều thay đổi, nhiều tư tưởng đứng vững hàng thế kỉ đã được xem xét lại trong thế kỉ 18 và được phác thảo từ sớm trong những trang tiểu thuyết. Tưởng tượng một thế giới nơi giai cấp, không phải người lao động, định ra hệ giá trị cho mọi người; thế giới nơi phụ nữ đơn giản chỉ là bản sao lỗi của đàn ông; thế giới mà hôn nhân vì tình yêu là một khái niệm mới lạ. Và đó là thế giới có tên "Pamela" của Samuel Richardson Chuyện tình của Richardson viết về một cô gái nghèo tầng lớp lao động, vừa giỏi và thông minh hơn tất cả chàng trai yêu cô ở tầng lớp cao hơn. Cuốn sách, thách thức hàng loạt truyền thống, gây ra khá nhiều tranh cãi. Báo chí viết về "Pamela" nhiều hơn là Quốc hội. Nó khơi gợi nhiều tranh cãi và tiểu thuyết chống đối. Thế nhưng, vẫn có nhiều người khác háo hức về thế giới hư cấu này. Cuốn sách bán chạy này và tất cả những cuốn "theo sau" "Kiêu hãnh và Định kiến," "Jane Eyre," và thậm chí là "Chạng vạng" đã chia sẻ câu chuyện và những bài học tương tự mà giờ đây đã trở nên bình thường và hiển nhiên. Tương tự, tiểu thuyết đã giúp hình thành tư tưởng lãnh đạo xuyên suốt lịch sử. Vài học giả nói thuyết tiến hóa của Darwin là dựa vào những điều mà ông đã đọc và thích thú. Thuyết của ông ưu tiên trí thông minh, sự mau lẹ và khả năng thích ứng, tất cả những đặc điểm của một anh hùng. Dù là " Harry Potter" hay "Great Expectations," đó vẫn là loại sách đã truyền cảm hứng cho Darwin. Dù vậy, những nghiên cứu gần đây cho thấy thuyết của ông không là tất cả. Ý thức của ta về anh hùng - đàn ông hay phụ nữ, hay thậm chí, một giống loài cứu thế giới có thể sai. Thay vì được "thiết kế" để cạnh tranh làm anh hùng đơn độc trong câu chuyện của riêng mình, ta có thể chỉ là thành viên của một "nhiệm vụ"chung. Giống Hobbit hơn là Harry. Hẳn nhiên, đôi khi, "đôi giày" ta dùng có thể "sờn rách". Xét cho cùng, ta không chỉ đi một mà là cả 100 tỉ tỉ dặm trong đôi giày của Jane Austen hay Mark Twain. Không có nghĩa là ta không thể đọc và tận hưởng những tác phẩm cổ điển; ta nên đồng hành với Dickens, học ở Pip sự kì vọng ở bản thân, nói chuyện với Austen và Elizabeth về những kiêu hãnh và định kiến. Trôi nổi với Twain xuống dòng Mississipi, và học ở Jim những điều tốt đẹp. Nhưng trong hành trình này, hãy nhớ rằng địa hình đã đổi. Ta sẽ bắt đầu tìm mua ủng để đi vào thời đại mới. Hãy lấy ví dụ của Katniss Everdeen và cuộc chiến với thủ phủ. Liệu "Đấu trường sinh tử" có làm ta nghĩ khác về chủ nghĩa tư bản? Dạy ta bài học về sự hi sinh vì tập thể? Liệu "Uglies" có cho thấy sự nguy hiểm khi theo đuổi dáng vóc hoàn hảo và để truyền thông định nghĩa cái đẹp? Liệu "Seekers" có vượt qua sự nóng lên của Trái đất? Liệu đấu tranh sinh tử của Toklo, Kallik, Lusa và những con gấu khác có giúp ta hiểu thêm về thế giới động vật và vị trí của ta trong đó? Chỉ có tương lai mới biết câu chuyện nào sẽ thu hút trí tưởng tượng của ta, những hư cấu nào sẽ định hình tương lai. Nhưng tin tốt là: những câu chuyện mới ra đời mỗi ngày, hứa hẹn những ảnh hưởng, tạo nên và khơi nguồn thay đổi, những câu chuyện mà có thể chính bạn là người viết. Nên tôi đoán câu hỏi cuối cùng là: Bạn sẽ chọn câu chuyện nào kế tiếp?