Điều gì giữ cho chúng ta được vui vẻ và khỏe mạnh trong suốt cả cuộc đời? Nếu bạn có ý định đầu tư ngay từ bây giờ để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình trong tương lai, bạn sẽ dành thời gian và tâm sức ở đâu? Có một cuộc khảo sát tiến hành gần đây giữa những người trẻ gen Y về mục tiêu quan trọng nhất trong đời, và tới hơn 80% đã trả lời rằng mục tiêu chủ chốt họ đặt ra là làm giàu. Và 50% khác trong số những người tham gia khảo sát nói rằng mục tiêu chính khác là trở nên nổi tiếng. (Cười) Và chúng ta liên tục được nhắc rằng phải dấn thân vào công việc, cố gắng nhiều hơn và đạt được nhiều thành tựu hơn nữa. Thành ra, chúng ta bị ấn tượng rằng đó chính là những điều bản thân cần theo đuổi để có một cuộc sống tốt. Bức tranh của cả cuộc đời, về những lựa chọn của mỗi người và sự ảnh hưởng của những lựa chọn đó tới họ, Đó là một bức tranh mà gần như bất khả thi để đạt được. Đa số những gì chúng ta biết về cuộc sống là thông qua việc hỏi người khác về quá khứ, và ta đều biết là hồi tưởng thì không thể chính xác hoàn toàn được. Chúng ta bỏ quên rất nhiều chuyện đã xảy ra trong đời, và đôi lúc kí ức hoàn toàn là do ta tự sáng tạo mà có. Song sẽ thế nào nếu chúng ta có thể quan sát toàn bộ cuộc đời theo đúng diễn tiến của nó? Nếu có thể nghiên cứu một con người từ lúc còn là thanh thiếu niên tới tận lúc họ bước vào thời già lão để thực sự xem đâu là thứ giữ cho con người khỏe mạnh và hạnh phúc? Chúng tôi đã làm được điều đó. Nghiên cứu về sự phát triển của người trưởng thành của Đại học Harvard có lẽ là nghiên cứu lâu nhất từng được tiến hành về cuộc đời của người trưởng thành. Trong vòng 75 năm, chúng tôi đã theo dõi cuộc sống của 724 người đàn ông, năm này qua năm khác, hỏi về công việc, cuộc sống gia đình, sức khỏe của họ, và đương nhiên là hỏi trong vô thức mà không hề biết câu chuyện cuộc đời họ sẽ xảy ra như thế nào. Những nghiên cứu kiểu như vậy thì vô cùng hiếm. Gần như tất cả các dự án tiến hành kiểu này đều đổ bể trong vòng một thập kỷ bởi vì có quá nhiều người bỏ ngang, hoặc cạn kiệt kinh phí, hay những nhà nghiên cứu bị sao nhãng, hoặc họ mất đi và không có ai kế thừa. Tuy nhiên, nhờ sự kết hợp của may mắn cũng như sự bền bỉ của vài thế hệ các nhà nghiên cứu, nghiên cứu này vẫn tồn tại. Khoảng 60 người trong số 724 đối tượng nghiên cứu hiện vẫn còn sống, và vẫn đang tham gia nghiên cứu, phần lớn họ đều đã trong độ tuổi 90. Và giờ đây chúng tôi bắt đầu nghiên cứu hơn 2000 người con của họ. Tôi là giám đốc thứ 4 của nghiên cứu này. Kể từ năm 1938, chúng tôi đã theo dõi cuộc sống của 2 nhóm người. Nhóm đầu tiên tham gia nghiên cứu khi còn là sinh viên năm 2 tại Đại học Harvard. Họ học xong đại học trong thời gian diễn ra chiến tranh Thế giới thứ II, rồi đa số lên đường nhập ngũ. Còn nhóm thứ 2 chúng tôi theo dõi là một nhóm các cậu trai từ khu dân cư nghèo nhất tại Boston, họ được đặc biệt lựa chọn để nghiên cứu vì sinh ra trong những gia đình khó khăn và thiệt thòi bậc nhất tại Boston vào những năm 1930. Đa số sống ở những khu tập thể, nhiều nơi còn không có cả nước nóng và nước lạnh. Khi họ tham gia vào nghiên cứu, tất cả đều được phỏng vấn. Họ cũng được thăm khám sức khỏe đầy đủ. Chúng tôi tới thăm từng căn nhà và phỏng vấn cha mẹ họ. Sau đó các thanh thiếu niên này trưởng thành và trải qua tất cả các giai đoạn của cuộc đời. Người thì trở thành công nhân, người thì làm luật sư, thợ xây hay bác sĩ, một người còn trở thành Tổng thống Mỹ. Vài người trở nên nghiện rượu. Một số ít bị tâm thần phân liệt. Một số người leo từng bước trên bậc thang xã hội từ tận dưới cùng lên đến bậc cao nhất, còn có người lại đi theo chiều ngược lại. Các nhà sáng lập của nghiên cứu này sẽ không thể nào tưởng tượng được dù là trong giấc mơ hoang đường nhất của họ, rằng tôi sẽ đứng đây, 75 năm sau, và nói với các bạn rằng nghiên cứu vẫn đang tiếp tục. Cứ mỗi 2 năm, các nhân viên nghiên cứu đầy kiên nhẫn và tận tụy của chúng tôi lại gọi điện cho đối tượng nghiên cứu và hỏi liệu chúng tôi có thể gửi đi thêm một bộ câu hỏi nữa về cuộc sống của họ hay không. Nhiều người đàn ông ở nội thành Boston đã hỏi chúng tôi, "Tại sao các ông vẫn nghiên cứu tôi vậy? Cuộc đời của tôi đâu thú vị đến thế." Những người từ Harvard thì chưa từng đặt câu hỏi đó. (Cười) Để có được bức tranh rõ nét nhất về cuộc đời của những người này, chúng tôi không chỉ gửi họ bộ câu hỏi. Chúng tôi còn phỏng vấn họ, tại phòng khách trong chính ngôi nhà của họ. Cũng như thu thập hồ sơ y tế từ các bác sĩ của họ. Chúng tôi lấy máu, chụp hình ảnh não bộ, trò chuyện với con cái họ. Chúng tôi cũng quay lại cuộc trò chuyện của họ với vợ về những mối quan ngại thầm kín nhất. Và khoảng một thập kỉ trước, khi chúng tôi hỏi các người vợ liệu họ có muốn tham gia cùng chúng tôi với vai trò là thành viên của nghiên cứu không, nhiều người phụ nữ trong số đó đã nói: “Cũng đến lúc rồi đó”. (Cười) Vậy chúng ta học được gì? Bài học rút ra từ hàng chục nghìn trang thông tin mà chúng tôi đã thu thập được từ cuộc đời của những đối tượng nghiên cứu là gì? Những bài học ở đây không phải về sự giàu có, danh vọng hay làm việc cật lực. Thông điệp rõ ràng nhất chúng tôi rút ra từ nghiên cứu kéo dài 75 năm này là: Các mối quan hệ tốt khiến chúng ta vui vẻ và khỏe mạnh hơn. Chấm hết. Chúng ta học được 3 bài học lớn về các mối quan hệ. Đầu tiên đó là các tương tác xã hội thực sự tốt cho chúng ta, và sự cô đơn sẽ giết ta. Sự thật là những người kết nối nhiều hơn với gia đình, bạn bè và cộng đồng xung quanh, thì hạnh phúc hơn, thể chất cũng tốt hơn và sống thọ hơn so với những người ít kết nối. Và sự cô đơn thì khá là độc hại. Những người sống biệt lập và không muốn ở cạnh người khác tự thấy rằng bản thân ít hạnh phúc, sức khỏe thì suy giảm sớm ngay từ tuổi trung niên, chức năng của não bộ cũng giảm sút và tuổi thọ của họ thường ngắn hơn những người không cô đơn. Và sự thật đáng buồn là dù ở bất kỳ thời điểm nào, cứ 5 người Mỹ thì có ít nhất 1 người bảo rằng họ đang cô đơn. Và chúng tôi biết bạn có thể thấy cô đơn giữa đám đông có thể lạc lõng trong hôn nhân, vì vậy bài học lớn thứ hai chúng tôi rút ra là không phải số lượng bạn bè bạn có, và dù bạn có đang cam kết trong một mối quan hệ hay không, thì chất lượng các mối quan hệ thân thiết của bạn mới là điểm mấu chốt. Hóa ra là sống giữa các cuộc xung đột thì thực sự ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của chúng ta. Những cuộc hôn nhân hay xảy ra mâu thuẫn, ví dụ, thiếu thốn về tình cảm, thì thường có hại cho sức khỏe, có lẽ còn tệ hơn cả ly hôn. Và việc sống trong các mối quan hệ lành mạnh và ấm áp sẽ bảo vệ chúng ta. Khi đã dõi theo cuộc đời của những người đàn ông tới năm họ ngoài 80 tuổi, chúng tôi muốn nhìn lại họ vào giai đoạn trung niên để xem liệu có thể dự đoán được ai sẽ trở thành một ông già 80 tuổi hạnh phúc, khỏe mạnh và ai sẽ không. Và khi chúng tôi thu thập lại tất cả những gì mình biết về họ ở độ tuổi 50, không phải là nồng độ cholesterol lúc trung tuổi sẽ dự báo cách họ già đi như thế nào. mà đó chính là mức độ hài lòng của họ trong các mối quan hệ. Những người ở trong các mối quan hệ khiến họ thỏa mãn nhất lúc 50 tuổi là những người khỏe mạnh nhất khi 80. Và các mối quan hệ tốt và gần gũi có vẻ sẽ giúp chúng ta giảm bớt các tác hại của tuổi già. Cặp đôi hạnh phúc nhất của chúng tôi đã bảo rằng, khi họ trong độ tuổi 80, vào những ngày họ phải chịu đựng nhiều hơn nỗi đau về mặt thể xác, thì tâm trạng của họ vẫn vui vẻ. Nhưng với những người ở trong các mối quan hệ không hạnh phúc, những cơn đau về mặt vật lý, bị khuyếch đại thêm nhiều lần bởi những tổn thương về tinh thần. Và bài học lớn thứ 3 về các mối quan hệ và sức khỏe là các mối quan hệ tốt không chỉ bảo vệ thân thể chúng ta, mà còn cả trí não của chúng ta nữa. Sự thật là, việc ở trong một mối quan hệ gắn bó và an toàn với một người khác khi bạn ngoài 80 tuổi thì sẽ bảo vệ bạn, những người trong các mối quan hệ mà họ có thể nương tựa khi cần thì họ sẽ có trí nhớ minh mẫn hơn. Còn những người trong các mối quan hệ họ chẳng dựa dẫm được gì, thì tình trạng suy giảm trí nhớ xảy ra sớm hơn. Và kể cả các mối quan hệ tốt đẹp thì không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Một vài cặp đôi lớn tuổi vẫn có thể cãi nhau chuyện vặt vãnh ngày này qua ngày khác, nhưng miễn là họ cảm thấy có thể dựa vào đối phương khi gặp khó khăn, thì các cuộc tranh cãi đó chẳng ảnh hưởng gì đến trí nhớ của họ. Vì vậy thông điệp này, rằng các mối quan hệ tốt đẹp và bền chặt thì tốt cho sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta, sự thật này thì xưa như trái đất rồi. Tại sao điều này khó mà đạt được và chúng ta thường phớt lờ dễ dàng? Vâng, chúng ta là con người. Cái ta muốn là một giải pháp thật nhanh chóng, thứ mà chúng ta có thể đạt được và làm cho cuộc sống chúng ta tốt đẹp cũng như duy trì nó như thế. Các mối quan hệ thì rất rối ren và phức tạp những nỗ lực để gắn bó với gia đình và bạn bè, thì chẳng hấp dẫn hay hào nhoáng. Đó là việc làm cả đời. Và nó chẳng có hồi kết. Trong nghiên cứu 75 năm của chúng tôi, những người tham gia hạnh phúc nhất lúc về hưu là những người đã rất năng nổ để biến đồng nghiệp thành bạn bè. Giống như thế hệ trẻ gen Y trong nghiên cứu gần đây, rất nhiều người trong số những người đàn ông của chúng tôi khởi đầu là những thanh niên đã từng tin rằng danh vọng, sự thịnh vượng và thành tựu lẫy lừng mới thực sự là thứ họ cần theo đuổi để có một cuộc sống tốt. Nhưng qua 75 năm, nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng những người hạnh phúc nhất là những người để tâm tới các mối quan hệ, với gia đình, bạn bè và cộng đồng xung quanh. Vậy bạn thì sao? Cứ cho là bạn đang 25, 40 hay 60 tuổi. Việc để tâm tới các mối quan hệ là như thế nào? Thật ra có vô vàn cách. Có thể đó đơn giản chỉ là bỏ điện thoại xuống và dành thời gian với mọi người hay làm sống lại một mối quan hệ đã cũ kỹ bằng cách cùng nhau làm một điều gì mới, cùng tản bộ hay những buổi tối hẹn hò, hay nối lại liên lạc với một thành viên gia đình mà bạn đã không nói chuyện hàng năm trời, do tất cả các mâu thuẫn gia đình quá đỗi bình thường ấy có thể làm hại tới những người hay hận thù. Tôi muốn khép lại bằng một câu danh ngôn từ Mark Twain. Hơn một thế kỷ trước, ông ấy đã ngẫm lại cuộc đời của chính mình, và viết ra câu này: "Không có thời gian đâu, cuộc sống rất ngắn ngủi cho những cuộc cãi vã vặt vãnh, những lời hối lỗi, làm đau trái tim, và đổ lỗi. Ta chỉ còn thời gian cho sự yêu thương, và ngay lập tức, hãy nói ra điều đó đi." Cuộc sống tốt đẹp được xây dựng bởi những mối quan hệ tốt. Xin cảm ơn. (Vỗ tay)