Xin chào. Đây là chuyến đi đầu tiên của tôi, lần đầu tiên trong đời tôi bước ra khỏi những bức tường của Dải Gaza. Tôi rất vui khi được tới đây. (Vỗ tay) Tôi luôn ước mơ được trở thành phi công, được lái máy bay, được tự do bay lượn trên bầu trời, được chạm vào bầu trời. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Đơn giản thôi, tôi sống ở Gaza, ở đó không hề có sân bay. Tất cả các đường biên giới đều khép lại. Chúng tôi sống ở một trong những nhà tù lớn nhất thế giới. Điều duy nhất tôi có thể làm là ngước nhìn lên bầu trời. Những ngày may mắn là những ngày chúng tôi có điện để dùng trong vòng 4 hay 5 tiếng. Khi trời lạnh, chúng tôi nhóm lửa trước cửa hay trên mái nhà. Thi thoảng chúng tôi cũng nấu ăn nữa. Công việc của tôi ở Gaza là sắp xếp mọi thứ để các nhà báo tới được quê hương tôi để kể lại những câu chuyện đang xảy ra ở Gaza. Có những buổi sáng, tôi phải tới gần khu vực biên giới để đón một nhà báo nào đó. Nếu có điều gì xảy ra với nhà báo đó, hoặc nếu người đó muốn viết một phóng sự mà chính phủ không muốn được đưa ra, những điều tồi tệ có thể xảy ra. Dẫn đường giúp các nhà báo các đoàn làm phim, phóng viên, chính là công việc của tôi. Tôi tin thành công của mình tới từ việc xây dựng mối quan hệ không chỉ với nhà báo hay phóng viên, mà cả những cộng đồng nằm trong dải Gaza. Những cộng đồng không muốn câu chuyện của họ được kể ra này, tôi chưa bao giờ coi họ chỉ như những câu chuyện hay con số. Mà giống như tôi, họ đều là con người. Tôi đã gây dựng biết bao mối quan hệ trong vòng 10 năm. Và bạn biết không? Nó cho tôi cơ hội được tiếp cận những người, những câu chuyện mà không ai tiếp cận được Trong một số trường hợp cụ thể Tôi cảm thấy tôi mạnh mẽ hơn khi là phụ nữ Có rất nhiều nhà báo là nam giới, họ muốn viết một bài về tình trạng nghiện thuốc ở đây. Vấn đề đó bắt đầu nảy sinh từ khi Dải Gaza hình thành. Vì sự cấm vận ở Gaza, các đường hầm giúp con người có tiện nghi cơ bản như đồ ăn, vật liệu xây dựng, hay những thứ khác mà chúng tôi cần. Nhưng giờ thì không, vì phía Ai Cập đã cho ngập nước những hầm này và họ không còn làm việc nữa rồi. Thuốc phiện được nhập lậu, và nhiều người trẻ giờ đã bị nghiện rồi. Theo truyền thống của người Palestine, đàn ông không được đi vào nhà. Nên không nhà báo nam nào viết bài được Nhưng tôi thì khác. Tôi có một người chồng tuyệt vời, người ủng hộ tôi mặc cho mọi điều tiếng mà anh ấy hứng chịu từ bên ngoài. Anh ấy ở nhà với hai con của chúng tôi, và tôi đang có một bé nữa ở đây. (Vỗ tay) Khi làm việc, tôi gọi anh ấy hai giờ một lần, và anh ấy biết nếu không nhận được tin từ tôi anh ấy nên gọi một người, người giúp tôi tiếp cận những câu chuyện, và cũng là người tôi tin tưởng. Có một lần ở Gaza, khi nhà báo người Anh Alan Johnston bị bắt cóc, tôi được một tạp chí Mỹ nhờ sắp xếp một cuộc gặp mặt với những kẻ bắt cóc ở Gaza, và tôi đã làm Người phóng viên viết bài đó và tôi được yêu cầu gặp mặt bên ngoài khách sạn anh ấy đang ở. Họ tới, đưa chúng tôi đi trong một xe tải màu đen có cửa sổ đen, ngày hôm đó họ mang mặt nạ. Và họ đưa chúng tôi đi, xa thật xa tới giữa một cánh đồng. Họ giữ điện thoại di động của chúng tôi và chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn với tên bắt cóc ngay tại cánh đồng đó. Tôi cảm thấy rất sợ hãi ngày hôm đó, và tôi sẽ không bao giờ quên. Vậy tại sao tôi lại làm công việc này? Bởi vì nếu tôi không làm điều này một phần lớn trong câu chuyện về Gaza sẽ biến mất. Có một vài câu chuyện tôi muốn kể các bạn nghe về đất nước tôi. Và không phải tất cả đều xấu. Tôi yêu tổ quốc, dù rằng chúng tôi đang sống rất khổ cực -- cấm vận, nghèo đói, thất nghiệp -- nhưng ở đây có sự sống. Ở đây có những con người mộng mơ và họ mang trong mình năng lượng tuyệt vời Chúng tôi có âm nhạc và trường dạy nhạc tuyệt đỉnh. Chúng tôi có những vũ công parkour và họ nhảy trong những căn nhà đổ nát. Gaza là nơi duy nhất trong cả thế giới Ả rập có người theo Đạo Hồi và Thiên Chúa sống trong tình yêu thương chan hòa. (Vỗ tay) Trong thời gian chiến tranh, điều khó khăn nhất với tôi là bước ra khỏi nhà vào mỗi sáng, rời xa những đứa con của tôi. Tôi chụp hình chúng lại mỗi ngày vì tôi không biết chắc rằng tôi có thể quay lại với chúng hay không. Là một người sắp xếp và nhà báo ở Gaza thực sự rất khó khăn và nguy hiểm. Nhưng khi nghe tiếng vỏ đạn và tiếng bom nổ ở đâu tôi lập tức tiến về phía đó, bởi vì tôi muốn là người đầu tiên tới đó, bởi vì có những câu chuyện cần được kể ra. Khi con tôi còn nhỏ và chúng tôi nghe âm thanh từ chiến tranh tôi thường nói với chúng rằng đó là tiếng pháo hoa đấy. Giờ chúng đã lớn và hiểu chuyện rồi. Tôi có những cơn ác mộng khủng khiếp bởi những điều tôi chứng kiến trong chiến tranh đặc biệt là những cái xác không còn sự sống của trẻ em. Tôi còn nhớ một cô bé, tên Hala. Cô bé là người duy nhất sống sót trong gia đình của mình. Hình ảnh của bé sẽ ở trong tôi mãi mãi. Tôi sẽ không bao giờ quên cô bé ấy. Tôi tự hào rằng tôi có thể đứng đây và nói chuyện cùng các bạn hôm nay. Tôi tự hào vì tôi có thể kể cho các bạn những câu chuyện buồn vui, những câu chuyện về một góc của thế giới, ở Gaza. Tôi tự hào vì bản thân là người nữ sắp xếp đầu tiên ở Gaza. Và thật buồn cười là ở đó mọi người gọi tôi là ngài Rambo, bằng tiếng Gaza (Cười lớn) Tôi hi vọng một ngày nào đó có cơ hội để kể câu chuyện về những phụ nữ khác, về những phụ nữ tuyệt vời mà tôi biết tại đất nước tôi. Tôi hi vọng một ngày tôi có thể giúp những phụ nữ tại quê hương trở thành người sắp xếp như tôi. Và tất nhiên có đôi lúc, tôi cảm thấy không thể tiếp tục được nữa, tôi cảm thấy rất chán nản. Nhưng tôi lại nhớ những lời này: "Đừng giới hạn thử thách, mà hãy thử thách giới hạn của mình. Đừng để ai ngăn cản bạn thực hiện giấc mơ của chính mình." Xin cảm ơn! (Vỗ tay)