Tôi có một người bạn trên Facebook với một cuộc sống dường như hoàn hảo. Cô sống trong một căn nhà lộng lẫy. Và có một công việc rất đáng ao ước. Cô ấy và gia đình có những chuyến đi chơi vui vẻ vào mỗi cuối tuần. Và tôi cá là họ phải mang cả thợ chụp ảnh theo đấy. (Tiếng cười) Vì bất kể là họ đi đâu hay làm gì thì cả gia đình cũng đều trông rất tuyệt. Và cô ấy luôn viết trên mạng về việc cô đã cảm thấy may mắn và biết ơn ra sao bởi cuộc sống mà mình đang có. Và tôi có cảm giác như cô ấy nói thế không phải để tung hô trên Facebook mà là cô ấy thực sự hạnh phúc như thế. Có bao nhiêu người trong số các bạn có một người bạn kiểu như vậy? Và bao nhiêu người trong số các bạn đôi lúc không ưa kiểu người đó? (Tiếng cười) Tất cả chúng ta đều có ý nghĩ như thế phải không nào? Thật khó để có suy nghĩ khác. Nhưng lối suy nghĩ đó sẽ gây tổn hại cho các bạn. Và đó là điều tôi muốn chia sẻ với các bạn hôm nay là những gì chúng ta phải trả giá cho những thói quen xấu của mình. Có lẽ bạn vừa cuộn qua trang Facebook của mình và nghĩ: "Nếu tôi lướt qua chút thì có sao nào? Chỉ mất có 5 giây thôi mà. Điều đó thì có gì tổn hại cho tôi chứ?" Thật ra thì các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu bạn tỏ ra ghen tị với bạn của mình trên Facebook thì bạn có thể bị trầm cảm đấy. Đó mới chỉ là một trong những cái bẫy mà tâm trí chúng ta tạo ra. Bạn có bao giờ than phiền về người chủ của mình? Hay nhìn vào cuộc sống của bạn bè và thầm nghĩ, "Tại sao họ lại may mắn đến thế?" Bạn không thể ngừng suy nghĩ như vậy đúng không? Cách suy nghĩ đó có vẻ không có gì to tác lúc này. Trên thực tế, nó còn có thể làm cho bạn cảm thấy vui hơn trong giây lát. Nhưng cách suy nghĩ này đang ăn mòn sức mạnh tinh thần của bạn đấy. Có ba ý nghĩ tai hại làm cho chúng ta kém mạnh mẽ và đánh mất sức mạnh tinh thần của mình. Đầu tiên là những ý nghĩ không tốt về bản thân chúng ta. Chúng ta dường như cảm thấy mình đáng thương hại. Và trong khi buồn phiền khi chuyện không may xảy ra là điều bình thường nhưng tự thương hại là tệ hơn thế. Đó là khi bạn bắt đầu phóng đại điều không may của mình. Khi bạn nghĩ mọi thứ theo kiểu "Sao những thứ nầy luôn xảy đến với tôi chứ?" "Lẽ ra tôi không đáng bị như vậy." Cách nghĩ này làm cho bạn mắc kẹt, luôn lẩn quẩn trong vấn đề, ngăn bạn tìm ra giải pháp. Và cả khi bạn không thể tìm ra giải pháp, bạn cũng có thể làm gì đó để cho cuộc sống của bạn hay ai đó tốt hơn. Nhưng bạn không làm được như vậy nếu bạn cứ chìm đắm trong những tiếc nuối của mình. Loại suy nghĩ tai hại thứ hai kìm hãm chúng ta là những suy nghĩ không tốt về người khác. Chúng ta nghĩ rằng những người khác có thể tác động đến chúng ta, và chúng ta đánh mất sức mạnh của chính mình. Nhưng với tư cách những người trưởng thành sống trong một quốc gia tự do thì không có nhiều thứ bạn phải làm. Khi bạn nói: "Tôi phải làm việc muộn" bạn đã đánh mất sức mạnh của mình. Có thể sẽ có nhiều hậu quả nếu bạn không ở lại làm hết công việc nhưng đó là quyền lựa chọn ở bạn. Hay khi bạn nói rằng, "Mẹ chồng khiến tôi phát điên" bạn cũng cho đi sức mạnh của chính mình. Có thể bà ấy không phải là người tốt nhất trên đời nhưng xử sự với bà ấy như thế nào là tùy vào bạn vì tất cả đều là do bạn quyết định. Loại suy nghĩ thứ ba không tốt và kìm hãm chúng ta là những suy nghĩ không tốt về cuộc sống. Ta luôn nghĩ rằng cuộc sống này nợ ta điều gì đó. Chúng ta nghĩ rằng, "Nếu tôi nỗ lực đủ thì tôi xứng đáng có được thành công." Nhưng mong chờ thành công đến với bạn như một phần thưởng to lớn sẽ chỉ dẫn đến thất vọng mà thôi. Nhưng tôi biết sẽ rất khó để từ bỏ những thói quen tư duy không tốt đó. Rất khó để thoát khỏi những suy nghĩ không tốt chúng ta đã mang theo mình từ rất lâu. Nhưng bạn không thể không bỏ chúng được. Vì sớm hay muộn, bạn cũng sẽ đi tới một thời điểm trong cuộc đời lúc mà bạn cần đến tất cả sức mạnh tinh thần mà mình tích lũy được. Khi tôi 23, tôi đã nghĩ tôi nắm rõ cuộc đời mình. Tôi tốt nghiệp đại học. Tôi có công việc lớn đầu tiên với tư cách một nhà trị liệu. Tôi kết hôn. Và tôi thậm chí còn mua được nhà. Và tôi đã nghĩ "Cuộc đời sẽ rất tuyệt từ đây!" "Tôi đã có một khởi đầu khó tin trên bước đường thành công." Điều gì xảy ra được cơ chứ? Mọi thứ bắt đầu thay đổi khi một ngày nọ, tôi nhận được một cú điện thoại từ chị gái. Chị ấy nói là mẹ chúng tôi bất tỉnh và được đưa vào bệnh viện. Anh Lincoln chồng tôi và tôi lên xe và phóng thẳng tới bệnh viện. Tôi không tài nào tưởng tượng được mọi chuyện lại xảy ra như thế. Mẹ tôi chỉ mới 51 tuổi. Bà không có bất kỳ tiền sử bệnh lý nào. Khi chúng tôi tới bệnh viện, các bác sĩ giải thích rằng bà bị phình mạch não bộ. Và trong vòng 24 tiếng, mẹ tôi, người dậy mỗi sáng thường hay nói rằng "Thật là một ngày tuyệt vời để sống" đã qua đời. Tin đó khiến tôi tan nát. Tôi và mẹ vốn rất thân thiết. Là một chuyên gia, tôi thừa biết trên lý thuyết cách để trị niềm đau. Nhưng biết và làm là hai việc rất khác nhau. Mất một thời gian khá dài để tôi cảm thấy mình trở lại bình thường. Và trong buổi lễ tưởng niệm 3 năm ngày mất của mẹ tôi, vài người bạn gọi điện đến mời Lincoln và tôi đến xem một trận bóng rổ. Thật trùng hợp, trận đấu diễn ra ở cùng một hội trường, nơi mà tôi đã gặp mẹ lần cuối vào đêm trước khi bà mất. Tôi chưa trở lại nơi ấy từ thời điểm đó. Tôi không chắc mình có muốn quay lại nơi đó không. Nhưng Lincoln và tôi đã bàn về chuyện này, và cuối cùng chúng tôi quyết định "Có thể đây là cách tốt để tưởng nhớ bà" Vậy là chúng tôi đi xem trận đấu. Và chúng tôi thực sự đã trải qua thời gian rất vui với đám bạn. Trên đường trở về vào đêm ấy, chúng tôi nói thật tuyệt vời khi có thể trở lại nơi ấy, và nhớ về mẹ với một nụ cười thay vì cứ giữ mãi những cảm giác đau buồn. Nhưng ngày sau khi chúng tôi về đến nhà vào đêm ấy, Lincoln nói anh cảm thấy không ổn. Vài phút sau, anh ấy ngã quỵ xuống. Tôi phải gọi cấp cứu. Gia đình anh cũng đã tới phòng cấp cứu. Chúng tôi chờ rất lâu cho tới khi một bác sĩ bước ra. Nhưng thay vì để cho chúng tôi nhìn thấy Lincoln, ông ấy đưa chúng tôi vào phòng riêng mời chúng tôi ngồi và giải thích với chúng tôi rằng Lincoln, người mà tôi biết thích mạo hiểm nhất đã ra đi mãi mãi. Lúc đó chúng tôi không biết rằng anh đã lên cơn đau tim. Anh ấy chỉ mới 26 tuổi. Anh ấy không có tiền sử bệnh tim nào cả. Và ngay lúc đó, tôi trở thành một quá phụ ở tuổi 26, và không còn mẹ. Tôi suy nghĩ: "Làm sao mình vượt qua được đây?" Và nếu nói rằng đó là quãng thời gian đau buồn trong cuộc đời tôi thì đó có lẽ cũng chỉ là cách nói nhẹ thôi. Cũng trong quãng thời gian đó, tôi nhận ra rằng khi bạn thực sự ở vào những thời điểm khó khăn, nhiều thói quen tốt vẫn chưa đủ. Chỉ cần một hai thói xấu là đã có thể hủy hoại bạn. Tôi cố làm việc hết sức mình, không chỉ để tạo thói quen tốt trong cuộc sống của mình, mà còn để tránh những thói xấu mặc dầu chúng không đáng kể lắm. Thông qua mọi nỗ lực, tôi giữ hy vọng rằng ngày nào đó cuộc sống sẽ tốt hơn. Và cuối cùng điều đó đã thành hiện thực. Vài năm sau đó, tôi gặp Steve. Và chúng tôi yêu nhau. Và tôi kết hôn. Chúng tôi bán căn nhà mà tôi và Lincoln từng ở, mua một căn mới, ở một khu vực khác, và tôi có một công việc mới. Nhưng ngay khi tôi có thể bắt đầu cảm thấy nhẹ nhõm để làm lại từ đầu thì chúng tôi được tin bố của Steve mắc ung thư giai đoạn cuối. Và tôi bắt đầu nghĩ, "Tại sao những thứ này cứ tiếp diễn như vậy?" "Tại sao tôi cứ phải mất đi những người thân yêu?" "Thật không công bằng." Nhưng nếu tôi chỉ nhận ra một điều, thì điều đó là suy nghĩ như thế sẽ kìm hãm tôi. Tôi biết rằng mình sắp cần đến tất cả sức mạnh tinh thần sẵn có để vượt qua thêm một nỗi đau. Vậy nên tôi ngồi xuống và viết ra một danh sách những điều mà những người tinh thần mạnh mẽ không làm. Và tôi đọc lại danh sách đó. Đó là tất cả những thói quen xấu mà tôi đã làm lúc này hay lúc khác và khiến chính mình bị kìm hãm. Và tôi tiếp tục đọc đi đọc lại cái danh sách đó. Tôi thực sự rất cần nó. Vì trong vòng vài tuần tôi viết nó, bố của Steve đã qua đời. Cuộc hành trình nầy dạy tôi rằng bí quyết để trở nên mạnh mẽ là phải từ bỏ những thói quen suy nghĩ không tốt. Sức mạnh tinh thần có nhiều điểm giống với sức mạnh thể xác. Nếu bạn muốn có một cơ thể săn chắc, bạn cần đến phòng tập thể dục và nâng tạ. Nhưng nếu bạn thực sự muốn thấy kết quả, bạn cần phải từ bỏ thói quen ăn vặt. Sức mạnh tinh thần cũng vậy. Nếu bạn muốn tinh thần mạnh mẽ, bạn cần những thói quen tốt như việc rèn thái độ biết ơn. Nhưng bạn cũng phải từ bỏ những thói quen xấu, như việc ghen tị với thành công của người khác. Bất kể việc đó có xảy ra thường xuyên hay không thì nó cũng sẽ không tốt cho bạn. Vậy làm cách nào để bạn tập cho suy nghĩ của mình khác đi? Làm cách nào để bạn từ bỏ những thói quen suy nghĩ không tốt mà bạn vẫn luôn giữ bên mình? Bắt đầu với việc chống lại những suy nghĩ tiêu cực mà tôi đã nói với bạn, bằng những điều tích cực hơn. Ví dụ những suy nghĩ không tốt về chính bản thân thường xảy ra vì chúng ta không thoải mái trong lòng. Cảm giác buồn, đau, giận dữ hay sợ hãi là những cảm giác không thoải mái. Vậy nên chúng ta thường dành nhiều công sức để tránh đi sự không thoải mái đó. Chúng ta trốn tránh bằng cách tạo ra cảm giác thương hại cho mình. Và dù cho điều đó có làm cho ta tạm quên đi nỗi đau thì nó cũng đồng thời kéo dài nỗi đau. Cách duy nhất để vượt qua cảm giác không thoải mái, để đối mặt với chúng là bạn phải vượt ngang qua chúng. Hãy tận cảm nhận nỗi buồn, để rồi sẽ vơi nhẹ đi. Để tự tin vào khả năng của mình để đối mặt với cảm giác không thoái mái đó. Những suy nghĩ không tốt về người khác xảy ra vì chúng ta so sánh mình với người khác. Chúng ta nghĩ hoặc là họ giỏi hơn hoặc là họ tệ hơn mình. Hoặc là chúng ta nghĩ họ có thể tác động đến cảm xúc của chúng ta. Hoặc là chúng ta có thể tác động đến cách họ hành xử. Hoặc là chúng ta trách móc họ vì đã cản trở chúng ta. Nhưng thực ra, chính chúng ta đã làm điều đó. Bạn phải chấp nhận rằng bạn là chính bạn và những người khác thì không liên quan gì tới bạn. Người duy nhất mà bạn nên so sánh là con người của bạn ngày hôm qua. Và những suy nghĩ không tốt về cuộc sống xuất hiện bởi sâu thẳm trong thâm tâm, chúng ta đều muốn cuộc sống này công bằng. Chúng ta muốn nghĩ rằng nếu chúng ta đã thể hiện tốt thì những điều tốt đẹp sẽ xảy đến. Hay nếu chúng ta đã trải qua đủ khó khăn thì chúng ta sẽ nhận được phần thưởng nào đó. Nhưng sau cùng, bạn phải chấp nhận rằng cuộc sống không hề công bằng. Và điều này sẽ giải phóng bạn. Có nghĩa là không nhất thiết bạn sẽ được tặng thưởng cho việc làm tốt của mình nhưng cũng có nghĩa là, nếu bạn đang có quá nhiều đau khổ thì cũng chưa hẳn là ngày tận thế đã đến đâu. Cuộc sống không vận hành theo kiểu như vậy. Cuộc sống là cái bạn tạo nên. Nhưng dĩ nhiên, trước khi bạn thay đổi cuộc sống của mình, bạn phải tin là bạn làm được điều đó. Có lần, tôi làm việc với một một người đàn ông bị tiểu đường lâu năm. Bác sĩ đề nghị ông ta điều trị vì ông có vài thói quen suy nghĩ không tốt ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể. Mẹ của ông đã chết vì biến chứng của bệnh tiểu đường khi còn trẻ, vậy nên ông tin chắc rằng mình cũng tới số rồi, và ông đã từ bỏ việc kiểm soát lượng đường huyết của mình. Thực tế là đường huyết của ông gần đây rất cao và nó bắt đầu ảnh hưởng đến thị lực của ông. Ông bị tước giấy phép lái xe. Và cuộc sống của ông dần co cụm lại. Khi ông đến văn phòng của tôi, rõ ràng là ông đã biết tất cả những gì mình phải làm để kiểm soát lượng đường huyết cùa mình. Chỉ là ông không nghĩ là nó đáng để nỗ lực. Nhưng cuối cùng, ông đã đồng ý thực hiện một thay đổi nhỏ. Ông nói, "Tôi sẽ bỏ thói quen uống 2 lít Pepsi mỗi ngày, và thay bằng Pepsi Diet." Chính ông cũng không thể tin là chỉ số của mình đã được cải thiện nhanh đến như vậy. Và mặc dù mỗi tuần ông đến đều càm ràm về cái vị kinh tởm của Pepsi Diet thì ông cũng đã quen với nó. Lúc ông bắt đầu nhận thấy một chút dấu hiệu tiến bộ ông đã nói: "Có lẽ tôi nên để ý đến những thói quen khác của mình." Ông nói "Tôi nên thay ly kem buổi tối bằng một món có ít đường hơn." Và một hôm, khi ông ở trong một cửa hàng đồ cũ với vài người bạn, ông đã tìm thấy chiếc xe đạp tập thể dục cũ kĩ này. Ông đã mua nó với giá vài đô, và mang nó về nhà, đặt phía trước cái tivi. Và ông bắt đầu tập đạp trong lúc xem chương trình yêu thích của mình mỗi đêm. Và không những ông đã xuống cân mà một ngày nọ, ông còn nhận thấy mình có thể thấy cái tivi rõ hơn đôi chút so với trước kia. Và điều đó đã xảy ra đầy bất ngờ, có lẽ tổn thương thị lực của ông không phải là vĩnh viễn. Vậy là ông đặt cho mình một mục tiêu mới-- để có lại giấy phép lái xe. Và từ ngày đó trở đi, mọi việc tiến triển rất tốt. Khi đến lúc gần kết thúc trị liệu, ông ấy đều đến mỗi tuần và nói "Được rồi. Tuần này chúng ta sẽ làm gì đây?" Vì cuối cùng thì ông cũng đã tin rằng ông có thể thay đổi cuộc sống của mình. Và rằng ông có sức mạnh tinh thần để thực hiện thay đổi đó. Ông có thể từ bỏ thói quen suy nghĩ tiêu cực của mình. Và tất cả đều bắt đầu với chỉ một bước nhỏ thôi. Tôi khuyến khích bạn hãy nghĩ lại xem thói quen suy nghĩ không tốt nào đang kìm hãm bạn? Những suy nghĩ không tốt nào đang ngăn cản bạn trở nên mạnh mẽ? Và thay đổi nhỏ nào hôm nay bạn có thể thực hiện? Ngay đây, ngay bây giờ. Cảm ơn. (Vỗ tay)