Ngoài khơi bờ biển lởm chởm đá của Tây Bắc Thái Bình Dương, là những đàn cá voi sát thủ sống dưới vùng nước lạnh giá. Mỗi gia đình sống sót được ở đây phần lớn là nhờ một thành viên, được coi là thợ săn giàu kinh nghiệm nhất: Cá voi Bà. Những vị nữ thủ lĩnh này có thể sống đến hơn tám mươi năm, trong khi hầu hết những con đực chết dần vào tuổi ba mươi. Dù chúng sống ở khắp các đại dương, cho tới nay, ta vẫn biết rất ít về cá voi sát thủ. Chi tiết về đời sống của chúng khuất tầm mắt các nhà khoa học cho tới khi một tổ chức mang tên Trung tâm Nghiên cứu Cá voi bắt đầu nghiên cứu một quần thể đơn lẻ gần tiểu bang Washington và British Columbia năm 1976. Nhờ công trình nghiên cứu của họ, ta biết thêm được rất nhiều điều về những chú cá voi, còn được biết đến như Những Cư dân miền Nam. Càng nghiên cứu, ta càng thấy rõ vai trò trọng yếu của cá thể lớn tuổi trong quần thể. Mỗi cá voi Bà khi còn là con non đều được sinh ra trong gia đình theo chế độ mẫu hệ. Cả gia đình làm mọi thứ cùng nhau, săn mồi và chơi đùa, thậm chí, giao tiếp bằng các tiếng kêu riêng. Cả cá voi con đực và cái đều dành toàn bộ cuộc đời với gia đình bên mẹ. Nhưng không có nghĩa là chúng chỉ tương tác với những con họ hàng. Bên cạnh những tiếng kêu đặc trưng, dòng họ bên mẹ của chúng cũng chia sẻ phương ngữ với các gia đình lân cận, và giao tiếp rất thường xuyên. Khi một con giống cái sống tới khoảng tuổi mười lăm hoặc hơn, những cuộc gặp như thế trở thành cơ hội để kết đôi với con đực từ đàn khác. Những mối quan hệ liên gia đình này thường chỉ để giao phối-- rồi con cái và con non sẽ trở về với gia đình của mình, trong khi con đực quay lại bên mẹ của nó. Khi xấp xỉ bốn mươi, trung bình mỗi sáu năm, cá voi cái lại sinh con một lần. Sau đó, nó trải qua thời kỳ mãn kinh - điều ta hầu như chưa hề thấy trong thế giới động vật. Trên thực tế, con người, cá voi sát thủ và một vài loài cá voi khác là những loài duy nhất tiếp tục sống sau khi ngừng sinh sản. Sau thời kỳ mãn kinh, cá voi Bà dẫn gia đình đi săn cá hồi, nguồn thức ăn chính của những Cư dân miền Nam này. Hầu hết mùa đông chúng sẽ săn bắt xa bờ, thường là cá hồi với vài loài cá khác. Nhưng khi cá hồi bơi vào bờ để đẻ trứng, cá voi sát thủ sẽ đi theo. Nữ thủ lĩnh sẽ chỉ cho các cá voi trẻ hơn nơi có nguồn cá dồi dào nhất. Bà cũng chia sẻ tới 90% lượng cá hồi bắt được. Mỗi năm qua đi, đóng góp của cá voi Bà càng trở nên quan trọng: việc săn bắt quá mức, hủy hoại môi trường sống làm lượng cá hồi sụt giảm, đẩy cá voi vào nguy cơ chết đói. Sự tinh khôn của cá voi Bà là mấu chốt đảm bảo sự sống còn của cả gia đình, nhưng tại sao chúng lại ngừng sinh sản? Đối với giống cái, duy trì việc sinh sản luôn là một lợi thế, ngay cả khi cần chăm sóc cho con, cháu của mình. Vài hoàn cảnh nhất định đã thay đổi sự cân bằng này ở cá voi sát thủ. Thực tế, khả năng cá voi con đực hay cái rời khỏi gia đình gốc là cực kỳ thấp -- trong khi ở hầu hết tất cả các loài động vật khác, một hay cả hai giới đều sẽ rời khỏi gia đình. Điều này có nghĩa là khi một con cá voi sát thủ cái già đi, tỷ lệ các thành viên họ hàng gần với nó (gồm con và cháu) sẽ tăng lên trong khi họ hàng xa hơn sẽ chết dần. Vì những con cái già thường gần gũi với đàn hơn so với những con trẻ, chúng đóng góp nhiều hơn cho gia đình, trong khi những con trẻ tập trung sinh sản. Ở môi trường của cá voi sát thủ, mỗi con non sinh ra đều là một cái miệng cần cho ăn và vì nguồn thức ăn có hạn, nên chúng phải chia sẻ. Một con cái già có thể duy trì nòi giống mà không đặt gánh nặng lên gia đình bằng cách hỗ trở con trai trưởng thành, làm cha của nhiều đứa con mà gia đình khác sẽ nuôi. Điều này giải thích lý do giống cái tiến hóa để ngừng sinh sản trong toàn bộ quãng trung niên. Ngay cả khi có sự cống hiến của cá voi Bà, loài cá voi sát thủ - Cư dân miền Nam vẫn bị đe dọa nghiêm trọng, lý do chính là vì sự suy giảm lượng cá hồi. Việc tăng cường đầu tư khôi phục quần thể cá hồi là hết sức cần kíp để cứu cá voi sát thủ khỏi tuyệt chủng. Về lâu dài, ta cần nhiều nghiên cứu như của Trung tâm Nghiên cứu cá voi. Những gì ta học được từ những Cư dân miền Nam có thể sẽ không đúng với các quần thể khác. Bằng cách nghiên cứu kỹ lưỡng các cư dân khác, ta có thể hiểu thêm về sự thích nghi đáng kinh ngạc, và dự đoán những nguy cơ gây thương tổn từ con người trước khi sự sống của loài này bị đe dọa.