Nếu thường xuyên đọc tin tức hay theo dõi chính trị bạn chắc hẳn đã bắt gặp thuật ngữ "Orwellian" xuất hiện tràn lan trong các nội dung. Nhưng đã bao giờ bạn thắc mắc rốt cuộc "Orwellian" có nghĩa gì hay tại sao nó được sử dụng nhiều như thế hay chưa? Thuật ngữ này được đặt theo tên tác gia người Anh Eric Blair được biết tới với bút danh George Orwell. Vì tác phẩm nổi tiếng nhất của ông - tiểu thuyết "1984" miêu tả một xã hội bị áp bức dưới chính quyền độc tài toàn trị nên "Orwellian" được sử dụng để hàm ý sự độc tài chuyên chế. Nhưng sử dụng thuật ngữ theo cách này không chỉ diễn đạt không trọn ý của Orwell mà không khéo còn làm sai lệch điều ông muốn gửi gắm. Orwell thực chất luôn chống lại mọi hình thức độc tài, dành hầu hết cuộc đời mình để chống lại các thế lực phi dân chủ ở cả cánh tả và cánh hữu đồng thời quan tâm sâu sắc đến cách thức sinh sôi của các hệ tư tưởng đó. Và một trong những hiểu biết sâu sắc nhất của ông là về tầm quan trọng của ngôn ngữ trong việc định hình tư duy và quan điểm của chúng ta. Chính phủ Oceania trong "1984" kiểm soát hành động và ngôn luận của người dân bằng những phương cách rất rõ ràng. Mọi cử chỉ và phát ngôn của họ đều bị theo dõi, và mối đe dọa dành cho những kẻ dám bước ra ngoài khuôn khổ luôn như thòng lọng treo trên cổ. Nhưng một số hình thức kiểm soát khác lại không hẳn rõ ràng. Người dân bị nhấn chìm dưới sự tấn công liên tục của bộ sưu tập các sự kiện và số liệu lịch sử được sáng tác và tuyên truyền bởi Bộ Sự thật. Bộ Hoà Bình chính là lực lượng quân sự. Trại Lao động được gọi là "Trại Vui vẻ". Tù nhân chính trị bị giam cầm và tra tấn trong Bộ Tình yêu. Sự mỉa mai cố ý này là một ví dụ của lối nói "doublespeak" khi ngôn ngữ không được dùng để truyền tải ý nghĩa đích thực của nó mà bị bóp méo khiến thay đổi sắc thái và ngữ nghĩa câu văn để lừa bịp người khác. Để kiểm soát ngôn luận, chế độ này thậm chí còn xoá bỏ những từ ngữ bắt nguồn từ tiếng Anh để hình thành nên ngôn ngữ chính thức "Newspeak" - bộ sưu tập cực kì ít ỏi các từ viết tắt và những danh từ vô cùng đơn giản, thiếu đi những từ ngữ phức tạp để khuyến khích tư duy sắc bén và phản biện. Điều này tác động lên tâm lí mà Orwell gọi là "doublethink", một trạng thái thôi miên của xung đột nhận thức khi một người bị buộc phải lờ đi nhận thức của chính mình và tuân theo một phương cách phát ngôn được ban hành chính thức, khiến mỗi cá nhân phụ thuộc hoàn toàn vào mọi định nghĩa của Nhà nước về hiện thực. Kết quả là nó sinh ra một thế giới mà ngay cả quyền suy nghĩ riêng tư của cá nhân cũng bị xâm phạm khi một người có thể bị gán "tội nhận thức" khi nói trong lúc ngủ, còn viết nhật kí hoặc yêu một ai đó là đồng nghĩa với phản động. Tưởng đâu việc này chỉ có thể xảy ra ở chế độ chuyên quyền, nhưng Oewell cho chúng ta biết rằng nó có thể xảy ra ngay cả trong xã hội dân chủ. Và đây là lí do "độc tài chuyên chế" không "Orwellian" diễn ra. Trong bài luận "Chính trị và Ngôn ngữ Anh" của mình, ông miêu tả về nghệ thuật sử dụng ngôn từ bóng bẩy để thao túng quyền lực hay khiến những tội ác trở nên dễ chấp nhận hơn bằng việc dùng uyển ngữ và những cấu trúc câu phức tạp. Ngay cả lạm dụng ngôn ngữ đời thường cũng có thể ảnh hưởng đến cách ta suy nghĩ. Những từ bạn tiếp xúc hằng ngày trong các quảng cáo đã được "chế biến" để thu hút và tác động lên hành vi của bạn, tương tự những khẩu hiệu và luận điểm trong các chiến dịch chính trị rất hiếm khi thể hiện đầy đủ các khía cạnh sâu xa của vấn đề. Và cách ta dùng những khẩu ngữ có sẵn và câu trả lời lượm lặt từ các trang tin hay copy từ internet dễ dàng hạn chế ta khỏi tư duy sâu sắc hoặc tự nghi ngờ chính những kết luận của mình. Vì thế lần sau nếu bạn nghe ai đó dùng từ "Orwellian", hãy chú ý. Nếu họ nói về việc sử dụng ngôn ngữ một cách lừa bịp và thao túng, họ đang đi đúng hướng. Nếu họ nói về giám sát hàng loạt và chính phủ áp đặt, họ đang miêu tả về sự chuyên quyền nhưng đó không hẳn là Orwellian. Và nếu họ sử dụng từ này cho những ý kiến họ không thích thì có thể chính phát ngôn của họ còn "Orwellian" hơn cả bất cứ thứ gì họ đang chỉ trích. Từ ngữ có khả năng hình thành tư tưởng. Ngôn ngữ là tiền tệ của chính trị, định hình nên xã hội từ những điều căn bản nhất, những trao đổi thường ngày cho đến những lí tưởng cao vời nhất. Orwell kêu gọi chúng ta bảo vệ ngôn ngữ của chính mình vì cho đến cùng, khả năng suy nghĩ và giao tiếp một cách rõ ràng là thứ ngăn cách chúng ta với một thế giới mà ở đó chiến tranh là hoà bình còn tự do chính là nô lệ.