Ngày nay, có rất nhiều mối bận tâm chính đáng rằng công nghệ đang trở nên quá thông minh sẽ đẩy ta tới viễn cảnh thất nghiệp trong tương lai. Một chiếc xe tự lái chính là minh chứng dễ thấy nhất. Nó rất tuyệt vời vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng bạn có biết rằng "tài xế" là công việc phổ biến nhất ở 29 trong số 50 tiểu bang ở Mỹ? Chuyện gì sẽ xảy ra với những công việc này khi ta không còn phải tự lái xe hay tự mình nấu ăn hay tự chẩn đoán bệnh? Nghiên cứu gần đây từ Viện nghiên cứu Forrester đã dự đoán rằng 25 triệu công việc có thể sẽ biến mất trong vòng 10 năm tới. Để dễ hình dung hơn, con số này cao gấp ba lần số lượng công việc biến mất trong khủng hoảng kinh tế. Nguy cơ này không chỉ ở các công việc tay chân. Phố Wall và thung lũng Silicon, đang chiêm ngưỡng những thành tựu lớn trong phân tích chất lượng và ra quyết định đến từ công nghệ học máy (machine learning). Cả những người thông minh, được trả lương cao nhất cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này. Rõ ràng là dù có làm nghề gì, thì một vài, nếu không phải toàn bộ công việc của bạn sẽ được tự động hóa bởi robot hay phần mềm máy tính trong vài năm tới. Đó chính là lý do tại sao những người như Mark Zuckerberg và Bill Gates đang nói về sự cần kíp của mức thu nhập tối thiểu do chính phủ tài trợ. Nhưng nếu đã không chấp thuận những điều như chăm sóc sức khỏe hay bữa trưa tại trường, tôi không thấy được khả năng chính khách sẽ tìm thấy tiếng nói chung về vấn đề lớn và đắt đỏ như thu nhập cơ bản phổ thông. Thay vào đó, tôi nghĩ chính chúng ta, mới là người phải dẫn dắt. Chúng ta phải nhận ra sự thay đổi trong tương lai và bắt đầu thiết kế những công việc mới vẫn còn giá trị trong thời đại robot. Tin tốt là ta đã từng kinh qua và hồi phục từ hai cuộc đại tuyệt chủng công việc trước đây. Từ 1870 đến 1970, tỉ lệ công nhân Mỹ làm việc nông trại giảm 90%, và một lần nữa từ 1950 đến 2010, tỉ lệ người Mỹ làm việc trong nhà máy giảm 75%. Thử thách mà ta đối mặt lần này, cũng không khác. Chúng ta có 100 năm để đi từ nông trại đến nhà máy, và 60 năm để hoàn tất xây dựng nền kinh tế phục vụ. Tỉ lệ thay đổi hôm nay cho thấy ta có thể chỉ có 10 hay 15 năm để thích nghi, và nếu không phản ứng đủ nhanh, nghĩa là đến lúc những học sinh tiểu học hôm nay đến tuổi đại học, chúng ta có thể đang sống trong thế giới robot, hầu hết đều thất nghiệp và bị mắc kẹt trong trầm cảm. Nhưng tôi không nghĩ mọi việc phải theo cách đó. Tôi làm trong ngành Sáng kiến, và một phần công việc của tôi là tác động lên cách các công ty lớn sử dụng công nghệ mới. Chắc chắn một số những công nghệ này được đặc biệt thiết kế để thay thế con người. Nhưng tôi tin rằng nếu bắt đầu thay đổi bản chất của công việc ngay lúc này, chúng ta không chỉ tạo ra môi trường nơi mọi người đều thích đi làm mà còn tạo ra sự sáng tạo mà ta cần để thay thế hàng triệu công việc sẽ mất đi vì công nghệ. Tôi tin rằng chìa khoá để ngăn một tương lai không việc làm là tái khám phá điều gì làm nên con người chúng ta và tạo ra thế hệ công việc mới xoay quanh con người, giúp khơi gợi tài năng và đam mê tiềm ẩn mà ta mang trong mình mỗi ngày. Nhưng đầu tiên, tôi nghĩ cần nhìn nhận rằng rằng tự chúng ta gây ra vấn đề này. Không phải chỉ bởi vì ta là người làm ra robot. Cho dù hầu hết việc làm đã thoát khỏi nhà máy chục năm trước, ta vẫn giữ suy nghĩ máy móc về chuẩn hoá và làm việc. Ta vẫn định nghĩa công việc dựa trên nhiệm vụ và thủ tục và trả công nhân viên dựa trên số giờ họ làm. Ta gán cho công việc những định nghĩa hạn hẹp như thu ngân, xử lý khoản vay, hay tài xế và bảo mọi người tạo dựng sự nghiệp xung quanh những nhiệm vụ đơn lẻ này. Những lựa chọn này để lại cho ta hai ảnh hưởng phụ nghiêm trọng. Thứ nhất, những công việc có định nghĩa hạn hẹp này sẽ là những việc đầu tiên được robot thay thế vì robot đơn nhiệm là loại dễ chế tạo nhất. Nhưng thứ hai, chúng ta đã vô tình đẩy hàng triệu công nhân trên thế giới vào công việc nhàm chán một cách đáng kinh ngạc. (Cười lớn) Lấy ví dụ của một nhân viên điện thoại. Những thập kỉ qua, chúng ta nói về giảm chi phí hoạt động vì đã lấy phần lớn nhu cầu hoạt động trí óc khỏi con người và đưa vào hệ thống. Phần lớn thời gian trong ngày, họ nhấp chuột màn hình, đọc lời thoại. Họ làm việc như máy hơn là người. Không may, trong những năm kế tiếp, khi công nghệ càng tiên tiến, họ, cùng với những thư ký và thủ thư, sẽ thấy phần lớn công việc của mình biến mất. Để chống lại điều này, ta phải bắt đầu tạo ra việc mới ít xoay quanh các nhiệm vụ mà một người phải làm mà tập trung hơn vào các kỹ năng mà họ đem đến cho công việc. Ví dụ, robot làm tốt các việc lặp đi lặp lại và bị giới hạn, nhưng con người có khả năng tuyệt vời trong việc kết nối và sáng tạo khi đối mặt với các vấn đề chưa từng gặp trước đó. Khi mỗi ngày đều mang đến chút bất ngờ, nghĩa là ta đã thiết kế công việc cho con người chứ không phải cho robot. Các doanh nhân và kỹ sư đã có mặt trên thế giới này, cả những y tá và thợ sửa ống nước, cả những nhà trị liệu. Bản chất của nhiều công ty và tổ chức là bảo mọi người đi làm và làm việc của mình. Nhưng nếu robot có thể làm tốt hơn, hoặc trí tuệ nhân tạo có thể ra quyết định tốt hơn, bạn phải làm gì? Tôi nghĩ, với các nhà quản lý, ta cần nghĩ thực tế về các nhiệm vụ sẽ biến mất trong vài năm tới và bắt đầu lên kế hoạch cho việc thay thế có ý nghĩa và giá trị hơn. Chúng ta cần tạo ra môi trường nơi con người và robot cùng phát triển. Tôi muốn nói rằng, hãy giao cho robot nhiều việc hơn, bắt đầu từ công việc mà ta ghét phải làm. Này, robot, xử lý cái báo cáo ngu ngốc này đi. (Cười lớn) Chuyển cái hộp này nữa. Cảm ơn nhé. (Cười lớn) Đối với con người, chúng ta nên làm theo lời khuyên của Harry Davis ở Đại học Chicago. Ông nói chúng ta phải làm sao để con người không bỏ quên quá nhiều tâm trí mình trong thùng xe. Ý tôi là, con người thật tuyệt vào cuối tuần. Nghĩ về những người bạn biết họ làm gì vào thứ Bảy. Họ là những nghệ sĩ, thợ mộc, đầu bếp, và vận động viên. Nhưng vào thứ Hai, họ trở lại là nhân viên nhân sự hay chuyên viên phân tích hệ thống 3. (Cười lớn) Những chức vụ hạn hẹp này không chỉ nghe thật nhàm chán, mà còn ngầm khuyến khích mọi người đóng góp vào công việc theo cách nhàm chán và hạn hẹp. Nhưng tôi có thể nhìn thấy khi bạn mời mọi người phát huy tiềm năng, họ sẽ làm ta ngạc nhiên vì khả năng của mình. Vài năm trước, tôi làm việc ở một ngân hàng lớn, cố gắng đem nhiều đổi mới vào văn hóa công ty. Đội của tôi thiết kế một cuộc thi thiết kế mẫu mời mọi người xây dựng bất cứ thứ gì họ muốn. Chúng tôi cố gắng tìm ra có phải giới hạn lớn nhất của sáng kiến là sự thiếu ý tưởng, hay thiếu tài năng, và hóa ra, không phải cả hai thứ này. Đó là vấn đề về trao quyền. Kết quả của chương trình thật tuyệt. Chúng tôi bắt đầu bằng việc mời mọi người xem lại những gì họ có thể đem đến. Cuộc thi không chỉ là cơ hội để xây dựng bất cứ thứ gì bạn muốn mà còn trở thành con người mà bạn muốn, bất cứ ai. Và khi không còn bị giới hạn bởi chức vụ hàng ngày, họ tự do phát huy mọi kĩ năng và tài năng để giải quyết vấn đề. Chúng tôi thấy những nhà công nghệ làm thiết kế, nhà tiếp thị làm kĩ sư, cả những nhà tài chính khoe khả năng viết truyện cười. (Cười lớn) Chúng tôi làm chương trình này hai lần, và mỗi lần hơn, 400 người mang tài năng không ngờ đến chỗ làm và giải quyết vấn đề mà họ muốn giải quyết trong nhiều năm rồi. Cùng nhau, họ tạo ra giá trị hàng triệu đô la, xây dựng những thứ như hệ thống cảm ứng cho trung tâm cuộc gọi, công cụ máy tính dễ sử dụng hơn cho các chi nhánh, và thậm chí, cả một hệ thống thẻ tri ân đã trở thành dấu ấn trong trải nghiệm làm việc của nhân viên. Trong khóa học tám tuần, mọi người giãn những cơ họ chưa từng mơ có thể dùng được tại sở làm. Mọi người học kĩ năng mới, gặp người mới, cho đến cuối, ai đó kéo tôi vào một góc và nói: "Tôi phải nói với anh, những tuần này là những tuần căng thẳng phải làm việc nhiều nhất trong cả cuộc đời tôi, nhưng không một giây nào có tôi cảm giác đang làm cả." Đó chính là chìa khóa. Trong những tuần đó, mọi người được sáng tạo và đổi mới. Họ đã mơ đến những giải pháp cho vấn đề mà họ nhức nhối từ nhiều năm qua, và đây là cơ hội biến ước mơ thành hiện thực. Mơ mộng là phần quan trọng khiến ta khác với máy móc. Hiện nay, máy móc của ta không biết tức giận, chúng không thấy khó chịu, và chắc chắn chúng không biết tưởng tượng. Nhưng chúng ta, con người -- ta cảm nhận đau đớn, ta thấy bực bội. Khi cảm thấy khó chịu và tò mò nhất ta có động lực để đào sâu vấn đề và tạo ra thay đổi. Trí tưởng tượng của ta sinh ra sản phẩm mới, dịch vụ mới, và cả các ngành nghề mới. Tôi tin rằng công việc của tương lai sẽ đến từ trí óc của những người mà hôm nay, ta gọi là chuyên viên, chuyên gia, chỉ khi ta cho họ sự tự do và bảo vệ mà họ cần để phát triển thành những nhà thám hiểm và phát minh. Nếu muốn bảo vệ công việc của mình khỏi robot, chúng ta, những nhà lãnh đạo, cần thoát khỏi suy nghĩ bảo người khác phải làm gì, thay vào đó, hỏi họ muốn giải quyết vấn đề gì và tài năng gì họ muốn đem đến cho công việc. Bởi nếu bạn có thể mang mình của thứ Bảy đến làm việc vào thứ Tư, bạn sẽ không còn sợ hãi thứ Hai, và cảm xúc mà ta có về thứ Hai là thứ khiến chúng ta là con người. Khi thiết kế lại công việc cho kỉ nguyên của máy móc thông minh, tôi muốn mời tất cả các bạn chung sức, mang nhiều tính người hơn vào công việc của chúng ta. Xin cảm ơn. (Vỗ tay)