Norman McLaren, người tiên phong trong kĩ thuật phim hoạt hình ở thế kỉ 20 đã nói: "Hoạt hình không phải là nghệ thuật những bức vẽ chuyển động mà là nghệ thuật của những chuyển động được vẽ. Điều diễn ra giữa các khung hình quan trọng hơn những gì ở trong mỗi khung hình đó." Ý ông là gì? Để một vật chuyển động vật đó phải đổi tư thế theo thời gian. Nếu thời gian trôi và không có sự thay đổi nào về tư thế diễn ra, thì vật đó coi như đứng yên. Mối quan hệ giữa sự trôi qua của thời gian và những thay đổi diễn ra trong khoảng thời gian đó là cốt lõi của mọi hình thái nghệ thuật dựa trên thời gian cho dù là âm nhạc, vũ đạo hay hoạt hình. Kiểm soát tốc độ và những thay đổi giữa các khung hình là một sự biến đổi kì diệu làm cho hoạt hình có thể thể hiện những ảo ảnh của cuộc sống Trong hoạt hình, có hai yếu tố cơ bản chúng ta dùng để tạo nên điều này: thời gian và không gian. Để thể hiện mối quan hệ giữa hai yếu tố này, chúng ta xem qua một ví dụ: quả bóng nảy. Thời gian có thể được hiểu là vận tốc hay nhịp điệu của hành động. Vận tốc được quyết định bởi số hình ảnh, hay khung hình (frames) mà hành động đó chiếm. Hành động gồm càng nhiều khung hình, thời gian nó xuất hiện càng dài, và hành động diễn ra càng chậm. Hành động gồm càng ít khung hình, thì nó xuất hiện ngắn hơn, và hành động trở nên nhanh hơn. Nhưng thời gian không chỉ là về vận tốc mà còn là về nhịp điệu. Giống như nhịp trống hay giai điệu chỉ xuất hiện khi một bản nhạc được chơi, thời gian của một hành động chỉ tồn tại khi hành động đang diễn ra. Có thể hiểu như một hành động chiếm 6 hay 18 khung hình hoặc tương tự như vậy. Nhưng để hiểu một cách rõ ràng hơn, bạn cần phải biểu diễn hoặc trải nghiệm nó như thể nó diễn ra trong đời thực. Thời gian của một hành động gắn liền với ngữ cảnh và điều mà bạn muốn gửi đến người xem. Cái gì đang thực hiện hành động và tại sao? Hãy xem ví dụ sau. Cái gì làm một quả bóng nảy? Hiện tượng này là kết quả của sự tương tác giữa các lực cơ học, một quả bóng có xu hướng chuyển động do lực gây ra bởi động lượng của nó và lực hấp dẫn của trọng lực kéo nó xuống mặt đất. Độ lớn của các lực tác dụng lên quả bóng và tại sao quả bóng chuyển động như vậy đều phụ thuộc vào tính chất vật lý của quả bóng đó. Một quả golf nhỏ, cứng và nhẹ. Một quả bóng cao su nhỏ, mềm và nhẹ hơn. Quả bóng chơi trên biển to, mềm và nhẹ. Quả bowling thì to, cứng và nặng. Mỗi quả bóng đều chuyển động khác nhau do đặc tính của chúng. Hãy cùng làm rõ nhịp điệu của từng loại bóng. Mỗi loại bóng đều có nhịp điệu riêng nói lên đặc trưng của nó và thời gian nó nảy ngang qua màn hình. Nhịp của những lần va chạm này chính là yếu tố thời gian. Bắt đầu vẽ nào! Quả bóng sẽ di chuyển lên xuống với những hình tròn đơn giản Vẽ một hình tròn ở đây, gọi là điểm A, điểm bắt đầu. Quả bóng sẽ rơi xuống đất ở đây, điểm B Cho rằng sẽ cần một giây để quả bóng chạm đất và nảy lên lại Đó là thời gian. Không gian là vị trí vẽ những đường tròn trong khung hình từ điểm A đến điểm B. Nếu quả bóng di chuyển những khoảng bằng nhau, đây là thứ ta có. Nhưng nó lại không thể hiện gì về bản chất. Đây là một quả bóng hay là một hình tròn trên một chiếc thang máy? Hãy cùng nhìn lại xem điều gì đang diễn ra với mỗi quả bóng khi nó nảy. Sau mỗi lần quả bóng va chạm với mặt đất, động lượng hướng lên của nó sẽ dần nhỏ hơn trọng lực. Điều này xảy ra khi bóng nảy lên đến đỉnh. Lúc này chuyển động đổi hướng, và quả bóng di chuyển chậm dần. Dễ dàng nhận thấy những vị trí của quả bóng gần nhau hơn ở khoảng này. Sau đó quả bóng rơi xuống nhanh dần và đạt vận tốc lớn nhất khi nó chạm mặt đất. Có thể thấy mỗi vị trí cách xa nhau nhiều hơn. Sự thay đổi vị trí các khung hình chính là không gian. Thay đổi càng nhỏ, hành động càng trở nên chậm hơn. Thay đổi càng nhiều, hành động sẽ trở nên nhanh hơn. Để cho một vật giảm tốc, sự thay đổi vị trí của các khung hình càng về sau phải càng nhỏ hơn trước. Tương tự như vậy, để một vật tăng tốc, khoảng cách các khung hình phải tăng dần. Hãy thay đổi khoảng cách các khung hình quả bóng của chúng ta để nó thể hiện được những gì ta đã thấy trước đó. Chậm ở trên đỉnh, nhanh hơn khi chạm đất. Chỉ cần điều chỉnh khoảng cách một chút là ta đã thể hiện được lực của động lượng và trọng lực và có được một chuyển động giống thật hơn. Cùng thời gian nhưng với không gian khác nhau sẽ cho ra một kết quả khác biệt đáng kể. Và trong thực tế sau mỗi lần nảy thì trọng lực sẽ triệt tiêu xu hướng tiếp tục chuyển động của quả bóng. Độ cao của quả bóng giảm dần sau mỗi lần nảy. Nhưng mức độ giảm của chúng khác nhau phụ thuộc vào tính chất của quả bóng. Mặc dù những hình tròn này giống nhau, nó lại kể những câu chuyện khác nhau về cách chúng chuyển động. Mối quan hệ giữa các yếu tố của thời gian và không gian có thể được áp dụng rất nhiều cách và dùng để vẽ toàn bộ các chuyển động: một cái yo-yo, một cú đấm, một cái vỗ nhẹ, một cú đẩy, một cái cưa, Mặt Trời đi ngang qua bầu trời, một con lắc. Hoạt hình là một loại nghệ thuật dựa trên thời gian Nó có thể kết hợp với yếu tố thẩm mỹ của các nghệ thuật tạo hình như tranh minh hoạ hay hội hoạ nhưng hoạt hình khác biệt ở chỗ: những gì bạn thấy không quan trọng bằng những gì bạn không nhìn thấy. Bề ngoài của một vật chỉ cho chúng ta biết về bản thân vật đó mà thôi. Chỉ khi vật chuyển động chúng ta mới hiểu được bản chất thật sự của nó.