Nếu bạn không thể sống thiếu socola, bạn thật may mắn khi được sinh ra vào sau thế kỉ 16. Cho đến thời điểm đó, socola chỉ là một thức uống ở Trung Mĩ có hình dạng khá khác biệt với socola chúng ta biết ngày nay. Từ năm 1900 trước Công nguyên, người dân ở đó đã biết học cách thu hoạch hạt từ cây cacao bản địa. Các tài liệu cổ xưa nhất tiết lộ rằng nhân cacao được nghiền nát sau đó được trộn với bột ngô và bột ớt để tạo thành thứ thức uống không dễ chịu như cacao nóng mà hơi đắng và được tạo phủ thêm bọt. Và nếu bạn tưởng rằng chỉ con người ngày nay mới mê đắm socola thì nhầm to nhé, người Trung Mĩ đã sớm tôn thờ loại thực phẩm này. Họ tin rằng cacao là thứ thức ăn thiêng liêng được ban tặng cho con người bởi vị thần rắn lông vũ được người Maya biết đến với cái tên Kukulkan và người Aztec biết đến với cái tên Quetzalcoatl. Người Aztec sử dụng cacao làm tiền tệ, uống socola tại các bữa tiệc hoàng gia, tặng cho quân lính như phần thưởng sau chiến công và sử dụng nó trong các nghi lễ. Cuộc gặp gỡ đầu tiên xuyên đại dương với socola diễn ra vào năm 1519 khi Hernán Cortés tới thăm cung điện Moctezuma tại Tenochtitlan. Theo tài liệu do trung úy của Cortés ghi chép, vua Moctezuma cho đem ra 50 bình thức uống rót vào những chiếc cốc bằng vàng. Khi những tên thực dân trở về mang theo thứ hạt mới lạ, sự truyền bá về những câu chuyện dâm ô liên quan đến socola đã khiến nó trở thành một thứ thuốc kích dục tăm tiếng. Ban đầu, vị hơi đắng của socola giúp nó trở thành vị thuốc chữa một số bệnh về bao tử nhưng vị ngọt được sinh ra nhờ thêm chút mật ong, đường và vani đã khiến socola sớm trở thành thức uống nổi tiếng tại cung điện Tây Ban Nha. Không lâu sau, không gia đình quý tộc nào lại không sở hữu socola trong nhà. Thức uống thời thượng này tiêu tốn rất nhiều công sức và thời gian để sản xuất trên quy mô lớn. Nó bao gồm trồng trọt và nhập khẩu lao động nô lệ từ vùng Caribe và các hòn đảo ngoài khơi bờ biển châu Phi. Thế giới socola sau đó hoàn toàn thay đổi vào năm 1828 với sự xuất hiện của máy ép cacao nhờ công của Coenraad van Houten đến từ Amsterdam. Ông phát minh ra cách chiết tách chất béo tự nhiên từ hạt cacao, hay bơ cacao, giúp tạo ra một chất bột có thể hòa tan tạo thành sản phẩm dạng lỏng, hoặc tái kết hợp với bơ cacao để tạo nên thứ socola rắn như chúng ta biết ngày nay. Không lâu sau đó, một người chế biến socola người Thụy Sĩ tên Daniel Peter thêm bột sữa vào socola và từ đó chúng ta có thêm socola sữa. Vào khoảng thế kỉ 20, socola không còn là thực phẩm xa xỉ dành riêng cho giới thượng lưu mà đã trở thành thức quà của cả cộng đồng. Nhưng lượng nhu cầu khổng lồ đòi hỏi cần phải có thêm nhiều cacao, mà loại cây này lại chỉ ưa thích vùng đất gần đường xích đạo. Hiện nay, thay vì vận chuyển nô lệ châu Phi tới Nam Mĩ để trồng cacao, sản phẩm cacao sẽ được chuyển tới Tây Phi, trong đó Bờ Biển Ngà chiếm đến 2/5 lượng cacao cung cấp cho thế giới vào năm 2015. Nhưng sự phát triển của ngành công nghiệp cũng đã dẫn tới những xâm phạm về quyền con người. Nhiều vụ mùa xuyên khắp Tây Phi cung cấp cacao cho các công ty phương Tây đã sử dụng lao động nô lệ và trẻ em, với ước tính có khoảng hơn 2 triệu trẻ em bị bóc lột. Đây là vấn đề nan giải cho đến tận ngày nay, mặc dù các công ty socola cùng các quốc gia châu Phi đã nỗ lực để giảm thiểu số lao động trẻ em trong thực tế. Ngày nay, socola đã có mặt trong các nghi thức của xã hội hiện đại. Nhờ sự kết hợp giữa văn hóa thuộc địa và văn hóa bản xứ, trộn lẫn với sức mạnh của quảng cáo, socola mang trong mình một hương vị vừa cuốn hút, vừa suy đồi và bị cấm đoán. Nhưng biết thêm về lịch sử vừa thú vị vừa dữ dội của socola cũng như về sản phẩm của nó ngày nay, cho ta biết được loại thức ăn này được hình thành như thế nào và khám phá ra những sự thật ẩn đằng sau nó. Vì thế lần tới khi bạn lại bóc một thanh socola, hãy dừng lại một chút để nhắc mình rằng không phải mọi thứ về socola đều ngọt ngào.