Như các bạn đã biết, kết quả các cuộc bầu cử gần đây là như sau: Hillary Clinton, ứng viên Đảng Dân chủ đã giành chiến thắng áp đảo với 52% tổng số phiếu bầu. Jill Stein, ứng viên Đảng Xanh đứng thứ hai nhưng cách khá xa với 19%. Donald J.Trump, ứng viên Đảng Cộng hòa, theo sát nút bà Stein với 14%, số phiếu còn lại thuộc về những người không bỏ phiếu và Gary Jonhson, ứng viên Đảng Tự do. (Tiếng cười) Các bạn nghĩ tôi đang sống trong vũ trụ song song nào? Tôi không sống trong vũ trụ song song. Tôi sống trong thế giới, và đó là cách thế giới bầu cử. Hãy để tôi đưa các bạn trở lại và giải thích ý của tôi. Tháng Sáu năm nay, tôi đã trình làng một thứ gọi là Global Vote, và thứ này hoạt động đúng như tên gọi của nó. Lần đầu tiên trong lịch sử, nó cho phép bất kì ai ở bất kì đâu trên thế giới tham gia những cuộc bầu cử ở các quốc gia khác. Tại sao các bạn làm vậy? Mục đích là gì? Hãy để tôi cho các bạn thấy nó như thế nào. Các bạn vào một trang web, một trang web khá đẹp mắt, rồi chọn một cuộc bầu cử. Đây là một số cuộc bầu cử mà chúng tôi đang theo dõi. Chúng tôi thực hiện một cuộc bầu cử mỗi tháng, hoặc xấp xỉ vậy. Các bạn có thể thấy bầu cử ở Bulgaria, Hoa Kì, bầu cử Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc, và cuộc trưng cầu dân ý Brexit ở phía cuối. Các bạn chọn cuộc bầu cử mà bạn quan tâm, và chọn các ứng viên. Đây là các ứng viên trong cuộc bầu cử Tổng thống gần đây ở quốc đảo São Tomé and Príncipe nhỏ bé, có 199,000 người sinh sống, ngoài khơi Tây Phi. Các bạn có thể xem qua bản tóm tắt ngắn của từng ứng viên mà tôi rất mong là cực kì trung lập, cực kì nhiều thông tin, và cực kì súc tích. Các bạn bỏ phiếu khi tìm được người ưa thích. Đây là các ứng viên trong cuộc bầu cử Tổng thống gần đây ở Iceland, và đó là cách hoạt động. Vậy tại sao các bạn lại muốn bỏ phiếu cho một cuộc bầu cử ở một quốc gia khác? Lý do các bạn không muốn làm điều đó, tôi cam đoan với các bạn, là để can thiệp vào quá trình dân chủ ở nước khác. Mục đích hoàn toàn không phải vậy. Thực tế là không thể, vì tôi thường công bố kết quả sau khi các cử tri ở các quốc gia đó đã bỏ phiếu rồi, nên không có cách nào để ta can thiệp vào quá trình đó. Nhưng quan trọng hơn, tôi không đặc biệt quan tâm đến các vấn đề trong nước của các quốc gia đó. Chúng ta không bỏ phiếu vì những vấn đề đó; nên những gì Donald J. Trump hay Hillary Clinton cam kết làm cho người Mĩ thật ra không liên quan đến chúng ta, đó là chuyện để người Mĩ bầu cử. Không hề, trong Global Vote, các bạn chỉ chú ý một khía cạnh, đó là các nhà lãnh đạo đó sẽ làm gì cho phần còn lại như chúng ta? Điều đó cũng cực kì quan trọng, vì chúng ta sống, chắc hẳn các bạn đã chán vì nghe những lời này, trong một thế giới toàn cầu hóa, liên kết rất chặt, vô cùng phụ thuộc lẫn nhau và các quyết sách chính trị của những người ở nước khác có thể và sẽ tác động đến cuộc sống chúng ta bất kể chúng ta là ai hay chúng ta sống ở đâu. Giống như chuyện cánh bướm đập ở bờ bên này của Thái Bình Dương chắc hẳn có thể gây ra một cơn bão ở bờ bên kia, điều đó cũng tồn tại trong thế giới ta hiện đang sống cũng như chính trường. Không còn ranh giới giữa các vấn đề đối nội và đối ngoại. Bất kì nước nào, dù nhỏ đến đâu, thậm chí nếu đó là São Tomé and Príncipe, đều có thể sản sinh ra một Nelson Mandela tiếp theo hay một Stalin tiếp theo. Họ có thể làm ô nhiễm bầu khí quyển hay đại dương, vốn thuộc về tất cả chúng ta, hay họ có thể chịu trách nhiệm và giúp đỡ tất cả chúng ta. Mặc dù vậy, hệ thống này thật lạ vì nó chưa bắt kịp với thực tại toàn cầu hóa. Chỉ có một số ít người được phép bỏ phiếu cho các nhà lãnh đạo đó, mặc dù ảnh hưởng của họ là cực kì lớn và hầu như rộng khắp. Con số đó là bao nhiêu? 140 triệu người Mĩ bỏ phiếu cho vị Tổng thống Hoa Kì tiếp theo, và, như tất cả chúng ta đều biết, chỉ vài tuần nữa thôi, sẽ có người trao mã phóng vũ khí hạt nhân cho Donald J. Trump. Nếu điều đó không có tác động tiềm ẩn đến tất cả chúng ta, tôi cũng chẳng hiểu nữa. Tương tự, ở cuộc trưng cầu dân ý Brexit, chỉ có 1số nhỏ trong hàng triệu người Anh bỏ phiếu, trong khi kết quả bỏ phiếu, dù có thế nào, vẫn có tác động to lớn đến cuộc sống của hàng chục, hàng trăm triệu người trên thế giới; vậy mà chỉ một số ít người bỏ phiếu. Nền dân chủ kiểu gì vậy? Những quyết sách lớn tác động đến ta đang được quyết định bởi chỉ một số ít người. Tôi không biết ý các bạn, nhưng tôi không thấy dân chủ trong chuyện đó; nên tôi đang cố gắng thay đổi nó. Tuy nhiên, như tôi đã nói, ta không bàn đến vấn đề trong nước. Thực tế là tôi luôn đặt chỉ hai câu hỏi cho mọi ứng viên. Lần nào tôi cũng gửi họ hai câu hỏi này. Tôi hỏi: Một, nếu ông/bà trúng cử, ông/bà sẽ làm gì cho chúng tôi, phần còn lại của 7 tỉ người trên hành tinh này? Hai: Ông/bà định hình tương lai đất nước mình trên thế giới ra sao? Ông/bà thấy đất nước mình đóng vai trò gì? Tôi gửi hai câu hỏi này đến mọi ứng viên. Không phải ai cũng trả lời. Đừng hiểu lầm. Tôi nhận ra nếu các bạn tranh cử để trở thành vị Tổng thống Hoa Kì tiếp theo, có lẽ hầu như bạn sẽ khá bận bịu nên tôi không quá ngạc nhiên là họ không trả lời, nhưng nhiều người đã trả lời. Càng lúc càng nhiều. Vài người còn hơn cả trả lời. Vài người phản hồi theo cách hào hứng và nhiệt tình nhất mà bạn có thể nghĩ ra. Tôi chỉ muốn lấy một ví dụ về Saviour Chishimba, một trong các ứng viên trong cuộc bầu cử Tổng thống mới đây ở Zambia. Câu trả lời của ông cho hai câu hỏi trên là một bài nghị luận 18 trang trình bày góc nhìn của ông về vai trò tiềm năng của đất nước trên thế giới cũng như đối với cộng đồng quốc tế. Tôi đăng bài luận lên trang web để ai cũng có thể đọc. Saviour thắng cử ở Global Vote, nhưng ông thất cử ở Zambia; nên tôi tự hỏi rằng tôi sẽ làm gì với nhóm người đặc biệt này? Tôi có rất nhiều người tuyệt vời ở đây thắng ở Global Vote. Tiện đây, chúng ta luôn hiểu lầm: Người chúng ta bỏ phiếu không bao giờ là người trúng cử trong cuộc bầu cử ở nước họ. Điều đó một phần là do chúng ta dường như luôn bầu cho phụ nữ; nhưng tôi nghĩ đó cũng là một dấu hiệu cho thấy các cử tri trong nước vẫn còn suy nghĩ theo chủ nghĩa dân tộc. Họ chỉ nghĩ cho chính họ. Họ vẫn tự hỏi, "Tôi được gì từ điều đó?"... thay vì đặt câu hỏi mà lúc này họ nên hỏi là "Chúng ta được gì từ điều đó?" Chuyện là như vậy. Làm ơn đừng đưa ra đề xuất nào lúc này, hãy gửi thư cho tôi nếu các bạn có ý tưởng về việc ta có thể giúp nhóm người thất bại vẻ vang đáng chú ý này. (Tiếng cười) Ta có Saviour Chishimba, người tôi vừa nhắc đến. Ta có Halla Tómasdóttir, người về nhì trong cuộc bầu cử Tổng thống Iceland. Nhiều người có lẽ đã nghe bà trình bày ở TEDWomen chỉ vài tuần trước khi bà nói về nhu cầu tham gia chính trường của phụ nữ. Ta có Maria das Neves từ São Tomé and Príncipe. Ta có Hillary Clinton, tôi không rõ bà ấy có rỗi không. Ta có Jill Stein. Chúng tôi cũng theo dõi cuộc bầu cử vị Tổng Thư kí Liên Hiệp Quốc tiếp theo. Ta có cựu Thủ tướng New Zealand, vốn có thể là một thành viên tuyệt vời. Tôi nghĩ rằng những người đó, nhóm người thất cử vẻ vang, có thể đi khắp thế giới đến bất kì nơi nào có bầu cử và làm cho mọi người thấy sự cần thiết của thời kì hiện đại của việc suy nghĩ cởi mở hơn cũng như nghĩ đến hậu quả mang tầm quốc tế. Vậy Global Vote sẽ có gì tiếp theo? Rõ ràng là cuộc cạnh tranh giữa Donald và Hillary khá khó để theo dõi, song vẫn còn các cuộc bầu cử khác thực sự quan trọng sắp tới. Trên thực tế, chúng đang nhân lên. Có gì đó sắp xảy ra, tôi chắc là các bạn để ý, trên thế giới; và loạt cuộc bầu cử tiếp theo là vô cùng hệ trọng. Chỉ vài ngày nữa, chúng ta có bầu cử lại Tổng thống Áo. với khả năng là Norbert Hofer trở thành người thường được mô tả là nguyên thủ quốc gia thuộc cánh hữu đầu tiên ở châu Âu kể từ Thế chiến II. Năm sau ta có Đức, ta có Pháp, ta có bầu cử Tổng thống ở Iran và cả tá cuộc bầu cử khác. Tầm quan trọng không hề giảm đi mà càng lúc càng tăng. Dĩ nhiên là Global Vote không phải là một dự án đơn lẻ. Nó không tự tồn tại, nó có nền tảng. Nó là một phần của dự án tôi bắt tay thực hiện vào năm 2014 tên là Good Country. Ý tưởng của Good Country về cơ bản là rất đơn giản. Đó là dự đoán sơ bộ của tôi về việc thế giới đang gặp vướng mắc gì và cách chúng ta giải quyết nó. Tôi đã gợi ý về vấn đề của thế giới. Về cơ bản, chúng ta đối mặt với một số lớn và đang tăng của các vấn đề toàn cầu nổi cộm đang hiện hữu: biến đổi khí hậu, vi phạm nhân quyền, di cư hàng loạt, khủng bố, khủng hoảng kinh tế, gia tăng vũ khí. Tất cả các vấn đề này, vốn đe dọa sẽ xóa sổ chúng ta, về bản chất đều là các vấn đề toàn cầu hóa. Không một quốc gia riêng rẽ nào có khả năng tự mình giải quyết chúng, nên dĩ nhiên là chúng ta phải hợp tác, và hợp tác với tư cách là các quốc gia nếu chúng ta xử lí các vấn đề này. Điều đó quá rõ ràng, mà chúng ta lại không làm vậy. Chúng ta thường không hay làm vậy. Trong hầu hết thời gian, các quốc gia vẫn giữ kiểu cư xử như thể họ là các bộ lạc hiếu chiến, ích kỉ xung đột lẫn nhau, tựa như họ đã làm từ khi mô hình quốc gia được khai sinh cách đây hàng trăm năm. Cần phải thay đổi điều này, không phải thay đổi về các chính thể hay hệ tư tưởng, mà là thay đổi về văn hóa. Tất cả chúng ta đều phải nhận thức rằng suy nghĩ nội hướng không phải là giải pháp cho các vấn đề của thế giới. Chúng ta cần học cách chung sức hợp tác thật nhiều và cạnh tranh ít đi một chút. Nếu không thì mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ và chúng sẽ càng tệ đi nhanh hơn nhiều so với dự đoán của chúng ta. Thay đổi này sẽ chỉ xảy ra nếu những người bình thường chúng ta nhắc các chính khách của chúng ta rằng mọi thứ đã thay đổi. Chúng ta phải nhắc họ rằng văn hóa đã thay đổi. Chúng ta phải nhắc họ rằng họ đã có sự ủy nhiệm mới. Sự ủy nhiệm cũ thì rất giản đơn: nếu bạn ở vị trí cầm quyền, bạn chịu trách nhiệm với người dân cũng như phần lãnh thổ nhỏ bé của bạn, chỉ vậy thôi; và nếu để làm những điều tốt nhất cho người dân của bạn, bạn bỏ qua hết những người còn lại trên hành tinh, vậy càng tốt. Điều đó còn được xem là cứng rắn. Ngày nay, tôi cho rằng mọi người ở vị trí quyền lực và trách nhiệm đều có sư ủy nhiệm kép, đó là nếu bạn ở vị trí đó, bạn có trách nhiệm với nhân dân của bạn và với từng đối tượng - đàn ông, phụ nữ, trẻ em, và con vật - trên thế giới này. Bạn có trách nhiệm với phần lãnh thổ của bạn và với từng dặm vuông bề mặt trái đất lẫn bầu khí quyển bên trên. Nếu bạn không hứng thú với trọng trách đó thì bạn không nên nắm quyền. Với tôi, điều đó là quy tắc ở thời đại mới; và đó là thông điệp mà ta phải gửi đến các chính khách của chúng ta, và cho họ thấy đó là cách thức hoạt động thời nay; nếu không, tất cả chúng ta sẽ gặp bất lợi. Thật ra thì tôi chẳng có vấn đề gì với quan điểm "Nước Mĩ trên hết" của Donald Trump. Với tôi, nó là 1 phát biểu khá sáo rỗng về những gì các chính khách luôn hay làm và có lẽ là luôn nên làm. Tất nhiên là họ được bầu để đại diện cho quyền lợi người dân của họ, nhưng lí do làm tôi thấy khẩu hiệu đó rất tẻ nhạt và lỗi thời và cực kì thiếu sức tưởng tượng là việc nước Mĩ trước tiên đồng nghĩa với việc những người khác sau cùng, là làm nước Mĩ vĩ đại trở lại đồng nghĩa với làm những người khác nhỏ bé trở lại, và điều đó là không đúng. Ở vị trí cố vấn chính sách trong suốt hơn 20 năm qua, tôi đã thấy hàng trăm ví dụ về chính sách dung hòa các mối quan tâm trong nước và quốc tế, và điều đó tạo nên chính sách tốt hơn. Tôi không đề nghị các quốc gia trở nên vị tha hoặc tự hi sinh; điều đó thật nực cười, không quốc gia nào lại làm vậy. Tôi chỉ đề nghị họ thức tỉnh và hiểu rằng chúng ta cần hình thức quản lí mới có thể thực hiện được và dung hòa cả hai mối quan tâm trên, vừa tốt cho người dân chúng ta, vừa có lợi cho những người khác. Kể từ cuộc bầu cử ở Hoa Kì và sự kiện Brexit, tôi càng lúc càng thấy rõ rằng những sự phân biệt cũ kĩ giữa cánh tả và cánh hữu không còn ý nghĩa gì nữa. Chúng thực không hợp với khuôn mẫu. Điều đáng lưu tâm ngày nay là cực kì đơn giản: liệu cách nhìn thế giới của các bạn bị ảnh hưởng bởi việc suy nghĩ nội hướng và bảo thủ, hay, như tôi, các bạn tìm thấy hi vọng từ suy nghĩ cấp tiến và ngoại hướng. Đó là nền chính trị mới. Đó sự phân chia mới tách thế giới ngay ở giữa. Điều đó có vẻ đầy phán xét, nhưng hàm ý thì không như vậy. Tôi không hiểu lầm hoàn toàn vì sao có quá nhiều người cảm thấy vừa ý khi suy nghĩ nội hướng và bảo thủ. Khi thời thế khó khăn, khi các bạn thiếu tiền, khi các bạn thấy bất an và dễ tổn thương, lẽ tự nhiên là con người trở nên khép kín, các bạn chỉ nghĩ đến nhu cầu của mình và lờ đi nhu cầu của người khác, và có lẽ bắt đầu tưởng tượng rằng quá khứ bằng cách nào đó thì tốt hơn hiện tại hay tương lai; nhưng tôi lại tin rằng đó là ngõ cụt. Lịch sử cho chúng ta thấy đó là ngõ cụt. Khi con người trở nên khép kín và bảo thủ, tiến bộ nhân loại trở nên đảo lộn và mọi thứ đúng là trở nên tệ hơn rất nhanh đối với mọi người. Nếu bạn cũng như tôi và tin vào sự cấp tiến và ngoại hướng, cũng như tin rằng điều tốt nhất cho nhân loại chính là sự đa dạng của nó, và điều tốt nhất cho toàn cầu hóa chính là cách mà nó tăng cường sự đa dạng, sự giao thoa văn hóa để tạo nên thứ gì đó sáng tạo, thú vị và hiệu quả hơn bất kì thứ gì từng tồn tại trong lịch sử nhân loại, nên, các bạn của tôi, chúng ta có một sứ mệnh trong tay, vì sự khép kín và bảo thủ đang liên kết theo cách chưa từng có, và các tôn chỉ về khép kín và bảo thủ, sự sợ hãi đó, sự lo âu đó, tác động đến bản năng đơn giản nhất, đang bao trùm thế giới. Những người tin tưởng, như tôi tin tưởng, về sự cấp tiến và ngoại hướng, chúng ta phải tự chuẩn bị cho chính chúng ta, vì thời gian đang trôi đi rất, rất nhanh. Cảm ơn các bạn. (Tiếng vỗ tay)