Lúc tôi tám tuổi, lớp tôi có một cô bạn mới nhập học, và cô ấy thật nổi bật, các bạn nữ mới luôn gây ấn tượng như vậy. Cô ấy có mái tóc rất dày và mượt, và một hộp bút chì dễ thương, rất giỏi nhớ tên thủ phủ các tiểu bang, và là một người đánh vần cực chuẩn. Và tôi tê tái vì ghen tức trong năm đó, cho đến khi tôi nảy ra một kế hoạch ranh ma. Một hôm, tôi ở lại sau giờ học, ở lại lâu, và tôi trốn trong nhà vệ sinh nữ. Khi không còn ai nữa, tôi chui ra, rón rén đi vào lớp học, và lấy cuốn sổ điểm từ bàn giáo viên. Và tôi đã làm việc đó. Tôi sửa điểm số của đối thủ mình, chỉ sửa tí chút thôi chỉ cần hạ một số điểm A. Toàn là điểm A (Tiếng cười) Tôi đang định trả cuốn sổ vào ngăn kéo, thì sững lại, vì một số bạn học khác của tôi cũng có điểm số rất cao. Vậy là, trong cơn điên cuồng, tôi đã sửa điểm của tất cả mọi người, không suy nghĩ gì cả. Tôi cho tất cả điểm D và tự cho mình toàn điểm A, chỉ vì tiện thể, thấy tên mình trong đó. Tới giờ tôi vẫn chưa thể hiểu nổi hành vi của tôi. Tôi không hiểu cái ý tưởng đó đến từ đâu. Tôi không hiểu tại sao cảm thấy thật khoái cảm khi làm việc đó. Tôi thấy thích thú. Tôi không hiểu tại sao tôi đã không bị tố giác. Theo tôi, việc tôi đã làm là quá trắng trợn. Tôi không bị phát hiện. Nhưng vấn đề là, tôi không hiểu nổi, sao việc đó lại làm phiền tôi đến thế cái cô gái nhỏ này, đứa nhóc con này, lại đánh vần giỏi thế? Ghen tuông làm tôi rối trí. Nó rất khó hiểu và nó thật lạ đời. Chúng ta đều biết trẻ nhỏ khổ sở vì ganh tỵ. Chúng ta biết loài linh trưởng cũng vậy. Chim sơn ca cũng vậy. Chúng ta biết rằng ghen tuông là nguyên nhân số 1 khiến vợ chồng giết nhau tại Mỹ. Dầu vậy, tôi chưa bao giờ đọc một nghiên cứu phân tích cho tôi về sự cô độc của nó hoặc tuổi thọ của nó, hoặc sự đáng sợ của nó. Vì vậy, chúng ta phải đưa nó vào tiểu thuyết, bởi vì tiểu thuyết là phòng thí nghiệm nghiên cứu về sự ghen tuông trong mỗi trường hợp khả tồn. Trong thực tế, tôi không biết liệu có cường điệu không khi nói rằng nếu chúng ta không ghen tuông đố kị thì chẳng biết văn học còn có nữa hay không? Sẽ chẳng có Helen phản bội, không có "Cuộc phiêu lưu của Odyssey", không có vị vua ghen tuông, không có "Ngàn lẻ một đêm". Không có Shakespeare. Những tác phẩm ta học sẽ mất "Âm thanh và cuồng nộ", mất "Gatsby", mất "Mặt trời vẫn mọc", mất "Bà Bovary," "Anna Ka-rê-ni-na." Không có ghen tuông, không có Proust. Ý tôi là, có 'mốt' nói rằng Proust có câu trả lời cho tất cả mọi thứ, và trong trường hợp ghen tuông đố kị, đúng là ông cho ta câu trả lời. Năm nay là kỉ niệm trăm năm kiệt tác: "Đi tìm thời gian đã mất", đây là nghiên cứu thấu đáo nhất về ghen tuông tình ái hay chỉ là cạnh tranh thông thường, mà ta thường mong có. (Tiếng cười) Khi nghĩ về Proust, chúng ta nghĩ về những đoạn văn ủy mị? Ta nghĩ về một cậu bé đang cố ngủ, nghĩ về hương madeleine trong trà oải hương. Nhưng ta quên cách nhìn tàn nhẫn của ông, quên rằng ông chả buồn thương hại ai. Đây là những cuốn sách Virginia Woolf nói sắc như dao, dai như dây cước, Tôi không biết dây cước thì thế nào nhưng chắc ghê gớm lắm. Hãy xem tại sao chúng lại liên quan đến nhau, tiểu thuyết và ghen tuông đố kị, ghen tuông đố kị và Proust. Có phải rõ ràng là nỗi ghen tuông, sôi sục ở trong một con người, trong khao khát, trở ngại, là một nền tảng tự sự vững chắc? Tôi không biết. Tôi nghĩ nó hơi cợt nhả, bởi hãy suy nghĩ về những gì sẽ xảy ra khi cảm thấy ghen tuông. Khi ghen tuông, ta tự dựng lên một câu chuyện. Ta tự kể cho mình nghe câu chuyện về cuộc sống của người khác, và những câu chuyện này làm cho ta cảm thấy khủng khiếp vì chúng được thiết kế nhằm khiến ta thấy thế Là người kể chuyện và cũng là khán giả, ta biết phải thêm thắt những chi tiết gì để xoáy sâu hơn con dao vào lồng ngực, phải không? Ghen tuông biến ta thành các tiểu thuyết gia nghiệp dư, và đây là điều Proust hiểu. Trong tập đầu tiên, "Bên phía nhà Swann", của bộ sách, Swann, một trong các nhân vật chính, đang trìu mến nghĩ về tình nhân của mình, vẻ hoàn mỹ của nàng lúc trên giường. thì đột nhiên, trong chỉ vài câu, và đây là những câu văn của Proust, chúng dài như những dòng sông, chỉ trong vài câu, ông đột nhiên giật lùi lại và nhận ra, "Ôi, tất cả những gì tôi yêu ở người phụ nữ này, người khác cũng yêu ở nàng. Tất cả những gì nàng làm khiến tôi khoái lạc cũng có thể mang lại khoái lạc cho ai đó, có lẽ vào chính lúc này." Và đây là câu chuyện ông ấy bắt đầu tự kể với mình, và từ đó về sau, Proust viết rằng mỗi nét quyến rũ tươi nguyên Swann nhìn thấy ở người tình, được ông thêm vào "bộ sưu tập nhục hình trong căn phòng tra tấn chính mình." Bây giờ Swann và Proust, ta đã phải thừa nhận, đã nổi tiếng là ghen tuông. Bạn trai của Proust sẽ phải trốn ra nước ngoài nếu muốn chia tay ông. Nhưng bạn không cần phải ghen đến thế mới thừa nhận rằng đó là công việc khó khăn, phải không? Ghen tuông là kiệt quệ. Đó là cảm xúc luôn đói khát. Nó phải được cho ăn cho uống. Và ghen tuông thích ăn gì? Ghen tuông rất thích thông tin. Ghen tuông thích chi tiết. Ghen tuông thích hàng ngàn sợi tóc óng ả, chiếc hộp bút chì nhỏ nhắn dễ thương. Ghen tuông thích hình ảnh. Đó là lý do tại sao Instagram nổi thế. (Tiếng cười) Proust thực sự đã liên kết ngôn ngữ của tri thức và ghen tuông. Khi Swann quằn quại ghen tuông, ông bỗng nghe lén từ ngoài cửa và hối lộ người hầu của tình nhân, bào chữa việc làm của mình. Ông nói, "Tôi biết, bạn nghĩ điều này đáng khinh, nhưng nó cũng không khác mấy việc thông dịch một văn bản cổ đại hoặc nghiên cứu một tượng đài." Ông nói, "Đó là điều tra khoa học với giá trị trí tuệ thực thụ." Proust cố cho ta thấy nỗi ghen tuông đó thật khó lòng chịu nổi và khiến ta trông thật lố bịch nhưng nó chính là mấu chốt, là sự truy tìm tri thức, truy tìm sự thật, sự thật đau đớn, trên thực tế, theo Proust, sự thật càng đau đớn, càng hay ho. Đau buồn, sự sỉ nhục, mất mát: Với Proust, đây là những đại lộ đến sự khôn ngoan minh triết. Ông nói, "Một người phụ nữ mà ta cần, mà khiến ta chịu đựng, khiến dấy lên trong ta ngàn cảm giác sâu sắc và sống động thì còn hơn một ông thiên tài chỉ làm ta thích thú." Có phải ông bảo chúng ta hãy đi tìm những phụ nữ tàn ác? Không, tôi nghĩ rằng, ông muốn nói ghen tuông bày tỏ cho ta biết con người thật của mình. Có cảm xúc nào phô bày con người thật của ta ra giống thế này? Có cảm xúc nào khác tiết lộ cho ta về nỗi hiếu thắng của mình, và những tham vọng ghê tởm, cùng quyền lợi riêng tư? Liệu có cảm xúc nào khác dạy cho chúng ta săm soi dị thường đến thế? Về sau, Freud đã viết về điều này. Một ngày, Freud có khách, một thanh niên lòng đang như lửa đốt vì nghi vợ lừa dối mình Và Freud nói, anh này thật lạ vì anh ta không xét đến những việc vợ làm. Cô ấy vô tội, ai cũng thấy thế. Anh chàng tội nghiệp cứ nghi ngờ mà không cần lí do. Nhưng anh ta săm soi những điều vợ làm một cách vô tình, không chủ ý. Đây là cô ấy cười tươi quá, hay là vô tình đỏ mặt khi nhìn thấy thằng kia? [Freud] nói rằng người đàn ông đó trở thành người chăm sóc cho sự vô thức của người vợ. Tiểu thuyết rất giỏi về mặt này. Tiểu thuyết là rất giỏi mô tả xem ghen tuông đào tạo ta săm soi chi tiết mà không nhìn nhận chính xác. Trong thực tế, càng cuồng ghen, càng giàu tưởng tượng. Và đây là lý do, tôi nghĩ rằng, ghen tuông không chỉ kích động chúng ta làm những điều bạo lực hay phạm pháp. Ghen tuông khiến ta hành xử theo cách sáng tạo "dã man"! Giờ nhớ lại hồi tám tuổi, tôi thừa nhận thế, nhưng tôi cũng suy nghĩ về câu chuyện tôi nghe được. Một người phụ nữ 52 tuổi ở Michigan bị phát hiện ra rằng đã tạo một tài khoản Facebook giả để gửi những tin nhắn đê tiện và hèn hạ cho chính mình trong suốt một năm. Trong một năm. Một năm. Và cô đã cố gắng tưởng tượng về bạn trai cũ của mình cùng cô bạn gái mới, và tôi phải thú nhận khi tôi nghe tin này, tôi thấy đầy ngưỡng mộ. (Tiếng cười) Bởi vì, ý tôi là, hãy thành thực đi. Quả là một sự sáng tạo cừ khôi duy có điều sai chỗ, phải không ạ? Đây là điều rút ra từ tiểu thuyết. Điều rút ra từ cuốn tiểu thuyết của Patricia Highsmith. Tôi rất thích Highsmith. Bà là người phụ nữ thông mình và hài hước với ngôn ngữ Mỹ. Bà là tác giả của "Người lạ trên tàu" (Strangers on a train) và "Ngài Ripley tài năng" (The Talented Mr. Ripley) những cuốn sách toàn về nỗi ghen tuông, làm rối tung đầu óc ta, và khi ta đang trong mớ bòng bong ấy trong nghẹt ngòi ghen tuông, cái màng phân tách giữa điều thực xảy ra và điều có thể xảy đến có thể bị xuyên thủng trong nháy mắt. Ví dụ, Tom Ripley, nhân vật nổi tiếng nhất của bà. Tom Ripley đi từ muốn bạn hoặc muốn những gì bạn có tới việc trở thành là bạn và có những gì bạn từng có, và bạn phải bị đạp xuống đất, hắn ở trong vị trí của bạn, đeo chiếc nhẫn của bạn, làm trống trơn tài khoản của bạn. Phải đi đúng lộ trình như thế. Còn chúng ta? Không thể đi vào con đường của Tom Ripley. Tôi không thể cho cả thế giới điểm D, thích cho ai điểm D thì cho. Thật khốn khổ vì chúng ta phải sống những phút ghen tuông đố kị. Chúng ta đang sống trong thời đại đầy ghen tuông đố kị. Chúng ta là công dân ngoan hiền của truyền thông xã hội, luôn mang tính ganh đố? Có phải tiểu thuyết chỉ cho ta lối thoát? Không rõ. Vậy, hãy làm điều nhân vật luôn làm khi họ không biết chắc, khi họ đang sở hữu một bí ẩn. Hãy đi đến số 221B Phố Baker, tìm Sherlock Holmes. Khi mọi người nghĩ về Holmes, họ nghĩ về đối thủ của ông, giáo sư Moriarty, vâng, kẻ toàn vạch ra tội ác. Nhưng tôi thích nghĩ đến [thanh tra] Lestrade hơn, người đứng đầu Scotland Yard, người thực sự cần Holmes, cần cái thiên tài của Holmes nhưng ghét anh ta. Ôi, nó quá ư giống tôi. Lestrade cần nhưng mà căm ghét Holmes, và luôi sôi sục nỗi căm hận trong suốt vụ án. Nhưng khi họ làm việc cùng nhau, một cái gì đó bắt đầu thay đổi, và cuối cùng trong "Cuộc phiêu lưu của sáu pho tượng Napoleon", khi Holmes bước vào, gây kinh ngạc qua lời giải của mình, Lestrade quay sang Holmes, nói: "Thưa ông Homes, chúng tôi không ghen tị với ông đâu, Chúng tôi tự hào về ông." Và ông ấy nói rằng không có ai ở Scotland Yard không muốn bắt tay Sherlock Holmes. Đó là một trong ít lần ta thấy Holmes cảm động trong một vụ án, tôi cũng thấy cảnh này cảm động nhưng cũng đầy bí ẩn, phải không ạ? Nó dường như đã coi cơn ghen tuông như một bài toán hình học, chứ không phải vấn đề cảm xúc. Bạn biết không, phút trước, Holmes là đối thủ của Lestrade, mà phút sau, họ đã cùng chiến tuyến. Đột nhiên, Lestrade để cho mình ngưỡng mộ trí óc mà ông từng căm ghét. Có thể đơn giản như vậy sao? Sẽ thế nào nếu ganh tỵ thực sự là một bài toán hình, chỉ là vấn đề của việc ta cho phép bản thân đứng đâu trong quan hệ với người khác? Vâng, có lẽ như thế, chúng ta sẽ không phải bực tức trước sự xuất sắc của ai đó. Chúng ta có thể đặt mình thẳng hàng với nó. Nhưng tôi thích kế hoạch phòng hờ. Vì vậy, trong khi chúng ta chờ nó xảy ra, hãy nhớ rằng, chúng ta có tiểu thuyết an ủi mình. Chính tiểu thuyết sẽ giải những bí ẩn về ghen ghét. Chính tiểu thuyết sẽ bạch hóa nó, bắt nó phải lộ mình. Và hãy xem nó góp lại những ai: Lestrade ngọt ngào, Tom Ripley ghê gớm, Swann điên rồ, bản thân Marcel Proust. Chúng tôi rất thân với nhau! Cảm ơn các bạn. (Vỗ tay)