Chris Anderson: Tiến sĩ Jane Goodall, xin chào bà. Jane Goodall: Cảm ơn anh, và tôi nghĩ, cuộc phỏng vấn này sẽ không hoàn chỉnh nếu mọi người không biết ngài H đang cùng tôi, vì ai cũng biết ngài H. CA: Xin chào ngài H. Trong bài nói chuyện TED Talk 17 năm trước, bà đã cảnh báo chúng tôi về mối nguy khi nhân loại chèn ép thế giới tự nhiên. Bà có khi nào cảm thấy rằng đại dịch hiện giờ có vẻ như là cuộc phản công của tự nhiên không? JG: Rõ ràng những bệnh truyền từ động vật sang người này, như corona và HIV/AIDS và tất cả loại bệnh khác mà chúng ta mắc phải từ động vật, đều phần nào liên quan đến việc phá hủy môi trường, là khi động vật mất môi trường sống, chúng sống chen chúc với nhau và đôi khi là do một virus từ một loài vật chủ này, vốn sống hòa hợp với nhau có lẽ hàng trăm năm, lây lan qua loài khác, rồi tình trạng động vật bị dồn phải tiếp xúc gần hơn với con người. Và đôi khi một trong những động vật mắc virus này có thể -- tạo cơ hội cho virus đó lây sang con người rồi tạo nên bệnh mới, như COVID-19. Và ngoài ra, chúng ta đang rất không tôn trọng động vật. Ta săn bắt chúng, ta giết chúng, ta ăn thịt chúng, ta buôn lậu chúng, ta đem chúng ra chợ động vật hoang dã ở châu Á, trong điều kiện nhồi nhét tồi tệ, trong những chiếc chuồng nhỏ xíu, con người bị nhiễm bẩn với máu, nước tiểu và phân, tình trạng lý tưởng cho virus truyền từ động vật tới động vật, hay từ động vật sang người. CA: Tôi muốn quay ngược thời gian một chút vì câu chuyện của bà quá phi thường. Bất chấp thái độ phân biệt giới tính gây tranh cãi những năm 1960, bằng cách nào đó bà đã vượt qua và trở thành một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới, khám phá một loạt sự thật đáng ngạc nhiên về loài tinh tinh, như việc chúng dùng công cụ và nhiều điều khác nữa. Theo bà, điều gì ở bà đã cho phép bà tạo ra đột phá đó? JG: Sự thật là tôi sinh ra đã yêu động vật và điều quan trọng nhất là tôi có một người mẹ rất ủng hộ. Bà không nổi điên khi thấy giun đất trên giường tôi, bà chỉ nói chúng nên ở trong vườn. Và bà không nổi điên khi tôi biến mất bốn tiếng đồng hồ rồi bà gọi cảnh sát, còn tôi thì đang ngồi trong chuồng gà, vì không ai chỉ tôi cái lỗ mà trứng chui ra. Tôi không ước mơ làm nhà khoa học, vì phụ nữ không làm mấy chuyện đó. Thật ra, thời ấy cũng chẳng đàn ông nào làm mấy chuyện đó. Ai cũng cười nhạo tôi trừ mẹ, bà nói: "Nếu con thực sự muốn làm, con sẽ phải làm việc cực kỳ chăm chỉ, tận dụng mọi cơ hội, nếu không bỏ cuộc, có thể con sẽ tìm ra cách." CA: Và bằng cách nào đó, bà đã chiếm được lòng tin của loài tinh tinh theo cách chưa từng ai làm được. Khi nghĩ lại, khoảnh khắc nào thú vị nhất khi bà tìm hiểu về tinh tinh hay có điều gì ở tinh tinh mà con người vẫn chưa hiểu được? JG: Sự thật là, anh nói "Thấy những thứ chưa ai thấy, chiếm lòng tin của chúng". Chưa ai từng thử. Thành thật là vậy. Nên về cơ bản, tôi sử dụng kỹ thuật tôi đã dùng để nghiên cứu động vật quanh nhà khi tôi còn nhỏ. Chỉ ngồi đó, thật kiên nhẫn, cố không đến quá gần quá nhanh, nhưng thật kinh khủng, vì chi phí chỉ đủ cho sáu tháng. Anh có thể tưởng tượng khó khăn đến thế nào để có tiền với một cô gái trẻ không bằng cấp, để đi và làm điều kỳ quặc là ngồi trong rừng. Anh biết đó, cuối cùng, chúng tôi xin được tiền cho sáu tháng từ một nhà hảo tâm người Mỹ, và tôi biết từ từ tôi sẽ lấy được lòng tin của tinh tinh, nhưng tôi có thời gian không? Rồi tuần trở thành tháng và cuối cùng, sau khoảng bốn tháng, một con tinh tinh bắt đầu bớt sợ, và đó là con tinh tinh mà tôi đã có lần nhìn thấy -- tôi vẫn chưa đến gần, nhưng tôi có ống nhòm -- tôi thấy nó sử dụng và chế tạo công cụ để bắt mối. Dù tôi không quá ngạc nhiên, vì tôi đã đọc những điều mà tinh tinh nuôi nhốt có thể làm, nhưng tôi biết khoa học tin rằng con người, chỉ có con người, sử dụng và chế tạo công cụ. Và tôi biết Leakey [Tiến sĩ Louis] sẽ vui thế nào. Chính sự quan sát đó đã cho phép ông tới tạp chí Địa Lý Quốc Gia, rồi họ bảo, "Được, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu này", rồi họ gửi Hugo van Lawick, nhiếp ảnh gia kiêm nhà làm phim, để quay lại những gì tôi thấy. Nhiều nhà khoa học không muốn tin việc sử dụng công cụ. Thật ra, một trong số họ nói tôi hẳn đã dạy cho tinh tinh. (Cười) Do tôi không đến gần chúng, điều đó hẳn là kỳ diệu. Nhưng dù sao, khi họ xem phim của Hugo kèm tất cả mô tả của tôi về hành vi của chúng, các nhà khoa học phải bắt đầu thay đổi suy nghĩ. CA: Kể từ đó, nhiều khám phá khác đã chỉ ra tinh tinh thực sự gần gũi với con người hơn chúng ta tưởng. Tôi nhớ bà từng nói chúng rất hài hước. Điều đó được thể hiện ra sao? JG: Anh thấy điều đó khi chúng chơi trò chơi, có con lớn hơn chơi với con nhỏ hơn, nó kéo lê một dây leo quanh một cái cây. Mỗi khi con nhỏ sắp chộp được, con lớn kéo dây ra xa, con nhỏ bắt đầu khóc còn con lớn bắt đầu cười. Thế là tôi biết. CA: Sau đó bà đã quan sát được một điều phức tạp hơn, đó là trường hợp các băng nhóm tinh tinh, bộ tộc, nhóm, trở nên bạo lực hung hãn với nhau. Tôi tò mò không biết suy nghĩ của bà như thế nào. Liệu rằng điều đó có khiến bà cảm thấy, buồn lòng về con người, bởi cả hai rất tương đồng, liệu có làm bà thấy bạo lực là đặc tính tất yếu ở bất cứ họ linh trưởng nào không? JG: Rõ ràng là vậy. Lần tiếp xúc đầu tiên của tôi với bản tính độc ác của con người, là khi chiến tranh vừa chấm dứt những hình ảnh của cuộc Diệt Chủng. Chúng thực sự làm tôi sốc. Bản thân tôi thay đổi từ đó. Tôi nghĩ khi ấy mình mới mười tuổi. Khi tôi nhận ra tinh tinh cũng có mặt tối tăm hung hãn, tôi nghĩ chúng như chúng ta nhưng dễ thương hơn. Rồi tôi nhận ra chúng còn giống chúng ta hơn là tôi từng nghĩ. Khi ấy là đầu thập niên 70, một thời kỳ rất lạ, sự hung hăng đang là chủ đề lớn được tranh cãi là bẩm sinh hay do học hỏi. Rồi nó được mang lên chính trường. Với tôi, đây là một thời kỳ vô cùng lạ lẫm, và tôi lên tiếng rằng: "Không, tôi nghĩ sự hung hăng chính xác là hành vi được di truyền của chúng ta." Tôi hỏi một nhà khoa học rất nổi tiếng ông nghĩ sao, vì ông đã tuyên bố không căn cứ rằng, bản tính này do học hỏi mà có, ông nói: "Jane, tôi không muốn nói về những gì tôi thực sự nghĩ." Trên phương diện khoa học điều này thực sự làm tôi rất sốc. CA: Tôi được dạy tin rằng mọi thứ đều tươi đẹp trong cuộc sống. Vô số thước phim đẹp về bướm và ong và hoa, tự nhiên thật tươi đẹp vô cùng. Nhiều nhà môi trường học dường như hay thể hiện thái độ rằng: "Vâng, tự nhiên thật trong lành, đẹp đẽ, còn con người thì xấu xa," nhưng rồi ta cũng quan sát thấy rằng, khi thực sự tìm hiểu về bất kỳ thành tố nào của tự nhiên, ta lại thấy những điều đáng sợ. Bà nghĩ sao về chuyện này, và chúng ta nên có thái độ như thế nào? JG: Nhắc tới tự nhiên, như anh biết đấy, là nhắc tới toàn bộ phạm trù của tiến hóa, nó gợi lại trong ta một cảm giác ban sơ, và châu Phi rất hoang sơ khi tôi còn nhỏ. Động vật ở mọi nơi. Tôi không thích việc sư tử săn mồi, dù biết đó là bản chất của chúng. Nếu chúng không ăn thịt động vật, chúng sẽ chết. Khác biệt lớn giữa chúng và chúng ta, theo tôi, chính là chúng làm vậy bởi đó là việc chúng phải làm. Còn chúng ta có thể lên kế hoạch làm việc. Kế hoạch của chúng ta rất khác biệt. Chúng ta có thể lên kế hoạch chặt toàn bộ một khu rừng, vì chúng ta muốn bán gỗ, hay vì chúng ta muốn xây một khu thương mại khác, hoặc vì lý do nào khác. Sự phá hủy thiên nhiên và chiến tranh của chúng ta, chúng ta có khả năng trở nên xấu xa vì chúng ta có thể ngồi lại thoải mái và lên kế hoạch hành hạ ai đó từ xa. Thật là xấu xa. Tinh tinh có kiểu chiến tranh nguyên sơ, chúng có thể rất hiếu chiến, nhưng chỉ trong tức thời, đó là cách chúng cảm nhận. Đó là phản ứng cho cảm xúc của chúng. CA: Trong quan sát của mình về tính phức tạp của tinh tinh bà thấy chúng không giống như những điều bị người ta thổi phồng tinh tinh không hề có siêu năng lực, về khả năng định hình tương lai với đa dạng chi tiết như con người và lập kế hoạch dài hạn. Và hành động khích lệ nhau để đạt được các kế hoạch dài hạn đó. Đây dường như, thậm chí đối với người bỏ nhiều thời gian với tinh tinh, một bộ kỹ năng cơ bản hoàn toàn khác mà chúng ta phải chịu trách nhiệm để sử dụng một cách khôn ngoan hơn. JG: Vâng, cá nhân tôi nghĩ, đã có nhiều cuộc thảo luận về chuyện này, nhưng thực tế là chúng ta đã phát triển cách giao tiếp như anh và tôi đang dùng. Bởi chúng ta có từ ngữ, ý tôi là, giao tiếp động vật còn phức tạp hơn những gì chúng ta vẫn nghĩ. Tinh tinh, khỉ đột, đười ươi có thể học ngôn ngữ kí hiệu của con người dành cho người điếc. Nhưng chúng ta có thể nói bất kỳ ngôn ngữ nào được học, nên tôi có thể nói cho anh những điều mà anh chưa từng nghe đến. Tinh tinh không thể làm thế. Chúng ta có thể dạy cho con trẻ về những khái niệm trừu tượng. Tinh tinh không làm được. Vâng, tinh tinh có thể làm nhiều thứ khéo léo, con voi, con quạ hay bạch tuộc cũng vậy, nhưng chúng ta thiết kế hỏa tiễn có thể bay tới hành tinh khác và robot nhỏ chụp hình, chúng ta giao tiếp trơn tru một cách kỳ lạ dù ở những vùng khác nhau trên thế giới. Khi tôi còn trẻ, khi tôi lớn lên, không có TV, không có điện thoại di động, không có máy vi tính. Nó là một thế giới khác biệt, Tôi có bút chì, bút bi, sổ tay, chỉ có thế. CA: Quay lại câu hỏi về tự nhiên, vì tôi nghĩ nhiều về việc này, tôi tranh đấu với chuyện này, thành thực mà nói. Nhiều công trình của bà, nhiều công trình của người khác tôi ngưỡng mộ nói về đam mê nhằm bảo tồn thế giới tự nhiên. Liệu có khả năng, hay có quan trọng không khi đồng thời chấp nhận rằng những khía cạnh khác của tự nhiên vô cùng đáng sợ, nhưng cùng lúc cũng thật hùng vĩ, và sự hùng vĩ ấy phần nào đến từ tiềm năng gây kinh sợ mà nó lại cũng đẹp đến nín thở, chúng ta không được là bản thân mình, vì chúng ta là một phần của tự nhiên, chúng ta không thể được trọn vẹn trừ khi chúng ta bằng cách nào đó chấp nhận nó và là một bộ phận của nó? Giúp tôi trình bày với, Jane, về mối quan hệ đó nên ra sao. JG: Tôi nghĩ một trong số vấn đề là, khi chúng ta phát triển trí tuệ, chúng ta trở nên tốt và tốt hơn điều chỉnh môi trường cho chúng ta dùng, và tạo nên những cánh đồng và trồng cây lương thực vốn là nơi từng là rừng hay vùng trồng cây, anh biết đấy, giờ chúng ta sẽ không đi theo cách đó nhưng chúng ta có khả năng thay đổi tự nhiên. Khi chúng ta chuyển đến sống ở thành phố và thị trấn, và dựa nhiều vào công nghệ, nhiều người cảm thấy xa rời thế giới tự nhiên. Có hàng trăm ngàn trẻ em lớn lên trong thành phố, căn bản là không có chút tự nhiên nào, đó là lý do phong trào hiện nay là làm xanh thành phố thật quan trọng. Anh biết đấy, họ đang thí nghiệm, tôi nghĩ là tại ở Chicago, tôi cũng không chắc, có nhiều chỗ trống khác nhau ở những vùng ngột ngạt của thành phố. Ở những vùng đó họ phủ xanh, họ để cây và hoa và nhiều thứ, bụi rậm ở những chỗ trống. Tỷ lệ tội phạm giảm xuống. Dĩ nhiên là, họ để cây cối ở nửa kia. Điều đó chứng minh khá nhiều, cũng thế, có nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ em thực sự cần thiện nhiên xanh cho sự phát triển tâm sinh lý tốt. Nhưng chúng ta, như anh đã nói, là bộ phận của tự nhiên chúng ta không tôn trọng điều đó, như bản thân chính mình, điều đó quá khủng khiếp cho trẻ em và con cháu của con chúng ta, vì chúng ta lệ thuộc vào tự nhiên cho không khí sạch, nước sạch, để điều hòa khí hậu và lượng mưa. Hãy xem những gì chúng ta đã làm, khủng hoảng khí hậu. Đó là lỗi chúng ta. Chúng ta đã gây họa. CA: Hơn 30 năm qua, tôi đoán bà chuyển từ chỉ là nhà khoa học sang chỉ là nhà hoạt động. Tại sao vậy? JG: Hội nghị năm 1986, về khoa học, tôi vừa có bằng tiến sĩ tôi định tìm xem hành vi tinh tinh khác ra sau, nếu có, từ môi trường này đến môi trường khác. Có sáu chỗ nghiên cứu khắp châu Phi. Vậy nên chúng tôi nghĩ, hãy đưa các nhà khoa học đến với nhau và khám phá điều này, một điều thật thú vị. Nhưng chúng tôi cũng có một phiên về việc bảo tồn và một phiên về điều kiện trong những khu nuôi nhốt giống như nghiên cứu y khoa, Hai phiên đó làm tôi rất sốc. Tôi tới hội nghị như một nhà khoa học, và tôi đi ra như nhà hoạt động. Tôi không ra quyết định, điều gì đã diễn ra trong tôi. CA: Vậy bà bỏ ra 34 năm vừa qua vận động không mệt mỏi cho mối quan hệ tốt hơn giữa con người và tự nhiên. Mối quan hệ đó nên ra sao? JG: Anh biết đấy, anh gặp phải tất cả những vấn đề này. Người ta cần chỗ để sống. Nhưng tôi nghĩ vấn đề là trong xã hội giàu có, chúng ta trở nên quá tham lam. Thành thực mà nói, ai cần bốn căn nhà với mảnh đất to lớn? Tại sao chúng ta cần khu mua sắm khác nữa? Vân vân và vân vân. Chúng ta xem lợi ích kinh tế ngắn hạn tiền bạc trở thành loại thánh để thờ phụng khi chúng ta mất hết mối liên hệ tinh thần với thế giới tự nhiên. Chúng ta tìm kiếm nguồn tiền ngắn hạn, hay quyền lực, hơn là sức khỏe của hành tinh và tương lai của con em chúng ta. Dường như chúng ta không quan tâm về điều đó nữa nữa. Đó là lý do tôi sẽ không ngừng đấu tranh. CA: Ý tôi, công trình của bà đặc biệt về bảo tồn tinh tinh, bà biến nó thành thực tế khi đưa con người là trung tâm, lôi cuốn người dân địa phương. Bà đã làm thế nào được và bà có nghĩ đó là ý tưởng quan trọng nếu chúng ta thành công trong việc bảo vệ hành tinh? JG: Anh biết đấy, sau hội nghị nổi tiếng đó, Tôi đã nghĩ, tôi phải học hỏi nhiều hơn lý do tinh tinh biến mất ở Châu Phi và những gì xảy ra ở các khu rừng. Vậy nên tôi gom ít tiền bạc lại và đi thăm sáu nước. Và học được nhiều về những vấn đề mà tinh tinh đối mặt, săn tìm thịt vật hoang dã và mua bán động vật sống bắt bằng bẫy dân số gia tăng và cần thêm đất cho mùa màng và gia súc của họ và làng xóm họ. Nhưng tôi cũng biết những hoàn cảnh mà nhiều người đối mặt. Tình trạng nghèo khó, thiếu hệ thống y tế và giáo dục, giảm chất lượng đất đai. Nó đến trước tôi khi tôi bay qua Vườn Quốc Gia Gombe nhỏ bé. Nó từng là phần của vành đai rừng xích đạo ngang qua ngay châu Phi tới bờ Tây, vào năm 1990, nó chỉ là một khu rừng nhỏ bé, chỉ là công viên quốc gia nhỏ. Quanh đó, đồi thì trọc. Đó là lúc làm tôi sực tỉnh. Nếu chúng ta không làm điều gì để giúp người ta tìm cách sinh sống mà không hủy hoại môi trường, chúng ta thậm chí không thể cố cứu loài tinh tinh. Nên Viện Jane Goodall bắt đầu chương trình "Chăm Sóc," này chúng tôi gọi nó "TACARE." Đó là phương pháp của chúng tôi về bảo tồn dựa vào cộng đồng, hoàn toàn tổng hòa. Chúng tôi giờ đặt công cụ bảo tồn vào tay dân làng, vì hầu hết tinh tinh hoang dã ở Tanzania không ở vùng được bảo vệ, chúng chỉ ở trong khu dự trữ rừng của làng. Nên giờ họ đi và đo lường sức khỏe của khu rừng của họ. Giờ họ đã hiểu rằng bảo vệ rừng không chỉ dành cho đời sống hoang dã, mà đó là tương lai của họ. Là họ cần rừng. Và họ rất tự hào. Tình nguyện viên dự hội thảo, họ biết cách dùng điện thoại thông minh, họ biết cách đăng lên trên diễn đàn và mạng. Rồi tất cả rõ ràng. Và cây quay lại, không còn đồi trọc nữa. Họ đồng ý tạo vùng đệm quanh Gombe, để tinh tinh có thêm rừng hơn năm 1990. Họ mở ra hành lang quanh rừng để nối những nhóm tinh tinh rải rác vì bạn không muốn cận phối giống. Vâng, nó có tác dụng, và nó hiện được thực hiện ở sáu quốc gia. Tương tự. CA: Tôi muốn nói, bà là một tiếng nói lạ không mệt mỏi, khắp thế giới đi rất nhiều, nói chuyện mọi nơi, truyền cảm hứng cho mọi người khắp nơi. Làm thế nào mà bà có được năng lượng đó, bà biết đấy, ngọn lửa để làm việc, vì làm vậy thật tốn sức, mọi cuộc họp với nhiều người, nó chỉ là mệt mỏi thể chất, thế nhưng, ở đây, bà vẫn làm việc. Làm sao mà bà làm được, Jane? JG: Tôi cho rằng tôi cứng cỏi, tôi không thích đầu hàng, tôi sẽ không chùn bước trước những CEO của các công ty lớn đang hủy hoại rừng, hay chính gia đang tháo dỡ mọi sự bảo hộ đang được thực hiện bởi những cựu tổng thống, anh biết tôi đang nói về ai mà. Anh biết đấy, tôi tiếp tục tranh đấu. Tôi quan tâm, tôi đam mê đời sống hoang dã. Tôi say mê thế giới tự nhiên. Tôi yêu thích rừng, tôi thấy tổn thương khi thấy chúng bị thiệt hại. Tôi quan tâm sâu sắc về trẻ con. Chúng ta đánh cắp tương lai của chúng. Tôi sẽ không đầu hàng. Tôi đoán tôi may mắn có được gen tốt, đó là món quà, một món quà khác, tôi khám phá ra mình có, là giao tiếp, dù là viết hay nói. Anh thấy đấy, nếu đi quanh như thế mà không có tác dụng, nhưng mỗi khi tôi phát biểu, mọi người đứng dậy và nói: "Tôi đã đầu hàng, nhưng bà truyền cảm hứng cho tôi, Tôi hứa sẽ làm phần nhỏ của mình." Rồi chúng tôi có chương trình cho giới trẻ "Roots and Shoots" giờ ở 65 nước đang phát triển nhanh, mọi lứa tuổi, tất cả chọn dự án để giúp con người, động vật, môi trường, xắn tay và hành động. Anh biết đấy, họ nhìn tôi với ánh mắt sáng ngời, muốn kể với Tiến sĩ Jane họ đang làm gì để thế giới trở thành một nơi tốt hơn. Làm sao mà tôi làm họ thất vọng? CA: Ý tôi, khi bà nhìn vào tương lai hành tinh, điều gì thực sự làm bà lo lắng nhất, làm bà sợ nhất về tình trạng hiện giờ của chúng ta? JG: Sự thật là chúng ta còn chút thời gian, tôi tin thế, khi chúng ta có thể ít ra bắt đầu chữa trị những gì nguy hại và làm chậm lại sự thay đổi khí hậu. Nhưng nó đang đóng dần, chúng ta thấy điều xảy ra với việc đóng cửa quanh thế giới vì COVID-19: bầu trời trong ở các thành phố, vài người hít thở không khí sạch mà chưa từng có trước đó và nhìn lên bầu trời sáng ban đêm mà họ chưa thấy lúc trước. Anh biết đấy, điều lo lắng nhất là làm sao có đủ người mọi người hiểu, nhưng họ không hành động, làm sao có đủ người dám hành động? CA: Kênh Địa Lý Quốc Gia vừa tung ra bộ phim hoành tráng về bà, nêu bật công trình của bà qua sáu thập niên. Nó có tựa là "Jane Goodall: Niềm Hy Vọng." Đó là hy vọng gì vậy, Jane? JG: Hy vọng, hy vọng lớn nhất của tôi là tất cả bạn trẻ này. Ý tôi, tại Trung Quốc, mọi người đứng lên và nói: "Dĩ nhiên tôi quan tâm đến môi trường, Tôi tham gia "Roots and Shoots" ở tiểu học." Anh biết đấy, chúng tôi có "Roots and Shoots" giữ gìn các giá trị họ rất say mê một khi họ biết về những vấn đề họ được trao quyền hành động, họ làm sạch suối, xóa bỏ các loài xâm hại một cách nhân đạo. Họ có nhiều ý tưởng. Rồi thế đó, anh biết đấy, trí tuệ đặc biệt này của chúng ta. Chúng ta bắt đầu sử dụng nó để nghĩ tới công nghệ thực sự giúp chúng ta sống hòa đồng hơn, trong đời sống riêng của chúng ta, hãy nghĩ về hậu quả chúng ta làm hằng ngày. Chúng ta mua gì, nó đến từ đâu, sản xuất nó ra sao? Liệu nó có làm hại môi trường, nó có độc ác với động vật? Có phải nó rẻ vì làm bằng công sức trẻ em? Hãy chọn lựa hợp đạo đức. Nhân tiện, bạn không thể làm nếu bạn sống trong nghèo khổ. Cuối cùng là tinh thần bất khuất của những người đương đầu với những điều tưởng như không thể và không đầu hàng. Bạn không thể đầu hàng khi bạn có tinh thần đó. Nhưng anh biết đấy, có những thứ tôi không thể đấu tranh. Tôi không thể đấu tranh chống tham nhũng. Tôi không thể đấu tranh chống chế độ quân phiệt và độc tài. Vậy nên tôi chỉ làm việc mình có thể làm, và nếu tất cả chúng ta làm một chút những gì mình có thể chắc chắn sẽ gộp lại thành thắng lợi cuối cùng. CA: Câu hỏi cuối, Jane. Nếu có một ý tưởng, một suy nghĩ, một hạt giống mà bà gieo vào đầu những ai đang xem, điều đó là gì? JG: Hãy nhớ rằng từng ngày bạn sống, bạn tác động lên hành tinh. Bạn không thể ngừng tác động. Ít ra, trừ phi bạn quá nghèo, bạn có chọn lựa bạn tác động gì. Thậm chí dù nghèo, bạn có một lựa chọn, nhưng khi chúng ta đầy đủ hơn, chúng ta có lựa chọn nhiều hơn. Nếu chúng ta lựa chọn có đạo đức, thì chúng ta bắt đầu tiến về một thế giới không quá tuyệt vọng để truyền lại cho con cháu về sau. Tôi nghĩ, đó là điều dành cho mọi người. Vì nhiều người hiểu chuyện gì đang diễn ra nhưng họ thấy vô dụng và tuyệt vọng, họ có thể làm gì, rồi họ chẳng làm gì họ trở nên thờ ơ. Đó thật nguy hiểm, sự hờ hững. CA: Tiến sĩ Jane Goodall, chà. Tôi thật muốn cảm ơn cuộc đời đặc biệt của bà, vì tất cả những gì bà làm và vì dành thời gian này với chúng tôi. Xin cảm ơn. JG: Cảm ơn.