Tôi lớn lên vào cuối những năm 70 ở vùng nông thôn của Trung Quốc, những năm cuối của thời kì xã hội bình đẳng tuyệt đối với cái giá phải trả là sự tự do. Lúc đó, mọi người đều có việc làm nhưng họ luôn phải vật lộn với khó khăn. Trong những năm đầu thập niên 80, cha tôi làm nghề thợ điện, và mẹ tôi phải làm việc hai ca ở một bệnh viện địa phương. Nhưng chúng tôi vẫn không đủ ăn, và điều kiện sống của chúng tôi rất tồi tệ. Chúng tôi hoàn toàn bình đẳng với nhau -- chúng tôi đều nghèo như nhau. Chính quyền sở hữu mọi thứ, còn chúng tôi thì không. Câu chuyện mà tôi sắp chia sẻ với các bạn là về những nỗ lực vượt qua nghịch cảnh của cá nhân tôi bằng lòng quyết tâm và ý chí kiên cường. Không, tôi chỉ đùa thôi, tôi không kể về chuyện đó đâu. (Cười) Thay vào đó, tôi sẽ kể cho bạn nghe một dạng khác của nhóm người nghèo mà nhiều người chúng ta không nhận ra và vấn đề này cần phải sớm được làm rõ. Tôi dám chắc các bạn có thể nhận ra rằng trong 20 năm qua, một thứ tài sản đang được tạo ra. Nó khiến xã hội này trở nên giàu có với tốc độ chóng mặt, là thứ công cụ mang lại cho doanh nghiệp những hiểu biết sâu sắc về khách hàng, tính hiệu quả trong vận hành và sự phát triển vượt bậc. Nhưng đối với một vài người, nó cũng là một công cụ giúp thao túng những cuộc bầu cử dân chủ hoặc thực hiện giám sát với mục đích lợi nhuận hoặc chính trị. Vậy thứ tài sản kì diệu này là gì? Bạn có thể đoán: nó là dữ liệu. Bảy trên mười công ty giá trị nhất trên thế giới là công ty công nghệ những công ty này hoặc thu lợi nhuận trực tiếp từ dữ liệu hoặc sử dụng dữ liệu cho hoạt động kinh doanh cốt lõi. Nhiều khảo sát chỉ ra rằng đại đa số các nhà quản trị doanh nghiệp xem dữ liệu là một tài nguyên cần thiết cho sự thành công. Chúng ta đều được trải nghiệm cách dữ liệu làm thay đổi mô hình của nền kinh tế, các thực thể chính trị và mỗi cá nhân chúng ta. Bất cứ ai sở hữu dữ liệu sẽ nắm giữ tương lai. Nhưng ai mới là người tạo ra dữ liệu? Tôi đoán rằng mỗi người ở đây đều sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, một vài tài khoản mạng xã hội và đã tìm kiếm trên Google trong vòng một hoặc hai tuần qua. Chúng ta đều tạo ra dữ liệu. Đúng vậy. Ước tính vào năm 2030, mười năm tính từ bây giờ, sẽ có khoảng 125 tỉ thiết bị được kết nối Internet trên toàn cầu. Con số trung bình sẽ là 15 thiết bị mỗi người. Chúng ta đều đã tạo ra dữ liệu hàng ngày và lượng dữ liệu này sẽ còn tăng theo cấp số mũ. Tổng doanh thu của Google, Facebook và Tencent trong năm 2018 là 236 tỉ đô la Mỹ. Bao nhiêu người trong số các bạn nhận được tiền từ các công ty trên cho dữ liệu mà bạn đã tạo ra cho họ? Không ai cả, đúng chứ? Dữ liệu có giá trị vô cùng lớn nhưng lại được sở hữu và quản lý tập trung Bạn tạo ra dữ liệu "thô" cho những công ty lớn sử dụng, nhưng không ai được họ trả tiền. Không chỉ vậy, các bạn thậm chí còn không cho rằng đây là một khoản thu nhập hợp lý. Nên một lần nữa, chúng ta chắc chắn bình đẳng với nhau; chúng ta đều nghèo như nhau. Chúng ta chẳng sở hữu thứ gì, trong khi ai đó lại có tất cả mọi thứ. Nghe quen đúng không? Vậy chúng ta nên làm gì? Có thể có vài dấu hiệu về cách mà cuộc đời tôi thay đổi sau khởi đầu khó khăn đó. Mọi thứ bắt đầu tốt dần lên đối với gia đình tôi trong những năm 80. Hệ thống chính trị phát triển, và mọi người bắt đầu được phép sở hữu một phần tài sản mình tạo ra. "Người lặn biển" hay "xia hai" trong tiếng Trung Quốc, diễn tả những người rời bỏ việc ở doanh nghiệp công và bắt đầu tự khởi nghiệp. Doanh nghiệp sở hữu tư nhân dần trở thành sở hữu cá nhân các tài sản như ô tô, nhà đất, thực phẩm, quần áo và các tài sản khác. Cỗ máy kinh tế bắt đầu vận hành, và đời sống của người dân dần được cải thiện. Lần đầu tiên, trở nên giàu có là một điều vẻ vang. Vào những năm 90, khi tôi du học ở Tứ Xuyên, phía tây Trung Quốc, nhiều bạn trẻ cũng giống như tôi đều được định hướng tốt nhất để tận dụng lợi thế của chế độ mới. Sau khi tôi tốt nghiệp đại học, tôi đồng sáng lập doanh nghiệp đầu tiên và chuyển tới Thâm Quyến, một đặc khu kinh tế mới nổi trước đây từng là một làng chài nhỏ. Hai mươi năm sau, Thâm Quyến đã trở thành một trung tâm đổi mới toàn cầu. Sở hữu tư nhân là một dạng tự do mà chúng tôi chưa từng có trước đây. Điều đó tạo ra những cơ hội mới cho thế hệ của chúng tôi, thúc đẩy chúng tôi học tập và làm việc một cách nỗ lực. Kết quả là hơn 850 triệu người đã thoát nghèo. Theo Ngân hàng Thế giới, Năm 1981, khi tôi còn là một đứa trẻ, tỉ lệ người sống dưới mức đói nghèo là 88% Năm 2015, con số đó là 0,7%. Tôi chính là kết quả của sự thành công đó, và hôm nay tôi rất hân hạnh khi nói rằng, tôi sở hữu công ty AI của riêng mình, và tôi dẫn đầu phong cách sống năng động và thực dụng, một tương lai không tưởng khi tôi còn là một đứa bé ở phía Tây Trung Quốc. Tất nhiên, đánh đổi cho sự thịnh vượng này là bình đẳng, môi trường và sự tự do. Rõ ràng, tôi không ở đây để tranh luận về việc Trung Quốc đang làm đúng tất cả. Chúng tôi vẫn chưa làm được, cũng như việc dữ liệu có hoàn toàn so sánh được với tài sản vật lý hay không. Hoàn toàn không thể. Nhưng kinh nghiệm của bản thân giúp tôi thấy những điều mà người ta không để ý. Công luận ngày này đang quá tập trung vào luật pháp và các vấn đề riêng tư khi bàn về quyền sở hữu dữ liệu. Nhưng tôi muốn đặt vấn đề: nếu như nhìn nhận quyền sở hữu dữ liệu theo một góc nhìn hoàn toàn khác? Nếu như quyền sở hữu dữ liệu, thực tế là một vấn đề riêng tư, cá nhân và kinh tế? Nếu trong nền kinh tế số, chúng ta được quyền sở hữu một phần tài sản chúng ta tạo ra và có quyền tự do sở hữu dữ liệu cá nhân? Về mặt pháp lý, quyền sở hữu là quyền được chiếm hữu, sử dụng, cho, tặng, tiêu huỷ hoặc trao đổi, buôn bán tài sản của bạn với một mức giá mà bạn chấp nhận được. Nếu như chúng ta áp dụng quyền này với dữ liệu cá nhân, để mỗi cá nhân được sử dụng hoặc tiêu huỷ hay trao đổi với mức giá người đó đưa ra? Tôi biết một số người có thể nói rằng: "Tôi không trao đổi dữ liệu của mình với bất cứ giá nào". Nhưng tôi nhắc các bạn rằng, đó là điều mà các bạn đang làm, trừ việc bạn đang cho đi dữ liệu của mình miễn phí. Thêm vào đó, quyền riêng tư là một vấn đề mang tính cá nhân và tế nhị Bạn có quyền được ưu tiên sự riêng tư của mình hơn tiền bạc, nhưng đối với hàng triệu chủ doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc họ không thể dễ dàng vay ngân hàng, nên việc sử dụng dữ liệu để nhận khoản vay từ các ứng dụng vay tiền tự động có thể giúp họ đáp ứng nhu cầu cấp bách. Những gì là riêng tư đối với bạn có thể khác đối với người khác. Những gì là riêng tư đối với bạn ở hiện tại là khác so với khi bạn còn học đại học. Hoặc, ít nhất, tôi hy vọng là vậy. (Cười) Chúng ta luôn luôn, mặc dù vô thức, chấp nhận sự đánh đổi dựa trên những niềm tin cá nhân khác nhau và ưu tiên trong cuộc sống. Đó là lý do tại sao quyền sở hữu dữ liệu là chưa hoàn thiện nếu như không có quyền định giá. Bằng việc trao quyền định giá cho mỗi cá nhân, chúng ta sẽ có công cụ để thể hiện nguyện vọng và giá trị cá nhân. Ví dụ như, bạn có thể tặng miễn phí dữ liệu của mình cho một nghiên cứu y khoa nếu nó là điều ý nghĩa đối với bạn. Hoặc, nếu chúng ta có các công cụ để định giá dữ liệu hành vi của mình ở mức giá ví dụ khoảng 100 000 đô la Mỹ, Tôi tin rằng không tổ chức chính trị nào có thể định hướng hoặc thao túng phiếu bầu của bạn. Bạn kiểm soát. Bạn quyết định. Tôi biết điều này nghe có thể khó tin, nhưng xu hướng ngày nay đang hướng tới một bước chuyển mạnh mẽ trong quyền sở hữu dữ liệu cá nhân. Đầu tiên, việc khởi nghiệp đã tạo ra các công cụ cho phép chúng ta lấy lại quyền kiểm soát. Một trình duyệt mới có tên Brave đem đến cho người dùng "Brave Shields" gọi như vậy bởi nó giúp người dùng bằng cách tích cực chặn việc lấy dữ liệu quảng cáo và theo dõi, và tránh rò rỉ dữ liệu như các trình duyệt khác. Đổi lại, người dùng có thể lấy lại quyền thương lượng và định giá. Khi người dùng chấp nhận quảng cáo, Brave tặng người dùng "basic attention tokens" có thể dùng để thanh toán cho nội dung có yêu cầu trả phí của các nhà xuất bản. Và tôi đã sử dụng Brave được một vài tháng. Nó đã giúp tôi chặn hơn 200 000 quảng cáo và theo dõi và giúp tôi tiết kiệm tới hàng giờ. Ngày nay, tôi biết một số người tương tác với trình duyệt của mình còn nhiều hơn với đồng nghiệp, vậy nên -- (Cười) bạn nên tìm cho mình một trình duyệt ít nhất không lãng phí thời gian hay lo sợ (Cười) Bạn có nghĩ rằng chúng ta không thể sống thiếu Google? Hãy suy nghĩ lại. Chúng ta bắt buộc phải có một công cụ tìm kiếm. Google chỉ đang nắm thế độc quyền -- ở hiện tại. Một công cụ tìm kiếm có tên DuckDuckGo không lưu trữ dữ liệu cá nhân của bạn hay theo dõi bạn bằng quảng cáo hay theo dõi lịch sử duyệt web của bạn. người dùng đều nhận được các kết quả tìm kiếm như nhau thay vì dựa trên lịch sử duyệt web của cá nhân người dùng đó. Tại Luân Đôn, một công ty có tên digi.me cung cấp một ứng dụng mà bạn có thể tải về trên điện thoại ứng dụng này giúp trích xuất và tập hợp dữ liệu của bạn từ tài khoản Fitbit, Spotify, các tài khoản mạng xã hội... Và bạn có thể lựa chọn nơi bạn muốn lưu trữ dữ liệu, và digi.me sẽ giúp bạn quản lý dữ liệu cá nhân bằng cách cung cấp những hiểu biết sâu sắc mà trước đây được các công ty dữ liệu truy cập độc quyền. Tại DC, một sáng kiến có tên UBDI, U-B-D-I, Universal Basic Data Income, Thu nhập dữ liệu cơ bản phổ quát, giúp người ta kiếm tiền bằng cách chia sẻ những hiểu biết sâu sắc nặc danh thông qua dữ liệu của họ cho những công ty muốn sử dụng chúng cho nghiên cứu thị trường. Và bất cứ khi nào một công ty mua một nghiên cứu, người dùng sẽ được trả một khoản tiền mặt và điểm UBDI để theo dõi mức độ đóng góp, và có thể kiếm tối đa 1000 đô-la Mỹ mỗi năm theo ước tính của họ. UBDI có thể là một hướng đi khả thi cho thu nhập cơ bản phổ quát trong nền kinh tế AI. Hơn nữa, ý thức cá nhân về quyền riêng tư và sở hữu dữ liệu đang dần lớn mạnh khi chúng ta đều đang nắm trong tay tiềm năng phát triển của vấn đề này. Tôi là mẹ của hai cô bé tầm 13 tuổi, và hãy tin tôi, điều khiến tôi lo lắng và căng thẳng nhất khi làm một người mẹ, đối với tôi, là vấn đề quản lý con trong việc sử dụng công nghệ. Đây là bản thoả thuận dài ba trang mà tôi và chồng bắt các con phải kí trước khi đưa cho chúng chiếc điện thoại đầu tiên. (Cười) Chúng tôi muốn giúp chúng trở thành các công dân số, nhưng chỉ khi chúng tôi có thể dạy chúng thành người thông minh và có trách nhiệm. Tôi giúp chúng hiểu được những dữ liệu nào không bao giờ được chia sẻ. Nên nếu như bạn tìm tôi trên Google, thực tế là, xin lỗi -- tìm tôi trên DuckDuckGo, bạn sẽ có thể tìm thấy rất nhiều về tôi và về công việc của tôi, nhưng bạn sẽ không tìm thấy thông tin về những đứa con gái của tôi. Khi chúng lớn lên, nếu muốn đưa bản thân lên trên đó, là lựa chọn của chúng, không phải của tôi, mặc dù tôi nhấn mạnh chúng là những đứa trẻ xinh đẹp, thông minh và phi thường nhất trên đời, tất nhiên rồi. Và tôi biết nhiều người cũng đang bàn luận tương tự và đưa ra những quyết định giống tôi, điều đó khiến tôi hy vọng rằng một tương lai giàu dữ liệu thông minh sẽ sớm trở thành hiện thực. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh điều sáu trong bản thoả thuận này. Đó là "Tôi sẽ không bao giờ tìm kiếm bất cứ thông tin nào trên mạng làm tôi cảm thấy xấu hổ nếu như bị bà Downie tìm thấy." (Cười) Hãy thử đi. Nó thật sự hiệu quả đấy. (Cười) Suốt chiều dài lịch sử, luôn có sự đánh đổi giữa tự do và bình đẳng khi theo đuổi sự thịnh vượng. Thế giới liên tục xoay vòng từ tích luỹ cho đến phân phối của cải. Khi căng thẳng giữa những người có và những người không có gì đang gây xung đột ở nhiều quốc gia, Nó nằm trong lợi ích của mọi người, bao gồm những công ty lớn về dữ liệu, để tránh một hình thức bất bình đẳng khác. Tất nhiên, quyền sở hữu dữ liệu cá nhân không phải là đáp án hoàn hảo hay trọn vẹn cho câu hỏi cực kỳ phức tạp về thứ tạo ra một xã hội số tiến bộ. Nhưng theo McKinsey, AI sẽ tạo ra 13 nghìn tỉ đô-la Mỹ giá trị sản phẩm của nền kinh tế trong 10 năm tới Dữ liệu tạo ra bởi các cá nhân chắc chắn sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng khổng lồ này. Liệu chúng ta có nên xem xét một mô hình kinh tế mà ở đó mọi người được trao quyền? Và nếu quyền sở hữu tư nhân giúp vực dậy hơn 850 triệu con người khỏi cảnh nghèo khó. Đó là nghĩa vụ của chúng ta đó là thứ chúng ta nợ với những thế hệ tương lai để tạo ra một nền kinh tế AI toàn diện hơn ở đó trao quyền cho không chỉ cá nhân mà còn cho các doanh nghiệp. Xin cảm ơn. (Vỗ tay)