Rất nhiều người gọi tôi là "kiến trúc sư của công lý". Nhưng tôi không thiết kế nhà tù. Tôi không thiết kế nhà giam. Tôi không thiết kế trung tâm giam cầm, thậm chí còn không thiết kế phòng toà án. Nhưng mỗi tuần tôi đều nhận được một cuộc gọi, nói rằng: "Được rồi, nhưng chị tạo ra những nhà tù tốt hơn phải không? Chị biết đấy, giống mấy cái mà người ta xây bên châu Âu ấy." Và tôi luôn ngừng lại suy nghĩ. Tôi mời họ, và mời các bạn tới hôm nay, tưởng tượng một thế giới không nhà tù. Công lý có cảm giác thế nào và trông ra sao? Ta cần xây cái gì để đạt được nó? Tôi muốn bật mí cho các bạn về những thứ mà chúng tôi đang xây dựng. Và tôi sẽ bắt đầu từ nguyên mẫu ban đầu. Tôi làm cái này khi lên năm tuổi, tôi gọi nó là "lều hồi phục". Tôi làm nó sau khi bị đuổi về nhà từ trường vì tội đấm vào mặt một đứa vì nó gọi tôi là đứa lập dị. Chà, đáng đời hắn. Nó xảy ra rất nhiều lần bởi vì gia đình tôi sống tách biệt với cộng đồng da trắng nơi vùng quê Virginia. Và tôi đã rất hoảng sợ. Tôi sợ hãi. Tôi giận dữ. Và vì vậy tôi chạy vào rừng và làm nên những cái lều nhỏ này. Chúng đươc làm từ cành cây, lá và mền mà mẹ cho tôi. Và như nguồn ánh sáng len lỏi vào nơi tôi trốn tránh, tôi cảm nhận được sự bình yên. Dù rất cố gắng để trấn an bản thân, tôi vẫn rời khỏi cộng đồng mình sống sớm nhất có thể, tôi vào trường kiến trúc rồi trở thành người thiết kế trung tâm mua sắm chuyên nghiệp, nhà cho người giàu có, và những cao ốc văn phòng, cho đến khi tôi bước vào một nhà tù lần đầu tiên. Đó là Trại cải tạo liên bang Chester tại bang Pennsylvania. Bạn tôi, cô ấy mời tôi đến để làm việc với một vài tù nhân là bạn cô ấy để dạy cho họ về sức mạnh tích cực của việc thiết kế. Thật mỉa mai phải không? Khi tôi đến gần toà nhà bê tông, những ô cửa sổ bé tí, với rào thép gai, tường cao, cùng với tháp quan sát, và ở phía trong, với những khoảng không tối, lạnh lẽo, không hề có ánh sáng hay không khí, lính gác thì la hét, những cái cửa kêu lách cách, hàng dài những buồng giam ních đầy người da đen. Tôi nhận ra thứ trước mắt mình chính là kết quả của chính sách phân biệt đối xử đã dẫn đến cảnh tù đày quy mô này. Nhưng là một kiến trúc sư, với tôi nhà tù là loại kiến trúc tồi tệ nhất mà chúng ta có thể tạo ra để gây tổn thương cho người khác. Tôi nghĩ rằng: "Liệu mình có thể thay đổi điều này hơn là việc chỉ tạo ra một nhà tù tốt hơn?" Tôi không cảm thấy dễ chịu chút nào, đến giờ vẫn vậy. Nhưng vào lúc đó, tôi thực không biết phải làm gì. Chúng ta có thể xây gì để thay thế? Và khi tôi nghe nói đến "phục hồi công lý". Tôi lại cảm thấy thanh thản, vì nó là một hệ thống thay thế nói rằng khi phạm phải một tội ác, nó trở thành lỗ hổng trong mối quan hệ, rằng nhu cầu của những người bị hại cần phải được chỉ ra trước; rằng những người đã phạm phải tội lỗi có trách nhiệm phải bồi thường. Và thực sự chúng là những buổi đối thoại đầy xúc cảm, nơi mà những người chủ trì tìm cách hàn gắn lỗ hổng cùng với nhau. Những dữ liệu ban đầu cho thấy "phục hồi công lý" tăng sự cảm thông; nhờ đó giảm đến 75% khả năng tái phạm; và làm dịu nỗi căng thẳng sau sang chấn ở người sống sót. Và vì những lí do này, chúng tôi thấy rằng bên khởi tố, thẩm phán, và luật sư quận dần chuyển những vụ án ra khỏi toà án và sử dụng với "phục hồi công lý" để những bị cáo không bao giờ phạm tội nữa. Và thế là tôi nghĩ: "Chà, sao chúng ta lại không thiết kế cho hệ thống này?" (Vỗ tay) Thay vì xây nhà tù, chúng ta nên xây nên những nơi giúp lan toả "phục hồi công lý". Vì vậy tôi bắt đầu trong các trường học, vì việc đình chỉ và đuổi học đã góp phần tăng tỉ lệ tội phạm vài thập kỉ qua. Và tại nhiều khu vực trường -- có thể là của chính bạn -- đang dần chuyển sang sử dụng "phục hồi công lý". Dự án đầu tiên của tôi -- tôi đã biến một phòng kho nhỏ đầy bụi thành phòng hoà giải cho một chương trình ở một trường cấp ba tại quê nhà tôi, Oakland. Sau khi chúng tôi hoàn thành, hiệu trưởng nói rằng nhóm mà cô ấy phụ trách ở nơi đó đã trở nên mạnh mẽ hơn trong việc kết nối cộng đồng sau vụ đánh nhau ở trường và vụ xả súng trong cộng đồng, và rằng học sinh và giáo viên bắt đầu đến đây vì họ cảm thấy nó như một nơi trú ẩn vậy. Những gì đang xảy ra chính là nơi ấy đang lan toả hiệu ứng của quá trình đó. Rồi sau đó tôi làm điều mà mọi kiến trúc sư thường làm. Tôi nghĩ rằng: "Chà, giờ mình sẽ xây dựng thứ gì đó lớn lao phải không?" Tôi sẽ tự mình xây dựng nên trung tâm "phục hồi công lý" đầu tiên trên thế giới. Và nó sẽ trở thành một biểu tượng đẹp đẽ trên bầu trời, như ngọn hải đăng trong đêm đen vậy. Hàng ngàn người sẽ đến đây thay vì phải đến toà án. Tôi sẽ chặn đứng việc cầm tù bằng một tay và thắng hàng tá giải thưởng thiết kế. (Cười) Và sau đó tôi do dự -- (Cười) bởi vì đây là vấn đề: tính theo đầu người, chúng ta đang cầm tù số người dân nhiều hơn bất cứ nước nào trên thế giới. và phụ nữ da đen đang là nguyên nhân dẫn đến gia tăng dân số nhanh. 95% phụ nữ nhóm này đang trở về nhà. Phần lớn là nạn nhân của việc ngược đãi tình dục, thể chất, và tinh thần tàn bạo. Họ đã bị tổn thương cả trong lẫn ngoài theo nghĩa đen. Nên tôi nghĩ rằng, có lẽ mình nên hỏi họ rằng chúng ta nên làm gì thay vì xây nhà tù. Nên tôi trở lại cùng với chuyên gia về "phục hồi công lý", và chúng tôi bắt đầu xây dựng xưởng mẫu đầu tiên của cả nước cùng với những người bị cầm tù ở cả hai giới quanh giao lộ của "phục hồi công lý" và thiết kế. Và nó đã thay đổi tôi hoàn toàn. Tôi gặp những người đằng sau song sắt trong hoàn cảnh hoàn toàn khác. Đây là những linh hồn thực sự mong muốn thay đổi bản thân và chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình. Họ sáng tạo và đầy trí tưởng tượng. Danny là một trong những người đó. Anh đã bị giam tại San Quentin suốt 27 năm vì đã phạm tội giết người năm 21 tuổi. Ngày từ ban đầu, anh đã rất chú ý tới việc chịu trách nhiệm cho hành động đó và cố gắng hết sức để bù đắp từ phía sau song sắt. Anh ấy dùng điểu đó để thiết kế cho trung tâm cộng động cho việc giải quyết mối bất hoà và tạo ra những điều tốt đẹp. Là một thiết kế tuyệt vời phải không? Khuôn viên xanh này bao gồm những kiến trúc hình cầu để tổ chức những buổi nói chuyện cho cả tội phạm và nạn nhân. Và khi anh ấy đưa tôi dự án của mình, anh ấy đã khóc. Anh ấy nói: "Sau khoảng thời gian dài bị đối xử tàn nhẫn trong trại San Quentin, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ việc hoà giải có thể xảy ra. Bản thiết kế đảm bảo nơi này trở thành nơi thực hiện lời hứa "phục hồi công lý". Và bây giờ nó đã gần hơn rất nhiều." Tôi biết sự thật rằng chỉ riêng việc hình dung ra nơi để "phục hồi công lý" và phục hồi vết thương đã là chuyển biến đáng kể. Tôi đã thấy điều đó lặp đi lặp lại trong xưởng của mình. Nhưng chúng tôi biết việc chỉ hình dung những nơi này thôi là không đủ. Chúng tôi phải thực sự xây chúng. Vậy nên tôi bắt đầu tìm đến những nhà cải tiến tư pháp. Họ rất khó tìm. Nhưng tôi đã tìm thấy một nơi. Tôi tìm thấy Trung tâm cải tiến Toà án. Họ mang những truyền thống hoà giải của người Mỹ bản địa đến cộng đồng không phải bản địa lần đầu tiên tại Mỹ. Tôi tiếp cận họ và nói: "Được rồi, khi bạn thiết lập chương trình của mình, liệu tôi có thể làm việc với cộng đồng để thiết lập các trung tâm hoà giải?" Và họ đồng ý. Cảm ơn Chúa, vì đã cho họ hỗ trợ. Vì vậy, ở nơi Cận Tây Syracuse, bang New York, chúng tôi bắt đầu thử nghiệm mẫu xưởng tại cộng đồng, bằng cách vừa xác định và biến một nhà thuốc cũ thành trung tâm hoà giải. Bây giờ, Dự án Hoà giải Cận Tây đã hoàn thành. Và họ tổ chức dự án cho hơn 80 nhóm mỗi năm, với những kết quả khả quan, và chính dự án đó đã thuyết phục mọi người bắt đầu việc hoà giải đầu tiên trong cuộc đời họ. Isabel và con gái cô là một trong những thành viên của cộng đồng. Và họ đã tham khảo việc hoà giải để hồi phục mối quan hệ của mình từ việc chịu đựng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và hàng tá vấn đề khác trong gia đình và cộng đồng của họ. Và bạn biết không, ban đầu Isabel đã từ chối thực hiện. Cô ấy nói: "Việc này như là đến toà án vậy. Cái thứ hòa giải này là gì đây?" Nhưng khi cô ấy xuất hiện ở chỗ chúng tôi, cô ấy đầy căng thẳng và lo lắng. Khi cô ấy bước vào, cô nhìn quanh, và ổn định chỗ ngồi. Và cô ấy quay sang phụ trách viên và nói: "Tôi cảm thấy thoái mái ở đây -- thật yên bình. Nơi đây thật ấm cúng." Ngày hôm đó, Isabel và con gái đã quyết định tham gia và hoàn thành khoá hoà giải. Bây giờ, mối quan hệ giữa họ đã thay đổi; họ đang rất ổn định và đang hồi phục tốt. Sau dự án này, tôi quyết định không xây trung tâm hoà giải khổng lồ nữa. Tôi vẫn muốn có trung tâm hoà giải ở mỗi cộng đồng. Nhưng sau đó tôi nảy ra một ý tưởng mới. Tôi đang xây một xưởng trong nhà tù Santa Rita ở California, và một trong những tù nhân thiết kế của chúng tôi, Doug, nói: "Bạn biết đấy, sửa chữa sai lầm, tự lực trên đôi chân mình, phục hồi -- là điều quan trọng. Nhưng Deanna, sự thực là, khi tôi về nhà, tôi không có nơi nào để đi cả. Không có việc làm -- ai sẽ thuê tôi đây? Tôi rồi cũng sẽ vào đây lại thôi." Và bạn biết không, anh ấy nói đúng, vì từ 60% đến 75% tù nhân được trả về cộng đồng đều bị thất nghiệp sau một năm được thả. Ta cũng biết rằng, nếu bạn không được đáp ứng nhu cầu kinh tế cơ bản, bạn sẽ phạm tội -- ai trong số chúng ta cũng sẽ như vậy. Vậy thay vì xây dựng những nhà tù, chúng ta có thể xây dựng nơi dành cho rèn luyện việc làm và khởi nghiệp. Đây những nơi chúng tôi gọi là "phục hồi kinh tế". Được đặt tại Đông Oakland, California, "Phục hồi Oakland" sẽ là trung tâm đầu tiên trong nước cho cả việc "phục hồi công lý" và "phục hồi kinh tế". (Vỗ tay) Đây là những gì chúng tôi dự định, chúng tôi sẽ biến toà nhà này thành công trình "ba trong một". Đầu tiên, một nhà hàng mang tên"Colors," sẽ phá bỏ sự phân biệt trong ngành công nghiệp nhà hàng bằng cách đào tạo nhân công lương thấp có được công việc với đồng lương đủ ăn, bất kể việc bạn đã phạm tội hay chưa. Trên tầng hai sẽ là không gian sáng sủa và thoáng đãng dành cho những tổ chức hoạt động xã hội nhằm lan toả khẩu hiệu "Chăm sóc sức khoẻ thay vì Còng tay" và "Cung cấp nhà cùng với Nhân quyền". Và tầng ba là nơi dành cho việc "phục hồi công lý" đầu tiên cả nước, đầy màu sắc tự nhiên và không gian trống cho các buổi đối thoại. Dự án được hoàn thành chỉ trong hai tháng. Và chúng tôi dự định nhân rộng nó ở Washington D.C., Detroit, New York và New Orleans. (Vỗ tay) Vậy bạn đã thấy được hai thứ có thể thay thế nhà tù. Và điều này còn có lợi về mặt kinh tế hơn nhiều. Với một nhà tù, chúng tôi có thể xây dựng 30 trung tâm "phục hồi công lý" (Vỗ tay) Đây là cách hiệu quả hơn để sử dụng tiền thuế của bạn, nên tôi muốn xây dựng chúng. Nhưng việc xây dựng chúng rất khó khăn, cần có thời gian. Và điều đang xảy ra trong cộng đồng mà tôi đang phục vụ là chúng tôi mất người mỗi tuần vì bạo lực súng và việc tống giam. Chúng tôi phải phục vụ nhiều người hơn và nhanh hơn và đưa họ ra khỏi hệ thống. Rồi một ý tưởng được đưa ra từ cộng đồng, và nó rất dễ thực hiện. Thay vì xây dựng nhà tù, chúng tôi xây dựng những ngôi làng trên xe. Nó gọi là Làng tài nguyên lưu động, và nó cung cấp hàng tá những tài nguyên cho những cộng đồng biệt lập trong khu vực rộng lớn hơn của San Francisco, bao gồm cả y tế, dịch vụ xã hội và cửa hàng lưu động, Điều chúng tôi đang làm là xây dựng cả ngôi làng cùng với cộng đồng, bắt đầu bằng việc biến những xe buýt thành phố thành lớp học để cung cấp chương trình cấp ba và chuẩn bị kì thi tốt nghiệp. (Vỗ tay) Bằng cách này, chúng tôi sẽ giúp đỡ hàng ngàn học sinh. Chúng tôi tạo ra những nơi trú ẩn lưu động cho phụ nữ được thả khỏi tù vào giữa đêm, lúc họ dễ bị tổn thương nhất. Mùa hè tới, ngôi làng sẽ được tiến hành, và nó sẽ xuất hiện từng tuần, ngày càng mở rộng ở những nơi nó đến. Vậy nên hãy chào đón nó nhé. (Vỗ tay) Vậy chúng ta có thể xây gì thay nhà tù? Chúng tôi có ba thứ: trung tâm hoà giải, trung tâm cho "phục hồi công lý" và "phục hồi kinh tế" và làng lưu động. Nhưng để bạn biết, tôi còn cả hàng dài các dự định. Đây là ngôi nhà được thiết kế riêng cho các trẻ chuyển ra khỏi nhà nhận nuôi. Đây là những trung tâm cho phụ nữ được đoàn tụ với con cái của họ. Đây là nơi dành cho những người đã phải chịu hành hạ. Đây là nơi chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến việc tống giam. Và không có bất kì cái nào trong số chúng là nhà tù cả. Nhà hoạt động xã hội, triết gia, nhà văn Cornel West nói: "Bản chất của công lý là tình yêu" Với với điều này, tôi mời các bạn một lần nữa hãy tưởng tượng thế giới không nhà tù, và thay vào đó cùng với tôi tạo ra những thứ tốt đẹp hơn. Cảm ơn các bạn. (Vỗ tay)