Nào, tôi muốn thấy cánh tay của các bạn: bao nhiêu người đã hủy kết bạn facebook với ai đó vì họ đã nói những điều xúc phạm về chính trị hay tôn giáo, việc chăm sóc trẻ hoặc đồ ăn? (Tiếng cười) Và bao nhiêu người biết ít nhất một người mà bạn tránh gặp mặt chỉ bởi không muốn nói chuyện với họ? (Tiếng cười) Bạn biết đấy, trước đây, để có một cuộc nói chuyện lịch sự, ta chỉ cần làm theo lời khuyên của Henry Higgins trong phim "My Fair Lady": chỉ nói về thời tiết và sức khỏe. Nhưng ngày nay, với biến đổi khí hậu, phản đối vắc-xin, những chủ đề đó -- (Tiếng cười) không còn an toàn nữa. Vâng, thế giới mà chúng ta đang sống, một thế giới mà trong mỗi cuộc chuyện trò đều tiềm ẩn nguy cơ biến thành cuộc tranh cãi, nơi các chính khách không thể nói chuyện với nhau và thậm chí những vấn đề bình thường nhất cũng có người nhiệt tình tranh đấu bảo vệ lẫn chống lại, điều đó không bình thường. Trung Tâm Nghiên Cứu Pew nghiên cứu 10.000 người Mỹ trưởng thành và nhận ra ở thời điểm này, chúng ta xung đột mạnh mẽ hơn, chia rẽ gay gắt hơn bao giờ hết trong lịch sử từ trước đến giờ. Chúng ta khó thỏa hiệp, điều đó nghĩa là ta không hề lắng nghe nhau. Chúng ta quyết định mình sống ở đâu, kết hôn với ai và thậm chí bạn bè ta là ai dựa trên những gì chúng ta đã tin tưởng. Lần nữa, điều đó nghĩa là ta không hề lắng nghe nhau. Một cuộc đối thoại đòi hỏi sự cân bằng giữa nghe và nói, và một lúc nào đó giữa chừng, ta đánh mất đi sự cân bằng ấy. Ngày nay, nguyên nhân một phần là công nghệ. Điện thoại thông minh hoặc luôn nằm trong tay bạn hoặc đủ gần để bạn có thể chộp lấy cực kì nhanh chóng. Theo Trung Tâm Nghiên Cứu Pew, khoảng 1/3 số thanh thiếu niên ở Mỹ gửi hơn 100 tin nhắn/ngày. Và rất nhiều trong số đó, gần như hầu hết là nhắn tin cho bạn bè nhiều hơn việc gặp mặt trò chuyện trực tiếp. Đây là câu chuyện lý thú ở Đại Tây Dương được một giáo viên trung học tên Paul Barnwell viết. Anh đưa cho bọn trẻ một dự án giao tiếp. Anh muốn dạy trẻ nói về một chủ đề cụ thể mà không cần dùng note. Và anh ấy bày tỏ: "Tôi đã nhận ra..." (Tiếng cười) "Tôi đã nhận ra rằng khả năng đối thoại có lẽ là kỹ năng duy nhất hầu hết chúng ta không giảng dạy thành công. Bọn trẻ dành hàng giờ mỗi ngày làm việc với ý tưởng và với nhau thông qua màn hình nhưng hiếm khi chúng có cơ hội trau dồi kỹ năng giao tiếp cá nhân. Nghe có vẻ là một câu hỏi khôi hài, nhưng ta phải tự hỏi mình: Có kỹ năng nào trong thế kỉ 21 quan trọng hơn khả năng duy trì cuộc trò chuyện mạch lạc, tự tin?" Tôi kiếm sống bằng việc nói chuyện với mọi người: người đạt giải Nobel, tài xế taxi, triệu phú, giáo viên mầm non, nguyên thủ quốc gia, thợ sửa ống nước. Tôi nói chuyện với những người tôi thích, người tôi không thích. Tôi trò chuyện với nhiều người mà tôi bất đồng sâu sắc trên góc độ cá nhân. Nhưng tôi vẫn có những cuộc đối thoại tuyệt vời với họ. Do đó, tôi muốn dành khoảng mười phút tiếp theo để chỉ bạn cách thức nói chuyện và lắng nghe. Nhiều người trong các bạn đã nghe vô số lời khuyên về điều này, như nhìn vào mắt người đối thoại, suy nghĩ trước về những chủ đề thú vị để thảo luận, nhìn, gật đầu và mỉm cười để thể hiện rằng bạn đang chú tâm, lặp lại những gì bạn được nghe và tóm tắt nó. Nhưng tôi muốn bạn quên hết chúng. Thật tào lao. (Tiếng cười) Chẳng việc gì phải học cách thể hiện rằng bạn đang chú ý nếu bạn đang thật sự chú ý. (Tiếng cười) (Tiếng vỗ tay) Giờ, tôi sử dụng kỹ năng y hệt một người phỏng vấn chuyên nghiệp trong cuộc sống hàng ngày của mình. Tôi sẽ chỉ bạn làm thế nào để phỏng vấn người khác, và kỹ năng đó thực tế sẽ giúp bạn học cách trở thành người nói chuyện khéo léo hơn. Học cách xây dựng cuộc đối thoại mà không lãng phí thời gian của bạn, không nhàm chán, và, lạy Chúa, không xúc phạm bất kì ai. Chúng ta đều đã có những cuộc hội thoại tuyệt vời. Chúng ta đã trải qua. Chúng ta biết chúng ra sao. Là cuộc trò chuyện khiến bạn cảm thấy được tham gia, được truyền cảm hứng hoặc cảm giác như đã tạo được kết nối thật sự hay bạn cực kì được thấu hiểu. Không có lí do nào giải thích tại sao hầu hết tương tác của bạn không được vậy. Tôi có mười nguyên tắc cơ bản và sẽ nói cho bạn về chúng, nhưng thực tình là, nếu bạn chỉ chọn một nguyên tắc và nắm vững nó, bạn sẽ thực sự có được cuộc trò chuyện thú vị hơn. Nguyên tắc 1: Đừng đa nhiệm. Tôi không có ý nói rằng chỉ cần đặt điện thoại, máy tính bảng, chìa khóa xe, hay bất cứ thứ gì trong tay bạn xuống. Tôi muốn nói rằng, hãy tập trung. Tập trung trong khoảnh khắc ấy. Đừng nghĩ về cuộc cãi vã của bạn với sếp. Đừng phân tâm nghĩ bữa tối bạn sẽ ăn gì. Nếu bạn muốn ngừng cuộc trò chuyện, thì hãy rút khỏi nó, chứ đừng có "chân trong chân ngoài". Nguyên tắc 2: Đừng "nói như đúng rồi" Nếu bạn muốn phát biểu quan điểm của mình mà không cho ai cơ hội phản hồi, tranh luận, phản đối hay phát triển, hãy viết blog. (Tiếng cười) Có lý giải hợp lý cho việc tôi không dành chỗ cho học giả trong chương trình: Vì họ thực sự rất nhàm chán. Nếu theo phe bảo thủ, họ sẽ ghét Obama, phiếu đổi thực phẩm và nạo phá thai. Nếu theo phe tự do, họ có xu hướng ghét những ngân hàng lớn, tập đoàn dầu mỏ và Dick Cheney. Cực kỳ dễ đoán. Và bạn không muốn như vậy. Bạn cần tham gia vào mọi cuộc đối thoại với tâm thế bạn sẽ học hỏi điều gì đó. Nhà trị liệu lừng danh M. Scott Peck nói việc lắng nghe thật lòng đòi hỏi phải gác lại cái tôi của mình sang một bên. Và đôi khi có nghĩa là gác lại quan điểm cá nhân của bạn. Ông nói rằng khi thấu hiểu sự chấp nhận này, người nói sẽ càng ngày càng khó bị tổn thương và càng rộng mở những ngóc ngách thầm kín trong tâm hồn để đón nhận người nghe. Xin nhắc lại, hãy sẵn sàng tâm thế bạn sẽ học hỏi điều gì đó. Bil Nye đã nói: "Mỗi người bạn gặp sẽ biết điều gì đó mà bạn không biết". Tôi diễn đạt theo cách này: Mỗi người đều là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Nguyên tắc 3: Sử dụng câu hỏi mở. Ở trường hợp này, hãy làm theo gợi ý từ các ký giả. Bắt đầu câu hỏi bằng ai, cái gì, khi nào, ở đâu, tại sao hay như thế nào. Nếu bạn đặt một câu hỏi phức tạp, bạn sẽ nhận được một câu trả lời đơn giản. Nếu tôi hỏi bạn: "Bạn có sợ hãi không?" Bạn sẽ phản hồi lại với từ ngữ mạnh mẽ nhất trong câu hỏi ấy, đó là "sợ hãi", và câu trả lời sẽ là "Có" hoặc "Không". "Bạn có tức giận không?" "Có, rất tức giận." Hãy để họ mô tả điều đó. Họ là những người biết rõ. Thử hỏi họ những câu như, "Chuyện đó như thế nào?" "Cảm giác ra sao?" Vì sau đó có lẽ họ sẽ dừng lại một chút và suy nghĩ về nó, và bạn sẽ nhận được phản hồi thú vị hơn rất nhiều. Nguyên tắc 4: Đi theo mạch chuyện trò. Nghĩa là những suy nghĩ sẽ xuất hiện trong tâm trí bạn và bạn cần khai thông nó ra khỏi đầu. Chúng tôi đã từng nghe những cuộc phỏng vấn trong đó khách mời thường nói được vài phút thì MC quay lại xen vào đặt một câu hỏi mà dường như lạc đề hoặc đã được trả lời rồi. Điều đó nghĩa là người dẫn dường như đã dừng lắng nghe từ hai phút trước vì anh ấy nghĩ rằng đây thực sự là câu hỏi thông minh, chỉ chực chờ và nhất định đặt câu hỏi đó. Chúng ta cũng làm y như vậy. Chúng ta đang ngồi đây, trò chuyện với ai đó. rồi chợt nhớ rằng ta đã gặp Hugh Jackman trong quán cafe. (Tiếng cười) Và chúng ta dừng lắng nghe. Chúng ta chỉ chờ một lúc nào đó để đưa câu chuyện về Hugh Jackman và cafe của mình xen vào. Những câu chuyện và ý tưởng sẽ đến với bạn. Bạn cần để chúng tự đến rồi tự đi. Nguyên tắc 5: Nếu không biết, hãy nói rằng bạn không biết. Những người ở đài phát thanh, đặc biệt trên NPR, càng nhận thức rõ hơn rằng họ sẽ phát biểu công khai, vì thế họ thận trọng hơn về những gì họ tuyên bố mình là chuyên gia và những điều họ khẳng định là biết chắc chắn. Hãy làm như thế. Cẩn thận tốt hơn là mạo hiểm. Việc trò chuyện không nên bị coi nhẹ. Nguyên tắc 6: Chớ đánh đồng trải nghiệm của bạn với của họ. Nếu họ đang nói về việc mất đi một thành viên trong gia đình, đừng bắt đầu kể về khoảng thời gian bạn cũng mất đi người thân. Nếu người kia đang nói về khó khăn họ gặp trong công việc, đừng than thở bạn ghét công việc của mình thế nào. Chúng không tương tự. Không bao giờ giống. Tất cả trải nghiệm đều riêng biệt. Và, quan trọng hơn, câu chuyện không phải là về bạn. Bạn không cần dùng thời khắc đó để chứng tỏ mình tuyệt vời ra sao hay đau khổ như thế nào. Có người đã hỏi Stephen Hawking IQ ông ấy là bao nhiêu, và ông đáp: "Tôi không biết. Ai khoe khoang về IQ là kẻ thua cuộc." (Tiếng cười) Đối thoại không phải cơ hội để quảng bá. [Đối thoại trong thế kỉ 21] [Hôm nay bạn có khỏe không? Đọc trang blog của tôi ấy!] Nguyên tắc 7: Cố gắng đừng nhắc lại lời mình. Điều đó rất trịch thượng, và thực sự tẻ nhạt, ta có xu hướng hay làm vậy. Đặc biệt trong lúc trò chuyện công việc hay với con cái của mình, chúng ta chỉ giữ mãi một ý, nên ta cứ nhắc đi nhắc lại. Đừng làm vậy. Nguyên tắc 8: Đừng nói thứ không cần thiết. Thẳng thắn thì mọi người không quan tâm về tuổi tác, tên họ, ngày tháng, tất cả tiểu tiết bạn đang vất vả nghĩ ra trong đầu. Họ lại không quan tâm. Họ quan tâm bạn như thế nào, bạn có điểm chung gì với họ. Bởi thế, hãy quên đi những tiểu tiết. Bỏ chúng đi. Nguyên tắc 9: Đây không phải là điều cuối cùng, nhưng là điều quan trọng nhất. Lắng nghe. Tôi không thể đếm xuể bao nhiêu nhân vật quan trọng đã nói lắng nghe có lẽ là kỹ năng quan trọng nhất mà bạn có thể phát triển. Buddha nói, tôi xin diễn đạt lại, "Nếu mở miệng thì bạn đang không học hỏi." Calvin Coolidge nói: "Chưa có ai bị mất việc vì lắng nghe cả." (Tiếng cười) Tại sao chúng ta không lắng nghe nhau? Thứ nhất, chúng ta thích nói hơn. Khi nói, tôi nắm quyền kiểm soát. Tôi không phải nghe bất cứ thứ gì mình không hứng thú. Tôi là trung tâm của sự chú ý. Tôi có thể phát huy bản sắc riêng của mình. Nhưng có một lí do khác: chúng ta bị xao nhãng. Một người bình thường nói khoảng 225 từ/phút, nhưng ta có thể nghe đến 500 từ/phút. Vậy là tâm trí ta bị 275 từ khác lấp đầy. Và tôi biết, cần nhiều sự cố gắng và năng lượng để thật sự tập trung chú ý ai đó, nếu không làm được như thế, bạn đang không đối thoại. Đó chỉ là hai người đang hét ra những câu nói có liên quan ở cùng một địa điểm. (Tiếng cười) Bạn phải lắng nghe người kia. Stenphen Covey nói lắng nghe là điều vô cùng đẹp đẽ. Ông nói: "Hầu hết chúng ta không lắng nghe với thiện chí để thấu hiểu. Chúng ta lắng nghe chỉ để phản hồi." Một nguyên tắc nữa, nguyên tắc 10: Hãy ngắn gọn. [Cuộc đối thoại thú vị như chiếc váy ngắn, đủ ngắn để khơi gợi sự thích thú, nhưng đủ dài để bao trùm được chủ thể - chị tôi nói] (Tiếng cười) (Tiếng vỗ tay) Tất cả những điều này đều quy về cùng một ý tưởng căn bản, và đó là: hãy quan tâm đến người khác. Tôi lớn lên với người ông rất nổi tiếng, và có một nghi thức trong nhà tôi. Mọi người đến nói chuyện với ông bà tôi, sau khi họ rời khỏi, mẹ tôi sẽ đến chỗ chúng tôi và hỏi: "Các con có biết đó là ai không?" Bà ấy là Á hậu Mỹ. Ông ấy là Thị trưởng Sacramento. Bà ấy từng đạt giải Pulitzer. Ông ấy là vũ công ballet Nga." Và tôi lớn lên với tâm niệm rằng mỗi người đều có những điều bí ẩn, đáng ngạc nhiên về họ. Thật lòng, tôi nghĩ đó là điều khiến tôi trở thành người dẫn tốt hơn. Tôi giữ im lặng thường xuyên nhất có thể, giữ cho tâm trí rộng mở, luôn sẵn sàng để đón nhận bất ngờ, và chưa bao giờ thất vọng. Bạn hãy làm điều tương tự. Ra ngoài, trò chuyện với mọi người, lắng nghe họ, và quan trọng nhất là sẵn sàng để đón nhận bất ngờ. Xin cảm ơn. (Tiếng vỗ tay)