Tôi là một người nhập cư từ Venezuela, đến nay đã sống ở Mỹ sáu năm. Nếu bạn hỏi cuộc sống của một người xa xứ như tôi ra sao, tôi sẽ trả lời rằng tôi rất may mắn, dù không dễ dàng với tôi. Khi lớn lên, tôi chưa bao giờ nghĩ tôi sẽ rời quê hương của mình. Tôi tham gia vào cuộc biểu tình sinh viên đầu tiên vào năm 2007, khi tổng thống giải thể một trong những mạng tin tức quan trọng nhất. Lúc đó tôi sắp lấy bằng cử nhân về truyền thông, cũng là lần đầu tiên tôi nhận ra tự do ngôn luận không phải điều hiển nhiên. Chúng tôi biết mọi thứ sẽ tệ đi, nhưng không biết cái gì sẽ xảy đến: khủng hoảng kinh tế, cơ sở hạ tầng xuống cấp, mất điện trên toàn thành phố, chất lượng y tế cộng đồng giảm sút và thiếu thuốc men, bệnh dịch bùng phát và nạn đói. Tôi cùng chồng chuyển đến Canada năm 2013, lúc đó chúng tôi luôn nghĩ sẽ trở về khi khủng hoảng dịu đi, nhưng chúng tôi chưa bao giờ về. Hầu hết bạn bè lúc nhỏ của tôi đều đã rời Venezuela, nhưng bố mẹ tôi thì vẫn ở đó. Có những lúc tôi gọi điện cho mẹ, tôi có thể nghe thấy tiếng la hét, khóc lóc vang vọng khi bom hơi cay nổ ngoài phố. Mẹ tôi thì cứ nghĩ tôi không nghe thấy, lúc nào cũng bảo tôi rằng: (Tiếng Tây Ban Nha) "Bố mẹ vẫn ổn, con đừng lo." Dĩ nhiên là tôi lo rồi. Đó là bố mẹ tôi, sống cách tôi 4.000 dặm. Giờ tôi chỉ là một trong bốn triệu người Venezuela rời bỏ quê hương. Rất nhiều bạn của tôi là người nhập cư từ Venezuela, và trong những năm qua, chúng tôi bắt đầu bàn nhau cách tạo sự khác biệt ở quê hương trong khi chúng tôi ở cách xa nơi đó; thế là Code for Venezuela ra đời năm 2019. Chúng tôi đều là chuyên gia công nghệ, nên chúng tôi cùng lập trình, tự nhủ rằng chúng tôi có thể tận dụng kĩ năng của mình để tạo ra giải pháp cho người dân ở quê nhà; nhưng trước hết, chúng tôi cần có nội ứng tại Venezuela để cập nhật tình hình. Chúng tôi đã thấy nhiều cuộc lập trình tạo ra những giải pháp công nghệ tinh vi và đầy hứa hẹn, hiệu quả về lí thuyết, nhưng cuối cùng không thể áp dụng tại những quốc gia cần sự giúp đỡ từ chúng. Nhiều người trong chúng tôi ở nước ngoài từ lâu nên không thể nắm rõ những vấn đề thường ngày mà người dân Venezuela hiện đối mặt; nên chúng tôi tìm đến những chuyên gia đang sống tại quê nhà. Đơn cử như Julio Castro, một bác sĩ, và là một trong số lãnh đạo của tổ chức Médicos por la Salud. Khi chính phủ ngừng công bố dữ liệu chăm sóc sức khỏe vào năm 2015, bác sĩ Julio bắt đầu tự thu thập thông tin bằng cách sử dụng một hệ thống không chính thống nhưng được điều phối dựa trên các liên lạc qua điện thoại di động giúp dò tìm y bác sĩ hiện có, nguồn cung y tế, dữ liệu tử vong, các đợt bùng phát dịch bệnh; sau đó tổng hợp thành báo cáo và chia sẻ lên Twitter. Vị bác sĩ này trở thành cố vấn y tế Venezuela của chúng tôi. Luis Carlos Díaz, một phóng viên nổi tiếng vì đã vạch trần các vi phạm về kiểm duyệt và nhân quyền ở Venezuela, cũng đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn tình hình thực tế ở nước nhà trong bối cảnh chính phủ thao túng truyền thông. Chúng tôi xem họ là những người hùng tại quê nhà; những lời khuyên hữu ích từ họ giúp chúng tôi đề ra một loạt dự án cho những người tham gia lập trình. Trong cuộc lập trình đầu tiên, có đến 300 người tham gia từ bảy nước, tạo ra 16 dự án. Chúng tôi chọn những dự án tiềm năng nhất để tiếp tục hoàn thiện sau cuộc lập trình. Hôm nay, tôi sẽ chia sẻ hai trong số những dự án thành công nhất để giúp các bạn nhìn thấy hiệu quả mà chúng tôi đã đạt được: đó là MediTweet và Blackout Tracker. MediTweet là một bot tư vấn thông minh trên Twitter giúp người dân Venezuela tìm thuốc men cần thiết. Hiện tại ở quê hương tôi, nếu người dân bị bệnh và đến bệnh viện, nhiều khả năng họ sẽ không nhận được thiết bị y tế để chữa bệnh. Tình trạng này tệ đến nỗi bác sĩ đưa cho người bệnh "danh sách thuốc để mua" chứ không phải đơn thuốc. Chính tôi cũng đã trải qua rắc rối này: mẹ tôi được chẩn đoán ung thư vào năm 2015, bà cần được chọc dò thắt lưng để thực hiện chẩn đoán cuối cùng và xác định liệu trình; nhưng loại kim cho thủ thuật này lại không có sẵn. Lúc đó tôi đang ở Venezuela, chứng kiến mẹ tôi yếu đi từng ngày. Sau một hồi mò mẫm, chúng tôi tìm thấy cái kim trên một trang kiểu như eBay của châu Mĩ Latin. Tôi gặp người bán ở một tiệm bánh, cảm thấy như mua đồ trên chợ đen vậy. Mẹ tôi mang cái kim này đến bác sĩ của bà, và thủ thuật được thực hiện; nếu không có cái kim đó, bà ấy có thể đã qua đời. Không chỉ thiết bị y tế, cả thuốc cũng thiếu. Khi mẹ tôi chẩn đoán lần đầu, chúng tôi mang liệu trình ra hiệu thuốc nhà nước, miễn phí tiền thuốc; thế nhưng nhà thuốc đó lại hết thuốc, trong khi chúng tôi còn đến sáu tháng liệu trình. Tận sáu tháng liệu trình. Chúng tôi mua một số loại thuốc ở trên mạng, số còn lại mua ở Mexico. Đến nay mẹ tôi đã đỡ bệnh được ba năm rồi, và mỗi lần tôi gọi mẹ, bà đều trấn an "mẹ ổn mà, con đừng lo". Nhưng không phải ai cũng có tiền để rời quê hương, nhiều người còn không thể đi lại vì không đủ khỏe. Vì thế, mọi người quay sang Twitter, đăng tin mua bán thuốc kèm theo hashtag #ServicioPublico, nghĩa là "dịch vụ công". Bot tư vấn sẽ quét hashtag #ServicioPublico trên Twitter và kết nối người dùng đang tìm loại thuốc cụ thể với người đang bán loại thuốc đó. Chúng tôi còn chia sẻ dữ liệu vị trí của người dùng Twitter để dùng cho một công cụ hiển thị vốn sẽ giúp cho các tổ chức địa phương như Médicos por la Salud biết được nơi nào đang thiếu chăm sóc y tế. Chúng tôi còn áp dụng thuật toán học máy để phát hiện các nhóm bệnh tật. Nếu họ nhận cứu trợ nhân đạo, tính năng này sẽ giúp họ ra quyết định tốt hơn khi phân phối hàng cứu trợ. Dự án thứ hai là Blackout Tracker. Venezuela hiện đang trải qua khủng hoảng điện năng. Năm ngoái, nước này hứng chịu đợt mất điện mà mọi người cho là kinh khủng nhất trong lịch sử. Suốt hai ngày trời tôi không thể liên lạc với bố mẹ. Một số thành phố còn bị mất điện hàng ngày. Thông tin về tình trạng này chỉ có trên truyền thông xã hội vì chính phủ sẽ không thông báo. Khi điện bị cắt, nhiều người Venezuela chúng tôi liền đăng vị trí lên Twitter với hashtag #SinLuz, nghĩa là "mất điện", trước khi điện thoại hết pin; nhờ vậy mà những người khác trên đất nước nắm được tình hình. Giống như MediTweet, Blackout Tracker sẽ dò hashtag #SinLuz trên Twitter để tạo ra một bản đồ dựa trên dữ liệu vị trí của người dùng. Bạn có thể nhìn thấy ngay nơi nào đang cúp điện và số lần cúp điện xảy ra. Người dân muốn biết chuyện gì xảy ra, và chúng tôi giúp họ biết; nhưng đây cũng là một cách khiến chính phủ phải có trách nhiệm: rất dễ để họ phủ nhận vấn đề đang tồn tại hoặc viện cớ này nọ vì không hề có dữ liệu chính thức cho vấn đề này. Blackout Tracker cho thấy khủng hoảng điện năng thực sự trầm trọng. Vài người ở Thung lũng Silicon sẽ nhìn vào những dự án này và phán rằng chúng chẳng có đột phá công nghệ đáng kể nào, nhưng đó là mấu chốt. Những dự án này không quá tối tân, nhưng mọi người dân Venezuela đều cần chúng, và chúng có thể mang lợi ích rõ rệt. Ngoài những dự án này, có lẽ thành tựu lớn nhất mà chúng tôi đạt được là đã tạo ra một phong trào kết nối mọi người trên thế giới cùng tận dụng kĩ năng của họ để đưa ra những cách giúp người dân Venezuela; và vì chúng tôi hợp tác với người địa phương xây dựng giải pháp thỏa nhu cầu và nguyện vọng của người địa phương. Điều tuyệt vời ở đây là chúng tôi sử dụng kĩ năng nghề nghiệp của mình nên mọi thứ rất dễ dàng và tự nhiên, không khó để chúng tôi tạo sự khác biệt. Nếu có ai đó ở San Francisco thuê chuyên gia để tạo ra các giải pháp như MediTweet hay Blackout Tracker, hẳn dự án đó sẽ tốn kha khá. Bằng việc góp trí lực, chúng tôi tạo ra ảnh hưởng lớn hơn khi góp tiền bạc. Các bạn cũng có thể làm tương tự, không nhất thiết ở Venezuela, mà ở ngay chính cộng đồng các bạn. Trong bối cảnh thế giới ngày càng gắn kết với nhau hơn, chúng ta vẫn còn thấy nhiều cộng đồng sống cô lập hoặc tách biệt. Có rất nhiều cách hay để giúp đỡ, nhưng tôi tin rằng các bạn có thể tận dụng kĩ năng nghề nghiệp để kết nối nhiều cộng đồng và tạo ra giải pháp hiệu quả dựa trên những mối quan hệ đó. Bất kì ai có hiểu biết và kĩ năng đều có khả năng to lớn mang lại hi vọng cho cộng đồng. Đối với chúng tôi tại chương trình Code for Venezuela, đây mới chỉ là sự khởi đầu. Cảm ơn các bạn. (Tiếng vỗ tay)