Tôi là một cựu chiến binh của phi thuyền Enterprise. Tôi đã bay qua dải Ngân Hà, lái một chiếc phi thuyền khổng lồ với phi hành đoàn đến từ khắp nơi trên thế giới, nhiều chủng tộc khác nhau, nhiều nền văn hóa khác nhau, nhiều di sản khác nhau, và tất cả làm việc cùng nhau, sứ mệnh của chúng tôi là khám phá những thế giới mới lạ, tìm kiếm sự sống mới và những nền văn minh mới, chúng tôi dũng cảm đi đến những nơi chưa ai từng đến. Vâng - (Vỗ tay) - Tôi là cháu trai của những người Nhật Bản nhập cư vào nước Mỹ, những người dũng cảm đi đến một thế giới mới, để tìm kiếm những cơ hội mới. Mẹ tôi được sinh ra tại Sacramento, bang California. Cha tôi là người San Francisco. Họ gặp nhau và kết hôn tại Los Angeles, và tôi được sinh ra ở nơi đó. Khi tôi 4 tuổi Trân Châu Cảng bị Nhật đánh bom vào ngày 7 tháng 12 năm 1941. Chỉ trong một đêm, chiến tranh thế giới nổ ra Nước Mỹ cuồng lên trong cơn hiếu chiến. Những người Nhật-Mỹ, tức những công dân Mỹ gốc Nhật bị nhìn dưới con mắt hoài nghi, sợ hãi và hận thù ra mặt đơn giản là vì chúng tôi trông giống những người đã đánh bom Trân Châu Cảng. Sự quá khích cứ thế lớn dần, đến tháng 2 năm 1942, khi tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt ra lệnh rằng tất cả người Mỹ gốc Nhật ở bờ Tây nước Mỹ phải bị vây bắt ngay lập tức dù chúng tôi không hề bị buộc tội, không được xét xử, và không hề thông qua một thủ tục tố tụng nào. Tuân theo thủ tục tố tụng là nguyên tắc cốt lõi của hệ thống tư pháp. Nhưng người ta đã phớt lờ tất cả. Chúng tôi bị vây bắt bị giam giữ trong các trại giam kẽm gai ở những nơi hoang vu nhất nước Mỹ: sa mạc nóng rộp người ở Arizona, vùng đầm lầy oi bức ở Arkansas, đất hoang ở Wyoming, Idaho, Utah, Colorado, và hai trong những nơi hoang vu nhất tại California. Ngày 20 tháng 4, tôi ăn mừng sinh nhật lần thứ 5, chỉ vài tuần sau ngày sinh nhật ấy, cha mẹ tôi đánh thức em trai, em gái và tôi dậy rất sớm vào một buổi sáng nọ, và vội vã ăn mặc cho chúng tôi. Em trai tôi và tôi ở phòng khách nhìn ra cửa sổ trước, và nhìn thấy hai người lính đang tiến vào nhà. Họ mang lưỡi lê trên cây súng trường. Họ dẫm mạnh lên hiên trước và đập cửa. Cha tôi trả lời và những người lính lệnh cho chúng tôi ra khỏi nhà. Cha đưa cho em trai và tôi mang những túi hành lý nhỏ, chúng tôi ra ngoài đứng trên lề đường chờ mẹ tôi ra, và khi mẹ bước ra, bà bế cô em gái nhỏ của tôi ở một bên tay, cầm túi vải thô rất lớn bằng tay còn lại, và nước mắt chảy dài trên hai gò má. Tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh tượng hôm đó. Nó ghim chặt vào trong trí nhớ của tôi. Chúng tôi bị dẫn ra khỏi nhà bị tống lên những toa tàu cùng với những gia đình người Mỹ gốc Nhật khác. Có những người canh gác ở cả hai đầu của mỗi chiếc xe như thể chúng tôi là những tên tội phạm. Chúng tôi bị đưa qua hai phần ba chiều dài đất nước, đu đưa trong xe lửa 4 ngày 3 đêm, đến vùng đầm lầy miền Arkansas. Tôi vẫn còn nhớ hàng rào dây thép gai đã giam hãm chúng tôi. Tôi nhớ những tháp canh gác cao với những khẩu súng máy nhắm thẳng vào người. Tôi nhớ ánh sáng từ đèn pha theo dõi khi tôi chạy ra ngoài vào ban đêm. Với một đứa trẻ 5 tuổi như tôi bấy giờ, tôi nghĩ họ tốt bụng chiếu sáng con đường để cho tôi đi tiểu. Tôi là một đứa trẻ, còn quá nhỏ để hiểu được hoàn cảnh của mình tại nơi đó. Trẻ em có thể thích nghi một cách đáng kinh ngạc. Những điều kỳ quặc bất thường với tôi cũng trở thành chuyện bình thường nơi trại tù chiến tranh. Tôi quen dần với việc xếp hàng ba lần một ngày để được ăn những món dở tệ trong một nhà ăn ồn ào. Đi tắm với cha ở vòi sen cộng cộng cũng trở nên bình thường với tôi. Ở trong nhà tù, một nhà tù với kẽm gai vây quanh, đã trở thành chuyện bình thường. Khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi được thả và được cho một tấm vé một chiều đến bất cứ nơi nào trong nước Mỹ. Cha mẹ tôi đã quyết định quay về nhà ở Los Angeles, nhưng Los Angeles không chào đón chúng tôi. Không một xu dính túi. Chúng tôi đã bị tước hết mọi thứ và thái độ thù địch cũng tăng lên. Ngôi nhà đầu tiên của chúng tôi ở Skid Row, vùng thấp kém nhất trong thành phố, sống cùng những người bị bỏ rơi, những kẻ say rượu và những người điên, mùi hôi thối của nước tiểu bao trùm, lên đường phố, hang hẻm, hành lang. Đó là một trải nghiệm kinh khủng và với bọn trẻ chúng tôi, nó thật khủng khiếp. Tôi nhớ một lần có một kẻ say rượu đi lảo đảo ngã xuống ngay trước mặt chúng tôi và bắt đầu nôn mửa. Cô em gái nhỏ của tôi bảo: "Mẹ ơi, chúng ta về nhà đi," bởi vì đằng sau dây thép gai là nơi dành cho chúng tôi, là nhà. Cha mẹ tôi đã làm việc rất chăm chỉ để đứng lên lần nữa trên đôi chân mình. Chúng tôi đã mất tất cả. Họ đi qua nửa đời người và phải bắt đầu lại từ đầu. Họ làm việc vô cùng chăm chỉ và cuối cùng gom góp đủ tiền để mua một căn nhà ba phòng ngủ trong một khu phố đẹp. Khi là một thiếu niên, tôi trở nên vô cùng tò mò về thời thơ ấu bị giam cầm của mình. Tôi đã đọc những quyển sách giáo dục công dân, tìm hiểu về những lý tưởng của nền dân chủ Mỹ. Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, chúng tôi có quyền bất khả xâm phạm, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, và tôi không thể liên hệ nó với thời thơ ấu tù tội của mình. Tôi đọc những quyển sách lịch sử, và không thể tìm ra một manh mối nào. Vì thế, tôi dành nhiều thời gian với cha mình sau bữa tối, đôi khi đó là những cuộc trò chuyện sôi nổi. Chúng tôi có rất nhiều, rất nhiều những cuộc trò chuyện như thế và tôi nhận được từ đó trí tuệ của cha tôi. Ông là người đã phải chịu đựng nhiều nhất trong điều kiện ngục tù, và ông hiểu về nền dân chủ Mỹ. Ông cho tôi biết rằng nền dân chủ của chúng tôi là nền dân chủ nhân dân, và nó có thể vĩ đại như những vĩ nhân, nhưng cũng có thể mắc sai lầm như chính con người. Ông nói rằng nền dân chủ Mỹ chủ yếu phụ thuộc vào những người tốt những người ấp ủ lý tưởng của hệ thống dân chủ và tích cực tham gia vào quá trình thực hiện nền dân chủ. Ông dẫn tôi đến các trụ sở chính của chiến dịch - nơi thống đốc của bang Illinois đang tranh cử tổng thống - và giới thiệu cho tôi về chính sách bầu cử. Ông cũng nói tôi nghe về những thanh niên người Mỹ gốc Nhật trong suốt chiến tranh thế giới thứ II. Khi Trân Châu Cảng bị đánh bom, những thanh niên Mỹ gốc Nhật, đổ xô đến bộ đăng ký nhập ngũ tình nguyện chiến đấu cho đất nước mình. Hành động yêu nước đó đã bị đáp lại bằng một cái tát vào mặt. Chúng tôi đã bị từ chối và bị liệt vào dạng kẻ thù không-ngoại lai. Thật quá đáng khi bị gọi là kẻ thù khi bạn tình nguyện đấu tranh cho đất nước mình, đã vậy từ "không-ngoại lai" còn có nghĩa là "công dân" dưới góc độ tiêu cực. Họ thậm chí còn tước đoạt từ "công dân"của chúng tôi và bỏ tù chúng tôi một năm ròng. Sau đó, chính phủ nhận ra rằng họ đang thiếu hụt nhân lực trong thời chiến cũng bất ngờ như khi họ bắt chúng tôi vào trại tập trung, họ mở cửa cho người Mỹ gốc Nhật phục vụ quân sự. Điều đó hoàn toàn vô lý, nhưng lại là một điều tuyệt vời, điều đáng kinh ngạc là hàng ngàn thanh niên người Mỹ gốc Nhật lại được bước ra từ sau những hàng rào kẽm gai, mặc những bộ đồng phục như những tên lính gác, để lại gia đình của mình trong tù, chiến đấu vì đất nước. Họ nói rằng họ sẽ chiến đấu không chỉ để đem gia đình mình ra khỏi những hàng rào kẽm gai, mà còn vì họ ấp ủ lý tưởng về một chính phủ mà họ khao khát nhưng đang bị hủy bỏ bởi những gì họ đang làm. Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Họ đã chiến đấu vì đất nước này. Mọi người đã phân biệt đối xử tất cả những người Mỹ gốc Nhật và đưa đến họ các chiến trường châu Âu, và họ đã tự ném mình vào đó. Họ chiến đấu với lòng dũng cảm đáng kinh ngạc và tuyệt vời. Họ được giao phó những nhiệm vụ nguy hiểm nhất và chịu đựng tỷ lệ thương vong cao nhất so với bất kì đơn vị tương ứng nào. Có một trận chiến minh họa cho điều đó. Đó là trận chiến vì phòng tuyến Gothic. Quân Đức chiếm đóng trên sườn đồi ngọn núi này, một sườn đồi đầy đá, trong những hang động bất khả xâm phạm, và ba tiểu đoàn liên minh đã đánh vào đó trong suốt 6 tháng qua, và họ lâm vào bế tắc. Đơn vị 442 được lệnh đến hỗ trợ trận chiến, nhưng những chiến sĩ của đơn vị 442 đã nảy ra một ý tưởng độc nhất nhưng rất nguy hiểm: Mặt sau ngọn núi là một vách đá thẳng đứng. Quân Đức đã cho rằng tấn công từ phía sau là điều không tưởng. Những chiến sĩ của đơn vị 442 đã quyết định làm điều không tưởng ấy. Vào một buổi tối, trời không trăng, họ bắt đầu leo lên vách đá có quãng rơi hơn 304,80 mét đó với trang thiết bị chiến đấu đầy đủ. Họ cứ leo như thế suốt đêm dài. Trong bóng tối, một số người chẳng may hụt chân rơi xuống vực mất xác. Tất cả họ đều ngã xuống trong yên lặng Không thốt ra một tiếng, để không làm lộ vị trí của mình. Những người đàn ông ấy leo suốt 8 giờ đồng hồ, và những người lên được đến đỉnh núi đóng tại đó cho đến khi tia sáng đầu tiên xuất hiện, và ngay lúc đó, họ tấn công. Quân đội Đức bị đánh úp, quân địch đã leo lên vách núi và phá vỡ phòng tuyến Gothic. Tình trạng bế tắc suốt 6 tháng đã bị phá vỡ bởi đơn vị 442 chỉ trong vòng 32 phút. Đó là một nước đi tuyệt vời và khi chiến tranh kết thúc, đơn vị 442 trở về đất Mỹ với tư cách là đơn vị hào hùng nhất trong suốt Chiến tranh thế giới thứ II. Họ được tổng thống Truman đón tiếp tại Bãi cỏ Nhà Trắng , ông nói với họ rằng: "Các bạn không chỉ chiến đấu với kẻ thù mà còn với định kiến, và các bạn đã chiến thắng." Họ là những người hùng của tôi. Họ bám vào niềm tin về những lý tưởng sáng ngời của đất nước này, và họ đã chứng minh rằng việc được làm một người Mỹ không chỉ dành cho một số người, rằng chủng tộc không phải cách mà chúng ta định nghĩa nên người Mỹ. Họ đã mở rộng ý nghĩa của từ công dân Mỹ, là bao hàm cả những người Mỹ gốc Nhật mà họ từng sợ hãi, hoài nghi và căm ghét. Họ là tác nhân của sự thay đổi và để lại cho tôi một di sản. Họ là những vị anh hùng của tôi cha tôi là vị anh hùng của tôi, người hiểu rõ chế độ dân chủ và chỉ dạy điều đó cho tôi. Họ trao lại cho tôi một chế độ dân chủ, và trách nhiệm đi kèm tôi đã tận tụy để làm cho đất nước trở thành một nước Mỹ tốt đẹp hơn, làm cho chính phủ tôi có được nền dân chủ chân thật hơn vì những người hùng trong lòng tôi và vì những tranh đấu mà chúng tôi đã từng trải qua, tôi có thể đứng thẳng trước mặt các bạn với tư cách là một người Mỹ gốc Nhật, thậm chí còn hơn thế, tôi tự hào là một người Mỹ. Cảm ơn rất nhiều. (Vỗ tay)