Bạn hiểu được tầm quan trọng của ánh sáng và sự thật, đúng chứ? Hãy tưởng tượng một thế giới không có chúng. Tôi ở đây, hôm nay, để nói về việc ta cần chúng nhiều như thế nào. Tôi sẽ kể một câu chuyện có thật về những gì đang diễn ra khi có quá nhiều phần thế giới vận hành trong bóng tối. Vào một ngày tháng Mười ấm áp năm 2018, một nhà báo người Ả Rập Saudi tên Jamal Kashoggi vào Lãnh sự quán Saudi tại Istanbul, nhận các giấy tờ cần thiết để kết hôn với vợ sắp cưới người Thổ Nhĩ Kỳ. Cô ấy đã chờ anh ta hàng giờ bên ngoài. Và không bao giờ nhìn thấy anh nữa. Có thể bạn đã từng nghe câu chuyện này, bởi nó đã từng là tin giật gân trên thế giới. Qua một số cuộc điều tra, ta biết rằng các đặc vụ chính phủ Saudi đã vào lãnh sự quán, và giết chết Kashoggi rồi chặt xác anh ấy. Hãy để tôi giải thích những gì vừa nói. Những đặc vụ chính phủ đã giết một nhà báo để bịt miệng. Những chuyện thế này gây sốc nhưng lại rất thường gặp. Nhưng tôi tin nếu chính phủ Saudi biết trước việc này sẽ tạo nên kinh động khắp thế giới, và kéo dài hàng tuần, họ sẽ không làm, đúng chứ? Họ muốn che giấu tội lỗi của mình, thay vì đưa nó ra ánh sáng cho mọi người cùng biết. Và nó dấy lên một số câu hỏi. Chuyện gì xảy ra nếu ta công khai những điều bất công và sai trái trên thế giới? Và giả như điều đó thúc đẩy chính phủ khắp nơi đối xử với mọi người bằng sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến của các nhà phê bình thay vì buộc họ im lặng? Đây chính là thế giới mà tôi đang cố tạo ra. Tôi muốn các bạn hãy dành một chút thời gian - nhắm mắt lại - và tự hỏi: đâu là điều mà bạn và gia đình bạn cần để sống với nhân phẩm và phát triển tiềm năng như một con người? Có thể bạn sẽ nghĩ ngay đến đồ ăn ngon hay có một ngôi nhà, được chăm sóc sức khỏe hoặc được học tập, có một công việc tốt hay được bảo đảm an ninh xã hội, hay có thể bạn sẽ nghĩ đến tự do là chính mình, nói lên ý kiến của bản thân mà không sợ bị bắt giữ, tra tấn, ngồi tù hay còn tệ hơn. Đấy không phải là những điều xa xỉ. Đó chính là quyền con người. Chúng đã được định rõ và ghi nhận trong Luật quốc tế Nhân Quyền. Các quốc gia đều cam kết thực hiện chúng. Nhưng đến giờ, không có ai rà soát liệu mỗi quốc gia đang làm việc thế nào để chắc rằng mỗi công dân đều được hưởng nhân quyền. Tôi biết bởi tôi cũng bất ngờ khi biết điều này. Tôi đã từng là nhà kinh tế suốt 20 năm. Giữa những năm 2000, tôi làm việc cho OECD tại Paris, để cho các chính phủ lời khuyên về chính sách kinh tế. Tôi cực kì thích công việc đó. Nó khiến tôi thích thú khi nhìn mỗi quốc gia qua góc nhìn của một nhà kinh tế và tìm cách đưa ra lời khuyên. Nhưng có một vấn đề. Mỗi quốc gia, đều có những vi phạm nhân quyền riêng. Tôi đã đọc về việc ngược đãi người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và người Roman ở Slovakia, và tôi luôn cố tìm cách đưa những gì liên quan đến nhân quyền vào các báo cáo của mình. Đó là những gì tôi có thể làm khi đó, bởi khi những nhà kinh tế cho lời khuyên, đều phải dựa trên những bằng chứng thực nghiệm, và tôi nhận thấy không có bất cứ một cơ sở dữ liệu toàn diện nào theo dõi tình trạng nhân quyền của mỗi quốc gia. Đây chính là vấn đề. Và đã là vấn đề. Khi đánh giá về tình hình thế giới, bạn sẽ có xu hướng dựa vào những dữ liệu đã được thu thập: thu nhập đầu người, dòng chảy thương mại và đầu tư, khí thải carbon ... Thật khó cho bất kì chính phủ nào bàn về nhân quyền trong các chương trình quốc gia, nếu không có đủ dữ liệu cần thiết. Kể từ đó, tôi không ngừng nghĩ về việc thiếu hụt dữ liệu này. Vài năm sau, khi chuyển về lại New Zealand, tôi nhớ lúc ở nhà với con trai khi nó còn nhỏ, sau khi cho nó ngủ trưa, tôi chạy thẳng đến máy tính, tìm xem ai là người đo lường nhân quyền. Tôi đã liên hệ với những chuyên gia trên thế giới và đặt câu hỏi cho họ. Tại sao nhân quyền không được kiểm soát một cách có hệ thống? Liệu điều đó có thể thực hiện? Rất nhiều email tôi gửi đi không nhận được hồi âm. Nhưng nhiều trong số đó có phản hồi. Vài người nói với tôi rằng việc nhân quyền được kiểm soát một cách có hệ thống là một ý tưởng hay nhưng đầy tham vọng. Chỉ có một vài người nói rằng đó là điều không thể, thậm chí là nực cười. Nhưng tôi nào có bận tâm. Triết lý sống của tôi là đi theo nguồn năng lượng. Và khi theo nguồn năng lượng đó, tôi đã đồng hành cùng hai học giả nhân quyền tài giỏi những người cùng chí hướng, là Susan Randolph và Chad Clay, chúng tôi cùng nhau thành lập Sáng kiến Đo lường Nhân quyền, hay gọi tắt là HRMI ( đọc là 'hermi'). Dù lúc đầu HRMI chỉ có ngân sách là 1 đô, chúng tôi không ngừng hợp tác với các chuyên gia nhân quyền trên thế giới để có được những dữ liệu phản ánh chân thật vấn đề này ở nhiều quốc gia. Mục đích của chúng tôi là để mọi người thấy rõ hơn không chỉ vụ của Khashoggi, mà còn đưa chúng lên mặt báo. Chúng tôi đang thắp lên nhiều tia sáng trên thế giới. Tôi cảm thấy công việc mình đang làm vừa nặng trách nhiệm vừa nhỏ bé, bởi tôi biết nhiều quốc gia trên thế giới, mỗi ngày, những người bảo vệ nhân quyền đang đánh cược tính mạng, để công khai những bất công mà họ chứng kiến. Vì thế, tôi rất vui khi biết HRMI đang lan tỏa tiếng nói của những con người vĩ đại này để những gì họ làm mang lại nhiều tác động hơn. Và tôi rất vui khi tầm nhìn chung mà HRMI đang có không chỉ còn là tầm nhìn; mà là nỗ lực chung. Chúng tôi có hàng trăm chuyên gia nhân quyền trên thế giới, đóng góp, trên cơ sở tình nguyện, thời gian và kiến thức để phơi bày sự thật và lấp đầy những lỗ hổng dữ liệu, và kêu gọi sự quan tâm tới những vấn đề quan trọng. Vậy chúng tôi đã đo lường việc thực hiện nhân quyền của các quốc gia thế nào? Hiện tại, chúng tôi có hai phương pháp chính. Đầu tiên, bất cứ khi nào có thể, chúng tôi đều sử dụng những thống kê công khai sẵn có. Đối với quyền về Chất lượng Cuộc sống, những thứ như quyền lương thực, giáo dục, sức khỏe, chỗ ở và công việc, đây quả là những đảm bảo tuyệt vời. Phần màu xanh da trời của biểu đồ chỉ ra tổng 169 quốc gia mà chúng tôi đang theo dõi việc thực hiện quyền sức khỏe. Nhiều chỉ số thống kê bằng nhau mà ta thấy đang được dùng để theo dõi các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Điểm khác biệt là: chúng tôi không chỉ nhìn vào những số liệu thô. Mà còn chú ý những thứ quan trọng hơn. Chúng tôi chuyển đổi chúng thành các con số phù hợp dưới góc độ nhân quyền. Để làm được điều này, chúng tôi đã chọn một cách tiếp cận từng đoạt giải thưởng do Susan - đồng sáng lập HRMI và đồng nghiệp của cô phát triển. Cách tiếp cận đó đánh giá từng quốc gia theo tiêu chuẩn khác nhau dựa vào mức thu nhập của quốc gia đó. Thế nên, cả những nước giàu và nghèo hơn đều sẽ nhận được số điểm thấp, nếu không tận dụng được những nguồn lực sẵn có hiệu quả như các quốc gia có cùng mức thu nhập; chẳng hạn như trong việc cải thiện tình trạng sức khoẻ. Cách tiếp cận này quả là diệu kì, nó không chỉ tính được việc liệu các quốc gia có đang thực hiện các quyền trên đúng với luật quốc tế mà còn hợp lý nữa. Hợp lý là nó đặt cho các quốc gia có mức thu nhập cao chuẩn mực cho vấn đề sức khoẻ cao hơn những quốc gia nghèo, đúng chứ? Thứ hai, chúng tôi đã thu thập dữ liệu về các quyền dân sự và chính trị. Những quyền này bao gồm quyền giết người, tra tấn, cho đến quyền bầu cử và tự do ngôn luận. Bạn có thể bất ngờ khi biết đây là những thứ mà thống kê thực tế vẫn chưa rà soát được. Vì thế, chúng tôi nhờ những chuyên gia từ Ân xá Quốc tế, những tổ chức như Theo dõi Nhân quyền, và chúng tôi làm cuộc khảo sát mang tính chuyên nghiệp để thu thập thông tin này từ những người đang giám sát những gì diễn ra trên thế giới. Chúng tôi rất vui vì cuộc khảo sát rất hữu ích. Cho đến nay, chúng tôi đã có dữ liệu cho 19 quốc gia này, và con số đó không ngừng tăng lên mỗi năm. Quan trọng nhất là mọi người nói rằng những con số của chúng tôi đã phản ánh chính xác thực trạng của những quốc gia mà họ am hiểu. Hãy để tôi giúp các bạn hiểu hơn về những dữ liệu này bằng một câu đố. "Trong số này, quốc gia nào thực hiện tốt nhất việc tôn trọng quyền tự do trong hành quyết ngoài pháp lý? Jordan, Venezuela, Saudi Arabia, Mỹ hay Mexico?' Bây giờ, trong lúc suy nghĩ, hãy để tôi cho bạn thêm một vài thông tin. Đầu tiên, một khái niệm: Hành quyết ngoài pháp lý là giết người do đặc vụ chính phủ thực hiện, giống với vụ của Khashoggi, nhưng thường thấy là nổ súng từ phía cảnh sát. Và tôi sẽ nói những con số này được lấy từ đâu. Vào tháng hai và tháng ba năm nay, chúng tôi đã gửi khảo sát đến những người giám sát nhân quyền tại năm quốc gia trên và những đất nước khác, hỏi xem họ nghĩ đất nước mình đang thực thi việc tôn trọng nhân quyền như thế nào. Và chúng tôi sử dụng một vài kĩ thuật thống kê tinh vi để có thể đặt những phản ứng khác nhau lên cùng một bàn cân. Được rồi, bạn đã có câu trả lời trong đầu rồi chứ? Câu trả lời là Jordan. Và bạn có thể thấy số điểm của cả năm quốc gia này. Các đường thẳng đứng nhỏ là ước tính chính xác nhất về điểm số của mỗi quốc gia. Các quốc gia có dải rộng hơn nhưng dao động như của Ả Rập Saudi thể hiện việc ta không chắc số điểm chính xác thực sự nằm ở đâu, có thể vì những người tham gia khảo sát ở Ả Rập Saudi. không mấy đồng tình với nhau. Các dải hẹp hơn, như của Mexico giúp ta chắc chắn hơn về điểm số cho đất nước đó. Sự chồng chéo của các dải là rất quan trọng. Ta có thể tin rằng Jordan đang làm tốt hơn Venezuela, vì những dải của họ không chồng chéo. Chúng tôi không chắc thứ hạng tương đối sẽ thế nào ở các quốc gia tiếp theo. Đây chỉ là một vài của tất cả các quốc gia mà chúng tôi có dữ liệu. Thêm một vài thông tin nữa. Ngay đây, là những quốc gia New Zealand, Úc, Hàn Quốc, và Anh. Không có quốc gia nào đạt điểm số tuyệt đối cả, bởi mỗi quốc gia, ngay cả New Zealand, cũng cần phải cải thiện. Vậy thông tin này có ích như thế nào? HRMI không phải là một tổ chức vận động, nên, chúng tôi không chỉ chính phủ cách làm khác đi. Nhưng bạn có thể sử dụng dữ liệu của chúng tôi vào mục đích đó. Giả sử, đất nước bạn có số điểm tương đối thấp, phía cuối bản này và bạn muốn nó dịch chuyển theo hướng này. Bạn có thể làm gì? Tôi tin là có vô số cách. Nhưng hãy bàn qua một vài cách nhé. Bạn có thể khích lệ đất nước mình tham gia đào tạo lại lực lượng cảnh sát. Bạn có thể gặp những nhóm người thiểu số và yếu đuối để xin lời khuyên về việc cải cách bộ máy nhà nước. Bạn có thể tham khảo những chính sách và lề luật từ các nước láng giếng đã làm tốt hơn và bạn cũng có thể chọn làm tốt hơn họ. Chúng tôi có một bảng điểm thế này cho tám quyền dân sự và chính trị khác nhau, với từng người, từng quốc gia và từng quyền lợi, chúng tôi cũng thu nhập thông tin liên quan đến những con số này. Hãy cùng nói điều bạn muốn biết là tại sao Mỹ lại thực hiện quyền này kém đến vậy. Bạn có thể biết một phần lý do là có quá nhiều vụ cảnh sát bắn chết người da màu. Những chuyên gia Mỹ nói với chúng tôi rằng những người có nguy cơ bị giết ngoài pháp lý tại Mỹ đều là Người Mỹ gốc Phi, Người Latin, Người Mỹ bản địa, và trẻ em bị giam giữ tại biên giới. Những thông tin mà tôi chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu chỉ là một vài trong số hàng ngàn dữ liệu mà bạn có thể tìm thấy đâu đó, và đó là trước lúc chúng tôi mở rộng cuộc khảo sát cho các nước trên thế giới. Tôi biết chúng là những vấn đề nặng nề Bởi thật sự là vậy. Thế nên, tôi rất vui khi chia sẻ với các bạn rằng chúng tôi cũng có một số tin tốt từ những dữ liệu của HRMI. Đây là biểu đồ từ khu vực Châu Phi. Mỗi mảng màu cho bạn biết quyền về Chất lượng Cuộc sống, tuy vẫn còn thấp, nhưng đang dần được cải thiện, với hiệu suất trung bình trên khắp lục địa châu Phi. Và những tin tức ấy còn tốt hơn nữa, bởi những dữ liệu HRMI thể hiện xu hướng cải thiện dần trong việc thực hiện các quyền này ở tất cả các khu vực trên thế giới. Đây là câu chuyện tích cực về nhân quyền. Tôi yêu nó và nó tiếp thêm hy vọng cho tôi. Có một điều mà tôi nhận thấy từ khi từ một nhà kinh tế sang đồng sáng lập HRMI, khi gặp những người bạn cũ và nói với họ rằng tôi đang giám sát việc thực hiện nhân quyền của các quốc gia, thi thoảng, tôi nhận được những cái nhìn ngờ vực. Nhưng khi nói mình đang cải tiến năng suất kinh tế, tôi nhận được nhiều sự đồng tình hơn. Tôi hiểu tại sao. Nền kinh tế được đo lường tốt hơn. Mọi người đã nghe quen về nó. Trái lại, nhân quyền lại bị che giấu, không được định chừng, và bị lảng tránh trong một khoảng thời gian dài. Hãy thay đổi nó. Giúp mọi người hiểu về nhân quyền và mang lại một thay đổi lớn theo cách mà thế giới hoạt động là một thách thức cần sự hợp tác toàn cầu, và bạn có thế chung tay. Chúng tôi đã soi đường cho đất nước bạn rồi đấy? Nó tiết lộ điều gì có thể khiến bạn hành động? Bạn sẽ yêu cầu gì từ các lãnh đạo của mình? Các quốc gia khác truyền cảm hứng gì cho nước bạn để can đảm tôn trọng nhân quyền? Chuyện gì xảy ra nếu các nhà lãnh đạo thế giới tập hợp cố vấn của họ và yêu cầu câu trả lời? Chuyện gì xảy ra nếu họ không chỉ nói: "Làm thế nào để cải thiện hiệu quả kinh tế!", mà còn: "Hãy nói cho tôi biết cách cải thiện việc thực hiện nhân quyền?" Con số không lôi cuốn bằng những câu chuyện. Chúng không thu phục được lòng người. Nhưng mỗi một con số giúp thế giới thêm ánh sáng cho ta thấy tương lai phía trước. Con số giúp ta nhận ra đâu là thứ cần thay đổi và thay đối thế nào. Hãy xây dựng một thế giới nơi các quốc gia cạnh tranh nhau, không chỉ trong thể thao hay về mức độ thịnh vượng, mà để nhìn xem quốc gia nào đối đãi tốt nhất với công dân của mình. Hãy đánh giá những thứ ta trân quý. Xin cảm ơn. (Vỗ tay)