Tôi yêu côn trùng -- nói luôn là không phải thích từ hồi bé đâu, mà mãi về sau này. Khi học đại học ngành động vật học ở trường Tel Aviv, và tôi tự nhiên "phải lòng" các loài côn trùng. Và rồi, trong ngành động vật học, tôi chọn phân ngành côn trùng học ngành khoa học nghiên cứu côn trùng. Và khi đó tôi tự hỏi mình có thể ứng dụng như thế nào, hoặc giúp ích gì cho ngành côn trùng học Rồi sau đó tôi chuyển sang ngành bảo vệ thực vật -- bảo vệ thực vật khỏi côn trùng, khỏi các loài sâu hại. Rồi trong ngành bảo vệ thực vật, tôi đi sâu vào chuyên ngành kiểm soát sâu bệnh bằng phương pháp sinh học mà chúng tôi định nghĩa là việc sử dụng các sinh vật để hạn chế số lượng các loài sâu hại trên cây trồng. Đây là cả một chuyên ngành thuộc ngành bảo vệ thực vật nhằm hạn chế các loại thuốc trừ sâu hóa học. Mà kiểm soát sâu hại bằng phương pháp sinh học cũng như các loài côn trùng có ích được đề cập ở đây đã tồn tại trên trái đất hàng nghìn năm từ rất xa xưa. Nhưng mới chỉ trong 120 năm trở lại đây con người mới bắt đầu hay mới biết khai thác và sử dụng hiện tượng kiểm soát sinh học hay nói đúng hơn, là hiện tượng kiểm soát tự nhiên để phục vụ nhu cầu của mình. Bởi vì những hiện tượng kiểm soát sinh học này, diễn ra ngay trong vườn sau nhà bạn. Chỉ cần một cái kính lúp như cái này. Một cái kính lúp có độ phóng đại 10 lần Vâng, nhân 10 lên. Nào, mở nó ra. và lật những cái lá lên, và bạn sẽ thấy cả một thế giới mới lạ của các loài côn trùng bé nhỏ, hay của những con nhện chỉ dài 1-1.5 mm, hay dài 2 mm, và bạn có thể phân biệt con nào có ích và con nào gây hại. Hiện tượng kiểm soát tự nhiên như thế này tồn tại ở mọi nơi. Tôi dám chắc, ngay ở trước tòa nhà này thôi, Cứ thử quan sát mấy cái cây mà xem. Nó ở khắp nơi, và chúng ta cần biết làm thế nào để lợi dụng nó. Nào, hãy cùng tôi xem qua vài ví dụ. Sâu hại là gì? Chúng gây tổn thương gì cho cây trồng? và thế nào là thiên địch, là nhân tố kiểm soát tự nhiên, hay các loài côn trùng có ích mà ta đang nói đến ở đây? Để tiện theo dõi, tôi sẽ trình bày về những loài côn trùng và nhện hoặc ta có thể gọi là những con bọ. Côn trùng -- những sinh vật có 6 chân và nhện hay bọ, thì có 8 chân. Hãy cùng quan sát hình này. Đây là một loài côn trùng phá hoại, con nhện đỏ, nó cũng giăng tơ giống như nhện thông thường. Con mẹ ở giữa ở hai bên có lẽ là hai con con, và một quả trứng ở bên phải. Và nó phá hoại thế này đây, Bên phải màn hình là lá cây dưa chuột (dưa leo) ở giữa là lá cây bông vải, và bên trái là lá cây cà chua, đúng nghĩa là chúng có thể chuyển màu từ xanh sang trắng vì những bộ phận đục, hút trên miệng của mấy con nhện đỏ. Nhưng tự nhiên đã cho chúng ta một loài bọ có ích. Đây là con nhện bắt mồi -- cũng chỉ nhỏ như con nhện đỏ mà thôi, dài không quá 1-2 mm, chúng chạy rất nhanh, đuổi theo và bắt những con nhện đỏ. Cô nàng này đang hành động đây ở bên trái bạn -- nó chọc vào phía trái khoang bụng của con nhện đỏ. Và sau 5 phút, bạn sẽ thấy một cái xác điển hình -- quắt lại và bị hút kiệt, xác của con nhện đỏ, và ngay cạnh nó là hai cá thể nhện bắt mồi đã no nê. con mẹ ở bên trái con non ở bên phải. Nhân tiện, một bữa ăn đủ cho chúng trong 24 giờ là khoảng năm con nhện đỏ loài sâu hại ấy, hoặc 15-20 quả trứng của nhện đỏ. Mà phải nói là lúc nào chúng cũng đói. (cười) Đây là một ví dụ khác: con rệp vừng. Nhân tiện, bây giờ đang là mùa xuân ở Israel, nhiệt độ đang tăng cao đột ngột. Bạn có thể thấy rệp vừng ở khắp nơi, trên cây dâm bụt, cây hoa ngũ sắc (thơm ổi), hay trên những tán lá tươi non của đám cỏ mùa xuân, và nhiều nữa. Mà ở rệp vừng chỉ có con cái thôi nhé, giống như các Nữ chiến binh Amazon. Con cái sinh ra những con cái, để sinh ra những con cái khác. Hoàn toàn không có con đực. Gọi là sinh sản đơn tính. Và có vẻ như chúng rất hạnh phúc với việc đó. Chúng gây hại như thế này. Rệp vừng tiết ra một chất dịch ngọt và dính gọi là "dịch ngọt" và dính đầy ở phần ngọn cây. Cái lá dưa chuột (dưa leo) này đã chuyển từ màu xanh sang đen vì bị mốc đen bao phủ. Và "đấng cứu rỗi" đã tới trong hình hài ong bắp cày kí sinh. Đây không phải là loài săn mồi. mà là một loài kí sinh, không phải loài kí sinh 2 chân nhé, mà tất nhiên là 6 chân. Con ong bắp cày kí sinh, cũng rất nhỏ bé và mảnh dẻ, chỉ dài khoảng 2mm, và là một phi công nhanh nhẹn và nhạy bén. Ong kí sinh khi hành động đây, giống như trong màn trình diễn xiếc nhào lộn. Nó đứng gập người đối diện nạn nhân của nó, về bên phải, cong bụng và đặt một quả trứng, đúng một quả, vào khoang bụng của con rệp vừng. Phải nói là con rệp cũng cố gắng để thoát ra. Nó giãy đạp, cắn xé và tiết các loại dịch, nhưng thực ra chẳng có chuyện gì xảy ra. Ngoài việc một quả trứng của ong kí sinh được gửi vào khoang bụng của con rệp. Và sau vài ngày, tùy thuộc và nhiệt độ, quả trứng sẽ nở, và ấu trùng của ong kí sinh sẽ ăn thịt con rệp từ trong ra. Đó là tự nhiên. Hoàn toàn tự nhiên. Đây hoàn toàn không phải tiểu thuyết. Tôi nhắc lại là ở ngay vườn sau nhà bạn, ngay sau vườn. Nhưng đây chính là kết quả. Kết cục là đây: Những xác ướp -- X-A-C U-O-P đây là hình ảnh của một con rệp vừng đã chết. Hãy nhìn vào phía trong xem. Thực ra, đây chính là một con ong kí sinh đang lớn dần và sau vài phút, nó đã chui ra được nửa người. "Cuộc sinh nở" gần xong rồi. Bạn có thể thấy trong đoạn phim. Chỉ mất vài phút. Và nếu đây là một con cái, nó sẽ kết đôi với một con đực ngay lập tức, rồi nó bay đi, vì đời ngắn lắm, Con ong này chỉ sống được 3-4 ngày, và nó phải sinh được khoảng 400 trứng. Cũng có nghĩa là nó sẽ tìm 400 con rệp vừng để ấp trứng của nó vào trong khoang bụng. Và tất nhiên đây không phải là tất cả. Có cả một kho tàng các loài thiên địch khác và đây là ví dụ cuối cùng. Ta lại bắt đầu bằng loài sâu hại: con bọ trĩ (bù lạch) Phải nói thêm về những tên gọi kì quặc này -- Các bạn không cần bận tâm với tên Latin của những sinh vật này nhé, tôi chỉ dùng tên thông thường thôi. Đây là một loài côn trùng đẹp, mảnh mai. nhưng cực kì có hại. Hãy quan sát những quả ớt chuông này. Không phải ớt chuông cảnh mới lạ đâu, mà là những quả ớt không ăn được nữa, vì chúng đã bị nhiễm một loại virus do bọ trĩ trưởng thành lây truyền. Còn đây là loài thiên địch, bọ hải tặc tí hon, gọi là tí hon vì nó bé xíu, Ở đây là con trưởng thành, màu đen, và 2 con non. Và một lần nữa, chúng đang hành động. Con trưởng thành này đâm vào bụng con bọ trĩ, và hút kiệt nó chỉ trong vài phút, rồi lại tìm đến con mồi khác, tiếp tục như vậy khắp mọi nơi. Và nếu chúng ta rải những con nhện hải tặc có ích này, trên một vườn ớt chuông chẳng hạn, chúng sẽ bay đến những bông hoa. Hãy nhìn bông hoa này nó có đầy những con côn trùng bắt mồi có ích, sau khi đã tiêu diệt hết bọ trĩ. Đây là một trường hợp tích cực, không gây hại cho quả đang lớn, cũng không ảnh hưởng đến quá trình đậu quả. Mọi việc tốt đẹp theo đúng tiến trình. Nhưng một lần nữa, câu hỏi đặt ra là, ở đây bạn thấy chúng ở mức độ một kèm một -- một loài sâu hại và một loài thiên địch. Còn chúng tôi thì đang thực hiện những việc này. Ở miền đông bắc Israel, ở kibbutz Sde Eliyahu, có một nhà máy sản xuất hàng loạt các loài thiên địch. Nói cách khác, những gì chúng tôi đang làm ở đó, là khuyếch đại, chúng tôi khuyếch đại sự kiểm soát tự nhiên, hay hiện tượng kiểm soát sinh học. Và trên 35 nghìn mét vuông nhà kính tối tân, chúng tôi đang sản xuất hàng loạt những con nhện bắt mồi, những con bọ hải tắc tí hon, những con ong bắp cày kí sinh, vân vân. Nhiều bộ phận sản xuất khác nhau. Nhân tiện, phong cảnh ở đó rất đẹp. Một bên là dãy núi Jordani, còn bên kia là thung lũng Jordan, mùa đông thì ôn hòa mùa hè thì nóng đó là điều kiện lý tưởng để sản xuất các loài thiên địch. Nhân tiện xin nói là sản xuất hàng loạt, chứ không phải liệu pháp biến đổi gene nhé. Không hề có chuyện biến đổi gene, hay bất kì sinh vật biến đổi di truyền nào. Chúng tôi bắt chúng từ môi trường tự nhiên, và điều duy nhất chúng tôi làm là cho chúng điều kiện tối ưu, trong nhà kính hay phòng kiểm soát khí hậu, để chúng tăng trưởng, phát triển, và sinh sản. Và thành quả chính là đây, Nếu bạn nhìn dưới kính hiển vi. Ở góc trên bên trái một con nhện bắt mồi. còn đây là cả bầy nhện. Bạn thấy cái lọ này không? Trong này là 1 gram nhện bắt mồi. 1 gram, 80 nghìn cá thể, TÁM MƯƠI NGHÌN CON NHỆN thế là đủ để bảo vệ trên 4 nghìn mét vuông vườn dâu chống lại nhện đỏ cho cả một vụ mùa, cho gần một năm. Và từ nhà máy này, tin tôi đi nhé, chúng tôi sản xuất được hàng chục kilogram mỗi năm. Cho nên, tôi gọi cái này là sự khuếch đại của một hiện tượng. Mà chúng tôi không làm mất cân bằng sinh thái. mà thực ra là làm ngược lại. Bởi vì trên những luống đất này sự cân bằng đã bị phá vỡ vì thuốc trừ sâu hóa học, bây giờ chúng tôi đem đến những loài thiên địch cố gắng quay ngược bánh xe một chút và tạo thêm sự cân bằng sinh thái cho những mảnh ruộng bằng cách hạn chế thuốc trừ sâu. Đó là toàn bộ ý tưởng. Thế còn tác động trên thực tế thì sao? Bảng tóm tắt này cho thấy tác dụng của việc kiểm soát sinh học thành công bằng thiên địch. Ví dụ như ở Israel, chúng tôi dùng hơn một nghìn hecta -- hay mười nghìn dunam theo đơn vị của Israel -- để trồng ớt chuông được bảo vệ bằng kiểm soát sinh học 75% thuốc trừ sâu đã được giảm bớt. Còn với dâu Israel, thậm chí còn tốt hơn, 80% thuốc trừ sâu, đặc biệt là thuốc chống nhện đỏ ở cây dâu. Như vậy, tác động là rất lớn. Và câu hỏi còn lại là, nhất là nếu hỏi người nông dân: Tại sao lại sử dụng kiểm soát sinh học? Tại sao lại dùng thiên địch? Tôi báo trước là mỗi người sẽ trả lời mỗi kiểu đấy. Nhưng nếu ta đến đây chẳng hạn, Đông nam Israel, vùng Arava ngay phía trên thung lũng Great Rift. nền nông nghiệp ở đây thực sự là hàng đầu -- là viên ngọc của nền nông nghiệp Israel là viên ngọc của nền nông nghiệp Israel đặc biệt là trong điều kiện nhà kính hoặc nhà lưới -- trên đường đến Eliat, ngay giữa sa mạc. Nếu nhìn cận cảnh chắc chắn bạn sẽ thấy ông bà và cháu đang rải những loài thiên địch, thay vì phải mặc đồ bảo hộ và mặt nạ khí độc để phun thuốc trừ sâu. Như vậy, độ an toàn là lý do hàng đầu, để áp dụng kiểm soát sinh học. Thứ hai, nhiều nông dân đã thực sự sợ chết khiếp khi nhắc đến sự kháng thuốc, khi mà sâu hại trở nên đề kháng với thuốc trừ sâu, cũng giống bệnh dại ở con người đã kháng lại thuốc kháng sinh. Côn trùng cũng vậy, và chúng kháng rất nhanh. May sao, trong kiểm soát sinh học, hay ngay cả kiểm soát tự nhiên, sự đề kháng cực kì hiếm. Hầu như không có. Bởi vì đó là kết quả của sự tiến hóa; của tỉ lệ tự nhiên, khác sự kháng thuốc như với thuốc trừ sâu. Và lý do thứ ba là đòi hỏi của cộng đồng. Nếu cộng đồng dân cư càng đòi hỏi hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thì nông dân càng để tâm đến thực tế là nếu điều kiện cho phép, họ nên thay thế ngay thuốc trừ sâu bằng kiểm soát sinh học. Còn ở đây, một nông dân nữa, rất quan tâm đến côn trùng, sâu hại cũng như thiên địch, đeo kính lúp sẵn trên trán, và bước đi thong thả trong vườn của mình. Cuối cùng, tôi thực sự muốn vẽ ra một viễn cảnh, hay chính xác hơn là mơ ước của tôi. Bởi vì bạn thấy đấy, đây là thực tế. Hãy nhìn vào sự khác biệt này. Nếu tổng doanh thu của ngành công nghiệp kiểm soát sinh học, là 250 triệu USD. thì tổng doanh thu của ngành công nghiệp thuốc trừ sâu phục vụ các vụ mùa trên toàn thế giới, ước tính cao gấp 100 lần, 25 tỉ USD. Đó là khoảng cách khổng lồ cần được lấp đầy. Vậy chúng ta phải làm sao đây? Làm thế nào để lấp đầy, hoặc ít nhất là thu hẹp khoảng cách này, trong vòng vài năm? Trước tiên, cần phải tìm ra những giải pháp sinh học tốt hơn, thiết thực hơn và đáng tin cậy hơn, và thêm nhiều loài thiên địch nữa ta có thể sản xuất chúng hàng loạt, hay tốt hơn là bảo tồn chúng ngay trên đồng ruộng. Thứ hai, cần phải vận động những đòi hỏi mạnh mẽ và chặt chẽ hơn nữa từ cộng đồng để giảm thiểu thuốc trừ sâu hóa học trong sản phẩm nông nghiệp tươi sống. Thứ ba, cần phải lưu ý người nông dân về tiềm năng của ngành công nghiệp này. Và thực sự, khoảng cách này đang thu hẹp dần và hẹp dần từng bước một. Có lẽ đây là slide cuối cùng: Tất cả chúng ta đang nói, hoặc hát rằng: "Hãy cho thiên nhiên một cơ hội" Vậy thì tôi xin thay mặt tất cả những người kiến nghị và những người đang thực thi kiểm soát sinh học, tại Israel và các nước khác, tha thiết kêu gọi các bạn "HÃY CHO THIÊN NHIÊN MỘT CƠ HỘI" Xin cám ơn. (vỗ tay)