Chào buổi sáng. (Nhạc thanh tao) Đó hẳn là một đặc ân khi được lớn lên trong hai lối sống khá khác biệt nhau. Tôi được sinh ra tại Đức, và vào cùng thời điểm đó cũng đã có cơ hội được tìm hiểu thêm về một nghệ thuật cổ xưa đến từ Thiếu Lâm Tự. Khi bạn lớn lên trong một gia đình châu Á, đây là điều khá thường gặp rằng trước tiên, bạn không cãi cha, và thứ hai, hoặc là bạn trở thành một dược sĩ, một kĩ sư hay luật sư. Nếu không cha mẹ bạn sẽ rất bất bình. Vậy như tôi đã nói, Con đường học vấn của tôi đã dừng lại với hai bằng đại học, bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh và một bộ sưu tập khá lớn các chứng chỉ và bằng cấp tất cả những gì cha mẹ tôi nghĩ là hữu dụng. Nhưng xuyên suốt quá trình học tập này, tôi cảm thấy thiếu vắng một thứ. Vì tôi được học nhiều kiến thức khác nhau - phương thức hoạt động của một nhà máy ra sao, nguyên tử được cấu tạo từ những gì, cách thức một bộ máy chính trị vận hành, tuy nhiên, một chủ đề vẫn chưa được nhắc đến đó là học để hiểu về bản thân. Vì vậy khi lên bốn tuổi, lần đầu tiên tôi được giới thiệu vào những khóa tu viện, và tôi đã rất hạnh phúc khi nhận ra rằng phần chính của những khóa học này là cách tiếp nhận những khám phá và phát hiện về bản thân. Có những bài rèn luyện tinh thần, phát triển hành vi kết hợp với rèn luyện thể chất, mọi phương diện cấu thành nên võ thuật thiếu lâm. Giờ đây, bất chấp những mong ước của cha mẹ mong tôi tiến thân và làm chủ thế giới, tôi đã quyết định tiếp tục lối sống tu hành này và học hỏi thêm về bản thân mình trước. Bây giờ, nhằm chuẩn bị cho bài nói này, tôi đã được nhờ chia sẻ vài lời về những gì quan trọng trong cuộc đời này, và thấy rằng, nó đã thực sự là một thách thức để tóm gọn ba thập kỷ trong một bài nói. Nhưng bức ảnh tôi sắp cho các bạn xem đây tổng hợp lại hầu hết những gì tôi coi là đáng quý trong cuộc đời này. Có chút gì đó về việc sẻ chia với người khác. Có chút gì đó về những mối quan hệ. Về sự rèn luyện và phát triển của bản thân. Đó là tận hưởng thời gian của bạn, kể cả khi bạn không làm gì. Và một khía cạnh chính là tìm hướng đi và làm những thứ bạn muốn làm. Giờ đây, khi tôi được nhận lời mời để phát biểu tại sự kiện ngày hôm nay, đặc biệt dưới phương châm "Cao, cao nữa, cao mãi," một thứ rất cụ thể nảy đến trong tâm trí tôi, và một sư thầy tại Thiếu Lâm Tự đã từng kể lại cho tôi một câu truyện mà tôi sẽ chia sẻ cho các bạn. (Nhạc sáo) Ngày xưa có một người đàn ông sống gần một ngọn núi và mỗi ngày anh ta đều nghĩ: Làm sao để trèo lên ngọn núi này và ta sẽ thấy gì tại đỉnh núi? Thế rồi, ngày ấy cũng đến, và người đàn ông bắt đầu hành trình. Đến chân núi, anh ta gặp người lữ khách đầu tiên. Anh ta hỏi, "Anh trèo lên ngọn núi kia ra sao, và anh thấy những gì trên đỉnh?" Và rồi người lữ hành chỉ đường cho anh, và cảnh tượng mà người lữ hành đã thấy. Nhưng rồi người đàn ông lại nghĩ, "Lối đi mà người lữ hành đã chỉ nghe rất mệt mỏi. Ta cần tìm một lối khác để leo lên." Và anh ta tiếp tục đi bộ tới chân núi cho đến khi anh ta gặp người lữ hành thứ hai. Một lần nữa anh ta hỏi, "Anh trèo lên ngọn núi kia ra sao? và anh thấy những gì trên đỉnh?" Và rồi người lữ hành lại kể câu truyện của họ. Vẫn không quyết định đường hướng và con đường mình sẽ đi, người đàn ông hỏi thêm 30 người nữa, 30 người lữ hành khác. Sau khi hỏi tất cả những người đó, anh ta cuối cùng cũng đưa ra quyết định. "Giờ đây nhiều người đã chia sẻ với ta con đường họ đã đi và đặc biệt là những gì họ thấy ở trên đó, ta không cần phải leo lên nữa." Điều đó rất đáng tiếc rằng anh ta không hề có cuộc hành trình nào. Để tóm gọn lai câu truyện, đầu tiên, từng cá nhân phải tìm được con đường hợp lý nhất để leo được ngọn núi đó. Nhưng thứ hai, có những thông tin có thể được chia sẻ bằng ngôn từ nhưng không ngôn từ nào có thể mô tả cái cảm giác của sự giác ngộ khi bạn đang đứng ở trên đỉnh núi một mình. Việc cố gắng hết mình để trèo lên đỉnh núi, là trọng điểm của tất cả những bài thực hành Phật giáo, rèn luyện của Thiếu Lâm, hay bất cứ bài thực hành tâm linh nào nói về. Sự giác ngộ giúp bạn thấy mọi thứ rõ hơn. Khi bạn thấy rõ ràng hơn, các mối tương quan trở nên minh bạch hơn. Khi bạn thấy rõ ràng hơn, bạn sẽ không cần phải tin vào ai hay bất cứ thứ gì. Thấy rõ hơn nghĩa là bạn có thể tự nhận ra cho bản thân con đường thích hợp để bạn đi và những lựa chọn mà bạn sẽ phải đưa ra để bắt đầu hình thành những ước mơ hay ước nguyện của bản thân? Tại buổi phát biểu ngày hôm nay, bạn sẽ có cơ hội để được truyền cảm hứng bới khá nhiều những nhà lữ hành khác nhau. Nhưng trong bài phát biểu này, tôi không thể, và sẽ không nói cho bạn con đường bạn nên đi. Bởi trên hành trình riêng của mỗi cá nhân chúng ta, bạn sẽ đối mặt với chông gai. Những thử thách đó hoặc có thể ngáng chân bạn, và một số còn khiến bạn dừng bước, không cho bạn tiếp tục leo ngọn núi đó. Trong Thiếu Lâm Tự, chúng tôi gọi tên nó là "năm triền cái" Năm triền cái diễn tả năm trạng thái khác nhau trong tâm trí. Trong những trạng thái đó, ta trở nên rất khó để thấy mọi thứ rõ ràng và cùng với đó là đưa ra những quyết định đúng đắn. Triền cái đầu tiên được gọi là "tham dục triền cái" Tham dục triền cái nổi lên khi bạn đang chú ý đến một thứ mà đem lại cho bạn cảm giác tích cực. Cảm giác tích cực đó có thể bắt nguồn từ năm giác quan trong cơ thể: Thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác hay xúc giác. Vậy nên trong tâm trí bạn, bạn leo lên đỉnh núi đó. Sau khi đi được một dặm, bạn tìm thấy một nhà hàng tuyệt đẹp xung quanh toàn những con người đẹp Bạn ngửi thấy thức ăn ngon và vô số các thức uống. Khi bạn đi theo sự cám dỗ đó, bạn đã mất dấu đường đi. Khi sự cám dỗ trở nên quá mạnh đến mức bạn không muốn rời khỏi nơi đó nữa, rằng sự tham dục triền cái biến thành sự ám ảnh. Trong cả hai trường hợp, ở lại nơi đó khiến bạn không thể giác ngộ. Triền cái thứ hai gọi là "sân triền cái," diễn tả một trạng thái tâm trí mà được gợi lên bởi cảm xúc tiêu cực. Trong trạng thái tâm trí đó, bạn có một ác cảm, một sự từ chối, hay đơn giản là không thích một sự vật, sự việc, hay thậm chí cả con người. Để đơn giản hóa, nó có nghĩa rằng: Bạn đang leo ngọn núi đó, và trời bắt đầu đổ mưa, nhưng bạn không thích trời mưa. Bạn nhận ra đường mấp mô, nhưng bạn không thích đường mấp mô. Nhằm vượt qua sông, bạn cần phải lội nước. nhưng bạn không thích bơi. Dù là bạn không thích thứ gì, nó sẽ không khiến chuyến đi của bạn dễ chịu cho đến khi bạn học cách từ bỏ tâm sân hận này đi. Nhiều khả năng bạn sẽ không tiếp tục hành trình này nữa. Triền cái thứ ba được dịch đúng nghĩa là " hôn trầm và thùy miên." "Hôn trầm" chỉ trạng thái nặng nề của cơ thể. "Thùy miên" chỉ trạng thái mở tối của tâm thức. Nó được đặc trưng bởi tâm lý buồn ngủ, không động lực, thiếu năng lượng, và thường xuyên được thể hiện qua một trạng thái của trầm cảm. Trong Phật Giáo nó được ví như "sự tù túng." Bạn thấy mình bị giam trong một căn phòng. Nó trở nên rất khó để tạo nên bất cứ nỗ lực về tâm trí và thể xác. Vậy để tiếp tục hành trình của mình, bạn chỉ còn một lựa chọn. Bạn cần phải tìm cách ra khỏi cái hố đó, căn phòng đó. Triền cái thứ tư được gọi là "trạo hối." Nó là trạng thái của tâm không yên. "Tâm không yên" có nghĩa là tâm trí bạn không chịu ở yên. (Tiếng cười) Ở yên tại đâu? Ở yên tại hiện tại. Một tâm trí không yên thì hoặc là đang lo lắng về tương lai hoặc đang trở về quá khứ và chối bỏ, phán xét về một sự kiện đã xảy ra trong quá khứ của họ. Nó được ví như tâm của khỉ vượn, không ngừng chuyền từ cành này qua cành khác, không thể ở yên quá lâu tại thời điểm hiện tại. Vấn đề là ta không còn thời gian để thấy mọi thứ rõ ràng nữa. Triền cái cuối cùng trong năm triền cái được gọi là "nghi," và nó liên hệ rất mật thiết với một trạng thái tâm trí được dựa trên sự thiếu quyết đoán. Rất dễ để bị đắm chìm trong suy nghĩ ở trạng thái đó. Mình có làm được không? Đây có phải con đường đúng không? Người khác sẽ nói ra sao? Nếu thế này? Nếu thế kia? Tâm trí không thể đồng bộ với hành động của nó nữa. Và kết quả là bạn đang bị ngắt kết nối với mục tiêu và ước nguyện mà bạn đã đặt ra cho bản thân. Khi con đường chứa đầy ngờ vực, nhiều lúc bạn sẽ dừng lại thay vì bước tiếp. Đó là năm triền cái mà ta đã biết, nhưng ta sẽ làm gì với nó? Bạn cần phải căn chỉnh và xây dựng cuộc sống của bạn theo cách ngăn không cho những triền cái đó phát sinh. Nếu bạn không thành công, bạn sẽ phải có kĩ thuật nhằm để loại bỏ nó. Từng triền cái này tạo nên một đám mây đen trong tâm trí bạn, và trên đường bạn leo lên đỉnh. Chỉ cần nhớ một điều rằng: Hãy cứ để nó mưa. (Tiếng mưa) Đây là một phương pháp có bốn bước giúp bạn loại bỏ những triền cái đó. Bước đầu tiên là nhận diện trạng thái tâm trí của bạn lúc đó. [Nhận diện, Chấp nhận, Tìm hiểu, Không nhận dạng] Sau đó bạn cần phải học cách chấp nhận, công nhận, và để cho tình huống hay con người đó là những gì nó vẫn là, hoặc là những gì họ vẫn là. Tìm hiểu trạng thái tâm trí và xúc cảm của bạn, và đặt câu hỏi: Tại sao nó lại phát sinh? Hậu quả sẽ là gì nếu ta tiếp tục ở trạng thái đó? Và cuối cùng, không nhận diện có nghĩa là: Nó là một bài thực hành. Ta không phải là cơ thể. Ta không phải là tâm trí. Ta không phải là xúc cảm. Nó chỉ là ta có thể nhìn thấy cả ba khía cạnh này của bản thân. Tất cả dòng đời của chúng ta, tất cả cuộc sống của ta quá độc nhất để làm theo con đường của người khác. Để đem lại ý nghĩa cho cuộc đời của bạn, đem lại giá trị cho cuộc đời của bạn, bạn cần phải học và làm chủ bản thân, và đừng để những chướng ngại ngăn cản bạn. Nếu một trong số các bạn lựa chọn đi theo con đường giác ngộ, Tôi sẽ rất vui để gặp bạn tại đỉnh núi. (Tiếng nhạc) (Tiếng vỗ tay)